Hiện nay, bệnh sùi mào gà không còn là bệnh xa lạ đối với mọi người. Bệnh nhiều khi khó chữa và ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người bệnh. Câu hỏi “bệnh sùi mào gà có khỏi được không?” là thắc mắc của rất nhiều người. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về căn bệnh này nhé!
Bệnh sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà hay còn được gọi là mụn cóc sinh dục do virus HPV gây nên, có thể gặp ở cả nam và nữ. Bệnh có thể lây khi tiếp xúc với mầm bệnh như việc tiếp xúc với vết xước trên da hay niêm mạc, đặc biệt thường gặp sùi mào gà do lây qua đường tình dục, nhất là đối với những người có hành vi tình dục không lành mạnh, có thói quen quan hệ tình dục bằng đường miệng, hậu môn, quan hệ không dùng bao cao su.
Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con, thai nhi sau khi ra ngoài, tiếp xúc với các mụn sùi chứa virus HPV có trong cổ tử cung và tử cung của mẹ nên mắc bệnh.
Triệu chứng của bệnh sùi mào gà
Thông thường, triệu chứng của bệnh sùi mào gà rõ hơn và sớm hơn ở nam so với nữ. Ở nam giới, khi nhiễm bệnh thấy xuất hiện các nốt sùi mào gà ẩm ướt trên bề mặt, nếu tác động vào nó thì sẽ có dịch mủ và máu chảy ra gây ngứa ngáy và khó chịu. Các nốt sùi có thể lan nhanh ra xung quanh bộ phận sinh dục và kích thước lớn nhất nó có thể đạt được là bằng một nắm tay.
Còn ở nữ, biểu hiện lại không rõ ràng và phát hiện ở giai đoạn muộn. Biểu hiện thường gặp là người bệnh sút cân, mệt mỏi, có các u nhú nhỏ xuất hiện ở bộ phận sinh dục nhưng không đau ngứa.
Ta có thể thấy biểu hiện của bệnh sùi mào gà thay đổi qua từng giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: thấy xuất hiện những nốt sùi nhỏ kích thước khoảng 1 – 3mm ở bộ phận sinh dục, khó nhìn thấy bằng mắt thường, màu sắc giống màu da hoặc màu xám. Nếu sờ vào các nốt sùi này có cảm giác ráp tay.
- Giai đoạn nặng: các nốt sùi này phát triển dày đặc và nằm sát nhau tạo thành khối lớn, có thể lên đến vài centimet, hình dáng như mào gà hoặc bông súp lơ. Nếu chạm vào có thể chảy dịch mủ, máu gây ngứa ngáy, khó chịu.
Ngoài ra, người mắc bệnh sùi mào gà khi quan hệ tình dục thường có cảm giác đau, rát, chảy máu ở bộ phận sinh dục. Vùng da biểu hiện bệnh thì luôn có cảm giác ngứa khó chịu.
Ngày nay, chưa có thuốc đặc hiệu để chữa sùi mào gà, vì vậy, nếu phát hiện mình có những triệu chứng lạ như trên, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để khám và tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả, nếu không bạn có thể phải chung sống với căn bệnh này đến hết đời.
Bệnh sùi mào gà có chữa khỏi được không
Do bệnh sùi mào gà không thể tự khỏi và vẫn chưa có thuốc đặc trị nên khi bị bệnh, bệnh nhân cần gặp bác sĩ da liễu để điều trị bệnh, tránh tình trạng phải sống chung với căn bệnh này cả đời. Sùi mào gà có thể chữa khỏi, tuy nhiên bạn cần phải theo dõi tình trạng bệnh trong một thời gian dài (ít nhất là 8 tháng) kể cả sau khi điều trị dù bằng phương pháp nào (dùng thuốc, đốt mụn, phẫu thuật…).
