Thông thường, điều này xảy ra vì các van trong tĩnh mạch ở chân của bạn không hoạt động tốt như bình thường. Các van này thường ngăn máu chảy ngược trở lại nhưng nếu chúng không hoạt động bình thường, máu trong tĩnh mạch chân của bạn sẽ bị ứ đọng ở chân do trọng lực và không chảy ngược về tim.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tăng áp tĩnh mạch, chẳng hạn như:
Có nhiều mô mỡ
Làm công việc đòi hỏi phải đứng nhiều
Có tiền sử gia đình mắc bệnh tĩnh mạch mạn tính
Có tiền sử cục máu đông trong tĩnh mạch ở chân
Tuổi tác ngày càng cao
Không tập thể dục nhiều
Mang thai
Chấn thương ở chân
Hút thuốc
Suy tĩnh mạch có gây tăng huyết áp tĩnh mạch không?
“Suy tĩnh mạch mạn tính” (CVI) là thuật ngữ đôi khi được dùng để mô tả tình trạng tĩnh mạch không đưa máu về tim một cách bình thường. Tăng huyết áp tĩnh mạch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương các van trong tĩnh mạch của bạn. Nếu bạn bị một trong hai loại, bạn có thể bị cả suy tĩnh mạch lẫn tăng áp tĩnh mạch.
Suy tĩnh mạch có thể gây tăng huyết áp tĩnh mạch và tăng huyết áp tĩnh mạch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương các van trong tĩnh mạch (Ảnh: Internet)
Triệu chứng
Các triệu chứng tăng huyết áp tĩnh mạch xuất hiện dần dần. Lúc đầu, tăng huyết áp tĩnh mạch có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Theo thời gian, bạn có thể bắt đầu nhận thấy những điều sau:
Tĩnh mạch mạng nhện: Có thể dễ dàng nhận thấy mạch máu giãn nở
Tĩnh mạch lưới: Tương tự tĩnh mạch mạng nhện nhưng lớn hơn một chút
Giãn tĩnh mạch: Các tĩnh mạch lớn hơn, nhô ra khỏi da, gây khó chịu
Nếu tình trạng tăng huyết áp tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng bổ sung như:
Xuất hiện các thay đổi trên da như da sẫm màu hoặc ngứa (viêm da ứ trệ)
Sưng ở chân và bàn chân
Cảm giác đầy, nặng hoặc đau ở chân
Ở một số người, các triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Ví dụ, tình trạng sưng ở chân có thể chuyển từ nhẹ sang nặng và một số vùng da có thể cứng lại. Bạn cũng có thể bị loét tĩnh mạch, các vết loét có hình dạng bất thường và khó lành.
Cách chẩn đoán và thời điểm cần gặp bác sĩ
Nếu bạn nghi ngờ mình bị tăng huyết áp tĩnh mạch, hãy liên hệ với bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Họ có thể chẩn đoán tăng huyết áp tĩnh mạch và loại trừ các tình trạng khác gây ra các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như bệnh động mạch ngoại biên hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
Nếu bạn nghi ngờ mình bị tăng huyết áp tĩnh mạch, hãy liên hệ với bác sĩ chăm sóc sức khỏe (Ảnh: Internet)
Khi bạn đến gặp bác sĩ để kiểm tra nguy cơ tăng huyết áp tĩnh mạch, họ có thể thực hiện các bước sau:
Tiền sử bệnh án và khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và tìm hiểu tiền sử bệnh án kỹ lưỡng, kiểm tra cẩn thận chân và bàn chân của bạn đồng thời kiểm tra mạch đập ở bàn chân.
Siêu âm Duplex: Xét nghiệm không xâm lấn, không đau này sử dụng sóng âm để xác định tình trạng này có phải do suy tĩnh mạch mãn tính gây ra hay không.
Đo thể tích khí: Xét nghiệm này có thể được sử dụng nếu kết quả siêu âm không rõ ràng. Cụ thể, bạn sẽ ngồi trong một chiếc hộp trong suốt, kín khí trong khi một ống quanh chân bạn thu thập thông tin về áp lực tĩnh mạch.
Điều trị và quản lý
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Đối với những người mắc bệnh nhẹ, các liệu pháp bảo tồn thường là tốt nhất và có thể bao gồm:
Vớ nén: Những loại quần áo này bó chặt chân và các tĩnh mạch bên trong để tăng lượng máu trong tĩnh mạch trở về tim. Nén chân làm giảm huyết áp trong tĩnh mạch và cải thiện các triệu chứng.
Nâng cao chân: Nâng cao chân giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim. Hãy thử nâng cao chân lên cao hơn tim trong ít nhất 20 đến 30 phút hai lần mỗi ngày. Bác sĩ cũng có thể đề xuất các bài tập chân đặc biệt giúp tăng lưu lượng máu từ tĩnh mạch chân đến tim.
Sử dụng chiết xuất hạt dẻ ngựa (Aesculus hippocastanum): Đây là một loại thực phẩm bổ sung không kê đơn có thể làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, nó chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng như một số loại thuốc theo toa, vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Điều trị y tế
Nếu các biện pháp tại nhà không đủ hiệu quả hoặc các triệu chứng đang ở mức nghiêm trọng, bạn có thể cần dùng thuốc hoặc thực hiện các thủ thuật y tế để kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như:
Thuốc: Một số loại thuốc như Daflon (flavonoid tinh khiết dạng vi hạt hoặc MPFF) hoặc Trental (pentoxifylline) có thể giúp giảm các triệu chứng như đau nhức cơ và nặng cơ.
Các thủ thuật ít xâm lấn: Để điều trị tăng huyết áp tĩnh mạch, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đề nghị liệu pháp xơ cứng, đốt sóng cao tần và đốt laser nội tĩnh mạch.
Phẫu thuật: Một số người cần phẫu thuật tĩnh mạch và/hoặc có thể cần đặt stent để mở tĩnh mạch bị tắc.
Các biến chứng tiềm ẩn
Loét chân do tăng huyết áp tĩnh mạch đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Nhiễm trùng: Loét chân có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng như viêm mô tế bào (nhiễm trùng mô mềm), viêm tủy xương (nhiễm trùng xương) hoặc nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết), có thể đe dọa tính mạng.
Cắt cụt: Vùng bị loét có thể nhận được rất ít máu đến mức mô bắt đầu chết, được gọi là hoại thư. Nếu điều đó xảy ra, cuối cùng, bạn có thể cần phải cắt cụt một phần bàn chân hoặc chân. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với hầu hết những người bị tăng huyết áp tĩnh mạch.
Tăng huyết áp tĩnh mạch đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng (Ảnh: Internet)
Rủi ro cắt cụt
Nguy cơ cắt cụt chi thường cao nhất ở những người mắc các bệnh lý khác có thể gây tổn thương các chi dưới, như bệnh tiểu đường và/hoặc bệnh động mạch ngoại biên.
Mẹo phòng ngừa
Nếu bạn đang mắc tăng huyết áp tĩnh mạch và bệnh tĩnh mạch mãn tính, các bước sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh trở nên trầm trọng hơn:
Tránh các hoạt động đòi hỏi phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. (Nếu những hoạt động này là không thể tránh khỏi, hãy nghỉ ngơi định kỳ).
Tập thể dục thường xuyên.
Nếu bạn hút thuốc, hãy tìm cách để cai thuốc.
Thực hiện các biện pháp để kiểm soát cân nặng của bạn.
Sử dụng vớ nén theo chỉ định và nâng cao chân thường xuyên.
Làm việc với bác sĩ để kiểm soát tối các tình trạng bệnh lý khác, như bệnh tiểu đường.
Việc chăm sóc, phòng ngừa cho bàn chân và cẳng chân cũng rất cần thiết để giảm nguy cơ biến chứng.
Kiểm tra bàn chân và chân hàng ngày để xem có bất kỳ dấu hiệu loét hoặc nhiễm trùng nào không.
Nếu bạn bị loét, hãy giữ chúng sạch sẽ và băng bó.
Dưỡng ẩm cho chân và bàn chân thường xuyên.
Chỉ sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng cho chân và bàn chân, tránh chà xát mạnh.
Mặc quần áo và giày dép thoải mái, không quá chật.
Tóm tắt
Tăng huyết áp tĩnh mạch là một tình trạng bệnh lý phổ biến, trong đó, huyết áp trong tĩnh mạch chân và bàn chân của bạn cao hơn mức bình thường. Nó có thể gây ra những thay đổi rõ rệt cho tĩnh mạch của bạn và dẫn đến các triệu chứng như nặng nề và sưng ở chân. Nâng cao chân thường xuyên, tập các bài tập cụ thể và dùng vớ nén là chìa khóa để kiểm soát tình trạng này. Tuy nhiên, một số người cũng có thể cần dùng thuốc hoặc thực hiện các thủ thuật đặc biệt.
Nếu nghiêm trọng hơn, tăng huyết áp tĩnh mạch có thể khiến bạn có nguy cơ bị loét chân và nhiễm trùng. Kiểm tra chân và bàn chân hàng ngày để xem có loét hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng như nóng hoặc đỏ hay không. Việc được chăm sóc y tế kịp thời là chìa khóa giúp ngăn ngừa biến chứng.
Nguồn dịch: What Is Venous Hypertension? Causes, Symptoms, and Treatment (Ruth Jessen Hickman) – Verywell Health
Mình đang rất muốn biết suy nghĩ của các bạn về bài viết này, để mình có thể cải thiện và đưa ra những bài viết tốt hơn nữa cho các bạn đọc.