Trái ngược với sự phát triển phong phú của ngành truyền hình phía Nam, ngành truyền hình của Bắc Triều Tiên phát triển khá khiêm tốn. Do hạn chế về nhiều mặt, người dân Triều Tiên có khá ít nội dung để thưởng thức thông qua truyền hình. Trong bài viết sau, BlogAnChoi sẽ giới thiệu vài nét chính về truyền hình tại Triều Tiên.
- Người dân Triều Tiên được xem những kênh truyền hình nào?
- KCTV (Korean Central Television – Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên)
- Mansudae TV (Đài Truyền hình Vạn Thọ)
- Ryongnamsan Television
- Cheyug TV (Kênh truyền hình chuyên về thể thao)
- Người dân Triều Tiên có thể xem truyền hình Hàn Quốc được không?
Người dân Triều Tiên được xem những kênh truyền hình nào?
Trái ngược với sự đa dạng và phát triển của ngành truyền hình Hàn Quốc, người dân Triều Tiên có khá ít lựa chọn để giải trí thông qua hình thức truyền hình. Vào thời điểm hiện tại, Triều Tiên có tất cả 4 kênh truyền hình bao gồm: KCTV (Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên), Mansudae TV (Kênh giáo dục 1), Ryongnamsan TV (Kênh giáo dục 2) và Cheyug TV (Kênh chuyên về thể thao). Ngoại trừ KCTV, 3 kênh truyền hình còn lại rất khó tiếp cận nếu bạn không ở trong lãnh thổ Triều Tiên.
KCTV (Korean Central Television – Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên)
KCTV được thành lập từ năm 1953, với tên gọi ban đầu là “Đài truyền hình Bình Nhưỡng”. Từ năm 1961, đài được đổi thành tên gọi ngày nay, nói lên tầm quan trọng của đơn vị này trong vai trò là cơ quan ngôn luận trọng điểm của nhà nước Triều Tiên.
KCTV được phát sóng 8 tiếng mỗi ngày, từ 14h (giờ Triều Tiên) đến 22h cùng ngày. Những chương trình của đài thường được lặp lại và chỉ xoay quanh những chủ đề chính như: tin tức, phim điện ảnh, nhạc thính phòng, thể thao, chương trình dành cho trẻ em và phim tài liệu. Do quy định của nhà nước nên các đài truyền hình tại Triều Tiên không có quảng cáo, vốn là yếu tố gây phiền toái cho khán giả. Thay vào đó, KCTV sẽ phát sóng các ca khúc về tình yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc vào giữa những quãng nghỉ.
KCTV là đài truyền hình quan trọng nhất tại Triều Tiên. Phần lớn nội dung của đài sẽ được 3 kênh truyền hình còn lại dẫn nguồn. Truyền thông nước ngoài thường theo dõi Triều Tiên thông qua các bản tin mà KCTV thực hiện. Kể từ năm 2017, KCTV bắt đầu phát sóng theo chuẩn HD 16:9.
Mansudae TV (Đài Truyền hình Vạn Thọ)
Mansudae TV là kênh truyền hình chuyên về giáo dục. Kênh chỉ được phát sóng vào 2 ngày cuối tuần với khung giờ khá ít ỏi (19:00 – 22:00 vào thứ 7; 10:00 – 13:00, 16:00-22:00 vào Chủ Nhật). Đây là kênh truyền hình hiếm hoi có phát sóng các chương trình của nước ngoài tại Triều Tiên. Vào tháng 7/2015, Mansudae TV tạm thời bị tắt sóng do để lọt nội dung chưa qua kiểm duyệt lên sóng. Vào năm 2016, đài đã được lên sóng trở lại bình thường.
Ryongnamsan Television
Ryongnamsan TV (Tên cũ: Kaesong TV) là kênh truyền hình lâu đời thứ 2 tại Triều Tiên chỉ sau KCTV. Kênh được phát sóng từ 17:00 đến 22:00 từ thứ 2 đến thứ 6 và từ 12:00 đến 22:00 vào cuối tuần. Ngoài phát sóng tại Bình Nhưỡng, Ryongnamsan TV còn được phủ sóng tại Kaesong, thành phố nằm gần khu phi quân sự hai miền để giúp quảng bá văn hoá Triều Tiên tới khán giả Hàn Quốc.
Cheyug TV (Kênh truyền hình chuyên về thể thao)
Cheyug TV bắt đầu phát sóng vào ngày 15/8/2015. Nội dung chính của kênh là các trận đấu có vận động viên của Triều Tiên, phim tài liệu về thể thao. Kênh được phát sóng vào thứ Bảy và Chủ Nhật, từ 19:00 đến 22:00. Vào 8h giờ tối, kênh sẽ tiếp sóng bản tin thời sự từ KCTV.
Người dân Triều Tiên có thể xem truyền hình Hàn Quốc được không?
Theo như những nguồn tin trên Internet, người dân Triều Tiên hoàn toàn có thể xem được truyền hình của Hàn Quốc. Nhưng sẽ có một vài trở ngại về mặt kỹ thuật nếu họ muốn làm việc này.
Các sản phẩm tivi tại Triều Tiên sử dụng hệ PAL (25 khung hình trên giây, tương tự với Anh, Đức, Trung Quốc, Thái Lan hay Việt Nam) còn ngành truyền hình tại Hàn Quốc sử dụng hệ NTSC (30 khung hình trên giây, tương tự với Mỹ, Nhật Bản). Trong thập niên 2010, những chiếc tivi có thể xem cả hệ PAL và NTSC ồ ạt được nhập khẩu vào Triều Tiên. Để đối phó với vấn đề đó, Triều Tiên đã vô hiệu hoá chức năng tiếp sóng NTSC để ngăn người dân xem truyền hình của phía Nam.
Ngay cả khi vượt qua được vấn đề trên, khán giả Triều Tiên vẫn sẽ phải đối mặt với câu hỏi lớn hơn, đó chính là tín hiệu. Mặc dù đã tắt sóng analog trên toàn quốc từ cuối năm 2012 nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì kiểu phát sóng này về phía lãnh thổ Triều Tiên. Những nơi gần khu phi quân sự hai miền như Kaesong, Baechon… sẽ nhận được tín hiệu tốt hơn, và do đó đẩy giá bất động sản tại đây lên cao.
Mời các bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- 3 đài truyền hình lớn nhất tại Hàn Quốc và những sự thật thú vị có thể bạn chưa biết
- Kì thi đại học tại Hàn Quốc: Áp lực khủng khiếp đè nặng lên đôi vai học sinh
- Karoshi – Văn hoá làm việc đến chết tại Nhật Bản đáng sợ như thế nào?