Mình viết chiếc blog lần này khi đã tốt nghiệp THPT hơn 3 tháng. Ba năm cấp ba đối với mình là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa, có buồn, có vui, có thất bại, cũng có trưởng thành. Trên hành trình ấy, dĩ nhiên, mình cũng không thể không gặp một số ý kiến, quan điểm mà mình cho rằng chúng sẽ khiến sự nhận thức bản thân (self-awareness) trở nên trì trệ và thụ động. Mình không dám nhận là một “chiếc chiếu đã trải sự đời” trong chặng đường xa hơn trong tương lai. Nhưng chắc chắn bằng những trải nghiệm, mình hơn hết hiểu các bạn khi học cấp ba đã phải gặp những khó khăn và sự mông lung như nào. Chắc chắn, 3 quan niệm sai lầm khi ngồi trên ghế nhà trường mình sắp nói sau đây sẽ không khiến các bạn thất vọng!

1. “Kỹ năng mềm? Thôi để từ từ lên đại học rồi học”

Học kỹ năng mềm càng sớm càng tốt (Nguồn: Internet)
Học kỹ năng mềm càng sớm càng tốt (Nguồn: Internet)

Trong một buổi workshop mình tham gia hồi lớp 11, người ta phân biệt định nghĩa này một cách dễ hiểu là: Kỹ năng cứng là những kiến thức có thể được giảng dạy, truyền đạt, học chay được. Còn kỹ năng mềm thì ngược lại, phải làm rồi mới biết! Mà những ai cứ nghĩ “Thôi để đấy rồi từ từ học sau cũng được”, “Ba cái kỹ năng này làm gì, cứ học giỏi thật giỏi mới đẳng cấp”, “Không làm thì để đấy cũng có đứa làm cho, tội gì phải học”.

Một lần, hai lần thì người ta còn “gánh” giúp bạn. Còn sang đến lần ba thì hừm, chúc bạn may mắn lần sau…

Ý thức tự học kỹ năng mềm của mình bắt đầu từ tầm cấp hai. Tư duy này xuất phát từ khi mình cảm thấy việc luôn nhờ vả người khác chính là tự biến mình thành “cục nợ” của họ. Còn người ta không việc gì phải gánh vác giúp mình cả, nên nếu không biết làm thì sớm muộn cũng sẽ bị “đá” thôi. Mình thích tự lên ý tưởng, tự chạy đôn chạy đáo để hoàn thành sản phẩm, tự trình bày nó trước đám đông và rồi cuối cùng chiêm ngưỡng nó. Dù hoàn hảo hay không, đó vẫn là sản phẩm của mình.

“Mọi thứ dù nhỏ nhất cũng phải làm một cách trọn vẹn”

Đó là bài học đầu tiên khi mình chính thức đi làm có lương từ chị chủ của mình. Đó cũng là lúc mình nhận thấy việc mình biết các kỹ năng mềm từ lúc ngồi trên ghế nhà trường đã giúp mình có được công việc này quý giá thế nào. Tin mình đi, cái gì cũng phải học, mà học là phải hành nghen: học đọc sách, học chăm chú lắng nghe và sửa chữa lỗi lầm, học cách sắp xếp thời gian, học cách nói chuyện trước đám đông, học cách tư duy sáng tạo,…

2. “Học đều tất cả các môn trông rất ngầu”

Khi mình bước vào trường đã từng nghĩ như thế đấy và mình cá là những “chiếc chiếu mới” cũng sẽ nghĩ như vậy sẽ trông rất là oách xà lách! Giáo viên hỏi gì cũng trả lời được, tiết nào cũng năng nổ giơ tay, gặt điểm như gặt mùa. Ừ thì trông cũng ngầu thật đấy! Nhưng mà, nó cũng chỉ dừng lại ở cái ngầu mà thôi… Bởi vì ông bà ta có câu “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

Học đều tất cả các môn có thật sự tốt? (Nguồn: Internet)
Học đều tất cả các môn có thật sự tốt? (Nguồn: Internet)

Năm lớp 10 bạn chạy đua thành tích với các bạn trong lớp, cày điểm hăng say, từ Sử, Địa, Công dân, Lý, Sinh, Hóa… môn nào cũng đọc thuộc như đọc kinh.

Năm lớp 11 vẫn tiếp tục công cuộc xây dựng bảng điểm “con nhà người ta” đẹp lung linh không tì vết. Thậm chí bạn còn tố cáo bạn cùng bàn vì sao không học tất cả các môn mà phải đi hỏi bài mình.

Năm lớp 12 bạn vẫn tiếp tục chạy trên con đường vinh quang top lớp đấy một lần nữa. Nhưng bạn quên mất bạn đang ngủ quên trên chiến thắng, để rồi đến khi đặt bút viết nguyện vọng thi đại học, bạn-chẳng-biết-viết-gì-cả.

Bởi vì trước giờ bạn chỉ học với mục đích là học đều, môn nào cũng cao ngất ngưỡng để nở mày nở mặt. Nhưng có lẽ bạn đã quá xa rời mục đích của việc học tập chính là xây dựng và phát triển điểm mạnh bản thân. Chăm chỉ không phải là điều tiêu cực, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi mình chăm chỉ vì điều gì?

Ngày trước thấy các bạn điểm cao chót vót mình siêu ngưỡng mộ luôn ấy. Nhưng rồi mình lại thấy ngưỡng mộ hơn nữa khi thấy một bạn khác nói chuyên sâu về lĩnh vực mà họ đam mê, như máy tính, văn học, y khoa, điện ảnh…

Thành tích chỉ là tạm thời, kiến thức mới là mãi mãi

Nếu bạn đã tìm được điểm mạnh, đam mê, ngành nghề yêu thích cho 4 năm Đại học sắp đến thì bạn là một người rất may mắn đấy! Bạn không biết mình đã sung sướng như thế nào khi chọn được đúng con đường để theo đuổi đâu. Cứ như thể có ngọn hải đăng rẽ lối giữa đại dương trùng điệp, mỗi khi chán nản tuyệt vọng là có thể vực dậy chạy tiếp ngay.

Còn nếu bạn chưa tìm thấy ngọn hải đăng của mình thì chưa bao giờ là quá muộn cả! Ngay bây giờ, hãy cứ giữ ngọn lửa nhiệt huyết như bạn đã từng ấy, nhưng hãy đặt ra cho bản thân một câu hỏi rằng “Mình học để làm gì?”.

3. “Bỏ thời gian cho các câu lạc bộ là vô bổ”

Hai ý kiến trên mình đã đề cập đến hai vấn đề đó chính là kỹ năng mềm và điểm mạnh bản thân. Thì đến đây, câu lạc bộ chính là miền đất hứa để bạn tìm kiếm và thực hiện những điều đó.

Quả thật thì cũng không phải dễ dàng để tìm ra được “real love” ngay từ lần đầu tiên đâu. Có thể bạn sẽ gặp những câu lạc bộ “trời ơi đất hỡi”, va chạm drama liên tục với các thành viên trong team hay bị deadline dí sấp mặt. Nhưng bạn ơi đừng vội gọi các trải nghiệm tồi tệ đó là vô bổ. Thật ra câu lạc bộ trong trường chỉ là mô hình thu nhỏ của các doanh nghiệp ngoài xã hội thôi. Những lần chạy deadline, những lần giải quyết xung đột, những lần nghe chủ nhiệm mắng, tất cả đều là những điều trong tương lai chúng ta sẽ gặp phải. Chỉ là chúng ở hình thức nhẹ hơn và chúng ta được trải nghiệm chúng sớm hơn, sau này đỡ phải bỡ ngỡ mà thôi. Dù sao thì chúng ta vẫn còn trẻ mà, cứ thử đi, được ăn cả ngã lại không mất gì.

Hãy tận dụng cơ hội để phát triển bản thân (Nguồn: Internet)
Hãy tận dụng cơ hội để phát triển bản thân (Nguồn: Internet)

Còn về những lợi ích khi tham gia các câu lạc bộ là vô số kể, lên Google cạch cạch là bạn có thể tìm thấy 7749 kết quả ngay. Nhưng cái mình muốn nhấn mạnh ở đây chính là có môi trường lớn hơn để thực tiễn và tạo dựng mối quan hệ.

Câu lạc bộ đầu tiên mình tham gia là một câu lạc bộ truyền thông của trường trung học. Ban đầu apply mình trong tâm thế gặp gỡ mọi người cho vui thôi (vì chính mình cũng không mường tượng được sẽ làm điều gì nữa cơ). Nhưng sau 1 tháng làm việc mình mới thật sự tìm được con người thật của mình trong công việc đó. Mình nhận ra được viết, được nảy sinh ra ý tưởng, được cộng tác với mọi người như là mission cuộc đời mình vậy :))) Hơn thế nữa mình còn có cơ hội gặp các anh chị tiền bối, xem cách người ta vận hành công việc, cách đối nhân xử thế,… Thật sự đã học hỏi được rất nhiều! Đến bây giờ, mình vẫn xem việc apply vào các câu lạc bộ chính là bước ngoặt lớn nhất để mình tìm lại bản thân.

Còn bạn thì sao? Bạn đã thực sự sống trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình chưa?

Xem thêm

15 truyện tranh đam mỹ ngược hay nhất, ngược nam chính ngược luôn độc giả

Trong số các thể loại, có lẽ manhua đam mỹ ngược là được bạn đọc ưu ái hơn hết nhờ cốt truyện gay cấn với những nút thắt bất ngờ. Nếu bạn yêu thích thể loại ngược tâm, đừng bỏ qua danh sách những bộ truyện tranh đam mỹ ngược cực hot sau đây nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận