Răng khôn là thành viên “rắc rối” nhất trong hàm răng của chúng ta. Tuy nằm ở vị trí khó nhìn thấy nhưng chúng lại có thể gây ra nhiều phiền toái, thậm chí đến mức phải nhổ bỏ để tránh hậu quả về sau. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về những chiếc răng “khó chiều” này nhé!

Răng khôn là gì?

Răng khôn là nhóm răng hàm thứ 3 và cũng là những chiếc răng cuối cùng mà ở hầu hết mọi người thường mọc vào cuối độ tuổi vị thành niên hoặc đầu những năm đôi mươi, từ 17 tới 25 tuổi.

Răng khôn nằm ở vị trí sâu nhất trên khung xương hàm của chúng ta (Ảnh: Internet).
Răng khôn nằm ở vị trí sâu nhất trên khung xương hàm của chúng ta (Ảnh: Internet).

Đối với một số người, răng khôn có thể góp phần làm cho nụ cười đẹp hơn nếu chúng mọc ngay hàng thẳng lối và khỏe mạnh không bị bệnh tật gì. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp răng khôn lại mọc không thẳng hàng dẫn đến nhiều hậu quả xấu và cần được loại bỏ.

Răng khôn có thể mọc xiên xẹo theo nhiều kiểu khác nhau, chẳng hạn như nằm ngang, đâm vào những răng hàm kế cận, chĩa ra ngoài hoặc vào trong… Ở những trường hợp này răng khôn mọc lệch có thể gây hại cho các răng xung quanh, ảnh hưởng tới xương hàm hoặc các dây thần kinh vùng mặt.

Răng khôn mọc lệch làm các răng khác bị xô đẩy (Ảnh: Internet).
Răng khôn mọc lệch làm các răng khác bị xô đẩy (Ảnh: Internet).

Một vấn đề khác của răng khôn là những chúng có thể bị “mắc kẹt” bên dưới mô mềm của nướu hoặc xương hàm, chỉ nhô một phần ra khỏi nướu. Khi đó xung quanh răng sẽ có khoảng hở tạo có hội cho vi khuẩn xâm nhập gây nên nhiễm trùng, kết quả là bạn sẽ cảm thấy đau, sưng phù, cứng hàm, thậm chí nặng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi…

Răng khôn có thể mọc lệch theo nhiều hướng khác nhau (Ảnh: Internet).
Răng khôn có thể mọc lệch theo nhiều hướng khác nhau (Ảnh: Internet).

Răng khôn mọc không hoàn toàn cũng dễ bị sâu hơn và tăng khả năng mắc các bệnh về nướu do vị trí nằm sâu bên trong hàm khó tiếp cận và kiểu mọc không bình thường càng khiến cho việc đánh răng hay dùng chỉ nha khoa để vệ sinh trở nên khó khăn.

Làm thế nào để biết răng khôn sắp mọc hay chưa?

Trong những buổi khám răng định kỳ, nha sĩ có thể cho bạn chụp phim X quang hàm răng để kiểm tra vị trí và cách sắp xếp của răng khôn khi chúng chưa nhô lên khỏi hàm.

Phim chụp X quang cho thấy răng khôn mọc ngang (Ảnh: Internet).
Phim chụp X quang cho thấy răng khôn mọc ngang (Ảnh: Internet).

Nếu phát hiện bất thường, nha sĩ có thể tư vấn cho bạn để nhổ răng khôn ngay từ khi chúng chưa mọc nhằm tránh các vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện về sau. Nhổ răng khôn ở người trẻ trẻ sẽ dễ dàng hơn vì lúc này chân răng chưa phát triển hoàn thiện và mật độ xương hàm cũng chưa cao. Đối với những người lớn tuổi, sau khi nhổ răng khôn sẽ cần nhiều thời gian hơn để hồi phục và lành sẹo.

Nhổ răng khôn có khó không?

Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào vị trí và mức độ mọc của răng khôn nhiều hay chưa. Đối với những chiếc răng đã nhô ra khỏi nướu hoàn toàn thì quá trình nhổ cũng không khác biệt nhiều so với bất kỳ chiếc răng nào khác.

Nhổ răng khôn có thể khó hoặc dễ tùy kiểu mọc của răng (Ảnh: Internet).
Nhổ răng khôn có thể khó hoặc dễ tùy kiểu mọc của răng (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên nếu răng khôn của bạn vẫn còn còn cắm sâu trong xương hàm và chưa mọc hết ra khỏi nướu thì nha sĩ sẽ phải rạch một đường vào nướu rồi cắt bỏ phần xương đang che phủ răng. Thông thường những chiếc răng như vậy sẽ được lấy ra theo từng mảnh nhỏ vì nguyên khối để giảm bớt lượng xương hàm phải cắt bỏ theo chúng.

Khi nào cần nhổ bỏ răng khôn?

Ngày nay việc nhổ răng khôn kể cả khi chưa đau hoặc chưa có dấu hiệu bất thường gì đang trở nên phổ biến. Mặc dù không phải là điều bắt buộc nhưng rất nhiều người trẻ đã lựa chọn cách này để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra về sau.

Nhổ răng khôn có thể thực hiện kể cả khi chưa có dấu hiệu bất thường (Ảnh: Internet).
Nhổ răng khôn có thể thực hiện kể cả khi chưa có dấu hiệu bất thường (Ảnh: Internet).

Ngay cả khi không đau thì cũng không có nghĩa rằng răng khôn của bạn hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Chúng vẫn có thể bị mắc kẹt trong xương hàm và không thể mọc lên hoàn toàn như các răng khác được, hoặc khung xương hàm của bạn quá nhỏ không đủ chỗ để răng khôn mọc thêm vào, khiến răng khôn mọc lên không thẳng hàng và chèn ép vào các răng khác xung quanh.

Vì những lý do đó mà ngày nay nhiều nha sĩ lựa chọn cách nhổ răng phòng ngừa để tránh rắc rối về sau. Nếu để lâu, khi có tuổi xương hàm sẽ cứng chắc hơn làm cho việc nhổ răng cho nên khó khăn cũng như gây ra ra nhiều biến chứng sau khi nhổ răng như chảy máu nhiều, răng bị gãy vỡ, cảm giác ê buốt, cứng hàm. Những vấn đề này có thể chỉ kéo dài vài ngày hoặc dai dẳng suốt đời.

Trong trường hợp bạn vẫn muốn giữ lại răng khôn thì hãy theo dõi những dấu hiệu sau đây để biết khi nào cần nhổ bỏ chúng nhé:

  • Các răng xung quanh bị ảnh hưởng: răng khôn mọc lệch có thể đẩy vào các răng khác gây đau và khó khăn khi nhai thức ăn.
  • Xương hàm bất thường: một hiện tượng có thể xảy ra liên quan tới răng khôn là hình thành các nang bao quanh răng. Nếu không được điều trị chúng có thể khoét sâu thành khoảng trống trong xương hàm và phá hủy các dây thần kinh của răng.
  • Các vấn đề của xoang: răng khôn mọc bất thường có thể dẫn tới đau, tăng áp và ứ dịch trong các xoang vùng hàm mặt.
  • Viêm nướu: các mô xung quanh răng khôn có thể bị sưng phù và viêm do khó làm sạch khi đánh răng.
  • Sâu răng: phần nướu bị sưng lên có thể tạo ra các túi nhỏ giữa các răng giúp cho vi khuẩn trú ngụ và phát triển tạo nên lỗ sâu.
  • Răng bị lệch: răng khôn bị kẹt trong xương hàm có thể chèn ép và xô lệch các răng xung quanh, thậm chí cần phải dùng các phương pháp điều trị để nắn thẳng hàm răng lại.

Ngoài những lý do kể trên, trong các lần khám răng định kỳ nha sĩ có thể quan sát khung xương hàm, đánh giá các răng của bạn và chụp phim X quang để quyết định xem có cần nhổ bỏ răng khôn hay không.

Những điều cần lưu ý khi nhổ răng khôn

Nếu đã quyết định “chia tay” với chiếc răng khôn dù với mục đích phòng ngừa hay giải quyết các vấn đề đã xảy ra thì bạn cũng cần nghiên cứu kỹ những lưu ý dưới đây.

Trước khi nhổ răng

Hãy khám răng định kỳ mỗi 6 tháng một lần bạn nhé (Ảnh: Internet).
Hãy khám răng định kỳ mỗi 6 tháng một lần bạn nhé (Ảnh: Internet).

Nha sĩ sẽ sắp xếp một cuộc hẹn với bạn để thảo luận về các vấn đề xung quanh cuộc nhổ răng. Trong buổi nói chuyện này bạn cần chia sẻ với bác sĩ về:

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại
  • Các bệnh hiện mắc (nếu có)
  • Các loại thuốc bạn đang sử dụng
  • Lựa chọn phương pháp gây tê hoặc gây mê khi nhổ răng

Cuối cùng bạn nên đặt câu hỏi về bất kỳ điều gì còn thắc mắc liên quan đến việc nhổ răng để được bác sĩ giải đáp.

Quy trình nhổ răng khôn diễn ra như thế nào?

Nhổ răng vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người kể cả khi đã lớn (Ảnh: Internet).
Nhổ răng vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người kể cả khi đã lớn (Ảnh: Internet).

Toàn bộ thủ thuật này thường kéo dài không quá 45 phút. Để bắt đầu tiến hành, bạn sẽ được gây tê hoặc gây mê bằng một trong các phương pháp sau:

  • Gây tê tại chỗ: Nha sĩ sẽ làm mất cảm giác vùng hàm của bạn bằng cách tiêm thuốc tê như novocaine, lidocaine, mepivicaine, hoặc một số nơi có thể sử dụng khí nitơ oxit. Những chất này chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn nên bạn sẽ nhanh chóng có cảm giác lại bình thường sau khi nhổ răng xong.
  • An thần bằng đường tĩnh mạch: Nha sĩ sẽ kết hợp gây tê nướu của bạn và tiêm một chất an thần ăn vào tĩnh mạch để bạn cảm thấy buồn ngủ trong quá trình nhổ răng.
  • Gây mê toàn thân: Bạn sẽ được tiêm thuốc mê vào tĩnh mạch hoặc hít thuốc mê dạng hơi qua mặt nạ chuyên dụng để rơi vào trạng thái ngủ trong suốt thời gian nhổ răng. Thuốc mê thường có tác dụng kéo dài đến một giờ đồng hồ sau khi hoàn thành thủ thuật.

Nếu nha sĩ cần phải cắt vào nướu hoặc xương hàm của bạn để lấy răng khôn ra thì vết cắt sẽ được khâu lại để mau lành sẹo hơn. Chỉ khâu thường tự tan hoặc được cắt bỏ sau vài ngày.

Sau khi nhổ răng

Cơ thể mỗi người sẽ phản ứng khác nhau với thuốc tê và thuốc mê. Nếu bạn chọn phương pháp gây tê tại chỗ và cảm thấy tỉnh táo bình thường thì ngay sau khi kết thúc cuộc nhổ răng bạn có thể về nhà ngay. Thậm chí bạn có thể đi học, đi làm và sinh hoạt bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Thuốc tê sẽ mất tác dụng ngay sau khi nhổ răng xong (Ảnh: Internet).
Thuốc tê sẽ mất tác dụng ngay sau khi nhổ răng xong (Ảnh: Internet).

Đối với phương pháp an thần hoặc gây mê toàn thân, bạn sẽ cần nhờ người đưa về nhà và nghỉ ngơi một thời gian để tỉnh táo trở lại.

Hầu hết mọi người đều rất ít hoặc hoàn toàn không cảm thấy đau sau khi nhổ răng xong. Tuy nhiên bạn có thể sẽ cảm thấy hơi sưng và khó chịu ở vùng nướu trong vài ngày, và thường mất vài tuần để vết thương lành lại hoàn toàn. Dưới đây là những việc bạn nên làm và nên tránh trong 3 ngày đầu sau khi nhổ răng.

Nên:

  • Dùng túi nước đá chườm lên mặt để giảm đau và sưng phù.Há và ngậm miệng nhẹ nhàng vài lần mỗi ngày để tập thể dục cho hàm.
  • Ăn các món mềm như mì, cơm, cháo, súp.
  • Uống nhiều nước.
  • Đánh răng nhẹ nhàng từ ngày thứ hai sau nhổ răng, và chú ý đừng đánh vào chỗ vết thương có cục máu đông.
  • Uống thuốc theo hướng dẫn của nha sĩ để giảm đau và giảm sưng cho nướu.
  • Đến gặp bác sĩ ngay khi có triệu chứng sốt hoặc nếu tình trạng đau, sưng không được cải thiện.
Chườm đá là cách giảm đau răng đơn giản tại nhà (Ảnh: Internet).
Chườm đá là cách giảm đau răng đơn giản tại nhà (Ảnh: Internet).

Những việc cần tránh:

  • Uống nước bằng ống hút. Động tác hút có thể làm cục máu đông tại vết thương bị lỏng ra, từ đó làm chậm quá trình lành sẹo.
  • Súc miệng quá mạnh. Bạn chỉ nên súc nhẹ nhàng bằng nước muối mà thôi.
  • Ăn những món cứng, giòn, dai dính, làm vết thương bị chà xát và khó lành.
  • Hút thuốc lá. Những chất độc hại trong khói thuốc có thể làm chậm quá trình lành sẹo.

Hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để trả lời câu hỏi: khi nào cần nhổ răng khôn, và lưu ý những gì khi nhổ? Hãy chăm sóc hàm răng của mình để có nụ cười đẹp xinh bạn nhé!

Mời bạn đọc thêm những bài viết bổ ích khác của BlogAnChoi:

Hãy tiếp tục đón xem BlogAnChoi để nhận được nhiều thông tin hấp dẫn bạn nhé!

Xem thêm

6 lời khuyên giúp cơn đau đầu của bạn giảm bớt nhanh chóng

Mặc dù đau đầu là tình trạng cực kỳ phổ biến nhưng việc đối phó với chúng lại không dễ chút nào. Căng thẳng khó chịu và đau ở bất kỳ vùng nào trên đầu có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, công việc và thậm chí ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của bạn. Vậy bạn có ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Mộc Chi

Có ai xui như tôi không mọc tận 2 cái răng khôn cùng lúc :((((