Hidden Figures là tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang lớn năm 2016, lấy bối cảnh sau Thế chiến II, Mỹ và Liên Xô chạy đua đưa con người lên vũ trụ. Thời điểm đó chính là thử thách lớn nhất của NASA khi máy tính vẫn chưa phổ biến, tính toán phần lớn đều làm bằng tay, ngoài ra thiết kế tàu bay cũng là thách thức khi phải đảm bảo vừa khả thi vừa an toàn. Mọi chuyện đã sang trang mới khi có sự xuất hiện của 3 nhà toán học nữ người Mỹ gốc Phi: Mary Jackson, Katherine Johnson, và Dorothy Vaughan. Bạn có tò mò muốn biết họ là ai và đã đóng góp gì cho NASA để làm nên thành công trong việc đưa con người ra vũ trụ? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu ngay nhé!
Mary Jackson – Nữ kỹ sư da màu đầu tiên của NASA
Mary Jackson sinh ngày 9/4/1921 tại Hampton, bang Virginia (Mỹ) và tốt nghiệp 2 chuyên ngành Vật lý và Toán học tại Viện Hampton năm 1942. sau một thời gian dạy học tại một trường dành cho người Mỹ gốc Phi ở Calvert (bang Maryland), bà đã trở thành nhân viên kế toán của Viện Hampton, sau đó làm thư ký quân sự tại cơ sở Fort Monroe.
Trước khi được trở thành kỹ sư chính thức của NASA, bà đã gặp không ít trở ngại vì vấn đề phân biệt chủng tộc khá nặng nề lúc bấy giờ. Bà bắt buộc phải học toán và vật lý cao cấp tại Đại học Virginia. “Tuy nhiên, các lớp học tại trường trung học Hampton đã diễn ra trong thời kỳ phân biệt chủng tộc gay gắt. Vì vậy, bà Jackson đã phải xin giấy phép đặc biệt từ thành phố để được học tập cùng người da trắng” – theo NASA chia sẻ.
Những đóng góp của Mary Jackson làm nên thành không của Mỹ trong cuộc chạy đua không gian, khi bà cùng các đồng nghiệp chính là những “chiếc máy tính sống”, thực hiện các phép tính phức tạp như giải phương trình, tính toán đường đi, phân tích dữ liệu hay thống kê các phép tính để đảm bảo tàu không gian được vận hành một cách trơn tru nhất.
Sau hơn 20 năm làm việc và cống hiến, không những thành công vang dội trong lĩnh vực cơ khí động học, Mary Jackson còn là người truyền cảm hứng về vị trí của người phụ nữ trong lĩnh vực khoa học. Bà đã chứng minh được rằng năng lực không hề liên quan đến sắc tộc hay giới tính. Trước khi nghỉ hưu vào năm 1985, bà tích cực ủng hộ việc tuyển dụng và đào tạo thế hệ các nhà khoa học nữ tiếp theo tại NASA.
Katherine Johnson – Nhà toán học thiên tài
Nếu như các bạn nghĩ việc tính toán để con tàu có thể bay ra vũ trụ mênh mông lúc bấy giờ đã là điều không tưởng, thì việc xác định đúng địa điểm làm nơi hạ cánh an toàn lúc trở về còn khó khăn hết thảy. Và bà Katherine Johnson là người đảm nhận công việc nặng nhọc ấy. Bà cần phải đảm bảo độ chính xác về quãng đường bay, vận tốc cũng như xác định được điểm xuất phát và đáp của nó.
Tại thời điểm đó, bà là người phụ nữ đầu tiên được đồng sáng lập một công trình nghiên cứu tại NASA, góp phần làm nên thành công của phi hành gia John Glenn với chuyến bay vào quỹ đạo. Trước đó, do còn nghi ngờ về khả năng của máy tính tại NASA nên ông Glenn đã đề nghị bà kiểm tra thủ công các phép tính và chỉ khi nhận được đáp án từ bà, ông mới có thể yên tâm hoàn thành sứ mệnh. Đây cũng là một cảnh khá đắt giá trong bộ phim Hidden Figures, chứng tỏ rằng năng lực của người phụ nữ này rất “đáng gờm”.
Những công trình toán học của bà sau này trở thành di sản quan trọng. Có thể người ta chỉ biết đến thành công của NASA trong “cuộc đua không gian” mà lại vô tình quên mất những đóng góp thầm lặng của Katherine Johnson. Ngày nay, để tri ân công lao của bà, đã có một cơ sở nghiên cứu máy tính của NASA ở Langley mang tên bà. Những gì mà bà Katherine Johson đem lại đã thắp sáng sự hiện diện và vị thế của người phụ nữ cũng như người da màu trong những công trình khoa học.
Video ngắn về Katherine Johnson:
Dorothy Vaughan – Nữ giám sát phòng tính toán người da màu đầu tiên
Trước khi trở thành giám sát phòng tính toán của NASA, bà Dorothy Vaughan đã từng làm giáo viên trung học suốt 14 năm, tốt nghiệp thủ khoa trung học khi chỉ mới 15 tuổi, sau đó làm việc tại NACA (tiền thân của NASA) từ năm 1943.
Mặc dù sở hữu tài năng và trình độ học vấn đáng ngưỡng mộ, nhưng vì giai đoạn đó phân biệt chủng tộc còn rất gắt gao nên vị trí kỹ sư máy tính tại NASA dường như là không thể đối với bà, mà lại được phân công làm việc tại nhóm máy tính Khu vực phía Tây tại Trung tâm Nghiên cứu Langley ở Hampton, Virginia. Đây là một nhóm gồm các nhà toán học nữ chuyên phân tích, xử lý các phép tính phức tạp bằng tay. Ngoài ra họ còn có nhiệm vụ đọc thông tin, đồ thị, phân tích dữ liệu để phục vụ cho các kỹ sư và nhà khoa học khác.
Tài năng và giỏi giang là thế, đến năm 1949, do người giám sát tổ máy tính Khu Vực Phía Tây vừa mới qua đời nên Dorothy được bổ nhiệm làm nữ giám sát, nhưng chưa chính thức. Vài năm sau, nhờ đi lên bằng thực lực và chứng minh cho nhiều người thấy chuyên môn của mình, bà đã chính thức trở thành nữ giám sát người da màu đầu tiên tại NASA.
Trong thời kỳ chuyển giao giữa máy tính thủ công sang máy tính điện tử, Dorothy đã nhận ra tiềm năng của máy tính điện tử, bà liền tự học ngôn ngữ lập trình đầu tiên của nó (FORTRAN), sau đó chia sẻ với đồng nghiệp của mình để chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ mới của công nghệ. Bà là người có tầm nhìn xa, đấu tranh cho vị thế của phụ nữ, không chỉ người da màu mà còn là những phụ nữ da trắng, khi mà sự phân biệt giới tính thời đó vẫn còn khá nặng nề.
Những di sản về các công trình toán học bà để lại cũng không kém cạnh hai người đồng nghiệp của mình là Mary Jackson và Katherine Johnson. Những dự án lớn nhỏ, công trình không gian của NASA, không thể thiếu đi sự đóng góp trực tiếp từ Dorothy.
Xem trailer bộ phim Hidden Figures tại đây:
BlogAnChoi hy vọng bạn sẽ biết thêm được thông tin của những người phụ nữ thầm lặng cống hiến, dám đứng lên vì quyền con người và đấu tranh cho vị trí những người phụ nữ lúc bấy giờ. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng quên đánh giá 5*, bình luận tích cực và chia sẻ đến nhiều người hơn nữa nhé.
Những bài viết liên quan khác của BlogAnChoi tại đây: