Có thể nói Dragon Ball – 7 Viên Ngọc Rồng là tượng đài có sức ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng yêu truyện tranh khắp thế giới. Những yếu tố nào đã làm nên sức sống trường tồn của bộ manga “huyền thoại” này? Cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Sơ lược về Bảy Viên Ngọc Rồng

Được khai sinh năm 1984 bởi họa sĩ Akira Toriyama, Bảy Viên Ngọc Rồng là một trong những bậc “lão làng” của nền truyện tranh Nhật Bản. Trải qua 11 năm (từ 1984 đến 1995) với tổng cộng 519 chương gói trong 42 tập, câu chuyện về người hùng Son Goku đã chinh phục vô số độc giả từ Á sang Âu và trở thành ký ức đẹp trong lòng nhiều thế hệ.

Tác giả Akira Toriyama có lẽ cũng không thể đoán trước sự thành công ngoài mong đợi của Dragon Ball (Ảnh: Internet).
Tác giả Akira Toriyama có lẽ cũng không thể đoán trước sự thành công ngoài mong đợi của Dragon Ball (Ảnh: Internet).

Tầm ảnh hưởng không biên giới của Dragon Ball được thể hiện ở hàng loạt phần ngoại truyện và phóng tác, cả manga lẫn anime được ra mắt sau khi phần chính truyện đã kết thúc. Dường như các tác giả đời sau cũng là fan ruột của Son Goku và không muốn nhân vật yêu thích của mình bị chìm vào quên lãng.

Từ truyện tranh và phim hoạt hình, các nhân vật của “bi rồng” đã lấn sân sang game và đôi khi còn bước ra đời thật với những bộ cosplay cực ngầu như dưới đây:

Một fan cuồng của Son Goku trong trang phục cosplay (Ảnh: Internet).
Một fan cuồng của Son Goku trong trang phục cosplay (Ảnh: Internet).

Với sức công phá khủng khiếp trên thị trường giải trí, thương hiệu “bi rồng” đã thu về gần 30 tỷ USD trên toàn cầu. Hãng điện thoại lừng danh Motorola từng tung ra bộ vi xử lý có tên “Dragon Ball”. Thậm chí ở Nhật còn có hẳn một ngày được công nhận chính thức là “Ngày Goku” – mùng 9 tháng Năm.

Đến nay, dù thế giới manga đã tràn ngập các bộ truyện mới hấp dẫn và hợp thời hơn nhưng sức sống mãnh liệt của những Goku, Gohan, Vegeta hay Buu mập vẫn có thể thấy rõ qua những lần tái bản đều đặn và hàng tá hội nhóm do các fan lập ra trên Facebook.

Như người ta thường nói: khi còn được nhớ tới tức là bạn vẫn còn đang sống (Ảnh: Internet).
Như người ta thường nói: khi còn được nhớ tới tức là bạn vẫn còn đang sống (Ảnh: Internet).

Vậy điều gì đã làm nên sức hấp dẫn xuyên không gian và thời gian của Bảy Viên Ngọc Rồng? Phải chăng có một công thức để tạo nên một tác phẩm “sống dai” đến thế? Xin nêu ra vài yếu tố như sau:

Vì sao Bảy Viên Ngọc Rồng được yêu thích đến thế?

1. Một câu chuyện đậm chất sử thi

Dragon Ball – Bảy Viên Ngọc Rồng không chỉ vẽ lại những cuộc đối đầu nảy lửa thiện-ác, chính-tà, mà còn là câu chuyện dài về quá trình trưởng thành của con người.

Hình ảnh Son Goku theo dòng thời gian trong truyện (Ảnh: Internet).
Hình ảnh Son Goku theo dòng thời gian trong truyện (Ảnh: Internet).

Từ cậu nhóc sống “trần trụi với thiên nhiên” trong những chương đầu đến siêu anh hùng Siêu Saiyan cấp 3 cứu sống cả vũ trụ là biết bao thăng trầm khổ ải phải đánh đổi bằng máu xương và tính mạng (Goku đã được hồi sinh đến hai lần, bạn còn nhớ chứ).

Những cuộc thư hùng của “khỉ con” với kẻ thù ngày càng mạnh chính là ẩn dụ về những khó khăn thử thách mà mỗi người chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống để trưởng thành, để lớn khôn.

Son Goku là ví dụ tiêu biểu cho câu nói "lửa thử vàng" (Ảnh: Internet).
Son Goku là ví dụ tiêu biểu cho câu nói “lửa thử vàng” (Ảnh: Internet).

Từ chỗ “hồn nhiên như cây cỏ”, chỉ biết dùng năng lực có sẵn để kiếm miếng ăn hằng ngày, Goku phải bước ra khỏi rừng núi để dấn thân vào những chuyến phiêu lưu không có hồi kết.

Goku "nhí" trong những tập đầu nhìn cũng dễ thương đấy chứ (Ảnh: Internet.
Goku “nhí” trong những tập đầu nhìn cũng dễ thương đấy chứ (Ảnh: Internet.

Qua mỗi lần chiến đấu, cậu lại học thêm nhiều kinh nghiệm và tự hoàn thiện bản thân lên một tầm cao mới. Liên tục đẩy mình vượt qua những giới hạn tưởng như bất khả, để cuối cùng vươn lên trở thành chiến binh mạnh nhất vũ trụ – dường như đó cũng chính là con đường đầy chông gai để bước tới thành công ngoài đời thực.

Không chỉ riêng Son Goku, mà nhiều nhân vật khác của bộ truyện cũng trải qua hành trình lột xác đầy gian nan để chạm đến vinh quang như vậy. Tiêu biểu nhất là đối thủ truyền kiếp – hay có thể gọi là “người bạn cùng tiến” – Vegeta.

Vegeta là nhân vật được nhiều người yêu thích chẳng kém Son Goku (Ảnh: Internet).
Vegeta là nhân vật được nhiều người yêu thích chẳng kém Son Goku (Ảnh: Internet).

Xét ở khía cạnh nào đó, câu chuyện sử thi của Vegeta còn ấn tượng hơn Son Goku. Bởi không chỉ gia tăng sức mạnh vượt bậc, hoàng tử của người Saiyan còn ngộ ra chân lý về thiện-ác, thức tỉnh bản tính thiện lương trong con người mình, và từ chỗ giết chóc cho vui, nhân vật này đã chấp nhận hy sinh để bảo vệ những người yêu quý.

Khoảng khắc hy sinh thân mình cảm động của hoàng tử Saiyan (Ảnh: Internet).
Khoảng khắc hy sinh thân mình cảm động của hoàng tử Saiyan (Ảnh: Internet).

Một ví dụ nữa là cuộc chiến sinh tồn của dân tộc Namek. Bị tàn sát không thương tiếc dưới tay bạo chúa Frieza, tộc người da xanh đã anh dũng chống trả đến những sinh mạng cuối cùng và trốn chạy đến một hành tinh khác.

Cuối truyện, cũng chính họ là những người góp phần then chốt tiêu diệt đại ác ma Buu (Ảnh: Internet).
Cuối truyện, cũng chính họ là những người góp phần then chốt tiêu diệt đại ác ma Buu (Ảnh: Internet).

Cũng ở đoạn kết, ta được gặp lại hàng loạt “người cũ” từng xuất hiện từ đầu truyện, mỗi người góp một chút năng lượng nhỏ bé tiếp sức cho Goku tử chiến với kẻ thù mạnh nhất.

Những nhân vật cũ từng góp mặt ở đầu truyện nay lại tái xuất (Ảnh: Internet).
Những nhân vật cũ từng góp mặt ở đầu truyện nay lại tái xuất (Ảnh: Internet).

Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong vài khung hình, nhưng sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại trong một thiên sử thi trải dài cả đời người vẫn mang đến cảm giác bồi hồi khó tả, như lời nhắc nhở những độc giả trung thành dù đã lớn lên qua bao năm tháng vẫn không ngừng yêu mến bộ truyện.

2. Những nền văn minh ngoài Trái đất độc đáo

Có thể nói đây là “nguyên liệu đặc biệt” dù không còn mới nhưng chưa bao giờ mất đi sức hút đối với công chúng ở mọi lứa tuổi. Hầu như tất cả các tác phẩm hiện nay – từ tiểu thuyết, truyện tranh tới phim ảnh – nếu khai thác tốt yếu tố sự sống ngoài hành tinh là có thể chinh phục được thị trường rộng lớn.

Son Goku thực ra là một người ngoài hành tinh (Ảnh: Internet).
Son Goku thực ra là một người ngoài hành tinh (Ảnh: Internet).

Riêng với Bảy Viên Ngọc Rồng, yếu tố này đã được tác giả “nâng tầm” lên một trình độ hoàn toàn khác biệt. Không chỉ là một hai hành tinh với những sinh vật kỳ quái nguy hiểm như các bộ phim Mỹ, Bảy Viên Ngọc Rồng đã vẽ ra cả một vũ trụ tràn ngập sự sống.

Và trong tất cả những nền văn minh đó, có vẻ như địa cầu của chúng ta được xếp vào nhóm… đang phát triển!

Quang cảnh đẹp tươi của hành tinh Namek (Ảnh: Internet).
Quang cảnh đẹp tươi của hành tinh Namek (Ảnh: Internet).

Cũng không giống những phim điện ảnh thường tập trung vào công nghệ tối tân hoành tráng, các nền văn minh trong “bi rồng” phát triển vượt trội chủ yếu là nhờ trí tuệ và năng lực siêu phàm trong chính con người mình.

Ấn tượng nhất tất nhiên là người Saiyan với khả năng “tiến hóa”, giải phóng sức mạnh khủng khiếp vượt xa trí tưởng tượng, giúp họ trở thành những chiến binh hùng mạnh nhất vũ trụ (Ảnh: Internet).
Ấn tượng nhất là người Saiyan với khả năng “tiến hóa”, giải phóng sức mạnh khủng khiếp giúp họ trở thành những chiến binh mạnh nhất vũ trụ (Ảnh: Internet).

Hay tộc người Namek dù bản tính hiền hòa nhưng kỹ năng chiến đấu cũng không hề kém cạnh, cộng thêm siêu năng lực tái tạo cơ thể không giới hạn vốn luôn là giấc mơ ngàn đời của “người trần” chúng ta.

