”Mình thật may mắn!”. Phải, chưa khi nào tôi nhận ra mình may mắn và hạnh phúc đến vậy. Dù biết suy nghĩ đó vào lúc này là ích kỷ, nhưng thú thật tôi không ngăn được cảm xúc của mình, cũng như suy nghĩ “đôi khi lan tỏa nỗi đau lại là một điều cần thiết”. Để những con người còn đang hạnh phúc và may mắn như tôi, nhận ra rằng, bất hạnh sẽ có thể đến bất cứ lúc nào, đến với bất cứ ai.

Có nỗi đau không bao giờ được báo trước

Có thể tôi may mắn hơn nhiều người khi vẫn đang được sống cùng ông bà, bố mẹ, chú và các em. Nỗi đau mất đi người thân, không phải tôi chưa từng trải qua, nhưng đó là nỗi đau được-chuẩn-bị về tinh thần. Thế mà lúc nó xảy đến, vẫn thật đau xót.

Tôi không dám tưởng tượng đến cảm giác đột ngột phải nhận một tin báo tử của người thân sẽ như thế nào. Không dám tưởng tượng và cũng không thể tưởng tượng. Đó là cảm giác chỉ-trải-qua mới thấm được. “Lan toả nỗi đau đôi khi là cần thiết”, có bao giờ suy nghĩ đó nảy ra trong bạn không?

Suy nghĩ có phần kì quặc đó chợt xuất hiện trong tôi sau khi xem Lễ tưởng niệm hơn 23000 người đã mất vì COVID. Chỉ một người ra đi, đã là một nỗi đau rất lớn. Nỗi đau nhân lên đến hơn 23000, thì sẽ lớn đến thế nào? Họ cũng như ta, chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải vĩnh biệt người thân mà không được báo trước.

Khi thế giới mất đi 1 triệu người vì COVID, ta vẫn thấy viễn cảnh đó ở quá xa Việt Nam.

Khi những lò thiêu ở Ấn Độ quá tải và người chết phải “xếp hàng” để “được” thiêu, ta vẫn thấy “nó” ở xa Việt Nam.

Nhưng, cơn sóng thần COVID thật sự chẳng chừa cho bất kỳ ai, bất kỳ đất nước nào. Những viễn cảnh từng chỉ có ở những đất nước xa xôi giờ đã hiện hữu thật gần.

Hãy cảm ơn những điều may mắn, hạnh phúc mà bạn đang được tận hưởng, vì có thể nó sẽ biến mất đột ngột (Ảnh: Internet).
Hãy cảm ơn những điều may mắn, hạnh phúc mà bạn đang được tận hưởng, vì có thể nó sẽ biến mất đột ngột (Ảnh: Internet).

Một cơn ho, một cơn sốt cũng có thể mang người thân của chúng ta ra đi mãi mãi. Nhưng đó chưa phải là nghiệt ngã nhất. Điều đáng sợ hơn, đó là nó diễn ra nhanh, rất nhanh, nhanh đến ngỡ ngàng. Chẳng ai kịp “chuẩn bị” tinh thần, càng không kịp nói với nhau những lời sau cuối.

Trước mỗi chuyến đi, trước mỗi lần xa cách, ai chẳng có những điều muốn gửi lại, huống chi lại là “chuyến đi cuối cùng”. Tôi có những người bạn ở Sài Gòn, trong số đó không phải chỉ một người đã mất đi người thân. Bên cạnh nỗi đau không gì sánh nổi, ngập tràn trong họ còn là hối hận, nuối tiếc. Bạn biết vì sao không?

Vì rằng, bạn tôi không biết bữa cơm đó là lần cuối có thể ngồi cùng nhau, thế nên họ đã vừa ăn vừa “cắm mặt” vào điện thoại, thay vì nhìn nhau trò chuyện.

Tôi thấy biết ơn vì vẫn còn những bữa ăn đầy đủ gia đình (Ảnh: Internet).
Tôi thấy biết ơn vì vẫn còn những bữa ăn đầy đủ gia đình (Ảnh: Internet).

Vì rằng, bạn ấy không biết trận cãi vã vì một lý do hết sức vớ vẩn lại là những lời cuối cùng được nói cùng nhau.

“Ừ, nếu biết… thì đã…”

Khoảng trống trong dấu “…” kia, chẳng thể nào còn cơ hội bù đắp.

Lan tỏa nỗi đau, đôi khi là cần thiết

Tôi đã lắng nghe rất nhiều, từ bạn mình. Nhưng tiếng vọng của nỗi đau đó chỉ thật sự âm vang một cách rõ ràng khi nó kết lại từ hàng nghìn nghìn tiếng lòng của những gia đình khác. Một bản hoà ca thật tang thương!

”Mình thật may mắn!”. Phải, chưa khi nào tôi nhận ra mình may mắn và hạnh phúc đến vậy. Dù biết suy nghĩ đó vào lúc này là ích kỷ, nhưng thú thật tôi không ngăn được cảm xúc của mình, cũng như suy nghĩ “đôi khi lan toả nỗi đau lại là một điều cần thiết”. Để những con người còn đang hạnh phúc và may mắn như tôi, nhận ra rằng, bất hạnh sẽ có thể đến bất cứ lúc nào, đến với bất cứ ai.

Song hành với niềm vui là nỗi buồn, bên cạnh những điều tích cực luôn luôn còn những điều tiêu cực. Đó là quy luật và cũng là một sự công bằng. Và dù muốn hay không, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, những điều tiêu cực chính là “gốc rễ” tạo nên những điều tích cực. Nếu không trải qua những ngày mưa, sẽ chẳng biết yêu những ngày nắng. Nhưng những ngày nắng đến cháy da cũng để cho ta biết một cơn mưa quý giá đến thế nào.

Con người ai cũng vậy, dễ quen với những điều hạnh phúc, sung sướng, vì đó là sự tận hưởng. Có khi nào bạn nghĩ: “Tại sao không có một thế giới mà ở đó ai ai cũng được hưởng những điều tốt đẹp, sung sướng? Đó mới chính là công bằng.”

Tôi tự đặt ra câu hỏi này, nhưng cũng chính tôi không tìm được câu trả lời. Tôi đã suy nghĩ rất lâu, nhưng không một đáp án nào thoả mãn. Đến cuối cùng, tôi chỉ nghĩ, cũng giống như một đồng xu có hai mặt, trong bản thể con người luôn tồn tại cả mặt tốt và xấu, chẳng ai dám tự tin khẳng định mình tốt đẹp hoàn toàn. Vậy nên con người cũng chẳng thể tạo nên một thế giới chỉ hoàn toàn những điều đẹp đẽ. Chỉ là, chúng ta “cố gắng”, chỉ có thể luôn “cố gắng” mà thôi. Và động lực để cố gắng, có lẽ không gì tốt hơn là những “mặt tối”. Đó là một sự thật có phần tàn nhẫn, phải không?

Những điều tiêu cực xảy đến cũng là để ta tạo nên những điều tích cực (Ảnh: Internet).
Những điều tiêu cực xảy đến cũng là để ta tạo nên những điều tích cực (Ảnh: Internet).

Bộ phim Hellbound, bạn đã xem chưa? “Mặt tối” trong đó cơ thể vượt quá xa hai từ “tàn nhẫn”, nhưng với một số người, nó cần thiết để tạo động lực cho sự cố gắng. Cố gắng trở thành một người tốt.

”Địa ngục” phải được mở ra ngay trước mắt, chân thật, rõ ràng thì mới khiến con người sợ hãi? Thật ra, thế giới chúng ta đang sống, bên ngoài màn chiếu phim, cũng đã và đang tiến dần vào “mặt tối”. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh… gây nên nghèo đói, chết chóc, đó có thể được gọi là những lời “tiên tri”, những “buổi thao diễn” được không?

Không như một bộ phim có thể kết thúc sau một hoặc vài chục tập phim, hoặc đơn giản hơn, ta có thể tắt màn hình để thoát ra khỏi những cảnh phim đấy. Cuộc sống và thế giới sẽ kéo dài trăm năm, vạn năm, không ai biết tận cùng là ở đâu, là bao giờ. Thế nên những “buổi thao diễn” cũng sẽ kéo dài theo chừng ấy thời gian. Thôi thì chẳng dám hô to những khẩu hiệu vì tương lai, ta cứ “tạm” sống vì bản thân, vì người thân và vì hiện tại trước đã. Cảm nhận những nỗi đau của hiện tại đang lan ra ở xung quanh đã đủ để chúng ta cố gắng sống tốt hơn chưa?

”Nếu biết… thì đã…”, bạn sẽ điền gì vào những khoảng trống kia?

Xem thêm

21 lợi ích của việc suy nghĩ tích cực hầu hết mọi người bỏ qua

“Suy nghĩ tích cực” không chỉ là một cụm từ thông dụng. Thêm vào đó, nó là một công cụ biến đổi với nhiều lợi ích được khoa học chứng minh. Xây dựng một cuộc sống tràn đầy sự tích cực và lạc quan không chỉ là phương tiện dẫn đến hạnh phúc mà còn có thể tạo ra ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận