Bạn còn nhớ con lười chậm chạp và hài hước trong hoạt hình Zootopia không? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu về một trong những loài động vật thú vị nhất hành tinh này nào.
- 1. Con lười hai ngón và con lười ba ngón
- 2. Cả hai đều có ba ngón chân
- 3. Chúng có liên quan đến loài lười đất khổng lồ đã tuyệt chủng
- 4. Thị lực kém
- 5. Bơi giỏi một cách đáng kinh ngạc
- 6. Sự “lười biếng” là một chiến thuật sinh tồn
- 7. Chúng làm mọi thứ trên cây…
- 8. … Trừ bài tiết
- 9. Phân của chúng rất lớn
- 10. Tảo thường mọc trên lông chúng
- 11. Con lười cái hét lên khi muốn giao phối
- 12. Con lười ba ngón có thể xoay đầu 270 độ
- 13. Tuổi thọ khá dài
1. Con lười hai ngón và con lười ba ngón
Hai loài lười hai ngón thuộc họ Megalonychidae, trong khi bốn loài lười ba ngón đều thuộc họ Bradypodidae. Hai nhóm này chỉ là họ hàng xa và có một vài điểm khác biệt đáng chú ý giữa chúng.
Con lười ba ngón hoạt động vào ban ngày thì con lười hai ngón là sinh vật sống về đêm. Những con lười ba ngón cũng nhỏ hơn và chậm hơn so với những con lười hai ngón, các đốm lông trên khuôn mặt sẫm màu hơn nên khiến nó trông giống như đang mỉm cười vậy.
2. Cả hai đều có ba ngón chân
Cả hai loài lười đều có ba ngón chân trên mỗi chi sau. Sự khác biệt thực sự nằm ở các ngón tay ở chi trước.
3. Chúng có liên quan đến loài lười đất khổng lồ đã tuyệt chủng
Những con lười hai ngón và ba ngón đều tiến hóa từ những con lười khổng lồ trên mặt đất, con lớn nhất nặng tới vài tấn và cao tới gần 4m.
Loài động vật này đã tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước, có thể là do con người nguyên thủy săn bắn.
4. Thị lực kém
Lười mẹ ba ngón không thể nhận ra con mình ở khoảng cách 1.5m, thậm chí những con lười đực hung hãn còn cố gắng đánh nhau từ khoảng cách tương tự.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân khiến các giác quan của chúng kém như vậy là do đột biến gen. Những con lười ba ngón được sinh ra không có tế bào hình nón – thứ cần thiết để nhận biết màu sắc – trong mắt nên chúng nhìn mọi thứ ở dạng đen trắng và có độ phân giải kém hơn. Chúng cũng gặp khó khăn trong việc xử lý ánh sáng rực rỡ – thứ mà sinh vật sống ban ngày hẳn phải có.
5. Bơi giỏi một cách đáng kinh ngạc
Những con lười chậm chạp khủng khiếp trên đất liền. Chân sau của chúng rất yếu nên chúng phải dùng cánh tay và sức mạnh của phần trên cơ thể để kéo mình về phía trước. Tuy nhiên, chúng có thể di chuyển nhanh gấp ba lần khi ở trong nước. Cánh tay trước dài giúp chúng bơi gi và có thể nín thở dưới nước tới 40 phút.
6. Sự “lười biếng” là một chiến thuật sinh tồn
Thời gian phản ứng của con lười chỉ bằng khoảng 1/4 so với con người, chúng di chuyển với tốc độ từ 1.8-2.4m/phút. Con lười ba ngón thực sự là loài động vật chậm nhất trên Trái đất, đánh bại các loài động vật nổi tiếng chậm chạp khác như rùa và ốc sên.
Khi các loài động vật này được ghi nhận một cách khoa học lần đầu vào thế kỷ 18, chúng được mô tả là “dạng tồn tại thấp nhất”. Nhưng sự chậm chạp của chúng lại là lý do giúp chúng chưa tuyệt chủng. Con lười chủ yếu sống nhờ vào lá cây và có thể mất đến một tháng để dạ dày gồm bốn phần của chúng tiêu hóa được một bữa ăn. Các loại rau lá xanh không giàu dinh dưỡng nên chúng phải tiết kiệm càng nhiều năng lượng càng tốt để tồn tại — và điều đó có nghĩa là di chuyển ít hơn. Hơn nữa chuyển động chậm giúp chúng không bị phát hiện bởi những kẻ săn mồi dựa vào thị lực như báo đốm hay đại bàng Harpy.
7. Chúng làm mọi thứ trên cây…
Con lười là sinh vật sống trên cây, chúng ăn, ngủ, giao phối và sinh con trong tư thế treo ngược. Các cơ quan nội tạng của chúng được cố định vào bụng, giúp chuyển trọng lượng ra khỏi cơ hoành và thở dễ dàng hơn, do đó tiêu tốn ít năng lượng hơn.
Những móng vuốt dài tới gần 8cm cũng giúp chúng bám vào cành cây và lơ lửng cách xa nền rừng. Trên thực tế, khả năng bám vào cành cây bẩm sinh của chúng mạnh đến mức người ta tìm thấy những con lười chết treo lủng lẳng trên cây.
8. … Trừ bài tiết
Do quá trình trao đổi chất chậm, con lười đi ị mỗi tuần một lần và đôi khi chỉ một lần mỗi tháng. Khoảng một nửa số trường hợp tử vong của con lười xảy ra khi chúng ở trên mặt đất.
9. Phân của chúng rất lớn
Lượng phân của con lười có thể nặng tới 1/3 trọng lượng cơ thể của con vật. Con số này lớn hơn 282% so với những gì các nhà khoa học thường thấy ở một loài động vật có kích thước bằng con lười.
Một điều kỳ lạ nữa là những con lười không “xì hơi”.
10. Tảo thường mọc trên lông chúng
Con lười có mối quan hệ cộng sinh với tảo. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tảo đôi khi được truyền từ lười mẹ sang lười con, và việc chuyển giao này mang lại lợi ích chung cho cả con lười và tảo.
Bộ lông dài của con lười tạo ra một ngôi nhà ấm cúng cho tảo – dễ dàng hấp thụ lượng nước cần thiết để phát triển – và những con lười có một bộ lông màu xanh lục có tác dụng ngụy trang cực kì tốt. Con lười cũng ăn tảo vì chúng là một nguồn cung cấp dinh dưỡng rất phong phú.
11. Con lười cái hét lên khi muốn giao phối
Con cái bắt đầu quá trình tán tỉnh bằng cách hét to, the thé để con lười đực biết rằng nó đã sẵn sàng giao phối. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về các chi tiết cụ thể của việc tán tỉnh hoặc giao cấu của con lười, hoặc thậm chí liệu con đực có tranh giành bạn tình hay không.
Thời gian mang thai của loài này là từ năm đến sáu tháng.
12. Con lười ba ngón có thể xoay đầu 270 độ
Tài năng đặc biệt này đã xếp loài lười ba ngón vào cùng loại với nhiều loài cú. Ở cả hai loài, khả năng đặc biệt này có thể là do cấu trúc xương của chúng. Con lười có thêm đốt sống ở dưới cổ giúp chúng có thể nhìn về mọi hướng một cách dễ dàng.
Mặc dù loài lười không giỏi tự vệ nhưng ít nhất chúng cũng có thể nhận biết được khi nào nguy hiểm đang đến gần.
13. Tuổi thọ khá dài
Trung bình, con lười sống được khoảng 20 năm, nhưng một số loài có thể sống lâu hơn trong điều kiện nuôi nhốt.
Con lười già nhất thế giới là một con lười cái hai ngón tên là Miss C, nó qua đời vào năm 2017 ở tuổi 43 và được chăm sóc từ nhỏ trong Vườn thú Adelaide của Úc.
Bạn có thể đọc thêm:
Các bạn có thích bài viết này không? Hãy chia sẻ cảm nhận của mình với mình nhé! Mình rất trân trọng những đóng góp của các bạn.