Theo Từ điển tiếng Việt, sách được hiểu là “tập hợp một số loại giấy nhất định được in ra, đóng lại với nhau thành một cuốn sách”. Tuy nhiên đây chỉ là định nghĩa nhằm diễn tả hình thức bên ngoài của sách. Định nghĩa đúng nhất về sách có thể hiểu là một loại hình lưu trữ của con người bao gồm các văn bản, hình ảnh được viết tay hoặc in ấn và gần đây là được tạo ra nhờ các công cụ máy tính, được gọi là sách điện tử hay ebook.
Hình thức đầu tiên của sách đã xuất hiện từ rất lâu trước đây, được người Sumer, người Babylon và người Lưỡng Hà cổ xưa sử dụng. Đó là những tấm đất sét được khắc chữ bằng dụng cụ gọi là bút trâm.
Phát triển hơn nữa ta có các cuộn sách (book roll) hay cuộn giấy (scroll) của người Ai Cập và La Mã cổ đại, loại sách này có chất liệu khá gần với sách hiện đại, được tạo thành từ nhiều tờ giấy papyrus (một loại giấy được làm từ lõi cây sậy) ghép lại với nhau. Tuy nhiên loại giấy này có đặc điểm rất giòn và dễ gãy, không phù hợp với vùng khí hậu ẩm ướt bởi nó dễ bị phân hủy trong vòng chưa tới 100 năm.
Sau đó người Ba Tư, người Do Thái và người ở vùng Trung Đông cổ đại đã sử dụng loại giấy bằng da để làm sách. Việc sản xuất giấy da đã được vua Pergamum – Eumenes II cải tiến vào thế kỷ thứ II TCN. Từ đó, việc sử dụng loại giấy này đã tăng lên rất nhiều. Vào thế kỷ VI sau CN, giấy da đã trở thành phương tiện để viết thay thế gần như hoàn toàn cho giấy papyrus.
Những giai đoạn sau đó, quy trình sản xuất sách đã phát triển đến đỉnh cao là thế kỷ XIX với cuộc cách mạng công nghiệp, để ra đời loại sách viết sử dụng giấy hiện đại như ngày nay.
Việc in sách được bắt đầu thực hiện lần đầu tiên từ những năm 868, với trang đầu của cuốn kinh Phật Jingangjing. Đến thế kỷ VI việc in bằng ván gỗ đã xuất hiện tại Trung Quốc.
Thế kỷ thứ XV với sự ra đời của hai kỹ thuật mới đã tạo ra cuộc cách mạng trong sản xuất sách ở châu Âu cũng như toàn thế giới. Thứ nhất là giấy mà người châu Âu đã học được từ các quốc gia đạo Hồi (vốn dĩ các quốc gia này đã học được cách làm giấy từ Trung Quốc). Thứ hai là việc in bằng các chữ rời kim loại mà người châu Âu tự phát minh ra.
Thế kỷ XIX – XX, cuộc cách mạng công nghiệp khiến việc xuất bản sách được cơ giới hoá cao. Từ khâu làm giấy, sử dụng các loại bìa giấy và bìa vải, các máy in tốc độ cao, kiểu in xếp chữ đúc cơ khí, xếp chữ bản in chụp, sao chép lại cả văn bản và hình ảnh đã cho phép ngành xuất bản của thế kỷ XX tạo ra số lượng sách khổng lồ với giá thành tương đối thấp.
Sau quá trình ra đời và phát triển của sách truyền thống, thời đại công nghệ số bùng nổ với những thiết bị công nghệ – điện tử hiện đại. Cùng với sự phát triển ấy, sách cũng “tiến hóa” từ những trang giấy đơn thuần thành những cuốn sách được mã hóa bằng những dòng lệnh chạy trên chương trình máy tính, được gọi là ebook.
Sách điện tử (ebook): là loại sách không dùng giấy xuất hiện từ những năm cuối của thập kỷ 1990 khi một số thiết bị điện tử được đưa ra thị trường. Với ebook, người dùng có thể dùng các thiết bị có kết nối Internet để tải về hoặc đọc trực tuyến trên các thiết bị này.
Sách là loại hình lưu trữ kiến thức, trải nghiệm của nhân loại. Những giá trị nhân loại từ khi xuất hiện đến nay đều được lưu trữ bằng sách và được lưu truyền tới tận ngày nay.
Từ xưa tới nay, sách được coi là người bạn lớn của con người. Nhân loại sẽ không thể tiến bộ nếu không có sách. Sách chính là động lực phát triển của toàn nhân loại. Vậy, sách có vai trò rất quan trọng với cuộc sống:
Thật khó có thể kể hết được vai trò của sách với cuộc sống con người. Mỗi người với mỗi tư duy, nhận thức khác nhau sẽ cảm nhận những điều khác nhau mà sách đem lại cho bản thân mình.
Về văn hóa đọc ta có thể hiểu theo hai nghĩa, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Với nghĩa rộng, đó là cách ứng xử, giá trị đọc và các chuẩn mực của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội, các nhà quản lý và của cơ quan quản lý nhà nước. Còn nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, gồm các thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thời đại công nghệ số bùng nổ với sự ra đời của các phương tiện hiện đại giúp ích cho con người. Smartphone, máy tính cá nhân, máy tính bảng,… khiến con người dần xa rời sách để đến với những thú vui giải trí trực tiếp, kích thích sự vui thú nhanh chóng hơn trên mạng, điển hình là YouTube, Facebook, TikTok… Vậy nên, dường như trong thời đại công nghệ số, văn hóa đọc đang dần bị mai một đi chăng?
Có thể đúng, nhưng văn hóa đọc trong thời đại này vẫn còn chỗ đứng và vẫn còn rất vững chắc. Bởi đây là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của con người, chẳng qua văn hóa đọc giờ đây đã phát triển dưới một “nhận dạng” khác để thích nghi với thời đại mới. Thay vì chỉ có thể thực hành văn hóa đọc thông qua sách báo truyền thống, thời đại 4.0 chúng ta còn có thể tiếp cận với văn hóa đọc chỉ bằng chiếc smartphone nhỏ bé của mình. Có thể nói, cả thế giới rộng lớn đã được thu nhỏ vào trong một chiếc điện thoại bé nhỏ. Chỉ cần sở hữu một thiết bị không quá đắt tiền và có kết nối Internet là con người có thể tiếp cận với vô vàn thông tin mà nếu biết tận dụng thì đó sẽ là tài nguyên vô hạn giúp ích bản thân trong cuộc sống.
Với tư cách khởi nguồn của văn hóa đọc, sách giấy có quá trình ra đời và phát triển lâu đời, tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển của con người. Nó chính là “nhân chứng sống” của lịch sử khi ghi chép toàn bộ quá trình phát triển của nhân loại.
Là “đứa con của công nghệ thông tin”, ebook trong thời đại ngày nay đã rất phổ biến, là điều quen thuộc với mỗi người. Thậm chí, có những người không có một cuốn sách giấy nào nhưng lại sở hữu một kho ebook cực lớn.
Có thể nói, sách ebook là bước đột phá của con người về văn hóa đọc. Ebook được coi là phương pháp hữu hiệu để giải quyết những nhược điểm của sách giấy truyền thống:
Mặc dù có rất nhiều ưu điểm và mang tính hiện đại cực cao nhưng ebook vẫn mang trong mình những nhược điểm làm người dùng phân vân khi chọn lựa.
Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của công nghệ và thông tin trong những năm gần đây, người người nhà nhà đều sở hữu điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử, mạng internet phổ cập tới mọi nơi kể cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Vậy liệu ebook có thật sự đang thắng thế trong cuộc đua tới vị trí thống trị trong văn hóa đọc? Đây là câu trả hỏi rất khó, tới tận giờ vẫn còn nhiều tranh cãi.
Với vị trí vững chắc trong xã hội của mình, sách giấy luôn được rất nhiều người sử dụng mặc cho sự lên ngôi của ebook.
Nhóm nghiên cứu Picodi đã tiến hành một cuộc khảo sát liên quan đến thói quen đọc sách và mua sách của người Việt và một số quốc gia khác. Khảo sát được thực hiện vào tháng 3/2019 và thu về kết quả từ 7.800 người đến từ 41 quốc gia. Kết quả cho thấy, 54% người được hỏi đã mua sách giấy tại cửa hàng truyền thống và 29% đặt mua sách giấy tại cửa hàng sách online. Trong khi đó, tỷ lệ người mua sách ebook và sử dụng nền tảng đọc sách online có trả phí đều chỉ chiếm 1%.
Lý do cho điều này chính là những ưu điểm lớn mà sách giấy mang lại. Cảm giác chân thực, giá trị sở hữu cũng như trưng bày của nó, và hơn hết sách giấy chính là sự thoát ly khỏi xã hội hiện đại vốn xô bồ và tấp nập. Điện thoại, laptop, các thiết bị điện tử ngày nay là vật bất ly thân của mỗi người, nhiều lúc chúng ta còn tiếp xúc với chúng nhiều hơn là với người thân. Chính điều này đã đặt ra vấn đề về thái độ, cách cư xử của thế hệ trẻ hiện đại với cuộc sống khi họ chỉ biết đến các thiết bị điện tử. Ebook thì phải có thiết bị điện tử, tức là còn mắc vào cuộc sống hiện đại bộn bề, việc tìm đến sách giấy là tìm đến một không gian yên tĩnh, trở về với cuộc sống mang những giá trị cơ bản nhất.
Một điều nữa là do khả năng tập trung của sách giấy thường được đánh giá là tốt hơn ebook bởi tránh được những điều kiện khác tác động làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin.
Dẫu sách giấy hiện vẫn phổ biến trong thói quen đọc sách của đại đa số mọi người nhưng không thể phủ nhận ebook đã và đang thay đổi cơ bản văn hóa đọc của xã hội và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong lòng độc giả.
Mặc cho những ưu điểm mà ebook còn tồn tại, với công nghệ phát triển, con người đã ngày càng phát minh ra các thiết bị chuyên dùng cho việc đọc ebook, tạo cảm giác chân thật nhất cho người sử dụng. Điển hình là sự ra đời của máy đọc sách mà nổi bật là thương hiệu Kindle của Amazon. Máy đọc sách đã giải quyết được hầu hết những nhược điểm lớn nhất mà ebook gặp phải. Nhiều người sau khi đọc ebook bằng loại máy này thì lại trở nên hứng thú, thích đọc hơn. Đó là do trải nghiệm mới mẻ mà máy đọc sách đem lại cho người đọc, chính cảm giác này sẽ kích thích sự hứng thú khi đọc sách. Chính vì vậy mà số lượng người sử dụng Kindle và các dòng máy đọc sách khác là đang ngày càng tăng lên và dần trở thành xu hướng toàn cầu.
Máy đọc sách cũng giải quyết những vấn đề tồn tại trên các thiết bị điện tử hiện nay. Một thiết bị sinh ra để đọc sách sẽ được thiết kế giống nhất với một trang sách giấy. Những vấn đề về màn hình sẽ được giải quyết hoàn toàn với công nghệ E-ink bảo vệ mắt người dùng đồng thời tạo cảm giác chân thật nhất khi đọc. Cùng với đó là sự tiện dụng khi lưu trữ được hàng nghìn cuốn sách cùng lúc và khả năng đồng bộ, mua và tải sách trực tiếp từ kho sách hoặc từ các nguồn khác. Đây hứa hẹn sẽ tạo ra một văn hóa đọc sách mới cho giới trẻ, những người yêu công nghệ và yêu sách.
Mỗi người đều có một sở thích riêng, thế nên việc lựa chọn đọc sách truyền thống hay sách điện tử là tùy thuộc sở thích và nhu cầu của mỗi người. Nếu bạn yêu thích cảm giác của sách giấy thì hãy lựa chọn sách giấy. Nếu bạn muốn sự tiện lợi, có thể mang đi bất cứ đâu, bất cứ lúc nào thì ebook là sự lựa chọn hàng đầu.
Không có lựa chọn nào là tốt nhất bởi ý thức chủ quan của mỗi người dùng sẽ quyết định cách họ muốn tiếp cận. Tuy nhiên để tận dụng tốt nhất chúng ta có thể kết hợp cả hai cách đọc này, khai thác triệt để những ưu điểm nổi bật nhất của sách giấy và ebook từ đó phục vụ cho bản thân trong việc đọc sách.
Trên đây là phân tích về vấn đề sách giấy và sách điện tử, đó là những ý kiến chủ quan, có thể chưa phù hợp với một số người. Hi vọng qua bài viết này các bạn sẽ có cho mình quyết định phù hợp để tạo thói quen đọc sách tốt nhất. Chúc các bạn thành công và tiếp cận được bến bờ tri thức.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!