Khi anh tôi hỏi tôi, dù biết câu trả lời của mình là không cần thiết với anh, nhưng lạ thay, tôi cũng chẳng biết nên tự trả lời bản thân mình ra sao? Không phải vì có quá nhiều mối tình “đã cũ”, tôi chỉ không “nhớ rõ” được mình đã từng yêu nhiều đến thế nào? Đã từng yêu ai thật nhiều và có phải là “rất nhiều” hay không?
Anh họ tôi hỏi câu này khi bản thân anh đang ở trong khoảng thời gian tồi tệ, bế tắc của một cuộc hôn nhân. Thật ra, đó cũng chẳng phải là một câu hỏi cần được nghe câu trả lời. Một kẻ chưa bước vào cuộc sống hôn nhân như tôi, chẳng thể nào đưa ra lời khuyên cho anh. Nó chỉ như một câu cảm thán, lửng lơ. Lại như một sợi dây ta níu vào, lại như một cánh cửa mở về quá khứ.
Dù biết anh tôi chẳng cần nghe câu trả lời về những mối tình tôi từng trải qua, câu hỏi của anh, với tôi, chính là giống như một cánh cửa mở về quá khứ.
Yêu ai đó thật nhiều, có thể là nhiều đến thế nào?
Tôi vẫn luôn cảm thấy nội tâm mình “trống trải” khi viết về tình yêu. Không phải vì tôi thiếu trải nghiệm…
Khi anh tôi hỏi tôi, dù biết câu trả lời của mình là không cần thiết với anh, nhưng lạ thay, tôi cũng chẳng biết nên tự trả lời bản thân mình ra sao? Không phải vì có quá nhiều mối tình “đã cũ”, tôi chỉ không “nhớ rõ” được mình đã từng yêu nhiều đến thế nào? Có phải là “rất nhiều” hay không?
“Rất nhiều” là thế nào?
Tôi có suy nghĩ rằng, tình yêu đầu tiên, khi mà ta chưa có “quá khứ” nào để làm thước đo, tình cảm ta trao đi sẽ là thứ nguyên vẹn nhất, không so đo, không tính toán, không so sánh.
“Vì trước giờ em chưa yêu ai, nên riêng việc chuyện tình cảm của hai đứa không được ủng hộ và suôn sẻ đã là cú sốc quá lớn rồi. Nếu không yêu nhiều thì em đã không đi đến được lúc này.”
Tình yêu đầu tiên sẽ rất nhiều bỡ ngỡ, rất nhiều mộng mơ, kỳ vọng. Nhưng có lẽ, cũng chính nó là mối tình ta dễ buông bỏ nhất, đa số chúng ta đều sẽ nghĩ rằng những hạnh phúc và những điều mới mẻ sẽ đến trong tương lai.
“Buông tay ” thì dễ hơn là “nắm chặt”, đúng không?
Mối tình đầu của một người trưởng thành có gì khác?
Có câu nói “Tình yêu không phân biệt tuổi tác”, yêu là yêu thôi. Ai khi yêu thì cũng đều chung một “tần số”, một “ngôn ngữ”. Ngôn ngữ của trái tim.
Trái tim của người trưởng thành thì liệu có “thông thái” hơn không?
Cô bạn thân rất thân của tôi, trải qua mối tình đầu tiên năm 32 tuổi. Ở cái tuổi bạn bè đã làm mẹ được vài năm, thậm chí có đứa bạn đã có 2, 3 nhóc tì, bạn tôi mới yêu lần đầu.
Cô ấy gặp tôi khi mối tình đầu đó đã tan vỡ được vài tháng, đủ để trái tim có thể bớt đau, suy nghĩ bớt những dằn vặt, đủ bình tĩnh để “nhớ lại” và “kể lại”.
Một câu chuyện tình dang dở, tất nhiên là một câu chuyện buồn. Nhưng bạn tôi có nói một điều, khiến tôi cứ suy nghĩ mãi.
“Có biết vì sao mà tôi, dù biết trước cái kết thúc sẽ thế này mà vẫn đi hết quãng đường hơn 1 năm đó không? Ừ, yêu. Có. Yêu rất nhiều, đúng. Nhưng có lẽ, lý do lớn hơn là vì tôi muốn được trải nghiệm đến tận cùng, trải qua hết tất tần tật những cung bậc cảm xúc của một chuyện tình. Có những lúc tôi để cảm xúc dẫn lối, mặc kệ lý trí. Nó như kiểu tôi sẽ sợ mình không có cơ hội thứ 2 được sống với chính cảm xúc đó. Thứ cảm xúc tôi sẽ để vuột qua khi tôi sống quá tỉnh táo…”
Yêu, là không nên quá tỉnh táo? Như câu chuyện của anh họ tôi, mọi người xung quanh đều cho rằng vì anh tôi “mù quáng tin tưởng” nên mới phải chịu kết cục chia ly. Còn bạn tôi, cô ấy chấp nhận phớt lờ lý trí để ” tận hưởng” cho đủ ngọt ngào, cay đắng, và cô ấy cho rằng “nó rất đáng”.
Còn bạn, bạn đã yêu ai rất nhiều chưa?