Lí do vì bản chất của bệnh là do virus gây nên, sau khi điều trị loại bỏ được các nốt sùi, bạn cũng không chắc chắn được việc virus đã được tiêu diệt hết hay chưa, mà thời gian ủ bệnh là 8 tháng, vậy nên ít nhất 8 tháng sau khi điều trị mới có thể đánh giá được bệnh đã khỏi hay chưa.
Cách điều trị sùi mào gà hiệu quả
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bệnh nhân được bác sĩ điều trị đề nghị phương pháp chữa bệnh khác nhau. Cách chữa sùi mào gà được chia thành hai phương pháp chính: điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật, vật lý trị liệu như đốt laser, đốt điện, áp lạnh).
Điều trị nội khoa
Thuốc được sử dụng để chữa sùi mào gà thường là thuốc bôi trực tiếp ngoài da, tại vị trí xuất hiện các mụn sùi để chúng bong tróc và tách khỏi da. Khi sử dụng lưu ý chỉ bôi trực tiếp vào vùng da bị bệnh, không bôi vào vùng da lành tính. Tùy vào mức độ biểu hiện bệnh mà bác sĩ chỉ định các loại thuốc khác nhau cho người bệnh.
Một số thuốc bôi thường được sử dụng để điều trị sùi mào gà như Podophyllin, Acid trichloracetic, Imiquimod…Nhiều loại thuốc khi sử dụng có thể mang lại tác dụng phụ không mong muốn như gây kích ứng da, sưng hoặc đau vùng da xung quanh. Bên cạnh đó, thuốc không dùng cho các vùng da nhạy cảm như cổ tử cung, âm đạo, trực tràng… vậy nên khi bị bệnh, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu.
Điều trị ngoại khoa
Chỉ can thiệp ngoại khoa khi dùng thuốc không có hiệu quả hoặc bệnh nhân có các mụn sùi xuất hiện ở bên trong cơ thể, có kích thước lớn hay điều trị đối với phụ nữ đang mang thai. Một số phương pháp điều trị ngoại khoa được sử dụng để chữa sùi mào gà như: áp lạnh với nitơ lỏng, phẫu thuật cắt bỏ mụn sùi, dùng dao mổ điện đốt các nốt sùi, điều trị bằng laser…
Muốn điều trị ngoại khoa sùi mào gà, bạn nên tìm các cơ sở y tế uy tín để thực hiện, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Phương pháp phòng tránh sùi mào gà
Chắc chắn việc phòng bệnh sẽ tốt hơn là chữa bệnh. Vậy nên, trước khi mắc phải căn bệnh xã hội này, bạn nên làm theo một số điều dưới đây để tránh việc mắc căn bệnh dễ lây này.
- Tiêm vacxin sùi mào gà.
- Quan hệ tình dục an toàn. Tìm mua bao cao su chất lượng để đảm bảo an toàn khi quan hệ tình dục.
- Kiểm soát tình trạng cơ thể bằng cách khám sức khỏe định kì.
- Có chế độ sinh hoạt và làm việc khoa học.
Một số bài viết liên quan cùng chuyên mục bạn có thể tham khảo:
- Bệnh sùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị
- Nguyên nhân và triệu chứng bệnh giang mai qua các giai đoạn
- Ung thư vú: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tóm lại, sùi mào gà có thể chữa khỏi, tuy nhiên sẽ phải mất một thời gian dài để chắc chắn xem bệnh đã khỏi hẳn hay chưa. Đồng thời, trong quá trình điều trị bệnh, bệnh cũng mang lại những bất tiện, khó chịu gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, bạn nên phòng tránh cẩn thận trước khi mắc bệnh, và nếu mắc bệnh thì nên điều trị sớm tại các cơ sở y tế uy tín nhé!
Đừng quên ghé thăm chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích bạn nhé!
sức khỏe của mình thì phải lo giữ thôi ko thì cực lắm
bài viết cung cấp kiến thức thực tế và chi tiết lắm!