Nếu làm thêm là một loại gia vị phải nếm. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với các cậu – tân sinh viên, đặc biệt là khi chúng ta chuẩn bị đi học offline trở lại! Trong bài này sẽ đề cập những lưu ý quan trọng trong quá trình tìm và làm các công việc làm thêm.
Những lưu ý khi tìm việc
1. Thích nghi trước khi bắt đầu
Nếu là cậu sinh viên năm nhất, lời khuyên tốt nhất cho cậu là hãy học cách thích nghi trước khi bắt đầu có ý định làm thêm trong thời gian đầu khi mới lên thành phố học ĐH.
Việc sinh sống và học tập ở một môi trường xa lạ với các mối quan hệ khác nhau buộc chúng ta phải có thời gian từ 2-3 tháng để mọi thứ dần đi vào quỹ đạo. Trong thời gian này, cậu có thể nằm lòng những con đường, địa chỉ hay các tuyến xe bus nơi đó. Sẽ rất cần thiết đấy!
Đừng vội vàng tìm công việc làm thêm ngay khi vừa bắt đầu hành trình mới, khi cậu thực sự chưa sẵn sàng với môi trường và lối sống nơi đó.
2. Việc nhẹ lương cao: có nguy cơ té đau
Hàng ngày, hàng giờ có rất nhiều công việc được cập nhật trên mạng xã hội hay được dán đầy trên các góc đường. Việc chúng mình cần làm là hãy luôn giữ một cái nhìn khách quan trước mọi thông tin tuyển dụng.
“Việc nhẹ nhàng, lương cao phù hợp với lịch học sinh viên, lương 30k/h được thưởng thêm nếu đạt doanh số và nhận được hoa hồng khi rủ thêm bạn,”… cùng hàng tá những lời gọi mời hấp dẫn mà sự cả tin sẽ là thứ dẫn dắt cậu sa lưới một cách dễ dàng.
Vì vậy trước khi tin và đi theo bất kỳ lời mời tuyển dụng nào phải thực sự tỉnh táo và có một cái nhìn thực tế thông qua việc tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. (một thông tin nhỏ nếu cậu chưa biết thì đa phần các công việc làm thêm đều chưa tới 25k/h, ngoại trừ các công việc như gia sư hay trợ giảng,… thì sẽ có mức giá thỏa thuận)
3. Đóng phí – Rất phí
Đi kèm với việc nhẹ, lương cao là combo đóng phí trước khi làm để đảm bảo cậu gắn bó với công việc.
Hãy nhớ tuyệt đối không đóng bất kỳ khoản lệ phí nào để được làm! Vì cơ bản của việc làm là lương và cậu đi làm thêm chứ không phải đi đóng phí.
Tuy nhiên có một vài công việc như nhân viên phục vụ thì sẽ yêu cầu mua giày (phục vụ cho công việc) hoặc đóng tiền để mua đồng phục khi làm ở quán ăn nhanh nhưng số tiền rất ít. Và cậu có quyền từ chối nhận việc khi thấy khoản phí bất hợp lý.
4. Hãy có nguyên tắc
Trước khi bắt đầu tìm việc hãy có một vài nguyên tắc cho bản thân để đảm bảo cậu có thể chọn và làm một công việc phù hợp và vừa sức với mình. Những nguyên tắc đó có thể là:
- Công việc không có ca đêm. Phải tan làm trước 20h
- Nếu là công việc tay chân thì việc đó nặng đến đâu?
- Có thể xin đổi ca khi vướng lịch học?
- Công việc mức lương tối thiểu 15k/h…
5. Thuận lợi là ưu tiên
Một công việc ở vị trí gần trường hoặc gần nơi cậu sống sẽ là một lựa chọn khá tốt. Ngoài ra địa điểm làm việc cũng quan trọng không kém. Hãy làm ở những nơi đông người hay gần trung tâm, nơi nhiều người qua lại để đảm bảo an toàn cho mình nhé!
6. Lý do cho công việc đó
Mục đích của cậu khi quyết định tìm việc làm thêm là gì? Khi trả lời câu hỏi đó cậu sẽ biết công việc nào là phù hợp với mình.
Nếu muốn có thêm nhiều kỹ năng xã hội, giao tiếp với nhiều kiểu người và mức lương là thứ yếu thì hãy cân nhắc đến công việc tay chân như phục vụ, bán hàng ăn,..
Nếu muốn thêm các kỹ năng và kiến thức chuyên môn cho nghề nghiệp sau này, hãy chọn các công việc văn phòng ở những trang web tuyển dụng đáng tin cậy.
Nếu muốn một công việc có mức lương cao và môi trường ổn thì gia sư, trợ giảng, giáo viên dạy kèm,… là lựa chọn phù hợp.
Những lưu ý trong khi làm
1. Cân bằng là một bài toán cần phải tính toán!
Học tập, làm thêm, vui chơi, các hoạt động ngoại khóa củng cố các mối quan hệ là những thứ cậu buộc phải cân bằng và sắp xếp một cách hợp lý. Đó là bài toán mà chúng ta buộc phải tính toán tốt nếu không muốn bị sa đà vào việc đi làm mà bỏ quên việc học hay không có thời gian chăm sóc sức khỏe.
2. Tiền lương luôn phải rõ ràng!
Ngay khi bắt đầu thương lượng công việc thì phải nói rõ ràng về tiền lương với người đang phụ trách tuyển dụng. Đó là một vấn đề tế nhị, nhưng hãy thẳng thắn (một cách tinh tế) ngay từ đầu vì đó vừa là quyền lợi vừa là động lực thúc đẩy trong công việc của chúng ta.
3. Môi trường phù hợp
Một môi trường phù hợp là một công việc trong đó những đồng nghiệp và người làm chung với cậu có thể giao tiếp hòa hợp và các vấn đề sẽ không bị drama hóa. Ngoài ra, những vị khách mà cậu tiếp xúc cũng sẽ thể hiện cho cậu biết môi trường làm việc đó có phù hợp không.
Một số bài viết mà mọi người có thể tham khảo thêm:
- Enjoy năm mới Nhâm Dần 2022 với những sự thật thú vị về loài hổ
- Những sự thật tâm lý ít người biết: Đàn ông hài hước? Tin nhắn “tầm thường”?
- 6 nhân vật hoạt hình Disney gắn liền với những hội chứng lạ hiếm gặp
Thật thà cảm ơn cậu đã đọc bài viết! Đây là một vài lưu ý mà mình nghĩ khá quan trọng dành cho tân sinh viên khi bắt đầu tìm việc làm thêm ở một môi trường mới. Nếu cậu thấy hữu ích, hãy theo dõi BlogAnChoi để đón chờ những bài viết tiếp theo nha!
Chúc cậu một ngày ngọt ngào nhá!
Bai viet hay va bo ich lam
Mình nghĩ một điều không kém quan trọng khác là PHẢI ĐỌC LĨ HỢP ĐỒNG, nếu các bạn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp ^^
Rất bổ ích
Cảm ơn chủ bài viết.