Chúng ta dành 1/3 thời gian trong ngày cho việc ngủ, và chắc hẳn ai cũng từng tự hỏi rằng: Liệu có thể tận dụng thời gian này để học một kỹ năng mới hay thậm chí một ngôn ngữ mới hay không ? Hay nói cách khác, việc học trong khi ngủ là có thể không ?
Câu trả lời là Có và Không, nó phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa từ “học” ở đây như thế nào. Việc tiếp thu những kiến thức phức tạp hoặc học một kỹ năng nào đó hoàn toàn mới, chẳng hạn như việc lấy lại gốc môn Hóa trong khi ngủ là việc hoàn toàn bất khả thi. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, bộ não không hoàn toàn ngừng hoạt động khi ngủ và do đó, một số hình thức học tập có thể thực hiện được. Tuy nhiên, liệu việc học tập vào thời gian nghỉ ngơi của não có đáng hay không thì điều đó do bạn quyết định.
Học trong khi ngủ: từ ảo tưởng đến thực tế.
Khái niệm về việc học trong khi ngủ, hay Học Ngủ, có lịch sử lâu đời. Nghiên cứu đầu tiên chứng minh khả năng ghi nhớ và học tập trong khi ngủ được nhà tâm lý học người Đức Rosa Heine công bố vào năm 1914. Nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, việc học trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn vào buổi sáng sau khi thức dậy, hiệu quả hơn 20% so với việc học theo thời gian truyền thống.
Rosa Heine đã mở đường cho hàng loạt các nghiên cứu về vấn đề này kể từ đó, và giờ đây, chúng ta biết rằng giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành trí nhớ dài hạn đối với những sự kiện ta gặp trong ngày. Khi ta ngủ, não bộ sẽ phát lại những trải nghiệm trong ngày và giúp ổn định những ký ức ngắn hạn này bằng cách chuyển chúng đến vùng vỏ não. Vậy trong quá trình di chuyển thì liệu các ký ức có thể bị thay đổi, phai mờ hay ghi nhớ rõ hơn hay không ?
Một phương pháp tiếp cận phổ biến để học về giấc ngủ là điện thoại Psycho-phone, một thiết bị cực kỳ phổ biến vào những năm 1930. Nó phát ra các thông điệp tạo động lực cho những người đang ngủ, chẳng hạn như “Bạn rất đáng yêu”, “Bạn không béo chút nào”, được cho là giúp mọi người tiếp thu những lời hay ý đẹp trong tiềm thức của họ và thức dậy với một sự tự tin rạng ngời.
Tuy nhiên, Psycho-phone nhanh chóng bị vứt xó vào những năm 1950, khi các nhà khoa học bắt đầu sử dụng điện não đồ để theo dõi sóng não trong lúc ngủ. Họ phát hiện ra rằng, nếu có bất kỳ hoạt động học tập nào xảy ra trong khi đang ngủ thì đó chỉ là do các kích thích từ bên ngoài đã đánh thức chúng ta dậy. Những nghiên cứu sơ sài này ngay lập tức quẳng ý tưởng về việc học ngủ vào thùng rác.
Nhưng trong những năm gần đây, các nghiên cứu phát hiện ra não bộ không hoàn toàn ngừng hoạt động khi ngủ. Phát hiện này cho thấy bộ não vẫn có khả năng hấp thụ thông tin và hình thành những ký ức mới khi đang ngủ. Tuy nhiên, điểm bắt buộc là những thông tin đó phải là những thứ bạn đã đọc, học qua lúc tỉnh táo. Và những nghiên cứu trên đã đưa việc học ngủ trở lại thành một ý tưởng có tính hiện thực.
Trứng ung và mùi thuốc lá: Cách não bộ tạo sự liên kết
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, các hình thức học tập cơ bản có thể được thực hiện khi đang ngủ. Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience, các nhà nghiên cứu Israel phát hiện ra mọi người có thể học cách liên kết âm thanh với mùi hương trong khi ngủ. Bạn có thể xem chi tiết nghiên cứu tại đây.
Khi người tham gia thí nghiệm đang ngủ, các nhà khoa học đã chơi một vài nốt nhạc song song với việc phát tán mùi cá ươn. Kết quả là khi tỉnh dậy, bất cứ lúc nào nghe thấy các nốt nhạc đó, người tham gia đều nín thở một cách vô thức để tránh ngửi lại mùi cá ươn kinh khủng. Điều này cho thấy ta có thể hình thành những ký ức mới trong khi ngủ.
Trong một nghiên cứu khác năm 2014 được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience, mặc dù các ký ức được tạo ra lúc ngủ rất mờ nhạt, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người. Trong nghiên cứu năm 2014, những người hút thuốc đã hút ít hơn hẳn sau khi trải qua một đêm trải nghiệm mùi thuốc lá kết hợp với trứng thối hoặc cá ươn. Bạn có thể xem chi tiết nghiên cứu tại đây.
Học ngoại ngữ khi đang ngủ
Trong nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Nature Communications, các đối tượng tham gia có thể chọn ra chính xác các mẫu âm thanh phức tạp mà họ đã nghe thấy trong khi ngủ.
Khả năng học tập trong giấc ngủ có thể sử dụng trong việc học từ mới. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology, các nghiên cứu gia đã lặp đi lặp lại các từ “được bịa” kèm với nghĩa của chúng, chẳng hạn như “guga” có nghĩa là voi, với những người tham gia đang ngủ. Sau khi thức dậy, người tham gia được cho thực hiện một bài kiểm tra từ vựng nhiều đáp án và đa số đều chọn đúng chính xác nghĩa của từ.
Điểm chung của tất cả các nghiên cứu này cho ta thấy sự tồn tại của một dạng trí nhớ tiềm ẩn. Đó không phải là kiểu kiến thức mà ta có thể tự do sử dụng như 1 + 1 = 2, bởi vì ta thậm chí còn không biết là mình có những kiến thức đấy. Tuy nhiên, trí nhớ tiềm ẩn lí giải được “cảm giác đúng đúng” mà ta có khi ta phải khoanh lụi đáp án trong các bài kiểm tra.
Quay lại với ý chính, việc học một ngôn ngữ mới bao gồm nhiều kỹ năng khác nhau: nhận biết âm thanh, học từ vựng và nắm vững ngữ pháp. Và học ngủ có thể giúp ta làm quen với phát âm và từ vựng của một ngôn ngữ khác hoặc thậm chí là ý nghĩa của từ khi ngủ, nhưng ở mức độ kém hiệu quả hơn so với việc học tập khi ta đang tỉnh táo.
Nhưng việc học trong khi ngủ đi kèm với một cái giá, việc kích thích não đang ngủ với thông tin mới có thể phá vỡ các chức năng của giấc ngủ, ảnh hưởng tiêu cực đến việc ghi nhớ và củng cố những gì chúng ta học được trong ngày. Nó còn gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài của ta.
Và tôi đoán việc đánh đổi một giấc ngủ ngon để đổi lấy vài từ vựng không phải là một vụ trao đổi khôn ngoan đâu. Song, các nghiên cứu về học ngủ vẫn được tiếp tục vì tính hiệu quả của nó trong việc thay đổi các thói quen xấu, các trường hợp bị ám ảnh hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Hãy nhớ rằng, việc học trong khi ngủ là một việc hoàn toàn khả thi nhưng có năng suất rất thấp và phải trả cái giá không tương xứng tí nào. Các bạn có thể thử nếu muốn nhưng xin hãy nhớ rằng, một giấc ngủ chất lượng cao cũng chính là phương pháp học ngủ tốt nhất.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo các bài viết khác trên BlogAnChoi như:
- 12 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon giấc mỗi đêm
- Bí quyết ngủ nhanh cho người hay “đếm cừu”
- Top 5 mặt nạ ngủ giữ cho môi căng mọng suốt cả ngày
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, hãy theo dõi BlogAnChoi để đón xem nhiều bài viết mới hay hơn nhé!
Page làm contents rất thiết thực và ý nghĩa, chúc page mau phát triển hơn
Bài viết rất hay ạ!