Thuốc trị hen suyễn có thể gây nghiện? Hay có thể tự ngưng thuốc nếu nhiều ngày không bị lên cơn hen? Đó chỉ là hai trong số nhiều câu hỏi mà không phải ai cũng hiểu rõ về bệnh hen, thậm chí còn lầm tưởng một cách tai hại. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá sự thật trong bài viết này nhé!
- Hen suyễn là bệnh do tâm lý gây ra?
- Các loại thuốc trị hen có thể gây nghiện cho người bệnh?
- Dùng thuốc hen để ngừa cơn mỗi ngày sẽ bị “nhờn thuốc”, đến khi vào cơn hen thật sẽ không còn tác dụng?
- Những loại thuốc hen thuộc nhóm steroid sẽ gây hại cho cơ thể?
- Khi cảm thấy khỏe và không có cơn hen tức là bệnh hen đã “lùi xa mãi mãi” và có thể tự ngưng thuốc?
- Người bị bệnh hen không được phép tham gia các hoạt động thể lực?
Hen suyễn là bệnh rất phổ biến trong cuộc sống hiện nay, được gây ra bởi sự co thắt đường thở khi bị kích thích bởi các tác nhân từ môi trường như khói bụi, lông thú, phấn hoa, trời lạnh hoặc cảm xúc đột ngột…
Mặc dù phần lớn thời gian người mắc hen suyễn có thể sinh hoạt và làm việc như người bình thường nhưng luôn phải sống chung với nỗi lo lên cơn hen trong những tình huống kể trên, do đó lúc nào họ cũng phải mang theo các loại thuốc để dùng khi cần thiết. Cũng chính các thuốc này là nguyên nhân dẫn tới nhiều hiểu lầm từ mọi người xung quanh. Nào, hãy cùng đi tìm sự thật về bệnh hen nhé!
Hen suyễn là bệnh do tâm lý gây ra?
Nhiều người cho rằng bệnh hen được gây ra bởi các vấn đề của tâm lý và cảm xúc, bởi những người mắc bệnh này có thể lên cơn hen khi xúc động, đau buồn hoặc thậm chí cười to.
Suy nghĩ này thực ra không đúng. Những thay đổi cảm xúc kể trên chỉ đóng vai trò là tác nhân kích thích khiến hệ thần kinh phát tín hiệu làm co thắt các cơ trơn của đường thở. Chính sự co thắt này làm thu hẹp dòng khí lưu thông và khiến bệnh nhân hen có các triệu chứng như ho, khó thở, tím tái… Hen suyễn là bệnh của hệ hô hấp và hệ miễn dịch do các phản ứng quá mức với tác nhân kích thích của môi trường, không phải là bệnh tâm lý.
Các loại thuốc trị hen có thể gây nghiện cho người bệnh?
Quan niệm sai lầm này có lẽ bắt nguồn từ hình ảnh những bệnh nhân hen suyễn mỗi khi cảm thấy sắp vào cơn liền lấy lọ thuốc ra hít vài hơi rồi ngay sau đó lại khỏe mạnh bình thường. Tuy bề ngoài có vẻ giống với những người nghiện thuốc lá hay thuốc phiện nhưng về bản chất hai trường hợp này hoàn toàn khác nhau.
Ở những người nghiện thuốc (hay nghiện đồ ngọt, nghiện chất béo cũng vậy), bộ não sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh dopamine tạo cảm giác thỏa mãn sung sướng mỗi khi dùng chất kích thích, do đó khiến người nghiện muốn nạp thêm chất đó ngày càng nhiều để tìm lại cảm giác. Nếu nhu cầu không được đáp ứng họ sẽ trở nên cáu gắt, bứt rứt, vật vã và làm đủ mọi cách để được thỏa mãn.
Nói cách khác các loại “thuốc” trên tác động tới hệ thần kinh và khiến người nghiện trở thành “nô lệ” của chúng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong khi đó bệnh hen hoàn toàn không liên quan gì đến dopamine hay bộ não. Người mắc bệnh hen buộc phải dùng thuốc để ngăn cơn co thắt đường thở có thể khiến họ thiếu oxy đến mức tử vong. Nếu như nghiện thuốc phiện khiến người ta phải dùng thuốc liên tục và mỗi ngày một nhiều hơn thì bệnh hen có thể ổn định trong một thời gian dài, thậm chí suốt nhiều ngày nhiều tháng không hề xuất hiện cơn nào nên người bệnh cũng chẳng cần dùng thuốc.
Như vậy hen suyễn chỉ là một bệnh cần dùng thuốc để điều trị như bao bệnh thông thường khác, không phải là nghiện như nhiều người vẫn đồn thổi đâu nhé!
Dùng thuốc hen để ngừa cơn mỗi ngày sẽ bị “nhờn thuốc”, đến khi vào cơn hen thật sẽ không còn tác dụng?
Nhiều người khi thấy bệnh nhân hen ngày nào cũng xịt thuốc liền nghĩ rằng thói quen đó sẽ làm người bệnh quen thuốc, giống như dùng kháng sinh bừa bãi làm vi khuẩn kháng thuốc vậy. Tuy nhiên đó là suy nghĩ sai lầm vì chưa hiểu rõ cơ chế của các loại thuốc hen.
Trên thực tế các bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân hen đều nhắm đến hai mục tiêu là “cắt” được cơn hen khi nó vừa xuất hiện và phòng ngừa các cơn hen tái diễn trong tương lai. Những trường hợp bệnh nhẹ, ít khi vào cơn chỉ cần “thủ” sẵn lọ thuốc cắt cơn để hít khi có dấu hiệu cảnh báo, còn những trường hợp nặng hơn sẽ phải dùng cả thuốc ngừa cơn hằng ngày để phòng ngừa.
Hai loại thuốc này có cơ chế tác động khác nhau lên các tế bào của đường thở, do đó khi dùng chung không hề gây ra hiện tượng “nhờn thuốc” mà ngược lại phải dùng thường xuyên và đều đặn mới phát huy được hiệu quả tối ưu như mong muốn.
Những loại thuốc hen thuộc nhóm steroid sẽ gây hại cho cơ thể?
Có thể bạn đã nghe nói về những vận động viên gian lận cơ bắp bằng cách dùng thuốc steroid để tăng cơ, hoặc những loại thuốc giả trôi nổi trên thị trường có pha những chất này khiến người dùng không những không hết bệnh mà còn rước thêm nhiều bệnh hơn.
Tuy nhiên steroid chỉ là tên gọi chung của một nhóm gồm rất nhiều chất có hoạt tính và tác dụng phụ khác nhau, trong đó nổi bật nhất là hiện tượng ức chế miễn dịch. Một số chất có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể trong khi những chất khác lại khá an toàn và được ứng dụng làm thuốc chữa bệnh hen cũng như các bệnh có liên quan đến miễn dịch khác.
Các nghiên cứu khoa học đã chọn ra những hợp chất steroid có hoạt tính chữa bệnh nhưng không gây tác dụng phụ quá nặng nề cho cơ thể, từ đó bào chế thành thuốc. Bên cạnh đó người mắc bệnh hen luôn được bác sĩ hướng dẫn cách dùng thuốc sao cho ít gây tác dụng phụ nhất, chẳng hạn như hít xong phải súc miệng để thuốc không đọng lại, do vậy nếu tuân thủ đúng hướng dẫn sẽ giảm được nguy cơ gây hại xuống mức tối thiểu.
Khi cảm thấy khỏe và không có cơn hen tức là bệnh hen đã “lùi xa mãi mãi” và có thể tự ngưng thuốc?
Đây là suy nghĩ hết sức sai lầm và có thể dẫn tới hậu quả cực kỳ tai hại cho người mắc bệnh hen. Thực ra trạng thái “khỏe mạnh” mà bệnh nhân cảm thấy chính là tác dụng mà các loại thuốc đem lại, nếu tự ý bỏ thuốc có thể làm cho cơn hen tái phát bất cứ lúc nào.
Trong các loại thuốc điều trị hen suyễn thì người bệnh chỉ có thể tự ngưng loại thuốc cắt cơn nếu không có dấu hiệu cảnh báo sắp vào cơn hen như ho, khó thở, chảy nước mắt,… Tuy nhiên vẫn cần dùng thuốc cắt cơn trước khi đối mặt với những tình huống có thể kích thích cơn hen xuất hiện như vận động thể lực, đi tới nơi ô nhiễm…
Còn loại thuốc ngừa cơn lâu dài chỉ có thể ngưng khi đã được bác sĩ thăm khám cẩn thận vì bệnh hen chưa chắc đã khỏi hẳn. Nếu người bệnh tự ý ngưng thuốc có thể sẽ khiến cơn hen tái phát nặng hơn trước và khó điều trị hơn.
Người bị bệnh hen không được phép tham gia các hoạt động thể lực?
Không đúng. Mặc dù hoạt động thể dục thể thao khiến đường thở bị kích thích và có thể khởi phát cơn hen nhưng điều đó không có nghĩa rằng người bệnh phải từ bỏ tất cả thú vui vận động của mình.
Để yên tâm vui chơi mà không sợ cơn hen tái phát, người bệnh cần xịt loại thuốc cắt cơn trước khi bắt đầu hoạt động. Thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn của đường thở để không bị kích thích làm co thắt lại khi vận động mạnh.
Tuy nhiên đối với những người chưa kiểm soát được bệnh hen, tức bệnh chưa ổn định mà vẫn tái phát thường xuyên, lúc nặng lúc nhẹ, thì tốt nhất là không nên hoạt động thể lực mạnh cho tới khi tình trạng bệnh đã được kiểm soát ổn định.
Hen suyễn là bệnh rất thường gặp, nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về nó. Hãy tự trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn để góp phần đẩy lùi những quan niệm sai lầm tai hại bạn nhé!
Mời bạn xem thêm những thông tin bổ ích khác trong chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi:
- Ăn nhiều rau sẽ có hại cho cơ thể khi mắc những bệnh thường gặp này!
- 7 nguyên nhân thường gặp làm trẻ chậm phát triển chiều cao
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để cập nhật nhiều kiến thức thú vị trong cuộc sống bạn nhé!