Bạn đã nghe nói đến trà bồ công anh rất tốt cho sức khỏe? Thậm chí nhiều người còn sử dụng loại cây này như rau ăn hằng ngày? Vậy bồ công anh thực sự có tác dụng như thế nào đối với cơ thể của chúng ta? Hãy cùng khám phá nhé!

Bồ công anh – cỏ dại hay thuốc quý?

Bồ công anh là tên gọi chung của một nhóm thực vật có hoa, mọc ở nhiều nơi trên thế giới. Tên khoa học của chúng là Taraxacum spp., trong đó loài phổ biến nhất có tên là Taraxacum officinale.

Cây bồ công anh được trồng làm rau và thuốc (Ảnh: Internet).
Cây bồ công anh được trồng làm rau và thuốc (Ảnh: Internet).

Đối với nhiều người thì bồ công anh chỉ là loài cỏ dại cứng đầu mọc trên bãi cỏ hoặc vườn cây và rất khó diệt tận gốc. Nhưng trong y học cổ truyền nó được sử dụng rất nhiều vì có đặc tính chữa bệnh rất tốt. Suốt hàng trăm năm qua bồ công anh đã được dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh như mụn trứng cá, bệnh gan, rối loạn tiêu hóa, thậm chí hỗ trợ điều trị ung thư.

Dưới đây là 13 lợi ích tiềm năng của cây bồ công anh đối với sức khỏe đã được khoa học ghi nhận.

Công dụng của bồ công anh đối với sức khỏe

1. Bồ công anh chứa rất nhiều chất dinh dưỡng

Xét về hàm lượng dinh dưỡng, đám cây bồ công anh mọc dại có thể sánh ngang với vườn rau được chăm bón tốt. Từ gốc rễ cho đến lá và hoa, bồ công anh là loại cây có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Cây bồ công anh mọc dại ở nhiều nơi (Ảnh: Internet).
Cây bồ công anh mọc dại ở nhiều nơi (Ảnh: Internet).

Bồ công anh cung cấp lượng lớn vitamin A, C và K, ngoài ra còn có vitamin E, folate và một lượng nhỏ các vitamin B. Loài cây này cũng chứa một số khoáng chất với hàm lượng dồi dào như sắt, canxi, magiê và kali.

Rễ bồ công anh rất giàu inulin, là một loại carbohydrate thuộc nhóm chất xơ hòa tan hỗ trợ sự phát triển và duy trì hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột của con người. Rễ cây thường được sấy khô và làm thành trà nhưng cũng có thể sử dụng ở dạng thô.

2. Bồ công anh chứa các chất chống oxy hóa mạnh

Đây có thể là lý do giải thích vì sao loài cây này được ứng dụng rộng rãi để chữa bệnh từ xa xưa. Chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn tác hại của các gốc tự do đối với cơ thể. Các gốc tự do là sản phẩm của quá trình trao đổi chất bình thường nhưng có thể tấn công tế bào và góp phần làm phát sinh bệnh tật cũng như tăng tốc độ lão hóa, vì vậy cần có chất chống oxy hóa để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Bồ công anh được dùng làm thuốc từ xa xưa (Ảnh: Internet).
Bồ công anh được dùng làm thuốc từ xa xưa (Ảnh: Internet).

Bồ công anh có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa beta-carotene, được chứng minh là có khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại tổn thương tế bào và stress oxy hóa. Ngoài ra còn có hàm lượng lớn chất chống oxy hóa khác được gọi là polyphenol, tập trung nhiều nhất ở hoa nhưng cũng có trong rễ, lá và thân cây.

3. Bồ công anh có thể giúp chống viêm

Bồ công anh có thể giảm viêm do có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học như polyphenol. Viêm là một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương hoặc bệnh tật, nhưng nếu tình trạng viêm quá mức và kéo dài có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn đối với các tế bào và DNA của cơ thể.

Bồ công anh đã được thu hoạch (Ảnh: Internet).
Bồ công anh đã được thu hoạch (Ảnh: Internet).

Một số nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy các dấu hiệu viêm giảm đáng kể ở các tế bào được điều trị bằng hợp chất từ bồ công anh. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy những con chuột bị bệnh phổi nhân tạo được sử dụng bồ công anh đã giảm đáng kể tình trạng viêm phổi.

Tuy nhiên cần có thêm nghiên cứu để xác định rõ vai trò của bồ công anh đối với giảm viêm ở người.

4. Bồ công anh có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết

Axit chicoric và axit chlorogenic là 2 hợp chất có hoạt tính sinh học trong bồ công anh, được tìm thấy trong tất cả các bộ phận của cây và có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu.

Tăng đường huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng (Ảnh: Internet).
Tăng đường huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng (Ảnh: Internet).

Các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cho thấy những hợp chất này có thể cải thiện sự tiết insulin từ tuyến tụy, đồng thời cải thiện sự hấp thụ glucose (đường) ở tế bào cơ, kết quả là tăng độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.

Trong một số nghiên cứu trên động vật, axit chicoric và axit chlorogenic còn có tác dụng hạn chế tiêu hóa thức ăn chứa nhiều carbohydrate, do đó cũng có thể góp phần làm giảm lượng đường trong máu.

Mặc dù những kết quả ban đầu này rất có triển vọng nhưng cần nghiên cứu thêm để xem liệu bồ công anh có tác dụng tương tự trên người hay không.

5. Bồ công anh có thể giảm cholesterol trong máu

Tăng mỡ máu có thể làm xơ vữa động mạch và hẹp mạch máu (Ảnh: Internet).
Tăng mỡ máu có thể làm xơ vữa động mạch và hẹp mạch máu (Ảnh: Internet).

Một số hợp chất hoạt tính sinh học trong bồ công anh có thể làm giảm cholesterol và do đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy có sự giảm đáng kể mức cholesterol và triglyceride ở những con chuột được sử dụng chiết xuất bồ công anh.

Một nghiên cứu khác trên thỏ đánh giá tác dụng của bồ công anh đối với chế độ ăn nhiều cholesterol, kết quả là những con thỏ được ăn rễ và lá cây này đã giảm đáng kể mức cholesterol trong máu.

Mặc dù những phát hiện này rất hứa hẹn, nhưng cần có thêm nghiên cứu trên người để khẳng định tác dụng của bồ công anh đối với giảm cholesterol.

6. Bồ công anh có thể làm giảm huyết áp

Tăng huyết áp là căn bệnh rất phổ biến hiện nay (Ảnh: Internet).
Tăng huyết áp là căn bệnh rất phổ biến hiện nay (Ảnh: Internet).

Nhiều người cho rằng bồ công anh có thể làm giảm huyết áp, mặc dù chưa có nhiều bằng chứng ủng hộ điều này. Y học cổ truyền sử dụng bồ công anh vì tác dụng lợi tiểu và người ta tin rằng có còn có thể giải độc một số cơ quan. Trong y học phương Tây hiện đại, thuốc lợi tiểu được sử dụng để thải bớt nước trong cơ thể, có thể dẫn đến giảm huyết áp.

Một nghiên cứu trên người cho thấy bồ công anh có tác dụng lợi tiểu hiệu quả, tuy nhiên nghiên cứu này chỉ thực hiện trong thời gian ngắn và chỉ có 17 người tham gia.

Bồ công anh chứa nhiều kali, một khoáng chất có liên quan đến giảm huyết áp ở những người có huyết áp cao. Như vậy bồ công anh có thể tác động gián tiếp đến huyết áp do chứa kali, tuy nhiên tác dụng này cũng có thể xảy ra với bất kỳ loại thực phẩm giàu kali nào kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.

7. Bồ công anh có thể tốt cho gan

Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng bồ công anh có tác dụng bảo vệ tế bào gan khỏi các chất độc và stress. Một nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ gan đáng kể ở những con chuột tiếp xúc với acetaminophen (paracetamol) liều cao gây độc. Các nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng này là nhờ các chất chống oxy hóa có trong bồ công anh.

Các bệnh về gan rất nguy hiểm (Ảnh: Internet).
Các bệnh về gan rất nguy hiểm (Ảnh: Internet).

Các nghiên cứu trên động vật khác cho thấy chiết xuất bồ công anh có thể làm giảm lượng chất béo dư thừa tích tụ trong gan và bảo vệ tế bào gan chống lại stress oxy hóa. Tuy nhiên quá trình trao đổi chất ở người và động vật có sự khác biệt nên chưa thể khẳng định tác dụng tương tự ở người.

8. Bồ công anh có thể hỗ trợ giảm cân

Một số nghiên cứu cho thấy các thành phần hoạt tính sinh học của loại cây này có thể hỗ trợ giảm cân và giữ cân, mặc dù chưa thể kết luận rõ ràng. Các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng cải thiện chuyển hóa carbohydrate và giảm hấp thụ chất béo của bồ công anh có thể dẫn đến giảm cân, nhưng vẫn chưa được khoa học chứng minh.

Trà bồ công anh (Ảnh: Internet).
Trà bồ công anh (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu trên chuột cho thấy giảm cân liên quan đến việc bổ sung bồ công anh, nhưng đây chỉ là phát hiện tình cờ và không phải là mục tiêu chính của nghiên cứu.

Một nghiên cứu khác trên những con chuột béo phì phát hiện rằng axit chlorogenic trong bồ công anh có thể làm giảm cân và giảm một số hormone kích thích dự trữ mỡ. Tuy nhiên nghiên cứu này cũng không đánh giá cụ thể vai trò của bồ công anh đối với giảm cân và ngăn ngừa béo phì. Như vậy cần có thêm nghiên cứu trên người để xác định rõ tác dụng của bồ công anh đối với cân nặng.

9. Bồ công anh có tiềm năng chống ung thư

Một trong những tiềm năng hấp dẫn nhất của bồ công anh là ngăn chặn ung thư ở nhiều cơ quan khác nhau. Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy sự phát triển của tế bào ung thư đã giảm đáng kể khi được điều trị bằng chiết xuất lá bồ công anh, tuy nhiên chiết xuất từ ​​hoa và rễ lại không cho thấy kết quả tương tự.

Bồ công anh có thể hỗ trợ điều trị ung thư? (Ảnh: Internet).
Bồ công anh có thể hỗ trợ điều trị ung thư? (Ảnh: Internet).

Các nghiên cứu trong ống nghiệm khác phát hiện ra rằng chiết xuất rễ cây bồ công anh có khả năng làm chậm đáng kể sự phát triển của tế bào ung thư trong gan, đại tràng và tuyến tụy. Những phát hiện này rất hứa hẹn, nhưng cần có thêm nghiên cứu để hiểu đầy đủ về tác dụng của cây bồ công anh đối với điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư ở người.

10. Bồ công anh có thể hỗ trợ tiêu hóa và chữa táo bón

Y học cổ truyền sử dụng bồ công anh để chữa táo bón và các triệu chứng tiêu hóa kém khác. Một số nghiên cứu ban đầu dường như ủng hộ điều này.

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy tốc độ co bóp dạ dày tăng đáng kể và đẩy hết các chất trong dạ dày xuống ruột non ở những con chuột được sử dụng chiết xuất bồ công anh. Ngoài ra rễ cây chứa nhiều chất xơ inulin là thức ăn của lợi khuẩn đường ruột. Nghiên cứu chỉ ra rằng inulin có khả năng giảm táo bón và tăng nhu động ruột.

11. Bồ công anh có thể tăng cường hệ miễn dịch

Một số nghiên cứu cho thấy bồ công anh có thể chứa đặc tính kháng khuẩn và kháng virus, hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Một số nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ ​​cây bồ công anh làm giảm đáng kể khả năng nhân lên của virus.

Ngoài ra một số hợp chất hoạt tính trong bồ công anh có tác dụng chống lại các loại vi khuẩn có hại khác nhau. Cần có thêm nghiên cứu để đưa ra kết luận chính xác về khả năng chống virus và vi khuẩn của cây bồ công anh đối với cơ thể người.

12. Bồ công anh có thể chăm sóc da hiệu quả

Có thể dùng bồ công anh làm sản phẩm chăm sóc da? (Ảnh: Internet).
Có thể dùng bồ công anh làm sản phẩm chăm sóc da? (Ảnh: Internet).

Nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm cho thấy bồ công anh có thể bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, lão hóa và mụn trứng cá. Trong một nghiên cứu, chiết xuất từ ​​lá và hoa bồ công anh giúp bảo vệ da khỏi bị tổn thương khi thoa ngay trước hoặc ngay sau khi tiếp xúc với tia UVB. Tuy nhiên rễ cây lại không có hiệu quả tương tự.