Nói đến người Namek hiền lành thân thiện thì cũng không thể quên những kẻ chuyên đi xâm lăng gieo rắc đau thương như Frieza, tên “nhỏ con” mà lòng tham vô đáy đúng chất đại gian ác.

Frieza trong trạng thái mạnh nhất (Ảnh: Internet).
Frieza trong trạng thái mạnh nhất quyết đấu với Goku (Ảnh: Internet).

Và một điểm đặc biệt nữa khiến bộ truyện trở nên khác biệt. Thông thường những cuộc chạm trán giữa hai nền văn mình đều diễn ra theo kiểu đối đầu trực diện, bên này muốn thôn tính bên kia. Nhưng ở Dragon Ball, chính người ngoài hành tinh Son Goku lại hết lần này đến lần khác đứng lên bảo vệ địa cầu khỏi bàn tay của những thế lực hùng mạnh.

Kể cả khi biết rõ gốc gác thực sự của mình là tộc người có “truyền thống” đi xâm chiếm hành tinh khác, Goku vẫn kiên cường chống trả những người đồng hương Saiyan để bảo vệ mái nhà đã nuôi dưỡng mình. Là tinh thần chính nghĩa cao thượng, là tình yêu với quê hương thứ hai, hay vì…

Những con người nhỏ bé nếu biết nỗ lực cũng sẽ tỏa sáng (Ảnh: Internet).
Những con người nhỏ bé nếu biết nỗ lực cũng sẽ tỏa sáng (Ảnh: Internet).

Không chỉ dựng nên những sinh vật ngoài hành tinh vừa giống con người lại vừa sở hữu những nét riêng biệt, Bảy Viên Ngọc Rồng còn làm say mê độc giả bằng những chuyến du hành xuyên vũ trụ trên những phi thuyền có hình dáng khá lạ mắt.

Phi thuyền nhìn rất "dị" của người Namek (Ảnh: Internet).
Phi thuyền nhìn rất “dị” của người Namek (Ảnh: Internet).

So với các tác phẩm văn hóa khác – và so với cả đời thực nữa – thì những thiết kế này “chả giống ai”, nhưng phải chăng đó chính là chủ ý của tác giả? Bởi nếu ai cũng giống ai thì còn ai nhớ đến ai nữa.

3. Sự pha trộn nhiều nền văn hóa

Một tác phẩm muốn lấy lòng thật nhiều độc giả phải biết cách đánh trúng tim đen của họ. Vậy cách “tấn công” hiệu quả nhất là gì? Hãy đào sâu vào văn hóa và đức tin, điều mà Bảy Viên Ngọc Rồng đã làm rất tốt theo một cách “có ý đồ” nhưng cũng hết sức tự nhiên.

Son Goku là "biến thể" của Tôn Ngộ Không? (Ảnh: Internet).
Son Goku là “biến thể” của Tôn Ngộ Không? (Ảnh: Internet).

Ngay đầu truyện hẳn ai cũng nhận ra hình ảnh khỉ con cầm gậy Như Ý gắn liền với tuổi thơ của mọi đứa trẻ đúng không? Tây Du Ký – một trong tứ đại kỳ thư của văn minh Trung Hoa – đã được làm mới như vậy đấy.

Cùng với đó là Cân Đẩu Vân, một món “đồ chơi” nổi tiếng của Tề Thiên Đại Thánh. Lại còn Ngưu Ma Vương, “nhạc phụ” của Goku nữa chứ. Rõ ràng không phải là trùng hợp.

Diêm Vương với ngoại hình kiểu Đông Tây kết hợp (Ảnh: Internet).
Diêm Vương với ngoại hình kiểu Đông Tây kết hợp (Ảnh: Internet).

Cũng đặc sệt chất văn hóa phương Đông là hình ảnh chốn âm phủ, nơi đày đọa những kẻ bất lương không biết hối cải sau khi lìa đời. Diêm Vương trong Bảy Viên Ngọc Rồng cũng được tạo hình đúng kiểu Á Đông: có mũ sừng trâu, bộ râu xồm xoàm, ngồi bàn giấy kiểm kê danh tính người sống kẻ chết.

Để bớt đơn điệu, chốn địa ngục phương Đông được cài thêm một biểu tượng của chiêm tinh học phương Tây: quả cầu tiên tri của bà phù thủy. Nhưng đó mới là khởi đầu. Đã có âm ty thì sẽ có thiên giới, và thiên giới trong truyện mang rất nhiều phong cách của Tây: có Thượng đế, có vòng thánh trên đầu, có cả một vùng đất cây cỏ đẹp tươi y như Vườn Địa đàng trong truyền thuyết.

Giới vương thần cũng là nhân vật chuyên tấu hài trong truyện (Ảnh: Internet).
Giới vương thần cũng là nhân vật chuyên tấu hài trong truyện (Ảnh: Internet).
Chốn thiên đường của Dragon Ball cũng đẹp chẳng kém vườn địa đàng trong truyền thuyết (Ảnh: Internet).
Chốn thiên đường của Dragon Ball cũng đẹp chẳng kém vườn địa đàng trong truyền thuyết (Ảnh: Internet).

Và đã là Bảy Viên Ngọc Rồng thì không thể bỏ qua tạo hình của rồng thần. Ban đầu tưởng là rồng châu Á, nhưng về sau mới lộ diện phiên bản gốc là rồng của người Namek mang dáng dấp châu Âu.

Rồng thần trong truyện có cả phiên bản phương Đông lẫn phương Tây (Ảnh: Internet).
Rồng thần trong truyện có cả phiên bản phương Đông lẫn phương Tây (Ảnh: Internet).

Các nhân vật của “bi rồng” cũng phản ánh nhiều nét văn hóa độc đáo ngay trong chính con người mình. Người Saiyan là biến thể của người sói mỗi khi thấy trăng tròn, Krilin đại diện cho võ phái Thiếu Lâm vang danh thiên hạ, Tien Shinhan – người ba mắt hiện diện trong nhiều truyện cổ từ Âu sang Á.

Và tấu hài hơn cả là lão rùa, từ cách ăn mặc đến ngôi nhà trên đảo đều đậm chất Hawaii nắng gió!

Lão rùa có nhiều pha rất khó đỡ trong truyện (Ảnh: Internet).
Lão rùa có nhiều pha rất khó đỡ trong truyện (Ảnh: Internet).

Nhưng văn hóa không chỉ dừng lại ở những truyền thống xa xưa, nó còn được phát triển theo chiều hướng hiện đại ở phần sau của truyện để góp phần vào bức tranh toàn cục, đó là…

4. Viễn cảnh về thế giới trong tương lai

Cũng giống như yếu tố ngoài hành tinh, những dự báo về tương lai luôn là át chủ bài tạo nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm phim, truyện. Xuất hiện thường xuyên trong Dragon Ball là những công nghệ tối tân đến mức viễn tưởng, kích thích trí tò mò của người đọc.

Công nghệ cao cũng mang đến màu sắc hiện đại cho những khung hình có phần “cổ trang” (Ảnh: Internet).
Công nghệ cao cũng mang đến màu sắc hiện đại cho những khung hình có phần “cổ trang” (Ảnh: Internet).

Dễ thấy nhất là những sản phẩm của tập đoàn Capsule do gia đình Bulma làm chủ. Từ đồ dùng, xe cộ cho tới nhà cửa to vật vã đều có thể hô biến vào trong một viên con nhộng nhỏ xíu.

Hay chiếc phi thuyền được hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn để thẳng tiến đến hành tinh Namek. Và đỉnh cao của công nghệ chế tạo: căn phòng mô phỏng trọng lực gấp trăm lần lực hút của Trái đất, giúp các chiến binh vượt qua giới hạn của cơ thể mình.

Mô phỏng trọng lực là công nghệ không tưởng ngoài đời thực hiện nay (Ảnh: Internet).
Mô phỏng trọng lực là công nghệ không tưởng ngoài đời thực hiện nay (Ảnh: Internet).

Một khía cạnh nữa mà tác giả đã đi trước thời đại là công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo. Thật thú vị khi ngay từ thời kỳ mà người máy ngoài đời thật còn khá thô sơ, chúng ta lại được thấy những siêu robot như Cell (Xên bọ hung) hay các Android số 16, 17, 18 trong truyện.

Các robot trong truyện nhìn y như người thật (Ảnh: Internet).
Các robot trong truyện nhìn y như người thật (Ảnh: Internet).

Chưa nói đến sức mạnh chiến đấu khủng khiếp đánh bại tất cả các chiến binh Saiyan trong truyện, chỉ riêng ngoại hình đẹp trai xinh gái đến khó tin cùng “IQ vô cực” vượt xa trình độ robot hiện nay cũng đủ để các android (robot giống người) này làm mê mẩn từ trẻ con đến người lớn, đặc biệt là những ai yêu thích máy móc, công nghệ.

Nhưng yếu tố kích thích nhất không nằm ở vẻ bên ngoài, mà là nỗi ám ảnh về sức mạnh hủy diệt vượt ngoài tầm kiểm soát của các siêu robot.

Máy móc có thể đánh bại con người như trong truyện hay không? (Ảnh: Internet).
Máy móc có thể đánh bại con người như trong truyện hay không? (Ảnh: Internet).

Tựa như loạt phim “Terminator” đình đám cùng thời, Dragon Ball cũng đẩy mâu thuẫn đến mức cao trào, buộc con người phải đưa ra quyết định tự tay kết liễu thành tựu của chính mình. Cũng đáng để suy ngẫm đấy chứ.

Không chỉ dừng lại ở những công nghệ có sẵn ngoài đời thực, Dragon Ball còn gửi gắm ước vọng về đỉnh cao chưa chạm tới của khoa học tự nhiên: sự sống ngoài hành tinh và du hành về quá khứ.

Trở về quá khứ đến nay vẫn chỉ là chuyện hư cấu mà thôi (Ảnh: Internet).
Trở về quá khứ đến nay vẫn chỉ là chuyện hư cấu mà thôi (Ảnh: Internet).

Nếu như những nền văn minh từ vũ trụ được dùng làm “nguyên liệu chính” từ đầu đến cuối, thì chuyến đi của Trunks về quá khứ nhằm thay đổi tương lai u ám của địa cầu lại là điểm khởi đầu mở ra một trường đoạn hoành tráng ở phần giữa của bộ truyện.

Có khi đây chính là nguồn cảm hứng cho X Men – Days of Future Past?

5. Nét vẽ vui nhộn, tạo hình nhân vật vô cùng ấn tượng

Đối với truyện tranh thì phần “tranh” cũng quan trọng không kém phần “truyện”, thậm chí còn mang tính quyết định bởi đó là thứ đầu tiên đập vào mắt để lấy lòng người đọc. Tiếp nối truyền thống của manga nói chung, Bảy Viên Ngọc Rồng đã làm cực tốt khâu “marketing” ban đầu này.

Những nét vẽ vui nhộn ở tập đầu của Dragon Ball (Ảnh: Internet).
Những nét vẽ vui nhộn ở tập đầu của Dragon Ball (Ảnh: Internet).

Vẫn là cách tạo hình quen thuộc của truyện tranh Nhật Bản với mắt to tròn, khuôn mặt bầu bĩnh, nhưng nét vẽ của tác giả lại biến hóa tài tình theo từng giai đoạn và nhân vật trong truyện.

Ở những chap đầu, cậu nhóc Son Goku luôn trưng ra điệu bộ trẻ con đáng yêu, bộ mặt “ngây thơ vô số tội” và đôi khi... ngớ ngẩn (Ảnh: Internet).
Ở những chap đầu, cậu nhóc Son Goku luôn trưng ra điệu bộ trẻ con đáng yêu, bộ mặt “ngây thơ vô số tội” và đôi khi… ngớ ngẩn (Ảnh: Internet).
Những tập đầu thực sự rất mang tính giải trí (Ảnh: Internet).
Những tập đầu thực sự rất mang tính giải trí (Ảnh: Internet).

Giai đoạn này cũng đầy ắp những biểu cảm khuôn mặt vui nhộn của các nhân vật, từ Bulma, Krilin đến lão rùa, nên nếu ai đó lầm tưởng đây là bộ truyện “hài nhảm” cũng không phải vô lý.

Nhưng càng về sau, dường như tác giả đã bộc lộ rõ ý đồ đưa bộ truyện trở thành một tác phẩm có chiều sâu và “trưởng thành” hơn. Không còn khỉ con mũm mĩm ngây ngô nữa, mà thay vào đó là Son Goku chững chạc với ngoại hình người lớn, cơ bắp đầy mình không thể “men lì” hơn.

Son Goku "chuẩn men" khác hẳn lúc còn nhỏ (Ảnh: Internet).
Son Goku “chuẩn men” khác hẳn lúc còn nhỏ (Ảnh: Internet).

Và tất cả các nhân vật khác mới xuất hiện cũng được đóng form đúng chuẩn “cool ngầu” giống như vậy. Từ chính diện đến phản diện, từ thần thánh đến người phàm đều khoác lên mình diện mạo đĩnh đạc, ánh mắt sắc sảo và quan trọng là thần thái khiến đối phương không thể xem thường.

Tất cả các nhân vật đều mang thần thái "không phải dạng vừa" (Ảnh: Internet).
Tất cả các nhân vật đều mang thần thái “không phải dạng vừa” (Ảnh: Internet).

Ngay trong bản thân mỗi nhân vật cũ cũng có sự “khôn lớn”. Piccolo từ một đại ma vương xảo quyệt nhưng có vẻ hơi “còm” đã dần sâu sắc hơn và cơ bắp cũng được nâng cấp. Ngay cả Vegeta hiếu thắng, kiêu căng ngạo mạn sau vài lần thua trận tơi bời cũng trở nên thâm trầm chín chắn, dù ánh mắt không khi nào nguôi bớt lửa hận.

Những thay đổi nhỏ đó đã làm nền cho sự lột xác về ngoại hình ngoạn mục, biểu tượng muôn đời của Dragon Ball: Siêu Saiyan tóc vàng.

Không chỉ màu tóc mà cả kiểu tóc cũng biến đổi cùng thần lực tỏa ra khắp cơ thể tạo nên hình mẫu siêu anh hùng trong mơ của mọi trẻ em và cả người lớn (Ảnh: Internet).
Không chỉ màu tóc mà cả kiểu tóc cũng biến đổi cùng thần lực tỏa ra khắp cơ thể tạo nên hình mẫu siêu anh hùng trong mơ của mọi trẻ em và cả người lớn (Ảnh: Internet).

Người Saiyan được ưu ái về mặt ngoại hình nhưng các nhân vật ngoài hành tinh khác cũng rất biết cách “tạo dáng”. Như Frieza gian xảo độc ác hiện rõ lên vẻ mặt. Cell ban đầu gớm ghiếc là vậy cũng “hóa thiên nga” sau mấy lần lột xác.

Cell đẹp trai lên thấy rõ, hứa hẹn là một đối thủ đáng gờm không dễ đánh bại (Ảnh: Internet).
Cell đẹp trai lên thấy rõ, hứa hẹn là một đối thủ đáng gờm không dễ đánh bại (Ảnh: Internet).

Và sau chót, như để khép lại hành trình dài đầy gian khổ bằng một cái kết có hậu, kẻ phản diện cuối cùng lại là “sát thủ mang gương mặt trẻ thơ”: Buu mập.

Các hình dạng khác nhau của ma nhân Buu (Ảnh: Internet).
Các hình dạng khác nhau của ma nhân Buu (Ảnh: Internet).

Dù cũng trải qua dăm bảy lần thay hình đổi dạng nhưng tên mập vẫn trở lại như xưa, không những thế lại hiền lành hơn trước. Phải chăng ngoại hình nhân vật cũng phần nào báo trước số phận? Chỉ là ngẫu nhiên hay đều trong dự tính của người cầm bút?

6. Một vũ trụ siêu anh hùng “khủng” hơn cả Marvel

Vài năm trở lại đây những Iron Man, Thor, Captain America đã thống trị nền văn hóa đại chúng với vai trò giải cứu thế giới khỏi họa diệt vong. Nhưng nếu để ý một chút ta sẽ thấy các siêu anh hùng này còn xa mới bì kịp những chiến binh thượng đẳng của Dragon Ball.

Avengers và Siêu Saiyan, ai mạnh hơn ai? (Ảnh: Internet).
Avengers và Siêu Saiyan, ai mạnh hơn ai? (Ảnh: Internet).

Đầu tiên – và cũng dễ thấy nhất – là về sức mạnh. Nếu như các ác nhân trong phim thường huy động cả một đội quân với đủ thứ phương tiện “khủng bố” để thôn tính Trái đất, thì vai phản diện trong Bảy Viên Ngọc Rồng chỉ cần một mình là đủ uy hiếp cả nhân loại.

Chắc bạn còn nhớ trận đại chiến của Son Goku và Frieza đã xóa sổ toàn bộ hành tinh Namek chứ? (Ảnh: Internet).
Chắc bạn còn nhớ trận đại chiến của Son Goku và Frieza đã xóa sổ toàn bộ hành tinh Namek chứ? (Ảnh: Internet).

Hay ở phần cuối, Buu “còi” trong cơn điên loạn đã quét sạch cả địa cầu thành cát bụi, sau đó còn phá nát thiên giới đến nỗi buộc mấy ông thần phải tìm nơi “tránh bão”, nhường lại bãi chiến trường cho Goku.

Vai ác đã mạnh đến thế thì những người đánh bại chúng còn khủng khiếp đến mức nào! (Ảnh: Internet).
Vai ác đã mạnh đến thế thì những người đánh bại chúng còn khủng khiếp đến mức nào! (Ảnh: Internet).

Điểm thứ hai làm nên sự khác biệt cho các nhân vật trong truyện là những tuyệt chiêu độc lạ, nhiều lúc có phần “quái dị” của họ. Chẳng hạn như Vegeta tự tạo ra “mặt trăng nhà làm” để tận dụng khả năng biến hình thành khỉ đột khổng lồ khi đấu với Goku.

Mặt trăng mà cũng có thể "nhân tạo" được thì thôi rồi (Ảnh: Internet).
Mặt trăng mà cũng có thể “nhân tạo” được thì thôi rồi (Ảnh: Internet).

Hay độc chiêu “lưỡng long nhất thể” kết hợp sức mạnh của hai người thành một mà Goten và Trunks dùng để đối phó với Buu – dù cuối cùng lại bị đánh bại bởi quái chiêu “nuốt người” của tên đại ma nhân này.

Song tuyệt vời hơn cả là chiêu thức “nguyên khí cầu” mà Goku đã dùng để kết liễu Buu còi. Từng xuất hiện trong trận đánh với Frieza, nhưng lần tái xuất ở cuối truyện mới làm người đọc thực sự cảm phục ý nghĩa của nó.

Mọi sinh linh trong vũ trụ này đều ẩn chứa sức mạnh, nếu biết cách tập hợp tất cả thì không kẻ thù nào là không thể đánh bại (Ảnh: Internet).
Mọi sinh linh trong vũ trụ này đều ẩn chứa sức mạnh, nếu biết cách tập hợp tất cả thì không kẻ thù nào là không thể đánh bại (Ảnh: Internet).

Nhưng hấp dẫn hơn cả sức mạnh vô địch của các siêu anh hùng này là hành trình họ chinh phục sức mạnh ấy. Không được trời phú bẩm sinh, cũng chẳng nhờ máy móc súng đạn, tất cả những gì họ có chỉ là những năm tháng miệt mài khổ luyện, chinh chiến hết kẻ thù này đến đối thủ khác.

Bao lần thập tử nhất sinh, nhiều phen thảm bại ê chề - tất cả đã tôi luyện nên chất thép kiên cường trong con người họ (Ảnh: Internet).
Bao lần thập tử nhất sinh, nhiều phen thảm bại ê chề – tất cả đã tôi luyện nên chất thép kiên cường trong con người họ (Ảnh: Internet).

Son Goku khi ra đời chỉ là hạng tép riu trong tộc người Saiyan, được gửi đến Trái đất như viên gạch lót đường cho đồng bọn sau này tới xâm chiếm. Nhưng cuộc hành trình chống lại cái ác trên hành tinh thân yêu, cùng vài lần “du học” từ âm phủ đến thiên đàng đã biến cậu thành một chiến binh mạnh mẽ không bao giờ chịu khuất phục.

Để rồi ngay cả hoàng tử kiêu hãnh của người Saiyan, kẻ luôn tự hào mình bất khả chiến bại, cuối cùng đã bại trận dưới tay khỉ con (Ảnh: Internet).
Để rồi ngay cả hoàng tử kiêu hãnh của người Saiyan, kẻ luôn tự hào mình bất khả chiến bại, cuối cùng đã bại trận dưới tay khỉ con (Ảnh: Internet).

Và cũng chính nhờ những thất bại đó mà Vegeta luôn không ngừng cố gắng đến mức cực hạn hòng vượt mặt Kakarot – Son Goku. Nếu không có những nỗ lực phi thường đó, Vegeta hẳn sẽ không bao giờ chạm đến đẳng cấp Siêu Saiyan mà hắn luôn khao khát.

Tượng tự như vậy, cả Piccolo, Krilin hay Gohan, Goten, Trunks đều là những hình mẫu về con đường gian nan để đạt đến sức mạnh mình mơ ước. Để góp công vào chiến thắng cuối cùng, tất cả họ đều phải đánh đổi bằng máu và nước mắt, có những người còn chết đi sống lại.

Bởi đơn giản, nếu không được sinh ra ở ngay vạch đích, ta phải học cách chạy bằng chính đôi chân mình thôi (Ảnh: Internet).
Bởi đơn giản, nếu không được sinh ra ở ngay vạch đích, ta phải học cách chạy bằng chính đôi chân mình thôi (Ảnh: Internet).

7.Chủ nghĩa anh hùng thuần khiết và chiến thắng cuối cùng của cái thiện

Phần nhân tính luôn có trong mỗi con người, dù mang hình hài quái vật (Ảnh: Internet).
Phần nhân tính luôn có trong mỗi con người, dù mang hình hài quái vật (Ảnh: Internet).

Một câu chuyện dù hấp dẫn đến đâu cũng trở nên vô nghĩa, nếu nó không cổ vũ cho cái đẹp và không khơi dậy nơi người đọc một tiếng gọi quay về với bản tính thiện lương. Một dũng sĩ dù mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ sớm bị lãng quên nếu sâu thẳm trong họ không cháy bừng ngọn lửa chính nghĩa.

Dragon Ball luôn có những màn hy sinh cảm động như thế này (Ảnh: Internet).
Dragon Ball luôn có những màn hy sinh cảm động như thế này (Ảnh: Internet).

Tất cả những yếu tố đã đề cập dường như đều quy về làm nền cho chân giá trị cao đẹp nhất đó. Hơn cả sự trưởng thành của con người, Dragon Ball là bản anh hùng ca về lòng chính nghĩa được bồi dưỡng dần lên qua mỗi cuộc đấu tranh và lan tỏa khắp mọi dân tộc, mọi nền văn hóa, từ quá khứ tới tận tương lai.

Nó chạm đến nỗi khát khao cố hữu trong mọi con người – khát khao vươn tới cái đẹp và sự hoàn mỹ – nhưng lại mượn nét vẽ trẻ thơ vui nhộn làm phương tiện truyền tải.

Son Goku tự sát cùng Cell để bảo vệ Trái đất (Ảnh: Internet).
Bảy viên ngọc rồng đúng là rất quý, nhưng sáng đẹp rực rỡ nhất là viên thứ tám: lòng nhân ái và chính nghĩa cao thượng (Ảnh: Internet).

Từ vị thế của giống loài thượng đẳng chuyên đi xâm chiếm, Son Goku không may (hay là may mắn nhỉ?) bị “té núi” làm tâm tính hoàn toàn thay đổi. Kể từ đó cậu đã vô thức tự trao cho mình sứ mệnh chở che bảo vệ mái nhà thân yêu: hành tinh địa cầu.

Nhìn rộng ra, cuộc chiến nội bộ giữa Goku với những người Saiyan đồng loại dường như cũng gửi gắm khát vọng về một thế giới không còn chiến tranh xâm lược, một thế giới bình đẳng đại đồng, nơi tình hữu nghị không còn biên giới. Khi quanh ta là những người bạn cùng chung vui buồn, cùng trải đắng cay thì nơi đâu mà chẳng là nhà.

Vì ngôi nhà thứ hai, Goku sẵn lòng đứng lên chống lại những kẻ tàn bạo đến từ quê hương thứ nhất (Ảnh: Internet).
Vì ngôi nhà thứ hai, Goku sẵn lòng đứng lên chống lại những kẻ tàn bạo đến từ quê hương thứ nhất (Ảnh: Internet).

Chất anh hùng trong Dragon Ball còn đặc biệt ở chỗ “fair-play” đến mức… vô lý! Dù đối thủ có mạnh đến đâu, có ác cỡ nào nhưng Goku vẫn năm lần bảy lượt nương tay khi chúng bị dồn vào chỗ chết.

Cho là “thương người hại ta” cũng đúng, nhưng phải chăng cậu đang chờ kẻ thủ ác trước lúc lìa đời sẽ thức tỉnh chút tính người còn sót lại?

Nếu gọi Goku là người hùng “từ trong trứng” thì Vegeta lại là kẻ “đại giác ngộ” được nhiều fan yêu mến hơn cả khỉ con. Nhân vật này là hình mẫu đẹp nhất về sức mạnh của lòng tử tế: được “thuần hóa” bởi Goku cùng những người bạn địa cầu, sau đó cùng chung tay chống lại lũ robot kinh hồn, và cuối cùng hy sinh cả bản thân vì những người mình yêu quý. Lòng tốt rốt cuộc đã được đáp đền.

Nhưng lòng tốt không chỉ mang trong mình năng lực cảm hóa nhân tâm, nó còn là chất xúc tác thổi bùng sức mạnh để con người ta làm được những điều vốn dĩ không tưởng.

Đó là hình thái Siêu Saiyan lần đầu tiên được đánh thức khi Goku chứng kiến Krilin nối khố tử trận ngay trước mắt mình. Là Gohan phá vỡ mọi giới hạn khi thấy chàng android dù hoàn lương vẫn chết thảm dưới gót giày của Cell.

Lạnh lùng và đầy thù hận như Vegeta cũng bị khuất phục bởi phép màu mang tên sự tử tế. Những năm tháng sống chung và chiến đấu trên địa cầu đã ngầm nuôi dưỡng trong hắn một tình cảm sâu kín với con người nơi đây, thứ cảm xúc mà bản thân hắn luôn cố phủ nhận.

Chỉ đến khi nhận ra tính hiếu thắng của mình đã đẩy cả hành tinh vào họa diệt vong, hoàng tử Saiyan mới thốt nên lời tiễn biệt sau cuối, trước khi gieo mình vào khói lửa kinh hoàng quyết tử với ma nhân Buu.

Thậm chí cả Buu mập – kẻ phát cuồng với thú vui giết chóc, chuyên lấy việc hành hạ người khác làm trò tiêu khiển – cũng dần dần thay tính đổi nết khi ở chung với lão gàn Satan. Không còn bay nhảy khắp nơi phá làng phá xóm, hắn đã chịu “ở ẩn” vài ngày, rồi cuối cùng căm phẫn đến phát điên khi con cún mình nuôi bị một tên ất ơ vơ súng bắn chết.

Đó cũng là khởi đầu cho một cuộc chiến khác, tàn khốc hơn hết thảy: cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong cùng một con người. Buu mập và Buu ốm như đại diện cho hai bản ngã trong mỗi chúng ta, dù chung thân xác nhưng không ngừng giằng xé. Mặt tốt nhiều khi bị nhấn chìm trong tham vọng xấu xa, nhưng chỉ cần một chút tính thiện còn nhen nhóm cũng đủ để khơi dậy lương tâm của cả con người.

Và chiến thắng cuối cùng, như ta luôn hy vọng, đã thuộc về người tốt.

Đời không như là mơ, thế giới trong truyện cũng chẳng bao giờ giống như đời thực. Nhưng nếu được trao một cơ hội để góp phần “make it a better place”, liệu bạn có dửng dưng khoanh tay đứng ngoài cuộc?

Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao – nhưng không có nghĩa là ai đó sẽ “gánh team” cho tất cả. Bởi ngay những người yếu ớt nhất khi đoàn kết lại cũng có thể làm nên điều kỳ diệu.

Như bài học cuối cùng mà Dragon Ball muốn nhắn nhủ: sau tất cả, chính chúng ta phải tự cứu lấy mình.

Lời kết: Một bộ manga không chỉ dành riêng cho trẻ em

Dragon Ball - Bảy Viên Ngọc Rồng sẽ còn sống mãi với thời gian (Ảnh: Internet).
Dragon Ball – Bảy Viên Ngọc Rồng sẽ còn sống mãi với thời gian (Ảnh: Internet).

Sẽ là hơi quá khi tung hô một bộ truyện tranh như “kiệt tác của thời đại”. Và cũng là ảo tưởng khi cho rằng một con người có thể thay đổi sau khi đọc manga. Nhưng bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn: nhìn câu chuyện chỉ như ký ức đẹp của tuổi thơ, hay rút ra từ đó những bài học vĩnh cửu về chân-thiện-mỹ. Nói cho cùng, có ai đánh thuế ước mơ đâu.

Ước cho mọi điều ước tốt đẹp đều trở thành sự thật (Ảnh: Internet).
Ước cho mọi điều ước tốt đẹp đều trở thành sự thật (Ảnh: Internet).

Bảy Viên Ngọc Rồng – Dragon Ball là một kho điều ước như vậy. Những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên, những thế hệ rồi sẽ tiếp nối, nhưng các nhân vật vẫn luôn ở đó, trẻ trung, sống mãi trong lòng người, dù trang giấy đã đi vào lòng đất.

Mua truyện Bảy Viên Ngọc Rồng – Dragon Ball ở đâu? Giá bao nhiêu?

Bạn có thể mua trọn bộ truyện tranh Dragon Ball trên Tiki với giá khoảng 700K VND tại đây

Phim hoạt hình Bảy Viên Ngọc Rồng – Dragon Ball

Bạn có thể xem trọn bộ phim hoạt hình Bảy Viên Ngọc Rồng – Dragon Ball trên YouTube tại đây

Mời bạn đọc tiếp những bài viết thú vị của BlogAnChoi:

Xem thêm

300+ câu châm ngôn cuộc sống hay nhất sẽ khiến bạn "sáng mắt ra"!

Những câu châm ngôn cuộc sống, câu nói về cuộc sống hay, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn hiểu ra nhiều sự thật và chân lý, có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân hoặc đơn giản là bạn sẽ "sáng mắt ra" vì cuộc đời vốn không phải ngôn tình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận