Thiết lập các mục tiêu, chính sách marketing toàn cầu đã trở thành một định hướng chiến lược của nhiều doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp tại Việt Nam. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, thế giới đã trở nên ngày càng nhỏ bé và các thị trường đang ngày càng kết nối với nhau. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi và cải thiện chiến lược marketing để phù hợp với thị trường toàn cầu.
Nền kinh tế Việt Nam mới chỉ đang phát triển và có rất nhiều thách thức đối với việc triển khai hoạt động marketing cho các doanh nghiệp muốn áp dụng một cách tiếp cận thống nhất. Một trong những khó khăn lớn nhất là tiềm lực thương hiệu và tầm nhìn chiến lược với các hoạt động marketing bên ngoài thị trường bản địa. Tiến sĩ Doãn Hoàng Minh cho rằng: “Bối cảnh hội nhập mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu nội địa tiếp cận hiệu quả khách hàng quốc tế với ngân sách thấp. Nhưng cũng đồng thời là thách thức buộc các thương hiệu phải nhanh chóng chuyển mình”.
Thị trường quảng cáo đang chuyển mình như thế nào để thích nghi với thời đại toàn cầu hoá?
Không chỉ về thông điệp truyền tải hay mức độ tiếp cận, nhiều khía cạnh của quảng cáo ngày nay đã thay đổi để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đơn cử khi đề cập đến cách phát triển ý tưởng quảng cáo, thương hiệu thường lựa chọn xây dựng thông điệp dựa trên các tiêu chí là sức hấp dẫn và tính kết nối với khách hàng mục tiêu. Ngày nay, công chúng có xu hướng cởi mở hơn, mở rộng mối quan tâm từ những vấn đề cá nhân tới những chủ đề mang tính xã hội rộng lớn hơn. Điều này lý giải cho việc nhiều thương hiệu chuyển hướng đề cập các chủ đề về hòa nhập, bình đẳng hay cộng đồng LGBT. Tóm lại, thương hiệu buộc phải tích hợp các giá trị để tạo sự kết nối với những mối quan tâm, nhu cầu hay khao khát của khách hàng trong xã hội đương thời.
Đâu là những khái niệm nổi bật của hoạt động marketing trong thời đại toàn cầu hoá?
Toàn cầu hóa là một xu thế phát triển của thế giới ngày nay và là sự hợp nhất giữa các khuynh hướng như: quá trình quốc tế hóa đời sống xã hội, sự phụ thuộc lẫn nhau xuyên quốc gia của các công ty, sự phối hợp hành động của các tổ chức quốc tế khác nhau, và kèm theo đó là quá trình tự do hóa các hình thức giao dịch kinh tế và xã hội hết sức đa dạng. Toàn cầu hóa không chỉ mở ra các kênh mới của quá trình lưu chuyển các nguồn tài chính, trí tuệ, con người và vật chất một cách tự do xuyên biên giới; mà đồng thời còn tạo ra những biến đổi sâu sắc mang tính bản chất đối với đời sống cũng như hoạt động của mỗi quốc gia và các dân tộc.
Global Marketing (Marketing toàn cầu) là việc áp dụng chiến lược marketing của các doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế một cách đồng nhất ở tất cả thị trường trên phạm vi toàn cầu. Đơn cử, Apple là tập đoàn công nghệ với giá trị và quy mô thương hiệu gần như xếp top đầu. Các hoạt động marketing của thương hiệu bao gồm cả khía cạnh sản phẩm, giá cả,… được triển khai giống nhau giữa tất cả các thị trường và có rất ít sự điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với từng thị trường.
International Marketing (Marketing quốc tế) được hiểu là quá trình doanh nghiệp lựa chọn thị trường để cung cấp sản phẩm phù hợp với những thị trường đó. Trong Marketing quốc tế doanh nghiệp lại có thể theo đuổi hai xu hướng.
Thích nghi hóa là sự thích ứng của các hoạt động và các công cụ marketing tại các thị trường mục tiêu. Ví dụ KFC là thương hiệu thực hiện thích nghi hoá rất tốt khi điều chỉnh giá cả và menu món ăn để phù hợp với từng thị trường địa phương. Tại Việt Nam hoặc các nước châu Á, menu KFC có các món cơm soup theo khẩu vị người bản địa, giá cả sản phẩm cũng được thay đổi theo giá nguyên liệu, thu nhập của người dân tại quốc gia đó.
Những thách thức khi thực hiện hoạt động marketing trong bối cảnh toàn cầu hoá
Thị trường mở ra với thương hiệu Việt thì đồng thời cũng mở ra với các đối thủ cạnh tranh khác. Do vậy, cục diện cạnh tranh lúc này không chỉ có các thương hiệu trong nước mà còn là những thương hiệu nước ngoài với quy mô đa dạng, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều đối thủ với tiềm lực kinh tế và danh tiếng rất lớn.
Thách thức thứ hai đến từ các quy định của luật pháp. Sự khác biệt giữa luật pháp của các quốc gia yêu cầu marketer phải tìm hiểu kỹ các quy định về sản phẩm, phân phối, giá cả để thích ứng phù hợp với quy định của từng nước, tránh trường hợp bị vướng vào các vụ kiện cáo hay vi phạm.
Thứ ba là thách thức tạo ra thông điệp thương hiệu phù hợp với “khẩu vị” của khán giả tại những thị trường khác nhau. Ví dụ, một số nghiên cứu đúc kết rằng phong cách truyền thông (communication style) tại Pháp thường theo hướng lãng mạn, gợi cảm. Tuy nhiên khi về thị trường Việt, marketer cần phải chú ý những yếu tố về thuần phong mỹ tục. Thương hiệu phải xác định mức độ, ranh giới của sự thay đổi để vừa thích ứng với khẩu vị của khán giả bản địa, vừa không đi lệch với những chuẩn mực, giá trị và lợi ích cốt lõi của thương hiệu.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Xây dựng chiến lược Social Media Marketing cho ngành bất động sản
- Các thương hiệu Toyota, WWF, Metro Trains đã làm gì để tiếp cận gần gũi với người dùng mục tiêu?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mình mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ các bạn về bài viết này, hãy để lại bình luận để mình biết với nhé.