Một trong những dấu hiệu của lão hóa da là giảm sản sinh các tế bào mới khỏe mạnh. Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ ​​rễ cây bồ công anh làm tăng tái tạo tế bào da mới, có thể làm chậm quá trình lão hóa.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng chiết xuất bồ công anh có thể làm giảm viêm và kích ứng da, đồng thời tăng giữ ẩm và tăng sinh collagen. Tác dụng này có thể giúp ngăn ngừa và điều trị một số loại mụn trứng cá. Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về hiệu quả của bồ công anh đối với làn da.

13. Bồ công anh có thể tăng cường chắc khỏe xương

Có rất ít nghiên cứu tìm hiểu về tác dụng của bồ công anh đối với sức khỏe của xương, mặc dù một số thành phần dinh dưỡng của nó góp phần giữ cho xương chắc khỏe.

Bồ công anh là nguồn cung cấp canxi và vitamin K dồi dào – cả hai chất này đều có liên quan đến ngăn ngừa mất xương. Chất xơ inulin trong rễ cây cũng có thể hỗ trợ xương khỏe mạnh thông qua tác dụng cải thiện tiêu hóa và nuôi dưỡng hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.

Liều lượng và cách dùng bồ công anh như thế nào?

Có thể sử dụng loại cây này ở nhiều dạng và nhiều bộ phận khác nhau (Ảnh: Internet).
Có thể sử dụng loại cây này ở nhiều dạng và nhiều bộ phận khác nhau (Ảnh: Internet).

Hiện tại chưa có hướng dẫn rõ ràng về liều lượng, vì có rất ít nghiên cứu trên người tìm hiểu tác dụng của cây bồ công anh như một chất bổ sung cho sức khỏe. Theo một số dữ liệu có sẵn, liều lượng nên dùng đối với các dạng khác nhau là:

  • Lá tươi: 4–10 gam mỗi ngày
  • Lá khô: 4–10 gam mỗi ngày
  • Cồn thuốc từ lá: 0,4–1 thìa cà phê (2–5 ml), 3 lần/ngày
  • Nước ép lá tươi: 1 thìa cà phê (5 ml), 2 lần/ngày
  • Chiết xuất dạng lỏng: 1–2 thìa cà phê (5–10 ml) mỗi ngày
  • Rễ tươi: 2–8 gam mỗi ngày
  • Bột khô: 250–1000 mg, 4 lần/ngày

Dùng bồ công anh có tác dụng phụ gì không?

Bồ công anh có độc tính thấp và có thể an toàn cho hầu hết mọi người, đặc biệt là khi dùng ở dạng thô tự nhiên. Tuy nhiên mới chỉ có rất ít nghiên cứu về loại cây này, và không phải là 100% không có rủi ro.

Bồ công anh có thể gây phản ứng dị ứng, đặc biệt đối với những người bị dị ứng với các loại cây có liên quan như cỏ phấn hương. Viêm da tiếp xúc cũng có thể xảy ra ở những người có làn da nhạy cảm.

Một số người có thể bị dị ứng với bồ công anh (Ảnh: Internet).
Một số người có thể bị dị ứng với bồ công anh (Ảnh: Internet).

Bồ công anh có thể ảnh hưởng tới một số loại thuốc, đặc biệt là một số thuốc lợi tiểu và thuốc kháng sinh. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc theo toa nào thì hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm bồ công anh.

Tổng kết

Bồ công anh không thể thay thế cho chế độ ăn uống cân bằng và lối sống lành mạnh, đặc biệt là trong việc phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên có thể bổ sung loại cây này vào chế độ chăm sóc sức khỏe hằng ngày.

Bồ công anh có tiềm năng giúp ích cho sức khỏe và trị bệnh, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu để khẳng định chắc chắn về tác dụng của nó trên người, do đó không nên quá lạm dụng. Bồ công anh không gây hại, trừ khi bạn bị dị ứng hoặc đang dùng thuốc. Hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào trong chế độ ăn uống của mình.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Chế độ ăn kiêng Sirtfood là gì? Có hiệu quả như lời đồn hay tiềm ẩn tác hại?

Nhiều chế độ ăn kiêng mới theo trend liên tục xuất hiện và được “quảng cáo” là giúp giảm cân hiệu quả cùng với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Bạn đã nghe tới chế độ ăn kiêng sirtfood chưa? Sirtfood giúp ích gì cho cơ thể và có nguy cơ gây hại gì hay không? Hãy cùng ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận