Chắc hẳn thời gian vừa qua, “kì nghỉ dưỡng” siêu khủng diễn ra khiến bạn bỏ nhiều thời gian lên mạng hơn, đọc nhiều “drama” hơn. Thế nhưng, liệu có bao giờ bạn thắc mắc thật sự “drama” là gì chưa? Hãy để BlogAnChoi cùng bạn tìm hiểu về ngôn ngữ xuất hiện trong giới trẻ gần đây nhé!
1. Drama là gì?
Trước khi nói về lớp định nghĩa dày đặc hiện nay của từ này, hãy cùng BlogAnChoi điểm qua một vài khái niệm được coi là “nguyên thủy” của “drama” nhé.
Trong tiếng Hi Lạp cổ, “drama” có nghĩa là hành động, kịch tính. Những thế kỷ sau, khi văn hóa nhân loại phát triển, “drama” trở thành từ chỉ một lĩnh vực nghệ thuật là tuồng, kịch. Và rồi khi văn hóa phim ảnh ra đời, “drama” đội thêm cho mình một lớp nghĩa mới, đó là thể loại phim mới: phim chính kịch.
Có thể nói “drama” nghĩa chung, phổ biến nhất thường được hiểu là những bộ phim, vở kịch tâm lý xã hội, thường đưa tới cho người đọc, người xem những cảm xúc khác nhau như vui, buồn, đau khổ, hài hước, kịch tính,… Hiện nay, ta có thể thấy “drama” nghĩa đen ở những bộ phim Hàn Quốc, những vở tuồng kịch trên sân khấu,… đã và đang trở thành món ăn tinh thần bổ ích của mọi lứa tuổi.
Hiện nay, nói về “drama” thay vì hiểu theo lớp nghĩa trên, chúng ta thường nảy ra một nghĩa khác, có thể coi là lớp nghĩa bóng, một khái niệm bất thành văn mà chỉ cần bạn có một chiếc smartphone trên tay, bạn hoàn toàn có thể tiếp cận đến nó.
Mạng xã hội ngày nay khi nói về “drama”, người ta có thể dễ dàng nghĩ đến những tình huống trớ trêu, hài hước. Qua sự “xào nấu”, “nhào nặn” của giới trẻ, giờ đây khi nhắc đến “drama”, người ta còn nghĩ đến những câu chuyện, những bài bóc phốt,… mà ngoài tính khơi gợi trí tò mò, thỏa mãn nhu cầu hóng hớt của mọi người thì gần như những chiếc “drama” ấy không còn bất cứ ý nghĩa nào khác.
2. Các từ ngữ liên quan đến drama
Nếu bạn là người thường “lăn lộn” trong bể drama, hay bạn là “người mới” lần đầu biết tới từ này, bạn không thể bỏ qua những cụm từ có liên quan đến nó:
Hít drama
Hít drama, “hóng” drama là những cụm từ cùng chỉ sự tò mò, chờ đợi để nghe, đọc về những câu chuyện dù bạn có thể chẳng phải là người tham gia, cũng chẳng biết nhân vật chính, nhưng vẫn có nhu cầu “hóng hớt” về nó.
Tạo drama
Để có những câu chuyện cẩu huyết, những cái “phốt” siêu to khổng lồ để cho hàng ngàn người cùng nhau dỏng tai, căng mắt lên để xem, để “hóng” thì không thể thiếu những người tạo ra chúng. Từ những câu chuyện có thật hay không có thật, qua bàn tay của các drama king hoặc drama queen, chúng đều có thể trở thành những tiêu điểm thu hút mọi sự chú ý.
War
“Đặc sản” không thể thiếu của mỗi cái drama. “War” ngoài có nghĩa là chiến tranh, nó còn được hiểu là sự tranh cãi giữa các phía trong drama. Mỗi một cái drama xuất hiện đồng nghĩa là sẽ có sự bàn tán về nó, và tất nhiên, khi nhiều người cùng nhìn một vấn đề từ nhiều góc độ, thì sẽ có những ý kiến trái chiều hình thành. Và để bảo vệ quan điểm của mình, mọi người sẽ bàn tán, bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, nhận định của mình. Cư dân mạng thường dùng từ này như để chỉ sự thể hiện những quan điểm trái ngược giữa các “phe”.
Kết thúc drama
Các drama xảy ra và thường bị “khai tử” do rất nhiều lý do. Hầu hết, các drama thường kết thúc bằng một phát ngôn nào đó của nhân vật chính trong câu chuyện thường là sự nhận lỗi, hoặc chuyển sang một chiếc “drama” khác có liên quan đến nó.
3. Trào lưu “drama” trong giới trẻ hiện nay
Dù đã xuất hiện từ khá lâu nhưng phải cho đến thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 xảy ra, mọi người ở nhà nhiều hơn, lên mạng nhiều hơn, drama trên mạng mới có chiều hướng diễn ra thường xuyên, phức tạp và thu hút nhiều sự chú ý hơn trước kia.
Và tất nhiên, chúng ta không thể nào không biết những tác hại của việc “hít” drama quá nhiều. Có hàng ngàn hàng vạn các câu chuyện được lan truyền khắp mạng xã hội mỗi ngày, và thường những câu chuyện mang tính xấu xa, đáng chê trách thường lôi kéo được nhiều ánh mắt hơn. Chúng ta không thể phủ nhận những hệ lụy đi kèm khi xảy ra các drama, những cá nhân, tập thể bị ảnh hưởng khi cư dân mạng quá chú ý đến những sự việc xảy ra dù chưa biết đúng sai. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận “công lao” của các cư dân mạng trong việc “hóng phốt” đặc biệt trong thời gian diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc mọi người chú ý đến hành trình của các bệnh nhân góp phần giúp đỡ rất nhiều trong việc khống chế dịch bệnh.
4. Lời kết
Mỗi sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống đều có những mặt khác nhau của nó. Giới trẻ ngày nay nên giữ một cái đầu lạnh, một quả tim nóng trước bất cứ thông tin, sự việc nào xuất hiện trong mắt mình. Ngoài việc sàng lọc thông tin chính xác, mà còn cần có một tư duy đạo đức tốt đẹp để không một chiếc “drama” nào bị đẩy đi quá xa. Hãy cùng BlogAnChoi trở thành một chuyên gia “hít drama” văn minh bạn nhé!