Mưa sao băng Leonids là một trận mưa sao băng lớn hàng năm và sẽ đạt cực điểm vào rạng sáng ngày 17 và 18/11 tới. Đây là một trong những hiện tượng thiên văn mà người yêu thích thiên văn không thể bỏ lỡ. Hãy cùng BlogAnChoi theo dõi, tìm hiểu về trận mưa sao băng Leonids và làm sao để quan sát được trận mưa sao băng này một cách tốt nhất nhé!

Nguồn gốc và tần suất của trận mưa sao băng Leonids

Mưa sao băng Leonids xuất hiện là do tàn dư để lại của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle trên quỹ đạo Trái Đất khi Trái Đất đi qua, đây là sao chổi có chu kỳ 33 năm. Hàng năm khi Trái Đất đi qua vùng tàn dư của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle để lại, một lượng lớn mảnh vụn với nhiều kích thước lao vào vùng khí quyển của Trái Đất và bị đốt cháy tạo nên những vệt sao băng sáng trên bầu trời đêm. Trận mưa sao băng này có tên là Leonids là do vùng tâm điểm nơi xuất hiện nhiều vệt mưa sao băng nằm ở đầu chòm sao Leo (Sư Tử).

Mưa sao băng (Nguồn: internet)
Mưa sao băng (Nguồn: internet)

Trong quá khứ, mưa sao băng Leonids được ví như là một cơn “bão sao băng” với tần suất có thể lên đến hàng nghìn vệt sao băng mỗi giờ. Tuy nhiên, trận mưa sao băng tới đây chúng ta chỉ quan sát được khoảng 15-20 vệt/giờ vào thời gian cực điểm. Theo dự đoán, sự bùng nổ của cơn “bão sao băng” sẽ không xuất hiện cho đến năm 2033.

Quan sát mưa sao băng Leonids

Thời điểm quan sát trận mưa sao băng Leonids

Mưa sao băng Leonids có thể quan sát được trong suốt tháng 11 nhưng trận mưa sao băng này chỉ suất hiện với tần suất cao nhất vào đêm ngày 17/11 và rạng sáng ngày 18/11. Trận mưa sao băng Leonids có tâm điểm ở đầu chòm sao Leo (Sư Tử).

Chòm sao Leo nơi xuất hiện nhiều vệt sao băng nhất (Nguồn: internet)
Chòm sao Leo nơi xuất hiện nhiều vệt sao băng nhất (Nguồn: internet)

Cách quan sát trận mưa sao băng Leonids

Mặc dù đây là trận mưa sao băng khá đáng xem trong năm nhưng do trận mưa sao băng Leonids năm nay diễn ra đúng vào ngày có trăng tròn nên một số vệt sao sẽ bị ánh trăng sáng làm lu mờ, chỉ có những vệt sao băng sáng nhất mới có thể quan sát được. Nếu đủ kiên nhẫn, hãy hướng mắt về chân trời hướng Đông vào khoảng 2 giờ sáng đến 3 giờ sáng ngày 18/11 khi chòm sao Leo (Sư Tử) đã lên cao thì đó là tâm điểm của trận mưa sao băng Leonids.

Hướng mắt về chân trời phía Đông để chiêm ngưỡng những vệt sao băng rực rỡ (Ảnh: internet)
Hướng mắt về chân trời phía Đông để chiêm ngưỡng những vệt sao băng rực rỡ (Ảnh: internet)

Hãy chọn cho mình một nơi thoáng đãng nhất và ít bị ô nhiễm ánh sáng để có thể có được một tầm nhìn tốt nhất khi quan sát mưa sao băng Leonids. Hãy tập cho mắt làm quen với bầu trời đêm khoảng 5 phút và nếu bạn có thể quan sát khoảng 50 ngôi sao trên bầu trời thì bạn đã có thể ngắm mưa sao băng, nếu thấy ít số ngôi sao hơn thì có thể mây mù và ô nhiễm ánh sáng đã cản trở tầm nhìn của bạn.

Mưa sao băng hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường và bạn sẽ không cần đến dụng cụ quan sát thiên văn như ống nhòm hay kính thiên văn vì chúng sẽ làm hạn chế tầm nhìn của bạn khi quan sát mưa sao băng. Chuẩn bị cho mình một bộ đồ thật ấm và một chiếc ghế tựa dài để có thể có một tư thế quan sát mưa sao băng thoải mái nhất. Và điều cuối cùng chính là sự kiên nhẫn, hãy kiên nhẫn hướng mắt về phía chòm sao Leo (Sư Tử) để quan sát những vệt sao băng rực rỡ.

Trên đây là những thông tin về trận mưa sao băng Leonids đêm ngày 17/11 và rạng sáng ngày 18/11 sắp tới. BlogAnChoi hy vọng đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích. Chúc bạn sẽ quan sát được hiện tượng thiên văn này một cách tốt nhất.

Xem thêm

Muốn "đu" CBIZ trơn tru, hãy thuộc nằm lòng cẩm nang 100 thuật ngữ dưới đây

Những thuật ngữ Cbiz như tiểu thịt tươi, bạo hồng, khống bình, sao tác... có thể sẽ khá lạ tai đối với một số bạn. Tuy nhiên nếu là một người thích đọc tin bát quái và "hít" drama thì bạn rất nên "bỏ túi" cẩm nang 100 thuật ngữ Cbiz thường gặp dưới đây để tránh bỡ ngỡ ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận