Thủy đậu không phải là một bệnh xa lạ và rất thường gặp ở trẻ em, nếu không phát hiện sớm bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu để biết triệu chứng bệnh thủy đậu là gì nhé!
Thủy đậu là một căn bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh dễ lây lan từ người này qua người khác và thường bùng phát vào khoảng tháng 3, tháng 4 trong năm.
Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi, tuy nhiên trường hợp người lớn mang bệnh cũng không ít. Ở người lớn bệnh có thể tiến triển và gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi bội nhiễm hay nhiễm khuẩn huyết.
Thủy đậu lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Khi người lành tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, nước mũi hay chất dịch tiết ra từ bóng nước bị vỡ của người bệnh thì hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, phụ nữ có thai cần đặc biệt chú ý vì bệnh có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình thai kì.
Các triệu chứng bệnh thủy đậu
Giai đoạn đầu, bệnh biểu hiện bởi những nốt ban đỏ, rất ngứa nổi trên da. Những nốt ban này nhanh chóng lây lan từ tay, lên miệng, lên chân, lên bụng rồi xuất hiện toàn thân. Trong khoảng thời gian 10 ngày, nốt ban đỏ này biến đổi thành bọng nước, vỡ ra bất cứ lúc nào, sau đó sẽ đóng vảy và khô dần.
Chu kì từ thời điểm xuất hiện đến khi đóng vảy của các nốt ban kéo dài khoảng 2 tuần. Cho tới khi các vết loét đã khô lại thì nguy cơ lây bệnh cho người lành là rất cao.
Ở giai đoạn khởi phát, nhiều người sẽ có triệu chứng kèm theo như sốt, cổ cứng, đau đầu, đau cơ,… Hay giai đoạn hồi phục thì có thể biểu hiện sốt, nôn, co giật, rối loạn ý thức,… Tuy nhiên với một số đối tượng (đặc biệt là trẻ em), dấu hiệu này âm thầm và hầu như không có.
Đối với trẻ em đã tiêm vacxin phòng ngừa thủy đậu, nguy cơ mắc bệnh vẫn có tuy nhiên bệnh sẽ nhanh khỏi và chỉ kéo dài tầm từ 3-5 ngày. Hiện nay, các tổ chức y tế khuyến cáo nên tiêm 2 liều vacxin thủy đậu cho mỗi người để khả năng phòng bệnh được cao hơn.
Những biến chứng của bệnh thủy đậu
Trong trường hợp diễn biến thông thường, thủy đậu là một bệnh lành tính và tương đối dễ chữa trị. Tuy nhiên, nếu để kéo dài nhiều ngày hay điều trị sai phương pháp, những biến chứng nghiêm trọng sẽ phát sinh.
- Một vài biến chứng điển hình như viêm gan, nhiễm trùng huyết, xuất huyết, viêm màng não, viêm mô tế bào gan,…
- Viêm não do thủy đậu là một biến chứng không hiếm. Sau khi bị thủy đậu, trẻ em đột nhiên có biểu hiện kích thích thần kinh, vật vã, la hét, có thể kèm co giật, mất ý thức.
- Viêm phổi do thủy đậu là một bệnh rất khó chữa trị. Nó sẽ cần sự nỗ lực từ cả phía bệnh nhân và bác sĩ. Biến chứng này khá hiếm gặp.
- Đặc biệt, nếu phụ nữ mắc bệnh khi đang mang thai có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh. Hãy thường xuyên theo dõi tình trạng của thai nhi để có phương án giải quyết kịp thời.
Phòng tránh bệnh thủy đậu
Hiện nay, các cơ quan y tế đã nghiên cứu được vacxin để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu. Hãy tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo khuyến cáo, đối với trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi, bố mẹ nên cho các con tiêm 1 liều, liều thứ 2 nên cách liều một khoảng thời gian lớn hơn 6 tuần hoặc tiêm vào thời điểm bé từ 4 – 6 tuổi. Việc tiêm nhắc lại với thời gian như vậy sẽ tăng cường sự đề kháng với virus Varicella Zoster của cơ thể.
Với đối tượng là trẻ em lớn hơn 13 tuổi, thanh niên hoặc người lớn, liều lượng vacxin phòng ngừa thủy đậu được khuyên dùng là 2 liều và khoảng thời gian giữa 2 lần tiêm cách nhau ít nhất 6 tuần để đảm bảo hiệu quả của vacxin.
Một số bài viết sẽ hữu ích với sức khỏe của bạn:
- 9 dấu hiệu có thai cần nhận biết sớm để chăm sóc thai phụ
- 5 điều cần biết về bệnh tiêu chảy ở trẻ em để phòng tránh, điều trị tốt nhất
- 8 điều cần biết về chứng rối loạn tự kỷ ở trẻ nhỏ
Vậy là BlogAnChoi vừa gửi tới bạn đọc thông tin về dấu hiệu bệnh thủy đậu, những biến chứng nguy hiểm của nó và cách phòng ngừa. Với bài viết này, BlogAnChoi hi vọng sẽ giúp độc giả nhận thấy được những triệu chứng thủy đậu sớm nhất để chữa trị kịp thời.
Đừng quên tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích mới bạn nhé!