Ít ai ngờ những phát minh có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của chúng ta hiện nay lại được ra đời một cách vô cùng tình cờ. Coca cola, Internet hay lò vi sóng cũng có mặt trong danh sách này đấy.
Coca cola
Nguồn gốc của Coca-cola là một loại thuốc được dược sĩ John Styth Pemberton điều chế nhằm chống lại những cơn đau đầu, mệt mỏi. Trong một lần quảng cáo thuốc tại quán bar, một nhân viên của quán đã pha nhầm loại thuốc này vào nước soda thay vì nước lọc như bình thường. Sự nhầm lẫn bất ngờ này đã tạo ra một trong những loại nước giải khát được yêu thích nhất hiện nay.
Internet
Năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik I vào không gian và vượt qua Mỹ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Bộ Quốc phòng Mỹ liền lập ra “Trung tâm dự án nghiên cứu tiên tiến” để thúc đẩy các phát minh mới trong lĩnh vực này. Nhằm giúp Mỹ tránh các cuộc tấn công nguyên tử từ trên không, mạng lưới thông tin ra đời. Mạng thông tin đầu tiên được sử dụng nội bộ ở Đại học California. Đến năm 1990, Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ quyết định mở rộng hệ thống này để kết nối các trường đại học với nhau. Từ năm 1992, mạng thông tin này được sử dụng ngày càng rộng rãi và trở thành Internet ngày nay.
Lò vi sóng
Năm 1946, Percy Spencer – một kĩ sư nghiên cứu radar – đang thử nghiệm ống chân không Manhetron mới cho công ty Raytheon Corporation thì phát hiện những thanh kẹo trong túi áo của ông bị tan chảy. Cảm thấy tò mò, ông liền đặt hạt ngô và trứng gà vào gần chiếc ống và nhận thấy hạt ngô nở bung ra trong khi trứng gà thì chín hoàn toàn. Nhận thấy tiềm năng to lớn của phát hiện này, công ty Raytheon đã nghiên cứu và sản xuất ra chiếc lò vi sóng đầu tiên có tên Radarange chỉ một năm sau đó.
Bánh ngô
Will Keith Kellogg là phụ tá cho anh mình ở trại điều dưỡng Battle Creek. Trong một lần nấu ăn cho bệnh nhân, ông vô tình để quên bột mì để làm bánh bên ngoài trong vài giờ. Khi kịp nhớ ra và quay lại bếp, ông nhận ra bột mì lúc này đã trở nên bông xốp. Ông tò mò cho chỗ bột này vào lò nướng và tạo ra món ăn giòn tan rất được các bệnh nhân yêu thích. Sau nhiều lần thử nghiệm, Kellogg nhận ra ngô là nguyên liệu khiến món bánh ngon nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân ra đời của công ty Kellogg – một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm ngũ cốc ăn liền sau này.
Kem Popsicle
Những que kem Popsicle nổi tiếng thế giới ra đời vô cùng tình cờ khi cậu bé Frank Epperson để quên cốc nước soda trái cây với một chiếc đũa trong đó ở ngoài hiên nhà lạnh giá. Qua một đêm, nước bị đóng băng và khi ấy cậu bé đã có một que kem ngon lành. Ban đầu, Frank đặt tên cho loại kem này là “Epsicle”, nhưng sau đó con trai ông đã đổi thành “Popsicle” để tạo cảm giác ngon miệng hơn.
Keo dán siêu dính
Keo dán siêu dính được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1942 khi Tiến sĩ Harry Coover đang nghiên cứu một loại chất dẻo giúp sản xuất các loại súng cầm tay có tầm ngắm chính xác hơn. Thế nhưng, chất Cyanoacrylate ông tạo ra lúc đó bị coi là một thất bại vì nó bị polyme hóa khi tiếp xúc với độ ẩm và khiến các vật liệu dính chặt vào nhau. 6 năm sau, Harry mới nhận thấy khả năng kết dính của loại chất này và mãi đến năm 1958, tức 16 năm sau khi ra đời, keo dán siêu dính mới được bán trên thị trường.
Đường nhân tạo
Khi trở về nhà từ phòng thí nghiệm, Constantine Fahlberg đã không hề biết rằng một số chất hóa học vẫn còn dính trên tay mình. Trong bữa ăn cùng gia đình, ông chợt nhận thấy những chiếc bánh quy vợ ông làm có vị ngọt hơn bình thường. Sau khi hỏi vợ, ông mới phát hiện vị ngọt này là do chất nào đó vẫn còn lưu trên tay ông dính vào. Sau một thời gian nghiên cứu, ông đã tìm ra chất tạo ngọt Saccharine và mở ra con đường mới cho ngành công nghiệp thực phẩm sau này.
Thuốc Viagra
Ban đầu, Viagra có tên là Angina và được nghiên cứu như một loại thuốc điều trị bệnh cao huyết áp và tim mạch. Tuy nhiên, trong thời gian thử nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra tác dụng phụ gây cương cứng ở nam giới của loại thuốc này. Từ đó, Viagra được thử nghiệm để điều trị rối loạn cương dương. Sau những cuộc thử nghiệm thành công, Viagra được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ công nhận vào năm 1998.
Tia X
Khi Wilhelm Roentgen đang tiến hành thí nghiệm liên quan đến tia âm cực, ông chợt thấy rằng một số mảnh bìa bị nhiễm huỳnh quang trong phòng đang sáng lên dù giữa các tia âm cực và mảnh bìa là một vật ngăn cách rất dày. Sau nhiều nghiên cứu, ông đã tìm ra được tính chất của loại tia mới mà ông đặt là tia X. Chính phát hiện này cũng đã mang về cho ông giải Nobel Vật lý đầu tiên vào năm 1901
Penicillin
Trong thí nghiệm về khuẩn tụ cầu, Alexander Fleming đã thử thêm một số vi khuẩn vào đĩa cấy trước khi nghỉ dài ngày. Dù biết trước là các vi khuẩn đó sẽ phát triển, nhưng ông đã rất bất ngờ khi phát hiện một loại nấm mốc xuất hiện trên đĩa thí nghiệm.
Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, ông nhận thấy loại nấm này có thể sinh ra một loại phụ phẩm có khả năng kiềm chế sự phát triển của khuẩn tụ cầu. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của Penicillin – thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới.