Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói ngồi nhiều để làm việc là “bệnh” của thời hiện đại, gây ra những vấn đề sức khỏe đặc biệt là cơ xương khớp. Nhưng bạn có biết một cách đơn giản để giảm bớt những tác hại này, đó là ngồi trên sàn nhà? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
Nhiều người trong chúng ta có thói quen ngồi yên một chỗ hàng giờ liền trên ghế làm việc hoặc sofa tại nhà. Thật ra rất có thể chính bạn cũng đang làm điều đó trong lúc đọc những dòng chữ này.
Tuy nhiên lại có một số người thích “ngồi đất” hơn và xem đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Chẳng hạn ở một số nền văn hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngồi trên sàn nhà là tư thế bắt buộc khi dùng bữa. Nhưng bạn có biết không, việc ngồi trên sàn nhà như vậy thực ra lại có nhiều ích lợi đối với sức khỏe đấy.
Các chuyên gia cho rằng kiểu ngồi này giúp tăng độ dẻo dai và linh hoạt cho cơ thể, cũng như giúp kéo giãn các cơ phần thân dưới nhiều hơn. Đặc biệt nó còn giúp tăng độ ổn định cho các cơ lõi (core).
Tuy nhiên nếu ngồi không đúng cách thì các tư thế này có thể gây đau và khó chịu, đặc biệt đối với những người gặp các vấn đề về xương khớp.
Bài viết này sẽ giới thiệu những tác dụng có lợi cũng như những sai lầm có thể mắc phải khi ngồi trên sàn nhà, cùng với đó là hướng dẫn một vài tư thế phổ biến mà bạn có thể thử áp dụng.
Ngồi trên sàn nhà có lợi thế nào?
- Tăng độ ổn định tự nhiên của cơ thể: Khi không có ghế để chống đỡ, việc ngồi trên sàn nhà sẽ bắt các cơ lõi của bạn phải hoạt động tích cực để ổn định cơ thể.
- Giảm bớt sức căng ở phần hông: ngồi trên ghế quá lâu có thế khiến phần hông của bạn bị “cứng”, nhưng khi ngồi trên sàn nhà bạn có thể dễ dàng kéo giãn các cơ ở vùng này.
- Tăng độ linh hoạt: tư thế ngồi trên sàn nhà cho phép bạn kéo giãn các cơ ở phần dưới của cơ thể, tăng độ dẻo dai và linh hoạt cho cơ xương khớp.
- Giúp tập thể dục cho các cơ: một số tư thế – chẳng hạn như quỳ gối – nhìn bề ngoài có thể trông giống như đang nghỉ ngơi nhưng thực ra lại bắt các cơ phải hoạt động tích cực nhiều hơn so với khi ngồi trên ghế.
Ngồi trên sàn sai cách có thể gây ra tác hại gì?
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích như trên, nhưng nếu thực hiện không đúng cách các tư thế “ngồi đất” có thể gây ra một số vấn đề cho cơ thể bao gồm:
- Tăng áp lực lên các khớp: ở hầu hết các tư thế, trọng lượng của phần thân trên sẽ đè xuống chân của bạn, từ đó gây ra áp lực lên đầu gối và mắt cá chân.
- Giảm tuần hoàn máu: sức nặng của phần thân trên cũng có thể chèn ép các mạch máu của thân dưới, cản trở tuần hoàn ở khu vực này.
- Ngồi sai tư thế: điều quan trọng khi áp dụng kiểu ngồi trên sàn nhà là tránh “lười biếng” dẫn đến sai tư thế, khi đó bạn có thể tự làm đau phần lưng của mình.
- Làm nặng thêm các vấn đề về khớp: việc ngồi trên sàn nhà có thể không thích hợp đối với những người đã mắc các bệnh về về khớp hông, đầu gối hoặc mắt cá chân.
- Gặp khó khăn khi đứng dậy: nhiều người, đặc biệt là những ai bị đau khớp thường sẽ thấy rất khó đứng dậy sau khi ngồi trên sàn nhà một lúc lâu, có thể do đau nhức hoặc tê cứng chân.
Làm thế nào để ngồi trên sàn nhà một cách thoải mái?
Nếu bạn thực sự thích kiểu ngồi “tự nhiên” này thì có một số tư thế phổ biến có thể áp dụng. Tuy nhiên hãy nhớ rằng bạn cần phải thử một vài lần mới biết được mỗi tư thế có thực sự phù hợp với cơ thể mình hay không nhé.
Quỳ gối
Đây là tư thế ngồi trên sàn phổ biến với nhiều biến thể khác nhau, cách thực hiện chuẩn là:
- Đứng thẳng trên sàn nhà, bước một chân về phía sau và dồn trọng lượng cơ thể lên chân phía trước.
- Từ từ hạ thấp đầu gối phía sau chạm sàn nhà, giữ các ngón chân tiếp xúc với mặt đất và cổ chân gập lại.
- Giữ thẳng người để vai ở vị trí ngay phía trên thẳng hàng với hông, sau đó hạ thấp đầu gối chân trước xuống sàn nhà.
- Khoảng cách giữa hai đầu gối phải rộng bằng vai, sau đó bạn chỉ việc ngồi sao cho mông đặt ngay trên hai gót chân một cách thoải mái.
Lúc này bạn có thể duỗi thẳng lần lượt từng mắt cá chân, tiếp xúc với sàn nhà. Tư thế này được gọi là seiza trong văn hóa Nhật Bản. Để giảm áp lực lên đầu gối, bạn có thể chống một chân lên vuông góc với sàn nhà, hoặc có một lựa chọn khác là quỳ gối trên một tấm chiếu êm.
Bạn có thể tìm mua các loại đệm ngồi rất êm ái và thoải mái tại đây.
Tư thế khoanh chân
Đây cũng là một kiểu ngồi trên sàn nhà phổ biến, cách thực hiện là:
- Ngồi trên sàn nhà và gập hai đầu gối hướng ra phía bên ngoài. Đặt bàn chân bên này ở dưới đầu gối bên kia.
- Hãy dồn trọng lượng cơ thể vào phần hông thay vì bàn chân, ngồi thẳng người sao cho bụng ở ngay phía trên hông.
- Để giảm áp lực xuống phần hông, bạn có thể ngồi trên cạnh của một tấm chăn gấp dày hoặc đặt một tấm nệm bên dưới đầu gối.
Bạn có thể tham khảo loại đệm ngồi 3D thoáng khí rất dễ chịu tại đây.
Ngồi gập chân
Nếu bạn cảm thấy khó chịu ở đầu gối hoặc mắt cá thì hãy thử kiểu ngồi này:
- Ngồi trên sàn nhà, sau đó co hai chân lại để bàn chân tiếp xúc với sàn nhà.
- Khoảng cách giữa hai bàn chân rộng hơn vai, như vậy sẽ giúp tránh tư thế cong lưng không có lợi cho cột sống.
- Giữ thẳng người để bụng ở ngay trên hông.
Ngồi một bên
Từ tư thế ngồi gập chân, bạn có thể chuyển sang kiểu ngồi một bên. Tư thế này sẽ giúp kéo giãn phần đùi trong của bạn.
- Bắt đầu với tư thế ngồi gập chân, hạ thấp cả hai đầu gối sang bên phải và áp sát xuống sàn nhà.
- Đặt lòng bàn chân bên phải áp vào mặt trước của đùi bên trái, giữ phần hông nằm trên sàn nhà để giúp cột sống ở tư thế thẳng trung tính.
- Lặp lại tương tự ở phía đối diện.
Ngồi duỗi chân
Tư thế này giúp kéo giãn cơ tứ đầu đùi (cơ đùi trước) của bạn, cách thực hiện như sau:
- Ngồi trên sàn nhà, duỗi thẳng hai chân ra trước. Gập bàn chân để các ngón chân hướng thẳng lên trời.
- Ngồi thẳng để bụng ở trên hông, tốt nhất nên ngồi trên cạnh của một tấm chăn gấp dày để tránh cong lưng làm hại đến cột sống.
Từ kiểu ngồi này bạn có thể dang rộng hai chân hơn vai để tạo thành kiểu ngồi gọi là “cưỡi ngựa”.
Ngồi xổm
Còn được gọi là squat sit, tư thế này giúp bạn dễ dàng chuyển đổi giữa đứng và ngồi. Cách thực hiện như sau:
- Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai. Từ từ hạ thấp mông xuống cho đến khi gần chạm sàn nhà.
- Giữ phần vai và ngực thẳng.
Cần lưu ý gì để ngồi trên sàn đúng cách?
Để tránh đau và chấn thương thì việc luôn chú ý lắng nghe cơ thể mình là yếu tố quan trọng nhất. Hãy lưu ý những điều sau đây khi áp dụng kiểu ngồi trên sàn nhà:
- Tư thế quỳ gối có thể tạo áp lực lên các khớp đầu gối và mắt cá chân. Việc gấp gối đến mức tối đa cũng có thể gây chèn ép sụn khớp gối, do đó hãy đổi tư thế nếu chân bạn cảm thấy đau hoặc tê. Bạn cũng có thể thử ngồi trên một đầu gối bằng cách chống một chân lên.
- Ngồi xổm: tư thế này ít ổn định hơn các tư thế khác vì mông của bạn vẫn không chạm đất, do đó bạn sẽ cần dùng sức cơ nhiều hơn để giữ thăng bằng. Đồng thời tư thế ngồi xổm cũng buộc bạn phải gấp gối tối đa. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc giữ ổn định cơ thể thì hãy dựa lưng vào một bức tường hoặc một chiếc ghế để giữ thăng bằng, còn nếu cảm thấy đầu gối hoặc mắt cá chân đau thì hãy chuyển sang tư thế khác.
- Ngồi khoanh chân: nếu thực hiện không đúng cách, tư thế này có thể làm nặng thêm chứng đau lưng dưới. Để tránh tình trạng này bạn hãy giữ lưng thẳng, đừng bao giờ cong lưng khi ngồi khoanh chân. Duy trì cột sống ở tư thế thẳng trung tính, đồng thời phải dồn trọng lượng lên phần hông chứ không phải bàn chân, điều này sẽ giúp giảm áp lực lên các khớp mắt cá.
Tổng kết
Nếu bạn có thói quen ngồi quá lâu trên ghế để làm việc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thì việc chuyển sang ngồi trên sàn nhà có thể mang lại nhiều lợi ích. Những tư thế này giúp kéo giãn các cơ ở phần thân dưới. Tuy nhiên hãy luôn nhớ duy trì đúng tư thế, quan trọng nhất là không được cong lưng và cột sống phải thẳng sao cho bụng ở ngay phía trên hông.
Điều quan trọng cần nhớ là bất kể bạn ngồi ở đâu và ngồi như thế nào thì cũng không nên duy trì một tư thế quá lâu. Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu thì hãy đổi tư thế ngay lập tức hoặc đứng dậy đi lại một chút để thoải mái hơn nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Những tác hại nguy hiểm của thói quen ngồi nhiều đối với sức khỏe
- Tác hại không ngờ khi bạn ngủ gật thường xuyên
Hãy đón xem những thông tin lý thú được giới thiệu hằng ngày tại BlogAnChoi bạn nhé!
bài viết rất hay ạ
Ủng hộ hihi