Hướng nghiệp là quá trình quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến sự nghiệp và ngày càng được chú trọng trong giáo dục. Hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin về định hướng nghề nghiệp trôi nổi trên mạng xã hội và truyền thông, gây bối rối cho các bạn học sinh, sinh viên. Liệu đâu mới là nguồn thông tin tham khảo chất lượng?
Tình trạng mất định hướng nghề nghiệp không chỉ bắt gặp ở học sinh cấp 3 chuẩn bị lên đại học. Theo một khảo sát của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội, rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp do thiếu định hướng.
Để tránh tình trạng hiểu mơ hồ về ngành nghề, không hiểu rõ bản thân dẫn đến chọn sai ngành, các bạn có thể tìm đến những cách sau:
1. Tham khảo từ gia đình và bạn bè
Nếu bạn vẫn đang băn khoăn về thế mạnh của bản thân, đây là điều đầu tiên bạn nên làm. Vốn là những người thân cận với bạn nhất, gia đình hay bạn bè có thể chỉ ra được những ưu điểm, khuyết điểm hay tiềm năng – điều cốt lõi phải xác định khi hướng nghiệp – mà bạn chưa nhận thấy bằng nhận thức cá nhân. Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể khai thác được góc nhìn chân thực của “người trong ngành” nếu có người quen đang công tác trong những ngành bạn đang quan tâm.
Một điểm cộng rất lớn khi tham khảo từ mạng lưới quan hệ thân cận chính là việc bạn sẽ nhận được những lời khuyên phù hợp với hoàn cảnh. Không chỉ là sở thích hay thế mạnh, ngành học bạn nên chọn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình tài chính, truyền thống gia đình, triển vọng phát triển,… Vì vậy khi hỏi người thân, họ sẽ cân nhắc những yếu tố này, tránh những câu trả lời chung chung.
2. Tham gia các buổi hướng nghiệp của trường
Các trường THPT và Đại học trên cả nước hiện nay đều thường xuyên tổ chức các chương trình định hướng cho học sinh, sinh viên. Bởi đây thường là những sự kiện lớn do Bộ Giáo dục tổ chức, mời những thầy cô có nhiều kinh nghiệm trong công tác hướng nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực nên bạn có thể yên tâm đặt câu hỏi, bày tỏ khúc mắc của mình nhờ thầy cô giải đáp.
Bên cạnh đó, do là một sự kiện mang tính chất mở, bạn còn có thể lắng nghe thêm câu chuyện, thắc mắc của các bạn khác cùng lời giải đáp, qua đó rút ra nhiều kinh nghiệm và có góc nhìn rộng hơn cho bản thân. Ngày hội hướng nghiệp cũng là nơi quy tụ rất nhiều trường đại học đến tư vấn, biết đâu khi tham dự bạn sẽ tìm được “bến đỗ” của đời mình thì sao?
3. Đăng ký các khóa tham vấn nghề nghiệp
Nếu có điều kiện tài chính và cần một sự định hướng chuyên sâu mang tính cá nhân, các khóa tham vấn nghề nghiệp uy tín sẽ là lựa chọn tối ưu. Các khóa tham vấn cho phép bạn được trò chuyện và hướng dẫn 1-1 bởi các chuyên gia về hướng nghiệp, làm các bài test tính cách và khai mở các khía cạnh khác của bạn.
Tuy cách hướng nghiệp này có hạn chế do phải tốn một khoản tiền không nhỏ nhưng giá trị mang lại là hoàn toàn xứng đáng và có thể tham khảo lâu dài. Dưới dạng nói chuyện mặt đối mặt, bạn có toàn quyền “khai thác” thông tin của các nhà tư vấn, thoải mái hỏi những câu mà bạn ngại giơ tay trong các ngày hội hướng nghiệp công khai, đồng thời cũng không rơi vào tình trạng hoang mang khi không có nhiều quan hệ thân thiết để nhờ định hướng.
4. Theo dõi trang cá nhân của người có chuyên môn
Theo dõi người có chuyên môn là một gợi ý hay, dễ dàng thực hiện khi mạng lưới kết nối trên mạng xã hội đang bùng nổ hơn bao giờ hết. Chỉ cần bỏ ra vài phút tìm tòi, bạn hoàn toàn có thể tìm và theo dõi những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực hướng nghiệp hoặc các ngành nghề khác mà bạn quan tâm. Đọc các bài chia sẻ của họ sẽ giúp bạn hình dung được công việc tương lai hay mức độ thích hợp của bạn đối với ngành ấy, từ đó giúp ích cho công cuộc chọn nghề. Bạn cũng có thể nhắn tin trực tiếp những câu hỏi của mình để nhờ tư vấn đó!
Trên đây là những nguồn thông tin bạn có thể tin tưởng khi định hướng nghề nghiệp. Nếu còn biết thêm nguồn tham khảo nào khác, hãy chia sẻ với BlogAnChoi dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Những tổ chức uy tín dành cho bạn trẻ thích hoạt động ngoại khoá để phát triển bản thân
- Sinh viên làm gì nếu không tham gia câu lạc bộ hay làm thêm?
- Học song ngành là gì? Những điều cần biết khi học song ngành