Bạn đã bao giờ nghe nói đến chế độ ăn kiêng theo nhóm máu? Có phải mỗi nhóm máu khác nhau cần lựa chọn các loại thực phẩm riêng phù hợp? Hãy cùng khám phá xem chế độ ăn kiêng theo nhóm máu là gì và có thực sự giúp ích cho cơ thể hay không nhé!

Chế độ ăn kiêng theo nhóm máu là gì?

Ăn kiêng theo nhóm máu là một ý tưởng đã trở nên phổ biến trong khoảng 20 năm gần đây. Những người ủng hộ chế độ ăn này cho rằng: nhóm máu của chúng ta sẽ quyết định loại thực phẩm nào tốt nhất cho cơ thể. Có rất nhiều người “trung thành” với chế độ ăn này và cho rằng nó đã giúp cải thiện sức khỏe của họ rất nhiều.

Có phải mỗi nhóm máu khác nhau cần chế độ ăn khác nhau? (Ảnh: Internet).
Có phải mỗi nhóm máu khác nhau cần chế độ ăn khác nhau? (Ảnh: Internet).

Nhưng chính xác thì chế độ ăn theo nhóm máu là gì, và nó có dựa trên cơ sở khoa học đáng tin cậy hay không?

Người đã đưa chế độ ăn đặc biệt này trở nên phổ biến với công chúng là một bác sĩ chuyên về trị liệu tự nhiên có tên Peter D’Adamo vào năm 1996. Cuốn sách của ông – Eat Right 4 Your Type – đã thành công ngoài sức tưởng tượng và trở thành bestseller của tờ báo New York Times, bán được hàng triệu bản và vẫn còn rất thịnh hành đến tận ngày nay.

Bác sĩ Peter D’Adamo - người đã đưa ý tưởng ăn kiêng theo nhóm máu đến với công chúng (Ảnh: Internet).
Bác sĩ Peter D’Adamo – người đã đưa ý tưởng ăn kiêng theo nhóm máu đến với công chúng (Ảnh: Internet).

Trong cuốn sách này, bác sĩ Peter D’Adamo tuyên bố rằng chế độ ăn uống tối ưu cho mỗi người sẽ phụ thuộc vào nhóm máu ABO của người đó, lý do là vì mỗi nhóm máu đại diện cho các đặc điểm di truyền riêng biệt của tổ tiên chúng ta, bao gồm cả chế độ ăn uống mà họ đã thích nghi để phát triển tối ưu.

Theo lý thuyết này thì cách chọn thực phẩm cho mỗi nhóm máu là:

  • Nhóm máu A: Được gọi là nông dân hay người trồng trọt (agrarian hay cultivator), những người này nên áp dụng chế độ ăn nhiều thực vật và hoàn toàn không có thịt đỏ “độc hại”, tức là gần giống với ăn chay.
  • Nhóm máu B: Được gọi là dân du mục (nomad), những người này có thể ăn thực vật và hầu hết các loại thịt (trừ thịt gà và thịt lợn), cũng có thể dùng một số loại sữa, nhưng nên tránh lúa mì, ngô, đậu, cà chua và một vài loại thực phẩm khác.
Các loại thực phẩm nên ăn và nên tránh cho mỗi nhóm máu (Ảnh: Internet).
Các loại thực phẩm nên ăn và nên tránh cho mỗi nhóm máu (Ảnh: Internet).
  • Nhóm máu AB: Được gọi là bí ẩn (enigma), là sự kết hợp giữa nhóm A và B. Các thực phẩm nên ăn bao gồm hải sản, đậu phụ, sữa, đậu và ngũ cốc, nên tránh đậu tây, ngô, thịt bò và thịt gà.
  • Nhóm máu O: Được gọi là thợ săn (hunter), những người này nên ăn nhiều protein chủ yếu từ thịt, cá, gia cầm, một số loại trái cây và rau quả, nhưng hạn chế ngũ cốc, các loại đậu và sữa. Như vậy là gần giống với chế độ ăn kiêng paleo.

Nếu xem xét kỹ thì mỗi chế độ trên đây đều có lợi đối với hầu hết mọi người bất kể nhóm máu là gì, bởi vì chúng đều dựa trên các loại thực phẩm lành mạnh tự nhiên, rõ ràng là tốt hơn nhiều so với chế độ ăn hiện đại của phương Tây gồm nhiều thực phẩm chế biến sẵn.

Như vậy tức là nếu bạn áp dụng cách ăn kiêng này và cảm thấy sức khỏe được cải thiện thì cũng không hẳn là có liên quan đến nhóm máu, mà chỉ đơn giản là vì bạn đã chọn các thực phẩm lành mạnh hơn so với trước đây.

Lectin có thể là lý do để giải thích chế độ ăn theo nhóm máu?

Một trong những giả thuyết được đưa ra để lý giải cách ăn này là các protein có tên lectin. Đó là một nhóm protein đa dạng có thể gắn với các phân tử đường, được coi là chất “phản dinh dưỡng” (giảm hấp thu dinh dưỡng) và có thể tác động tiêu cực đến niêm mạc ruột.

Lectin được cho là ngăn niêm mạc ruột hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn (Ảnh: Internet).
Lectin được cho là ngăn niêm mạc ruột hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn (Ảnh: Internet).

Theo lý thuyết về chế độ ăn theo nhóm máu, có nhiều loại lectin khác nhau trong thực phẩm tương ứng với các nhóm máu khác nhau, và nếu ăn không đúng loại lectin có thể dẫn đến sự kết tụ các tế bào hồng cầu tạo thành huyết khối trong mạch máu.

Thực tế đã có bằng chứng cho thấy một lượng nhỏ lectin trong các loại đậu sống chưa nấu chín có thể có hoạt tính gây kết tụ đặc trưng cho một nhóm máu nhất định, ví dụ như đậu lima sống chỉ có thể tương tác với các tế bào hồng cầu ở những người thuộc nhóm máu A.

Nhưng nhìn chung thì có vẻ như phần lớn các loại lectin có thể phản ứng với tất cả các nhóm máu ABO. Nói cách khác, lectin trong chế độ ăn không đặc trưng cho nhóm máu, ngoại trừ một số loại đậu sống. Mà trong thực tế hầu hết các loại đậu đều được ngâm hoặc nấu chín trước khi ăn, giúp phá hủy các lectin có hại.

Nên ngâm nước hoặc nấu chín các loại đậu trước khi ăn để loại bỏ các chất phản dinh dưỡng (Ảnh: Internet).
Nên ngâm nước hoặc nấu chín các loại đậu trước khi ăn để loại bỏ các chất phản dinh dưỡng (Ảnh: Internet).

Có bằng chứng khoa học nào ủng hộ chế độ ăn kiêng theo nhóm máu?

Nghiên cứu về nhóm máu ABO đã phát triển mạnh trong nhiều năm qua, và đã có bằng chứng chắc chắn rằng một số nhóm máu nhất định có thể có nguy cơ mắc một số bệnh cao hơn hoặc thấp hơn. Ví dụ như nhóm máu O có nguy cơ bị bệnh tim thấp hơn nhưng nguy cơ loét dạ dày lại cao hơn.

Tuy nhiên không có nghiên cứu nào cho thấy nhóm máu có liên quan đến chế độ ăn uống. Trong một nghiên cứu đối với 1.455 người trưởng thành trẻ tuổi, kết quả cho thấy chế độ ăn cho nhóm máu A (nhiều trái cây và rau quả) có liên quan đến sức khỏe tốt hơn, nhưng điều đó đúng với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng những người nhóm máu A.

Thực phẩm lành mạnh luôn tốt cho sức khỏe bết kể nhóm máu là gì (Ảnh: Internet).
Thực phẩm lành mạnh luôn tốt cho sức khỏe bết kể nhóm máu là gì (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu lớn năm 2013 đã xem xét dữ liệu từ hơn 1000 nghiên cứu khác trước đó và không tìm thấy một cơ sở chắc chắn nào để khẳng định chế độ ăn theo nhóm máu có tác động đến sức khỏe. Các nhà khoa học kết luận: “Hiện tại không có bằng chứng nào để xác nhận những lợi ích sức khỏe có chủ đích của chế độ ăn theo nhóm máu.”

Có 4 nghiên cứu đã xác định một phần mối liên quan giữa chế độ ăn theo nhóm máu và sức khỏe, nhưng chúng đều được thiết kế không tốt, thậm chí kết quả còn mâu thuẫn với lý thuyết ban đầu.

Tổng kết

Có thể nhiều người đã cải thiện được sức khỏe bằng cách áp dụng chế độ ăn đặc biệt, nhưng điều đó không có nghĩa là phải ăn kiêng phù hợp với nhóm máu.

Dù nhóm máu của bạn là gì và ăn theo cách nào thì hãy luôn chọn các thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet).
Dù nhóm máu của bạn là gì và ăn theo cách nào thì hãy luôn chọn các thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet).

Các chế độ ăn khác nhau sẽ phù hợp với những người khác nhau. Một số người ăn nhiều thực vật và ít thịt (như chế độ ăn cho nhóm máu A), trong khi những người khác phù hợp với thực phẩm từ động vật giàu protein (như chế độ ăn cho nhóm máu O). Do đó nếu bạn cảm thấy cách ăn uống nào đó tốt cho mình thì có thể chỉ đơn giản là vì nó phù hợp với sự trao đổi chất của cơ thể bạn mà không liên quan gì đến nhóm máu.

Ngoài ra các chế độ ăn kiêng theo nhóm máu cũng loại bỏ phần lớn thực phẩm chế biến sẵn không lành mạnh, có lẽ đó là lý do chủ yếu khiến nó trở nên tốt cho sức khỏe, bất kể bạn có nhóm máu gì.

Như vậy nếu bạn đã áp dụng chế độ ăn kiêng theo nhóm máu và cảm thấy phù hợp thì hãy tiếp tục thực hiện và không cần thay đổi nếu không có vấn đề gì. Nhưng xét từ quan điểm khoa học thì hầu như không có bằng chứng để khẳng định chế độ ăn có liên quan với nhóm máu.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Vỏ cam chanh có rất nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe, đừng vội bỏ đi!

Có phải bạn luôn vứt bỏ vỏ cam chanh sau khi dùng hết phần ruột bên trong? Bạn có biết phần vỏ tưởng như bỏ đi thực ra lại chứa nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe? Nhưng nếu muốn dùng cả vỏ thì phải làm như thế nào để dễ ăn hơn? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận