Bạn cảm thấy phần khớp hông của mình bị co cứng? Đối với nhiều người, khớp hông là một trong những vùng thường xuyên bị đau nhức khi ngồi nhiều. Vì vậy các bài tập yoga kéo giãn khớp hông cũng là những động tác được thực hiện thường xuyên trong các lớp yoga.

Thói quen ngồi làm việc trong thời gian dài khiến các cơ gập hông bị co thắt kéo dài, làm phần hông của bạn bị cơ cứng và làm suy yếu các cơ mông. Qua thời gian lâu dài, điều này có thể dẫn đến giảm khả năng vận động của hông.

Các cơ gập hông là gì?

Cơ gập hông là tên gọi chung của một nhóm các cơ xung quanh khớp hông của bạn, có nhiệm vụ làm cho phần hông co lại. Nhiều tư thế yoga có tác dụng kéo giãn các cơ này để giải phóng khớp hông và ngăn ngừa sự co cứng của cơ bắp.

Các cơ gập hông (Ảnh: Internet)
Các cơ gập hông (Ảnh: Internet)

Thực hành các bài tập kéo giãn khớp hông cũng có thể làm giảm chứng đau lưng dưới và cải thiện khả năng vận động của hông. Thêm vào đó, những tư thế yoga này giúp bạn cảm thấy thư giãn.

6 bài tập yoga kéo giãn khớp hông có thể tập tại nhà thường xuyên

1. Tư thế cây cầu (Setu Bandha Sarvangasana)

Tư thế cây cầu (Ảnh: Internet)
Tư thế cây cầu (Ảnh: Internet)

Bài tập này không chỉ kéo giãn các cơ gập hông của bạn mà còn giúp xây dựng sức mạnh cho các cơ trung tâm của cơ thể. Để tăng tác dụng thư giãn của tư thế này, hãy đặt phần xương cùng của bạn (xương phẳng hình tam giác ở đoạn dưới của cột sống) trên một tấm chăn gấp dày hoặc gối và giữ tư thế đó, đồng thời hít thở.

  • Nằm ngửa trên sàn, co đầu gối để gót chân ở gần mông nhất có thể. Thả lỏng cánh tay dọc 2 bên cơ thể, lòng bàn tay áp xuống mặt đất.
  • Thở ra đồng thời nhấc hông lên cao để có cảm giác kéo giãn phần hông và đùi song song với mặt đất. Giữ 2 bên đùi bằng nhau. Có thể chống tay ở dưới lưng hoặc ấn tay xuống mặt đất để giữ cơ thể cố định.
  • Nâng cằm lên một chút, đồng thời dựa vào chân và tay để nâng hông và ngực lên cao hơn nữa.
  • Thở ra đồng thời từ từ hạ người xuống, bắt đầu từ phần lưng trên.

2. Tư thế vũ công (Natarajasana)

Tư thế vũ công (Ảnh: Internet)
Tư thế vũ công (Ảnh: Internet)

Bài tập này tác động vào một vài nhóm cơ khác nhau cùng một lúc. Cơ gập hông và cơ vai sẽ được kéo giãn và có thể điều chỉnh mức độ kéo giãn tùy theo vị trí của chân. Thêm vào đó, bài tập này giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng của bạn.

  • Đứng thẳng và dồn trọng tâm cơ thể sang chân phải. Co đầu gối bên trái và đưa gót chân trái lên cao ở phía sau.
  • Giữ ánh mắt của bạn nhìn thẳng về phía trước, đồng thời đưa tay trái ra sau để nắm lấy bàn chân hoặc mắt cá chân bên trái. Sau đó duỗi chân ra sau nhiều hơn. Nếu bạn không nắm được chân thì có thể dùng dây vòng qua chân.
  • Đưa cánh tay phải ra phía trước song song với mặt đất. Để kéo giãn nhiều hơn, bạn có thể đưa chân lên cao hơn và đẩy chân ra sau mạnh hơn.
  • Kết thúc tư thế một cách chậm rãi giống như khi bắt đầu, sau đó đổi bên.

3. Tư thế cây cung (Dhanurasana)

Tư thế cây cung (Ảnh: Internet)
Tư thế cây cung (Ảnh: Internet)

Tư thế này giúp kéo giãn khớp hông của bạn bằng cách kéo căng mặt trước của cơ thể. Nó cũng có thể giúp cải thiện tư thế của bạn và giảm sự co cứng của các cơ gập hông.

  • Nằm sấp trên sàn, hai chân rộng bằng hông và bàn tay áp xuống sàn, thẳng hàng với vai. Ấn tay xuống để nâng đầu và ngực lên cao, cong lưng ra sau.
  • Co đầu gối để đưa gót chân về phía mông của bạn. Đưa cả hai tay ra sau để nắm lấy cổ chân. Đưa vai ra sau nhiều hơn nữa. Nếu bạn không nắm được chân thì hãy sử dụng dây vòng qua chân. Đẩy chân ra sau càng nhiều càng tốt. Giữ tư thế này và hít thở.

Biến thể: Để kéo giãn nhẹ nhàng hơn, hãy giữ chân trái của bạn ở trên sàn và tay trái ấn xuống đất. Co chân phải lên và đưa tay phải ra sau để nắm lấy cổ chân. Bạn có thể giữ đùi phải ở trên sàn thay vì nâng lên, nếu cảm thấy như vậy thoải mái hơn. Sau đó đổi bên.

4. Tư thế lạc đà (Ustrasana)

Tư thế lạc đà (Ảnh: Internet)
Tư thế lạc đà (Ảnh: Internet)

Ngoài việc kéo giãn hông của bạn, tư thế lạc đà giúp kéo giãn phần bụng, ngực, vai và đùi. Đây cũng là một bài tập tăng sức mạnh cho lưng và các cơ mông thấp, có thể giúp cải thiện sự ổn định của hông.

  • Quỳ trên sàn với hai đầu gối rộng bằng hông và đùi thẳng góc với mặt đất. Mu bàn chân duỗi thẳng và áp xuống mặt đất.
  • Chống tay vào hông của bạn, ngón tay cái đặt vào phần xương cùng. Cố gắng xoay hai đùi vào bên trong.
  • Hít vào đồng thời nghiêng người ra sau, ngực hướng lên trên và đưa hai khuỷu tay lại gần nhau.
  • Đưa tay ra sau lưng và cố gắng chạm đầu ngón tay vào gót chân. Có thể co các ngón chân để nâng gót chân lên hoặc chống tay vào phần lưng thấp và kéo giãn phần ngực của bạn.
  • Có thể giữ cho cằm của bạn hơi co lại hoặc thả lỏng đầu ra phía sau nếu cảm thấy thoải mái.
  • Đẩy đùi ra phía trước, giữ tư thế này và hít thở.
  • Kết thúc tư thế bằng cách chống tay vào hông và từ từ trở lại như ban đầu.

5. Động tác lunge thấp (Anjaneyasana)

Động tác lunge thấp (Ảnh: Internet)
Động tác lunge thấp (Ảnh: Internet)

Bài tập này giúp kéo giãn đùi và các cơ hông ở chân sau, đồng thời các cơ mông ở chân trước được tăng cường sức mạnh. Cơ mông giúp ổn định phần thân dưới của bạn và giảm áp lực cho các cơ gập hông.

  • Quỳ gối trên sàn, bước chân phải lên phía trước giữa hai tay của bạn cho đến khi cảm thấy sự kéo giãn thoải mái ở đùi bên trái. Bàn chân sau ngửa và duỗi thẳng.
  • Hít vào đồng thời đưa hai cánh tay thẳng lên trên, áp vào tai. Ngực hướng lên trên và kéo giãn lưng. Giữ tư thế này và hít thở.
  • Đưa tay xuống và đổi bên.

6. Tư thế thằn lằn (Utthan Pristhasana)

Tư thế thằn lằn (Ảnh: Internet)
Tư thế thằn lằn (Ảnh: Internet)

Tư thế này giúp kéo giãn cơ hông phía ngoài và cơ gân khoeo cũng như cơ gập hông của bạn. Tư thế thằn lằn cũng có thể giúp giảm đau thắt lưng cho những người mắc các vấn đề như đau thần kinh tọa hoặc chỉ đơn giản là bị co cứng thắt lưng do ngồi nhiều.

  • Ở tư thế lunge thấp với chân trái phía trước, đặt cả hai bàn tay xuống đất ở phía trong bàn chân trái. Co các ngón chân phải, nhấc đầu gối phải lên khỏi mặt đất và đẩy gót chân phải ra sau. Để kéo giãn mạnh hơn, có thể đặt cẳng tay của bạn xuống đất.
  • Đẩy đầu gối phía trước tới gần vai và đưa vai tới gần đầu gối. Giữ tư thế này và hít thở.
  • Kết thúc bằng cách hạ đầu gối xuống đất và trở về tư thế lunge thấp, sau đó đổi bên.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Nguyên nhân gây đau mỏi cổ vai gáy và 5 bài tập yoga giúp thư giãn giảm đau hiệu quả

Thói quen sử dụng điện thoại và máy tính có thể gây đau mỏi cổ vai gáy cho bạn. May mắn là việc luyện tập yoga có thể giúp thư giãn các cơ và xương khớp để bạn cảm thấy thoải mái hơn. Trong bài này chúng ta sẽ xem xét lý do khiến bạn bị đau mỏi cổ ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận