Có phải chỉ cần làm xét nghiệm COVID-19 khi thấy triệu chứng ho, sốt, khó thở? “Chọc mũi” có khó chịu lắm không? Hay kết quả test âm tính thì có thể thoải mái bỏ khẩu trang? Hãy cùng khám phá sự thật về những điều lầm tưởng này nhé!
- 1. Chỉ cần làm xét nghiệm COVID-19 khi có triệu chứng?
- 2. Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến là do xét nghiệm nhiều?
- 3. Xét nghiệm PCR luôn tốt hơn test nhanh tìm kháng nguyên?
- 4. Làm xét nghiệm rất khó chịu vì phải chọc que lấy mẫu vào sâu trong mũi?
- 5. Nếu có 2 bộ test nhanh trong một hộp thì chỉ cần dùng 1 bộ, còn bộ kia để dành?
- 6. Có thể không thực hiện chính xác hướng dẫn của bộ test tại nhà nhưng vẫn cho kết quả đúng?
- 7. Nếu đi test thường xuyên thì không cần tiêm vaccine COVID-19?
- 8. Nếu xét nghiệm âm tính thì không cần đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác?
Vaccine ngừa COVID-19 đang được phổ biến rộng rãi làm cho nhiều người bắt đầu “quên” các biện pháp quan trọng khác được áp dụng để khống chế đại dịch, trong đó có xét nghiệm.
Có nhiều quan niệm sai lầm lan truyền rộng rãi về test COVID-19 khiến nhiều người cảm thấy hoang mang và sinh ra tâm lý ngại đi test. Hãy cùng xem các chuyên gia làm sáng tỏ sự thật và mách bạn cách sử dụng các phương pháp xét nghiệm sao cho hiệu quả và chính xác nhất.
1. Chỉ cần làm xét nghiệm COVID-19 khi có triệu chứng?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến cáo nên xét nghiệm trong nhiều trường hợp khác nhau. Tất nhiên phải làm test khi có các triệu chứng của COVID-19 như sốt hoặc ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, mất vị giác hoặc khứu giác, v.v. cho dù bạn đã được tiêm phòng hay chưa. Nhưng cũng có nhiều tình huống khác phải làm xét nghiệm dù không có triệu chứng.
CDC khuyến cáo: nếu bạn tiếp xúc gần với người bị nhiễm COVID-19 thì nên làm xét nghiệm ngay lập tức và lặp lại từ 5 đến 7 ngày sau đó nếu bạn chưa tiêm vaccine, hoặc xét nghiệm 5 đến 7 ngày sau khi tiếp xúc nếu bạn đã tiêm ngừa đầy đủ.
Tham dự các cuộc tụ họp đông người và ở trong những không gian đông người trong nhà là những tình huống có nguy cơ cao tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Di chuyển giữa các nước bằng đường hàng không quốc tế cũng có thể phải làm xét nghiệm dù bạn đã được tiêm vaccine hay chưa, test cả trước khi đi và trước khi trở về.
Hơn nữa, theo tiến sĩ Thersa Sweet tại Đại học Drexel ở Philadelphia (Mỹ) thì “nên thực hiện ít nhất là test nhanh tại nhà nếu bạn định gặp ai đó bị suy giảm miễn dịch hoặc người cao tuổi,” vì những người này có hệ miễn dịch yếu và bạn có thể sẽ vô tình lây bệnh cho họ.
2. Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến là do xét nghiệm nhiều?
Theo tiến sĩ Gigi Kwik Gronvall tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins (Mỹ), xét nghiệm là biện pháp quan trọng để các chuyên gia y tế theo dõi mức độ lây lan của virus trong cộng đồng. “Chúng ta biết nhiều hơn về các ca mắc nhờ xét nghiệm, nhưng xét nghiệm không tạo ra nhiều ca mắc hơn.”
Một số người đổ lỗi cho số ca mắc COVID-19 tăng đột biến là do xét nghiệm quá nhiều, nhưng các chuyên gia cho rằng điều đó không đúng, thậm chí ngược lại. Tiến sĩ Sweet nói: “Nếu tỷ lệ dương tính cao, điều đó thực ra có nghĩa là bạn không xét nghiệm đủ số người. Tất cả các đợt tăng đột biến mà tôi thấy gần đây đều đi đôi với sự gia tăng tỷ lệ dương tính.” Như vậy số ca mắc tăng đột biến là do virus thực sự đang lây lan trong cộng đồng.
3. Xét nghiệm PCR luôn tốt hơn test nhanh tìm kháng nguyên?
Có 2 loại xét nghiệm khác nhau được sử dụng để phát hiện COVID-19: một là phản ứng chuỗi polymerase (PCR) tìm vật chất di truyền của virus, đủ độ nhạy để phát hiện ngay từ giai đoạn sớm nhất. Xét nghiệm này chỉ được thực hiện tại các cơ sở chuyên dụng dành cho COVID-19, các bệnh viện, trung tâm y tế, v.v. Từ lúc gửi mẫu cho phòng thí nghiệm đến lúc có kết quả thường là một vài ngày.
Loại thứ 2 là xét nghiệm kháng nguyên, còn gọi là test nhanh, dùng để phát hiện các phân tử đặc biệt gợi ý tình trạng nhiễm virus hiện tại nhưng không ghi lại trực tiếp sự hiện diện của chúng nên kém chính xác hơn một chút. Test này cho kết quả chỉ trong vòng vài phút, do đó đây là loại xét nghiệm được sử dụng rộng rãi tại nhà.
Theo bác sĩ Melanie Swift tại trung tâm y tế Mayo Clinic (Mỹ): “Xét nghiệm tốt nhất là xét nghiệm sẵn có,” đặc biệt đối với những người đang biểu hiện triệu chứng của COVID-19 hoặc có nguy cơ nhiễm virus cao hơn.
Vì test kháng nguyên thường không phát hiện được số lượng virus quá ít nên nếu cho kết quả âm tính thì vẫn nên làm thêm test kháng nguyên thứ 2 để tăng độ chính xác, thường là từ 24 đến 48 giờ sau, hoặc làm xét nghiệm PCR để chắc chắn hơn
Bác sĩ Swift cũng nói rằng: trong nhiều trường hợp, test kháng nguyên là lựa chọn tốt hơn vì có thể tự làm tại nhà. “Xét nghiệm kháng nguyên là lựa chọn tốt cho những người không có triệu chứng muốn được kiểm tra trước hoặc sau khi đi du lịch, hoặc những người cần được kiểm tra trong chương trình giám sát.”
4. Làm xét nghiệm rất khó chịu vì phải chọc que lấy mẫu vào sâu trong mũi?
Ở thời điểm bắt đầu đại dịch, quy trình xét nghiệm COVID-19 yêu cầu phải đưa que lấy mẫu vào sâu tới tận điểm nối giữa mũi với phần trên của họng, được gọi là vùng mũi họng (tỵ hầu). Các nhà khoa học tin rằng nếu virus đã xâm nhập cơ thể thì đó là nơi chúng nhân lên và sẽ phát hiện được nếu lấy mẫu ở đó.
Nhưng trên thực tế nhiều người không thể chịu được cảm giác bị chọc sâu vào mũi, vì vậy quy trình lấy mẫu đã thay đổi: chỉ chọc đến phần giữa của đường mũi, tức là khoảng 2 cm từ ngoài vào trong, được gọi là vùng xoăn mũi giữa, như vậy sẽ dễ dàng và thoải mái hơn nhiều.
Tuy nhiên lấy mẫu ở vùng mũi họng vẫn là chính xác nhất. Một nghiên cứu đánh giá được đăng trên PLOS One tháng 7/2021 cho thấy: các xét nghiệm dùng que lấy mẫu ở mũi họng có độ chính xác 98%, trong khi nếu chọc đến xoăn mũi giữa hoặc ít hơn nữa thì độ chính xác từ 82 đến 88%, nhưng bù lại sẽ sàng lọc được nhiều người hơn, do đó giúp ích cho phòng chống dịch nhiều hơn.
5. Nếu có 2 bộ test nhanh trong một hộp thì chỉ cần dùng 1 bộ, còn bộ kia để dành?
Một số hãng sản xuất bộ test nhanh COVID-19 như Abbott BinaxNOW và Quidel QuickVue có 2 bộ test được đóng gói trong 1 hộp sản phẩm. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nếu có kết quả âm tính khi làm 1 bộ thì phải làm tiếp lần 2 trong vòng 3 ngày sau đó. Nên có một khoảng thời gian giữa 2 lần test, thường ít nhất 24 giờ và không quá 48 giờ.
Lý do phải làm 2 lần là vì test kháng nguyên có thể cho kết quả âm tính giả nếu xét nghiệm quá sớm sau khi nhiễm, lúc đó số lượng virus quá ít nên không phát hiện được. Đến lúc làm test lần 2, nếu bạn thực sự nhiễm virus thì kết quả sẽ dương tính. Nếu một trong hai lần test dương tính, hãy liên hệ ngay với cơ quan y tế và ở trong nhà, tránh tiếp xúc với mọi người.
6. Có thể không thực hiện chính xác hướng dẫn của bộ test tại nhà nhưng vẫn cho kết quả đúng?
Sự thật là: Khi làm test COVID-19 tại nhà, điều quan trọng là phải tuân theo các bước chính xác như trong hướng dẫn. Nếu làm không đúng dù chỉ một chút thì kết quả có thể sẽ không chính xác.
Ví dụ: bộ test của hãng Abbott BinaxNOW hướng dẫn ngoáy mũi trong 15 giây, nếu ngoáy ít hơn thì có thể không lấy đủ mẫu để phát hiện được virus. Hướng dẫn cũng yêu cầu nhỏ đúng 6 giọt dung dịch vào que test, nếu nhỏ nhiều hơn hoặc ít hơn có thể làm cho kết quả không chính xác.
Do đó hãy luôn dành vài phút để đọc kỹ tất cả các bước hướng dẫn trước khi làm test tại nhà, kể cả nếu bạn đã từng làm trước đó.
7. Nếu đi test thường xuyên thì không cần tiêm vaccine COVID-19?
Sự thật là: Tất cả các loại vaccine COVID-19 được cấp phép đều làm giảm đáng kể nguy cơ mắc COVID-19, đặc biệt là nguy cơ nhập viện hoặc tử vong. Ngược lại, xét nghiệm không thể giúp bạn tránh mắc bệnh, cũng không ngăn được virus lây lan.
Xét nghiệm thường xuyên chỉ có thể cảnh báo sớm nếu bạn bị nhiễm virus để nhanh chóng cách ly, đồng thời thông báo cho những người tiếp xúc gần với bạn cũng nên đi xét nghiệm và cách ly, như vậy sẽ không lây lan COVID-19 cho nhiều người. Nhưng để bảo vệ bản thân và mọi người thì tốt nhất vẫn nên đi tiêm ngừa.
8. Nếu xét nghiệm âm tính thì không cần đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác?
Sự thật là: “Xét nghiệm âm tính không phải là giấy phép để được miễn đeo khẩu trang, giãn cách xã hội hoặc các biện pháp phòng ngừa thông thường khác khi COVID đang lưu hành trong cộng đồng của bạn,” bác sĩ Swift nói.
Xét nghiệm không phải là chắc chắn 100% vì có thể âm tính giả, tức là kết quả xét nghiệm cho biết không có virus nhưng thực ra là có. Xét nghiệm âm tính thật cũng chỉ chỉ cho biết không phát hiện virus tại thời điểm đó, có thể là vì đã nhiễm nhưng còn quá sớm chưa đủ để phát hiện, hoặc bạn có thể bị nhiễm COVID-19 sau khi xét nghiệm.
Như vậy cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh là áp dụng nhiều lớp bảo vệ đồng thời: đeo khẩu trang và giãn cách xã hội khi virus vẫn còn đang lưu hành, thường xuyên rửa tay, tiêm vaccine và xét nghiệm khi cần thiết.
Bạn có thể mua bộ test nhanh COVID-19 tại nhà ở đây
Trên đây là những điều lầm tưởng về xét nghiệm COVID-19 mà nhiều người mắc phải. Hãy cập nhật những kiến thức mới nhất để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh nhé!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:
- COVID-19 và vaccine có ảnh hưởng đến kinh nguyệt của nữ giới không?
- Biến thể Omicron của virus gây COVID-19 nguy hiểm tới mức nào? Tại sao lại “đáng lo ngại”?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!