COVID-19 không phải là đại dịch đầu tiên mà nhân loại từng đối mặt trong lịch sử, nhưng liệu cơn khủng hoảng lần này có đi theo kịch bản như những đại dịch trước hay không? Câu trả lời chắc chắn không đơn giản.

Đại dịch COVID-19 liệu có thể kết thúc?

Chúng ta đã bước qua cột mốc một năm rưỡi sống chung với virus SARS-CoV-2 và đại dịch COVID-19 mà nó gây ra. Tại thời điểm này có lẽ tất cả mọi người trên toàn thế giới đang tự hỏi mình hai câu hỏi giống nhau: Cơn ác mộng này sẽ kết thúc như thế nào? Và khi nào mới đến ngày đó?

COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc (Ảnh: Internet).
COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc (Ảnh: Internet).

Có một khả năng – dù khá mong manh – là con người có thể ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 và đẩy lùi nó trở lại môi trường hoang dã, như đã từng làm được với “người anh em” của nó là virus SARS hồi năm 2003. Nhưng cánh cửa đó dường như đã bị đóng chặt từ lâu. Một lựa chọn khác là tiêm vắc-xin tuy nhanh chóng nhưng lại khá tốn kém mà không phải quốc gia nào cũng có thể đạt được trong tương lai gần.

Tình hình hiện nay nghe có vẻ khá ảm đạm, nhưng đừng tuyệt vọng. Sự thật là các đại dịch luôn có điểm kết thúc. Nhưng trong lịch sử từ xưa đến nay vắc-xin ít khi đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt dịch bệnh (điều đó không có nghĩa là lần này vắc-xin không cần thiết, nhờ vắc-xin mà số người tử vong vì COVID-19 sẽ ít hơn).

Lịch sử về những đại dịch cúm đã qua

Đại dịch cúm năm 1918 gây kinh hoàng cho cả thế giới (Ảnh: Internet).
Đại dịch cúm năm 1918 gây kinh hoàng cho cả thế giới (Ảnh: Internet).

Trên thực tế không có vắc-xin chủng ngừa cúm vào năm 1918, thời kỳ mà thế giới vẫn chưa biết rằng đại dịch đó do một loại virus tên H1N1 gây ra. Năm 1957 khi đại dịch H2N2 càn quét thế giới, vắc-xin cúm chủ yếu chỉ dành cho quân đội.

Trong đại dịch năm 1968 do chủng cúm H3N2, nước Mỹ đã sản xuất gần 22 triệu liều vắc-xin, nhưng đúng lúc chuẩn bị sẵn sàng thì đỉnh dịch đã trôi qua và nhu cầu tiêm vắc-xin giảm xuống. Hiện tượng “lệch pha” đó lại tái diễn vào năm 2009 khi thế giới đã có khả năng sản xuất hàng trăm triệu liều vắc-xin H1N1. Thậm chí khi đó một số quốc gia đã hủy bỏ phần lớn đơn đặt hàng của mình vì cuối cùng họ không cần đến chúng nữa.

Dịch cúm năm 2009 còn được gọi là cúm lợn (Ảnh: Internet).
Dịch cúm năm 2009 còn được gọi là cúm lợn (Ảnh: Internet).

Vậy những đại dịch đó đã kết thúc như thế nào? Thực ra virus không biến mất hoàn toàn: một hậu duệ của virus cúm Tây Ban Nha vẫn còn lưu hành cho đến ngày nay (H1N1 hiện đại), và điều tương tự cũng đúng với H3N2. Con người cũng không phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng đối với chúng (hiện tượng mầm bệnh ngừng lây lan vì có rất nhiều người miễn dịch sau khi đã bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm ngừa).

Trên thực tế các virus gây ra các đại dịch này đã trải qua quá trình chuyển đổi. Hay chính xác hơn là bản thân con người chúng ta đã thay đổi. Hệ miễn dịch của chúng ta đã “quen” với mầm bệnh đến mức đủ để chống lại những biểu hiện nguy hiểm nhất của bệnh đó, ít nhất là trong hầu hết các trường hợp.

Con người và virus đã đạt đến ngưỡng cân bằng: thay vì những cơn sóng thần thảm khốc, theo thời gian, các loại virus này chỉ còn gây ra những đợt bùng phát nhẹ mà thôi. Đại dịch cúm ngày nay đã trở thành bệnh cúm theo mùa, và các virus toàn cầu đã trở thành lưu hành địa phương.

Nếu mô hình này tiếp tục lặp lại – và rất nhiều khả năng sẽ như vậy – thì một lúc nào đó SARS-CoV-2 sẽ gia nhập vào nhóm gồm một số ít coronavirus ở người gây bệnh cảm lạnh, chủ yếu là vào mùa đông khi các điều kiện môi trường trở nên thuận lợi cho sự lây lan của chúng.

Vậy khi nào điều đó sẽ xảy ra? Đó là một câu hỏi lớn không dễ trả lời.

COVID-19 khi nào mới rút lui?

Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu về coronavirus của Tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã qua khỏi giai đoạn cấp tính này rồi”. Tuy nhiên ý kiến của bà bị ảnh hưởng bởi quan điểm cứng rắn cho rằng thế giới có thể ngăn chặn đại dịch nếu các quốc gia chỉ thực hiện các bước đi như New Zealand, Việt Nam và những nước khác đã làm và kiểm soát được sự lây lan.

Chuyên gia Maria Van Kerkhove của WHO (Ảnh: Internet).
Chuyên gia Maria Van Kerkhove của WHO (Ảnh: Internet).

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với trang STAT, Van Kerkhove nói rằng: “Không có thứ gì – kể cả các biến thể của virus – cho thấy chúng ta chưa thể thoát khỏi giai đoạn cấp tính. Bởi vì điều này là có thể kiểm soát được.”

Kinh nghiệm từ 4 đại dịch gần đây nhất như đã đề cập ở trên cho thấy rằng virus sẽ biến đổi từ đại dịch toàn cầu thành dịch lưu hành địa phương trong vòng khoảng một năm rưỡi sau khi xuất hiện. Nhưng tất cả những đại dịch đó đều là bệnh cúm. Một mầm bệnh khác có thể sẽ đi theo một mô hình khác.

Có thể đã từng xảy ra đại dịch coronavirus trước đây: một giả thuyết cho rằng đại dịch vào năm 1889 được giới y học gọi là “cúm Nga” có thể thực sự là do một trong những coronavirus ở người mang tên OC43 gây ra. Tất cả 4 coronavirus ở người hiện nay được cho là đã “nhảy” từ một loài động vật khác sang, trong đó OC43 được cho là đến từ gia súc, có thể là vào cuối những năm 1800. Nhưng rốt cuộc đây vẫn chỉ là giả thuyết, vì tất cả mọi chuyện đã xảy ra trước khi ngành virus học hiện đại phát triển.

Tranh vẽ mô tả dịch cúm Nga năm 1889 (Ảnh: Internet).
Tranh vẽ mô tả dịch cúm Nga năm 1889 (Ảnh: Internet).

Không có tài liệu lịch sử nào ghi nhận mức độ bệnh tật và đặc biệt là bệnh nặng mà các coronavirus khác gây ra khi chúng bắt đầu lây nhiễm sang người, hoặc mất bao lâu để chúng chuyển sang trạng thái lưu hành địa phương. Do đó các đại dịch cúm là nguồn tư liệu gần nhất mà chúng ta có thể tham khảo.

Jennie Lavine, nhà sinh học tại Đại học Emory và là tác giả của bài báo về mô hình dịch bệnh được xuất bản trên tạp chí Science, cho biết: “Trong lịch sử gần đây tất cả đều là bệnh cúm, và thời gian diễn ra trong vòng vài năm.”

Nhà nghiên cứu Jennie Lavine thuộc Đại học Emory (Ảnh: Internet).
Nhà nghiên cứu Jennie Lavine thuộc Đại học Emory (Ảnh: Internet).

Lavine và các cộng sự dự đoán rằng khi những người lớn tuổi – đối tượng dễ nhập viện và tử vong nhất vì COVID-19 – đã có kinh nghiệm đối phó với virus thì nó sẽ không còn gây ra bệnh nặng nữa, ít nhất là với hầu hết những người đó (không có gì là tuyệt đối cả, chẳng hạn như bệnh cúm đôi khi vẫn gây tử vong cho những người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh).

Các tác giả kết luận rằng việc “huấn luyện” cho hệ thống miễn dịch có thể sẽ biến COVID-19 trong tương lai thành gần giống như cảm lạnh. Theo thời gian, khi mức độ bảo vệ trở nên phổ biến hơn ở người lớn thì đối tượng dễ mắc COVID-19 nhất sẽ là trẻ nhỏ, vốn rất ít khi gặp các triệu chứng nghiêm trọng nếu chẳng may bị nhiễm. Đó là mô hình của bệnh do coronavirus ở người.

Liệu COVID-19 có trở thành một dạng cảm lạnh thông thường? (Ảnh: Internet).
Liệu COVID-19 có trở thành một dạng cảm lạnh thông thường? (Ảnh: Internet).

Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Harvard, cho biết đó là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất. Theo ông, nhìn chung hầu hết mọi người đều có một dạng miễn dịch nào đó do bị nhiễm bệnh tự nhiên hoặc tiêm chủng, và miễn dịch đó sẽ tồn tại đủ lâu để họ không bị bệnh nặng khi mắc lại. Khi đó dịch bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn lưu hành địa phương.

SARS-CoV-2 vẫn có thể tồn tại bên cạnh chúng ta khi đại dịch kết thúc. Sẽ không ngạc nhiên nếu con người không đạt được miễn dịch cộng đồng, vấn đề chỉ là khi COVID-19 trở thành dịch lưu hành địa phương thì mức độ bệnh mà nó gây ra là nhẹ hay nặng mà thôi. Khả năng cao đó chỉ là dịch bệnh nhẹ.

Không chỉ có một mình Lavine nghĩ rằng thế giới sẽ không kiểm soát được sự lây lan của SARS-CoV-2 thông qua miễn dịch cộng đồng. Hồi đầu năm nay, Jonathan Yewdell, một nhà điều tra cao cấp về sinh học tế bào và miễn dịch học virus tại Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đã nêu ý kiến trên tạp chí PLOS Pathogens cho rằng coronavirus không kích hoạt phản ứng miễn dịch lâu dài mà chúng ta cần có để duy trì miễn dịch cộng đồng.

COVID-19 có thể trở thành dịch bệnh lưu hành địa phương giống như cúm?

SARS-CoV-2 dạng lưu hành địa phương sẽ có mô hình theo mùa, lây lan vào những tháng mùa đông khi trẻ em đi học và khi chúng ta tiếp xúc với nhau nhiều hơn trong nhà. Florian Krammer, nhà nghiên cứu vắc-xin tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, New York, nói rằng ban đầu một số đợt bệnh theo mùa này có thể nghiêm trọng, nhưng không đến mức như đại dịch.

Theo Krammer, ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và nền tảng miễn dịch kém thì các đợt bệnh ban đầu có thể nặng hơn một chút. Còn ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao thì bệnh có thể rất nhẹ.

Nhà nghiên cứu Florian Krammer (Ảnh: Internet).
Nhà nghiên cứu Florian Krammer (Ảnh: Internet).

Các nhà nghiên cứu cho rằng quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra vào các thời điểm khác nhau ở các nước khác nhau. Krammer cho rằng sự khác biệt sẽ rất lớn giữa phương Tây và những nước khác không có đủ vắc-xin để tiêm. Còn Lavine tin rằng sự chuyển đổi có thể xảy ra khá sớm ở các quốc gia như Mỹ đã có mức độ lây nhiễm cao và nhiều người được tiêm chủng.

Một số chuyên gia khác lại thận trọng hơn về vấn đề này. Nhà sử học John Barry, người đã viết một bài tường thuật chi tiết về đại dịch cúm Tây Ban Nha, lưu ý rằng có sự khác biệt đáng kể giữa lây nhiễm COVID-19 so với bệnh cúm. Thời gian ủ bệnh – tính từ khi tiếp xúc với mầm bệnh cho đến khi có triệu chứng – của COVID-19 lâu hơn, người bệnh lâu khỏi hơn, và thời kỳ lây nhiễm cũng dài hơn.

(Bạn có thể đọc thêm trong bài viết: COVID-19 và cảm cúm thông thường: Bạn đã biết 10 điểm khác nhau giữa chúng hay chưa?)

Theo Barry, điều này giống như dịch cúm ở dạng “tua chậm”. Các làn sóng lây nhiễm của đại dịch cúm kết thúc đột ngột và không còn lây lan chỉ sau vài tuần, nhưng COVID-19 thì không như vậy. Thay vào đó, hành vi của con người dường như chính là tác nhân quyết định diễn tiến của dịch bệnh, chẳng hạn như giãn cách xã hội hay mở cửa trở lại.

Giãn cách xã hội giúp ngăn chặn sự lây lan của virus (Ảnh: Internet).
Giãn cách xã hội giúp ngăn chặn sự lây lan của virus (Ảnh: Internet).

Nhà dịch tễ học Lipsitch lo lắng rằng những làn sóng bùng phát gần đây ở Brazil và Ấn Độ là lý do chúng ta nên thận trọng khi nói rằng sự chuyển đổi có thể đang đến gần. Cả hai quốc gia này đều đã bị lây nhiễm đáng kể trong thời kỳ đầu của đại dịch, nhưng sau đó vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề do làn sóng thứ hai với các biến thể mới nguy hiểm hơn.

Cécile Viboud, một nhà nghiên cứu về mô hình các bệnh truyền nhiễm và đã nghiên cứu sâu rộng về các đại dịch cúm, cũng tin rằng đại dịch này sẽ kết thúc với kịch bản SARS-CoV-2 trở thành dịch lưu hành địa phương, nhưng không chắc chắn khi nào.

Viboud hiện đang làm việc tại Trung tâm Quốc tế Fogarty của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho rằng coronavirus gây cảm lạnh theo mùa sẽ nhẹ hơn COVID-19, hoặc SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục đe dọa chúng ta bằng các biến thể mới, nhất là khi nó phải chịu áp lực tiến hóa do nhiều người được tiêm chủng. Vì vậy vẫn phải thận trọng, dù sao chúng ta cũng mới chỉ có dữ liệu của khoảng 15 tháng mà thôi.

Các biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện (Ảnh: Internet).
Các biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện (Ảnh: Internet).

Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, cũng đồng ý như vậy. “Chúng ta không biết mình đang ở đâu vì đây là đại dịch đầu tiên do coronavirus SARS gây ra. Theo quan điểm của tôi, nếu phải dự đoán thì… chúng ta thậm chí còn chưa đến gần điểm kết thúc của nó.”

Ryan cũng đồng ý với quan điểm của Van Kerkhove, cho rằng các quốc gia không nên chờ đợi vắc-xin hoặc chờ virus chuyển sang dạng lưu hành địa phương, mà nên sử dụng các công cụ khác đã được chứng minh là có thể ngăn chặn lây nhiễm.

Ông cho rằng chúng ta có thể kiểm soát COVID-19 để nó không còn là một đại dịch gây tử vong cao và làm quá tải các bệnh viện như hiện nay. Khi đó nó sẽ không còn là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nữa.

COVID-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất, nhưng việc tuân thủ các biện pháp phòng bệnh sẽ giúp chúng ta tránh được những đợt bùng phát kinh hoàng như hiện nay. Hãy tự bảo vệ mình và cộng đồng bằng cách thực hiện đúng khuyến cáo y tế bạn nhé!

Bài viết sử dụng tư liệu từ startnews.com

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

4 dấu hiệu cho thấy bạn đang đánh răng quá mạnh và cách khắc phục để chăm sóc răng miệng tốt hơn

Khi đánh răng, điều bạn cần làm không phải là dùng sức thật mạnh mà là phải chải kỹ khắp mọi nơi trong miệng. Sau đây là 4 dấu hiệu cho thấy bạn đang đánh răng quá mạnh và cách để khắc phục, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
User 4f95e281

dịch covid 19 quá phức tạp