Từ khoảng 23 triệu đến 2.6 triệu năm trước, cá mập Megalodon là một trong những loài săn mồi đỉnh cao lớn nhất và mạnh nhất. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 10 sự thật thú vị về Megalodon – con cá mập thời tiền sử này nào!
1. Những lần nhìn thấy gần đây nhất
Có năm đại dương lớn bao phủ 71% bề mặt trái đất và chứa hơn 1.3 tỷ km khối nước. Chúng ta mới chỉ tìm hiểu được khoảng 10% đại dương bằng công nghệ sóng siêu âm hiện đại và không thực sự biết có những gì ẩn giấu bên dưới bề mặt nước.
Vào năm 1928 và 1933, có báo cáo về việc nhìn thấy một con cá mập “khủng” dài hơn 12 mét ngoài khơi bờ biển Rangiora, New Zealand. Năm 1918, nhà tự nhiên học người Úc David G. Stead đã nói chuyện với những người đàn ông đang câu cá gần Đảo Broughten, New South Wales và được tiết lộ rằng một con cá mập có kích thước bằng cá voi xanh đã xuất hiện và nuốt chửng toàn bộ chậu tôm càng có đường kính khoảng 1 mét của họ.
Bất chấp những lần nhìn thấy gần đây, các chuyên gia vẫn tin rằng Megalodon đã tuyệt chủng cách đây 2.6 triệu năm.
2. Động vật ăn thịt mạnh mẽ
Megalodon nặng từ 50 đến 70 tấn và dài khoảng 11 đến 13 mét và những cá thể lớn nhất có thể nặng tới 100 tấn và dài tới 20 mét. Megalodon là một trong những loài săn mồi mạnh nhất dưới nước, dễ hiểu hơn là một con quái vật có kích thước bằng một chiếc xe buýt hai tầng sở hữu hàm răng sắc như dao cạo. Kronosaurus và Liopleurodon từ Kỷ nguyên Mesozoi rất lớn nhưng còn không bằng Megalodon vì chúng chỉ nặng tối đa 40 tấn.
Không giống như những loài cá mập khác tấn công mô mềm của con mồi như bụng hoặc vây, Megalodon có thể cắn xuyên qua xương. Một hóa thạch cá voi được các nhà khoa học phát hiện cho thấy các vết nứt do bị Megalodon húc đầu vào phần bụng mềm, khiến nó bị choáng trước khi bị nuốt chửng. Các nhà khoa học cũng tin rằng Megalodon đi săn theo nhóm, khiến chúng có ưu thế lớn hơn về mặt số lượng.
3. Cái tên “răng lớn”
Cái tên Megalodon có nghĩa là “răng lớn” vì chúng có những chiếc răng dài từ 7 đến 18 cm (có giá lên tới hàng chục nghìn USD). Những chiếc răng dài 8 cm của cá mập trắng khổng lồ chỉ là răng sữa của Megalodon mà thôi.
Quái vật đại dương này thay tới 20.000 chiếc răng trong đời và có tới năm hàng răng nên luôn có nhiều răng dự phòng.
4. Ăn thịt cá voi lưng gù
Hàm của Megalodon có thể mở tới 3.4 mét x 2.7 mét. Chúng ăn thịt những con mồi có kích cỡ khác nhau, từ những động vật nhỏ như cá heo, cá mập, rùa biển cho đến cá voi lưng gù. Với bộ hàm mạnh mẽ có lực cắn khoảng 110.000 đến 180.000 Newton, Megalodon có thể gây sát thương nghiêm trọng cho hộp sọ của cá voi.
Ngày nay, cá mập trắng vẫn tấn công cá voi lưng gù nhưng chúng có xu hướng săn những con non, những con bị bệnh hoặc gặp nạn để dễ giết hơn.
5. Chúng không hiếm
Trong thời kỳ đỉnh cao, Megalodon có thể được tìm thấy ở các đại dương trên khắp thế giới. Những hóa thạch của những con quái vật này xuất hiện ở Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, Puerto Rico, Cuba, Jamaica, quần đảo Canary, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Malta, Grenadines và Ấn Độ.
Chúng cũng có tuổi thọ dài khoảng 20 đến 40 năm nhưng những con Megalodon khỏe mạnh nhất có thể sống lâu hơn nữa. Một lợi thế khác mà chúng có là động vật cân bằng nhiệt, có nghĩa là chúng có thể duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể ổn định bất kể môi trường sống, vì vậy đại dương là không có giới hạn đối với chúng.
6. Sống ở vùng nước nông
Những phát hiện gần đây chứng minh rằng chúng đã mạo hiểm đến gần bờ biển để sinh con, vì những kẻ săn mồi này thích vùng nước nông, ấm áp gần bờ biển.
Các nhà nghiên cứu tại đại học Florida xác nhận họ đã phát hiện hóa thạch Megalodon 10 triệu năm tuổi ở Panama với hơn 400 chiếc răng hóa thạch của Megalodon con ở vùng nước nông. Các vùng nước nông có hóa thạch của Megalodon khác là Thung lũng xương của Florida và vách đá Calvert ở Maryland.
Những con Megalodon mới sinh có kích thước từ 2.1 đến 4 mét nhưng vẫn dễ bị tổn thương trước những kẻ săn mồi, chẳng hạn như những con cá mập khác.
7. Rất nhanh
Năm 1926, nhà nghiên cứu M. Leriche có một khám phá mang tính đột phá khi phát hiện ra cột sống của một con Megalodon đơn lẻ chứa tới 150 trung tâm đốt sống. Do hình dạng của cột sống, Megalodon có thể khóa chặt con mồi bằng bộ hàm khỏe mạnh của nó và sau đó lắc mạnh từ bên này sang bên kia để thịt xé ra khỏi xương.
Ngoài ra, do hình dạng nên chúng có thể đạt tốc độ ít nhất 32 km/h, nhanh hơn bất kỳ loài cá mập nào khác hiện nay.
8. Có thể bị chết đói
Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn nào chứng minh được nguyên nhân Megalodon tuyệt chủng nhưng người ta tin rằng đó là do chúng không tìm được đủ thức ăn. Khoảng 2.6 triệu năm trước, mực nước biển thay đổi nhanh chóng và điều đó có tác động đáng kể đến nguồn thức ăn của Megalodon. Khoảng một phần ba tổng số động vật có vú kích thước lớn ở biển đã tuyệt chủng vào thời điểm này và những nguồn thức ăn khác lại bị cướp mất bởi những thợ săn nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn trong đại dương.
Số lượng Megalodon đạt đỉnh điểm vào giữa Thế Miocen – xảy ra cách đây 23 đến 5.3 triệu năm – chủ yếu ở gần châu Âu, Bắc Mỹ và Ấn Độ Dương. Nhưng trước khi bắt đầu tuyệt chủng, trong Kỷ nguyên Pliocene 2.6 triệu năm trước, chúng đã bắt đầu di chuyển xa hơn vào các bờ biển Nam Mỹ, châu Á và Úc.
9. Từng bị nhầm lẫn với rồng
Vào thế kỷ 17, nhà tự nhiên học người Đan Mạch Nicholas Steno đã tìm được răng của megalodon. Trước đó, những chiếc răng hóa thạch này được gọi là “lưỡi đá” và được cho là của rồng hoặc loài rắn lớn. Người ta tin rằng rồng sẽ mất đầu lưỡi khi chiến đấu hoặc chết và những chiếc lưỡi đó sẽ biến thành đá. Những thứ này được nông dân thu thập vì tin rằng chúng sẽ bảo vệ họ khỏi bị rắn cắn và ngộ độc.
10. Sự cố lớn
Vào năm 2013, khi mọi người nghĩ rằng biển là an toàn thì kênh Discovery đã phát hành một bộ phim có tựa đề Megalodon: The Monster Shark That Lives. Được phát sóng trong Tuần lễ cá mập nổi tiếng, chương trình đã chiếu một “đoạn phim” về Megalodon, bao gồm “hình ảnh từ kho lưu trữ của Thế chiến thứ hai về một con cá mập khổng lồ có chiều dài từ đuôi đến vây lưng lên đến hơn 19 mét”.
Bạn có thể đọc thêm:
Mình rất mong nhận được đánh giá và phản hồi của các bạn để cải thiện chất lượng nội dung.