Trước đây những tin nhắn đã gửi đi là không thể gỡ bỏ, thu hồi. Dồn nén tất cả tình cảm, tâm trạng, sự bốc đồng, xốc nổi vào những con chữ, gõ không ngừng trên bàn phím, rồi lại ngần ngại trước nút “send”, vì biết sau một tích tắc ngắn ngủi gửi đi sẽ chẳng thể quay lại. Nó có thể khiến bản thân được giải tỏa, nhưng nếu sau đó lời hồi đáp lại là sự im lặng?
“You unsent a message”.
Tính năng gỡ bỏ tin nhắn trên Messenger thật ngốc nghếch. Tại sao đã cho người gửi thu hồi lại những dòng chữ không muốn có người đọc được, mà lại vẫn để cho đối phương biết rằng mình vừa hủy đi một điều muốn nói?
Điều gì sẽ khiến mình cảm thấy khó chịu hơn? Cảm giác hối hận khi người ta đọc được hết nỗi lòng của mình trút ra theo từng con chữ, hay khi người ta biết mình đã gửi tin nhưng lại hủy đi?
Bạn đã từng “unsend” những điều gì?
Một lời tỏ tình? Một câu xin lỗi? Một điều cần giải thích? Hay một tâm sự thật khó để nói ra?
Thời đại này có thể được gọi là thời đại của giao tiếp qua tin nhắn không nhỉ? Thử thống kê xem trong một ngày, bạn sử dụng bao nhiêu thời gian cho những tin nhắn trên điện thoại. Từ Messenger trên Facebook, Instagram, đến Zalo, Viber… những đoạn tin nhắn đang dần dần thay đổi cách chúng ta đối thoại với nhau.
Có lẽ, cũng như tôi, nhiều người sẽ cảm thấy dễ bày tỏ tâm tư, suy nghĩ qua những con chữ hơn là lời nói. Nhưng đôi lúc, tôi cũng cảm thấy việc đó mang lại quá nhiều “sức nặng”. Dồn hết mọi tâm tư, tình cảm vào những con chữ khiến cho những tin nhắn gửi đi chỉ mang một chiều cảm xúc. Cảm xúc của chính mình.
Trước đây, những tin nhắn gửi đi không thể gỡ bỏ, thu hồi. Dồn nén tất cả tình cảm, tâm trạng, sự bốc đồng, xốc nổi vào những con chữ, gõ không ngừng trên bàn phím, rồi lại ngần ngại trước nút “send”, vì biết sau một tích tắc ngắn ngủi gửi đi sẽ chẳng thể quay lại. Nó có thể khiến bản thân được giải tỏa, nhưng nếu sau đó lời hồi đáp lại là sự im lặng?
Những điều ta bỏ lỡ sau những tin nhắn bị “unsend”
Giao tiếp, đối thoại là cách cơ bản nhất để con người hiểu được nhau. “Lời nói” cũng chính là một vũ khí có thể gây ra những vết thương sâu nhất, đau nhất và khó chữa lành nhất. Vậy nên chúng ta mới được dạy rằng phải “nghĩ kĩ trước khi nói”.
Tôi từng nghe nhiều câu chuyện về những mối quan hệ trở nên rạn nứt vì những tin nhắn bị “unsend”. Đôi khi là sự vô tình “nhầm nhọt”, khiến người nhận tin cảm thấy hụt hẫng, phật lòng. Cũng có những lời đã nói ra nhưng lại rút về khiến đối phương thắc mắc, nghi ngờ và dần dần trở nên mất lòng tin. Khi hai người chỉ đối diện với những con chữ hiện lên trên một chiếc màn hình, cảm xúc của nhau là thứ ta không thể nắm bắt được, vậy thì những xúc cảm có phần tiêu cực kia có xuất hiện cũng là điều không thể trách và khó tránh khỏi, phải không?
Nhưng ở một khía cạnh nào đó, đằng sau dòng chữ “…unsent a message” có thể chứa đựng những tâm sự, những câu chuyện cần được chia sẻ, cần được lắng nghe nhất. Những vấn đề khó nói đấy, có thể là một nỗi đau, một lời “kêu cứu”, một bí mật mà một người đã kìm nén rất lâu chẳng thể giãi bày với ai. Họ giữ trong lòng, muốn thoát ra nhưng lại sợ sệt, ngại ngần, chần chừ. Nếu như ta “vô tình” bỏ qua, ấm ức, giận hờn với họ, có thể mãi mãi câu chuyện của họ sẽ không tìm thấy được ánh sáng.
Vậy nên, nếu là một người bạn yêu quý, trân trọng, đừng vội khó chịu rồi phớt lờ với những tin nhắn họ gỡ bỏ, chỉ cần một lời hỏi thăm thôi: “Có chuyện gì khó nói à?”, bạn có thể sẽ mở được cánh cửa đóng kín trong lòng người bạn yêu thương.
Tất cả các mối quan hệ giữa người với người đều có thể trở nên rắc rối, khó xử, dễ gây hiểu lầm, hiểu sai về nhau… bởi sự im lặng không đúng lúc. Tất nhiên chúng ta cũng chẳng thể “care” hết tất cả mọi người, mọi chuyện, mọi mối quan hệ trong cuộc sống. Nhưng ít nhất, với những người quan trọng trong cuộc đời bạn, thì đừng nên vì sự im lặng mà xa cách, giận hờn, vì rất có thể ngay chính tại giây phút họ “unsend” tin nhắn đã gửi đi, lại là lúc mà họ đang cần bạn nhất.