Bạn đang muốn niềng răng nhưng vẫn còn chần chừ, do dự? Bạn sợ rằng niềng răng sẽ gây mất thẩm mỹ và đau đớn? Chi phí của niềng răng có cao hay không?Ưu nhược điểm của niềng răng là gì? Nếu bạn vẫn còn lăn tăn thì bài viết này là dành cho bạn!

Bật mí nho nhỏ với các bạn là: trong khi viết bài này, mình cũng đang niềng răng và cũng sắp đến ngày được “hái quả” rồi nên trong tâm trạng vui mừng phấn khởi mình quyết định viết một bài review chân thực nhất về niềng răng để các bạn tham khảo.

1. Niềng răng là gì?

Niềng răng chính là phương pháp chỉnh nha sử dụng những thiết bị để điều chỉnh răng trở về đúng vị trí của nó. Niềng răng được sử dụng để điều chỉnh vết cắn hở, vết cắn sâu, răng hô, răng khấp khểnh, răng móm hoặc răng thưa.

niềng răng là gì
Niềng răng là gì? (Nguồn: Internet)

2. Niềng răng có những loại nào?

Hiện nay, do công nghệ phát triển nên có rất nhiều loại niềng răng được ra đời như: niềng răng mắc cài kim loại, niềng răng mắc cài sứ, niềng răng mắc cài mặt trong, niềng răng mắc cài tự buộc và niềng răng mắc cài trong suốt. Trong phần này, mình sẽ review chi tiết từng loại để các bạn nắm kĩ hơn nha.

Niềng răng mắc cài kim loại

Đây là loại niềng răng mình đang sử dụng và cũng là loại được dùng phổ biến nhất hiện nay vì chi phí vừa túi tiền nhưng vẫn mang lại hiệu quả tuyệt vời. Tuy nhiên, tính thẩm mỹ lại không được cao.

Nhưng bạn đừng lo lắng quá về vấn đề thẩm mỹ nhé, chỉ cần luôn giữ “thần thái” tự tin thì bạn sẽ luôn xinh đẹp kể cả khi đang niềng, vậy nên đây vẫn là lựa chọn cực kì tốt cho bạn gái nào lo lắng về vấn đề chi phí.

Niềng răng mắc cài kim loại
Niềng răng mắc cài kim loại (Nguồn: Internet)

Niềng răng mắc cài sứ

Đây là giải pháp ra đời để thay thế cho mắc cài kim loại, nó giải quyết được vấn đề thẩm mỹ mà mắc cài kim loại gặp phải. Nhìn từ xa, bạn sẽ khó bị phát hiện là đang niềng răng bởi màu của mắc cài gần giống với màu răng của bạn.

Niềng răng mắc cài sứ
Niềng răng mắc cài sứ (Nguồn: Internet)

Trên thực tế, mình đã gặp rất nhiều trường hợp sử dụng mắc cài sứ, đa số mọi người sau khi sử dụng một thời gian thì mắc cài thường chuyển sang màu ố vàng nhìn rất mất vệ sinh.

Kết quả này chưa được kiểm chứng bởi nha sĩ nên mình cũng chỉ đưa ra để mọi người tham khảo. Bạn vẫn có thể lựa chọn mắc cài và thêm vào đó thì nhớ vệ sinh răng miệng thật kỹ để mắc cài của mình lúc nào cũng sáng bóng nha.

Niềng răng mắc cài mặt trong

Đúng như tên gọi của nó, khi sử dụng phương pháp này, mọi người sẽ không hề biết là bạn đang niềng răng bởi toàn bộ mắc cài đều được gắn vào mặt trong của răng.

Cũng chính vì thế mà nhược điểm của loại niềng răng này là việc khó vệ sinh răng miệng và gây khó chịu cho lưỡi. Bên cạnh đó, vì mắc cài được gắn phía trong nên sẽ gây khó khăn trong việc chỉnh nha và điều này sẽ khiến thời gian chỉnh răng của bạn bị dài ra đáng kể.

Niềng răng mắc cài mặt trong
Niềng răng mắc cài mặt trong (Nguồn: Internet)

Niềng răng mắc cài tự buộc

Đây là phương pháp mới được đưa vào sử dụng gần đây. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian niềng nhanh chóng bởi mắc cài được thiết kế giúp cho dây cung di chuyển linh hoạt trong mắc cài, cảm giác khó chịu trong miệng cũng bị giảm đi đáng kể vì dây buộc mắc cài cũng đã bị “loại bỏ”.

Chính vì sử dụng công nghệ mới nên phương pháp này đòi hỏi nha sĩ phải có tay nghề cao và chi phí niềng răng thường đắt đỏ. Bạn nên cân nhắc lựa chọn nha khoa uy tín nếu quyết định muốn làm phương pháp này nha.

Niềng răng mắc cài tự buộc
Niềng răng mắc cài tự buộc (Nguồn: Internet).

Niềng răng mắc cài trong suốt

Đây là loại niềng răng có chi phí cao nhất hiện nay bởi tính thẩm mỹ tuyệt vời mà nó mang lại. Không cần đến mắc cài, dây cung hay nẹp niềng răng, chỉ với 1 khay nhỏ gọn, trong suốt nhưng vẫn dư sức chữa trị mọi vấn đề về răng của bạn. Hiện nay loại khay được sử dụng phổ biến nhất khay Invisalign.

Niềng răng mắc cài trong suốt
Niềng răng mắc cài trong suốt (Nguồn: Internet)

Mình cũng từng hỏi nha sĩ phụ trách răng cho mình thì được biết, loại niềng răng này thường phù hợp với những bạn nào có vấn đề về răng không quá nghiêm trọng, còn những bạn có hàm răng tương đối khấp khểnh thì hiệu quả sẽ không được cao và nha sĩ thường khuyên bạn lựa chọn niềng răng mắc cài để đạt được kết quả tốt nhất.

3. Chi phí niềng răng hiện nay

Chi phí niềng răng hiện nay dao động vào khoảng 30 triệu đối với mắc cài kim loại và 50 triệu đối với mắc cài sứ. Nhưng cũng đừng lo lắng quá, nếu có ý định niềng thì bạn nên tham khảo các chương trình ưu đãi tại nha khoa mà bạn niềng nha, sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản đáng kể đó.

4. Ưu điểm của niềng răng

Sở hữu một hàm răng đều đẹp

Ưu điểm đầu tiên và quan trọng nhất của niềng răng chắc chắn là khả năng tuyệt vời mà nó mang lại rồi. Sau khi niềng, bạn sẽ sở hữu một hàm răng đều đẹp và nụ cười tỏa nắng. Chỉ tưởng tượng thôi đã muốn đi niềng ngay và luôn rồi đúng không nào?

Cải thiện chức năng nhai và nói

Bên cạnh đó, bạn còn được cải thiện chức năng nhai và nói do các răng được điều chỉnh về đúng vị trí ban đầu, từ đó ngăn ngừa sự mài mòn và chấn thương răng, làm tăng tuổi thọ và sức khỏe của răng lợi.

Ưu điểm của niềng răng
Ưu điểm của niềng răng (Nguồn: Internet)

Ngoài ra thì theo cảm nhận chủ quan của mình và review từ các bạn đã niềng răng khác thì niềng răng còn góp phần tạo cảm giác sống mũi cao và gương mặt thanh thoát hơn. Từ khi niềng răng, mình nhận thấy được gương mặt mình V-line hơn và mũi cũng cao hơn đó, không biết có phải do niềng răng mang lại không nhưng dù sao mình cũng đã rất vui.

5. Nhược điểm của niềng răng

Đau răng và đau hàm

Các bạn đừng lo lắng quá nhé, mức độ đau sẽ trong khả năng các bạn chịu được. 1 tuần đầu tiên là đau nhất, vì răng bạn vừa tiếp xúc với một “lực lạ” và còn chưa quen, những ngày tháng sau đó mức độ đau sẽ giảm dần vì răng bạn đã quen với việc có “kẻ lạ” tác động lên mình.

Niềng răng gây đau răng và đau hàm
Niềng răng gây đau răng và đau hàm. (Nguồn: Internet)

Hàng tháng bạn sẽ được nha sĩ kiểm tra định kì một lần và mỗi lần như vậy bạn sẽ bị đau mất 3 4 ngày. Tùy mức độ chịu đựng của từng người mà cơn đau sẽ khác nhau. Mình là đứa có khả năng chịu đau khá tốt nên việc niềng răng hầu như không ảnh hưởng đến sinh hoạt của mình. Tuy nhiên, mình đã gặp rất nhiều trường hợp đau răng đến “mất ăn mất ngủ” nên bạn nào sợ đau thì nên suy nghĩ thật kỹ nha.

Gây khó khăn trong việc nói chuyện và ăn nhai.

Viết đến vấn đề này thì thực sự là chỉ những người niềng răng mới hiểu nó khó chịu đến cỡ nào. Bạn hãy tưởng tượng bỗng dưng mình có thêm một “hàm răng” nữa gắn chồng lên hàm răng cũ của mình, lúc đó việc nói chuyên sẽ cực kì khó khăn, chưa kể đến việc đúng lúc đang “chém gió” phần phật trước mặt lũ bạn mà môi mình bị vướng vào niềng răng thì ôi thôi, thật sự là vừa đau vừa “thốn”.

Niềng răng gây khó khăn trong việc nói chuyện và ăn nhai.
Kẹo cao su bị dính vào niềng răng khiến bạn vô cùng khó chịu (Nguồn: Internet)

Lúc ăn cũng không khá khẩm hơn, khi thức ăn liên tục bị vướng vào các mắc cài, nhưng bạn không phải lúc nào cũng có thể súc miệng trong khi ăn và chưa chắc “đám” thức ăn vương lại kia đã chịu rời khỏi chỗ. Mới đầu niềng răng mình còn thường xuyên bị hóc khi ăn rau bởi rau thường dài và mắc ở cổ họng. Bên cạnh đó, bạn cũng không thể thoải mái “cắn hay gặm” những món ăn yêu thích thường ngày như: gà rán, bánh mì hay sườn nướng,…

Khó khăn khi vệ sinh răng miệng.

Khi niềng răng, bạn sẽ khó có thể vệ sinh răng miệng được sạch sẽ bởi bản chải đánh răng không thể vệ sinh được mọi ngóc ngách của răng. Chính vì thế mà các bệnh về răng miệng cũng thường xuyên “tìm đến” bạn như: sâu răng hay nhiệt miệng,…

Niềng răng gây khó khăn khi vệ sinh răng miệng
Niềng răng gây khó khăn khi vệ sinh răng miệng (Nguồn: Internet)

Giải pháp cho vấn đề này là bạn nên vệ sinh răng miệng thường xuyên hơn khoảng 3 lần/ngày hoặc sau bữa ăn, ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để răng miệng thêm sạch sẽ. Bạn có thể tìm mua dụng cụ vệ sinh răng miệng trong khi niềng răng tại đây.

Giao tiếp thiếu tự tin.

Trong khi niềng thì tất nhiên là không thể đẹp được rồi, vậy nên niềng răng thường gây ra cảm giác tự ti cho người sử dụng. Nhưng đừng lo lắng quá, bạn có thể hướng người đối diên chú ý đến những điểm xinh đẹp khác trên gương mặt của bạn để họ quên mất rằng bạn đang niềng răng: như việc tập trung trang điểm vào đôi mắt, má hồng, hay làn da của bạn,…

Ngoài ra thì thần thái tự tin và thu hút luôn là thứ vũ khí lợi hại nhất giúp bạn luôn xinh đẹp kể cả khi đang niềng, vậy nên hãy giữ cho bản thân một hình tượng tự tin và toả sáng nhất bạn nhé.

Tiêu chân răng

Mình có được nha sĩ của mình giải thích về vấn đề tiêu chân răng, nghĩa là chân răng bị rút ngắn lại trong khoảng thời gian niềng răng. Việc này xảy ra khi bạn tác động lực quá lớn vào răng, nói cách khác là bạn kéo quá nhanh sẽ dẫn đến việc chân răng bị tiêu nhiều hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bạn.

Niềng răng có thể bị tiêu chân răng
Niềng răng có thể bị tiêu chân răng (Nguồn: Internet)

Vậy nên, các nha sĩ có tâm thường khuyến cáo bạn nên kéo răng một cách từ từ để tránh ảnh hưởng đến chân răng, làm đẹp an toàn thì không vội vàng được đâu bạn nhé.

Răng về vị trí cũ

Không phải cứ niềng răng xong thì răng sẽ đều đẹp suốt đời, răng bạn có thể sẽ trở về vị trí cũ nếu không được đeo hàm duy trì thường xuyên sau khi tháo niềng. Vậy nên có thể bạn sẽ phải gắn bó với hàm duy trì suốt đời, nhưng vì một nụ cười rạng rỡ thì kiên trì một chút cũng không sao phải không nào.

Đeo hàm duy trì
Đeo hàm duy trì thường xuyên để ngăn răng trở về vị trí ban đầu (Nguồn: Internet).

Các nha sĩ thường khuyên bạn nên đeo hàm duy trì trong vòng 3 -6 tháng đầu tiên liên tục vì lúc đó răng vẫn chưa được ổn định. Sau khi răng bạn ổn định, bạn chỉ cần đeo 12 tiếng/ngày tương ứng với buổi đêm và giấc ngủ trưa của bạn thôi.

6. Niềng răng có bị hóp má không?

Theo như mình tìm hiểu thì có một số nguyên nhân dẫn đến hóp má trong thời gian niềng răng như sau:

Khó khăn trong việc ăn uống dẫn đến lượng thức ăn nạp vào cơ thể bị giảm so với thường ngày gây ra tình trạng sụt cân, dẫn đến hóp má. Nhiều bạn mong muốn giảm cân còn nhân cơ hội này để có được một gương mặt V-line nữa đó.

Nhưng đối với những bạn bẩm sinh đã khó có thể béo như mình, việc giảm cân là điều không hề mong muốn, các bạn yên tâm là khi quen rồi thì vẫn có thể ăn uống gần như ngày thường. Với những ngày mà răng đau nhức, bạn có thể ăn nhiều bữa trong ngày, hoặc uống thêm sữa để tránh việc bị gầy đi. Và thực tế là trong khi niềng mình đã tăng từ 42 cân lên 46 cân, điều mà trước kia khổ luyện mãi chưa làm được.

Niềng răng có bị hóp má không?
Việc ăn uống khó khăn trong thời gian niềng răng gây ra tình trạng sụt cân dẫn đến hóp má (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, việc tiêu chân răng như mình vừa nói ở trên cũng khiến cho bạn bị hóp má trong khi niềng. Điều này hoàn toàn được hóa giải nếu như bạn chọn lựa những nha khoa uy tín để niềng răng nhé.

Trên đây là một số kiến thức về niềng răng mà mình đã tự mình đúc kết được, tuy nhiên nếu ai hỏi mình là: Tớ có nên niềng răng không? Thì mình chắc chắn sẽ không do dự mà bảo bạn ấy là hãy đi niềng ngay đi, niềng càng sớm càng tốt. Bởi kết quả mà niềng răng mang lại thực sự rất tuyệt vời. Để có 1 hàm răng đều đẹp và nụ cười tự tin thì chịu đau 2 3 năm có đáng là gì đúng không nào!

Bạn cũng có thể tham khảo thêm video review về niềng răng của Vloger Hậu Hoàng:

Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:

Đừng quên theo dõi chuyên mục Bạn đọc của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nữa bạn nhé!

Xem thêm

250+ câu thơ thả thính hay, "cưa đổ" ngay mọi crush khó tính!

Mỗi ngày một câu thơ thả thính, đảm bảo hạ gục mọi crush khó tính nhất. Bạn không tin ư? Lưu ngay những câu thơ thả thính hay nhất, chất nhất của BlogAnChoi về làm thử xem năm sau có người yêu không nào?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Phan Thanh Hoàng Yến

Mình cx muốn niềng quá hà, có đc nụ cười đẹp sẽ tự tin hơn ^^