Đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn một năm rưỡi, và sự xuất hiện của biến thể Delta khiến các quan chức y tế lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa ngày càng lớn hơn mà chúng ta phải đối mặt. Hơn 200 triệu ca nhiễm COVID-19 đã được xác nhận trên toàn thế giới, và tác nhân chủ yếu đứng sau đợt bùng phát hiện nay chính là biến thể Delta. Nhưng tại sao lại như vậy?
- Biến thể Delta là gì?
- Biến thể Delta dễ lây lan hơn
- Delta có thể gây bệnh nặng hơn hay không?
- Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn cho những người đã được tiêm chủng
- Đối với các ca nhiễm sau khi tiêm vaccine, Delta có thể lây lan mạnh hơn so với các biến thể trước đây
- Biến thể Delta mang một số đột biến đặc trưng
- Delta có khả năng lây nhiễm rất mạnh, nhưng vaccine vẫn là lối thoát cho chúng ta
Cả thế giới đang chứng kiến sự bùng phát dữ dội của COVID-19, mà tác nhân quan trọng nhất là biến thể Delta. Nhiều nước đã phải thay đổi chiến lược đối phó với đại dịch sau khi biến thể này càn quét mạnh mẽ, chẳng hạn như nước Mỹ đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại, kế hoạch tiêm vaccine đang gặp khó khăn và các quan chức ngày càng lo lắng hơn về những kết quả đã đạt được trong nhiều tháng trước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/8 đã cho biết mọi nhân viên hoặc nhà thầu của chính phủ liên bang sẽ phải khai báo là đã được tiêm ngừa hay chưa, và những người không phải đeo khẩu trang khi làm việc phải giữ khoảng cách với những người khác và xét nghiệm virus ít nhất một lần một tuần.
Vậy biến thể Delta có gì đặc biệt mà khiến cả thế giới chao đảo như vậy? Delta có gì khác so với virus ban đầu và các biến thể còn lại? Sau đây là những điều chúng ta đã biết về nó cho đến nay.
Biến thể Delta là gì?
Biến thể Delta ban đầu được gọi là B.1.617.2 đã xuất hiện từ cuối năm 2020, nhưng trong những tháng gần đây nó đã nhanh chóng chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia. Delta là tác nhân gây ra hơn 80% các trường hợp COVID-19 mới được chẩn đoán ở Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của nước này (CDC).
CDC cho biết: “Các trường hợp COVID-19 đã tăng hơn 300% trên toàn quốc từ ngày 19/6 đến ngày 23/7 năm 2021, cùng với sự gia tăng song song các trường hợp nhập viện và tử vong do biến thể B.1.617.2 (Delta) có khả năng lây lan cao”.
Biến thể Delta dễ lây lan hơn
Chính xác là bao nhiêu thì chưa thực sự rõ ràng, nhưng ước tính Delta dễ lây hơn từ 60% đến 200%, tùy thuộc vào nguồn số liệu thống kê.
Một tài liệu của CDC chỉ ra rằng biến thể Delta có khả năng lây truyền tương đương với bệnh thủy đậu – tức là trung bình mỗi người bị nhiễm có thể lây cho 8 hoặc 9 người khác. Trong khi đó dòng virus ban đầu có khả năng lây lan như cảm lạnh thông thường, mỗi người bị nhiễm sẽ lây cho 2 người khác.
Con số chính xác rất khó biết được, bởi vì để tính toán sẽ cần phải xét nghiệm nhiều hơn so với hiện tại. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải gửi mẫu để giải trình tự bộ gene của virus, và điều này chỉ được thực hiện ở một vài nơi mà thôi.
Và để so sánh khả năng lây lan của Delta so với các biến thể trước đây thì phải có số liệu trong những tháng trước, mà điều đó vốn đã không được thực hiện. Vì vậy mọi thứ hiện nay đều chỉ dựa vào ước tính mà thôi.
Các nhà lập mô hình bệnh truyền nhiễm ở Anh cho biết: dữ liệu hiện nay chỉ ra rằng Delta có khả năng lây truyền cao hơn 40-60% so với biến thể B.1.1.7 hay còn gọi là Alpha, vốn đã từng chiếm ưu thế ở Mỹ nhưng nay đã được thay thế bằng Delta. Họ nói rằng nó có khả năng lây truyền gần gấp đôi so với các chủng virus ban đầu được phát hiện ở Trung Quốc.
Delta có thể gây bệnh nặng hơn hay không?
Các phòng cấp cứu và đơn vị chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện tại Mỹ đang chật kín bệnh nhân trở lại. Theo CDC và lãnh đạo của các bệnh viện, có vẻ như biến thể Delta đang khiến mọi người bị bệnh nặng hơn. Tuy nhiên cần lưu ý là hơn 90% những người đến điều trị thuộc nhóm chưa được tiêm chủng, vì vậy mặc dù mọi người có thể dễ bị nhiễm Delta nếu chưa được chủng ngừa, nhưng vẫn chưa có dữ liệu chắc chắn nào cho thấy Delta gây ra bệnh nặng hơn.
CDC trích dẫn 3 nghiên cứu cũ hơn từ Canada, Singapore và Scotland, cho thấy những người bị nhiễm Delta có tỷ lệ nhập viện cao hơn.
Một hiện tượng bất thường cũng đang xảy ra là người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn trong số những người mắc bệnh. Theo CDC, hơn 80% người Mỹ trên 65 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng người trẻ tuổi ở nước này không được chủng ngừa nhiều như vậy, do đó họ chiếm tỷ lệ cao hơn trong các phòng cấp cứu của bệnh viện.
Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn cho những người đã được tiêm chủng
Không có loại vaccine nào hiệu quả 100%, và có hàng nghìn người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn bị mắc COVID-19. CDC đã công bố một nghiên cứu đáng kinh ngạc hôm 13/8 vừa qua về một đợt bùng phát ở Provincetown, bang Massachusetts, nơi có 74% những người nhiễm bệnh đã được tiêm phòng đầy đủ, và 4 người trong số họ đã phải nhập viện.
Đợt bùng phát này bao gồm 469 người đã mắc COVID-19 vào đầu tháng 8. Các nhà nghiên cứu thuộc CDC và các sở y tế địa phương viết trong báo cáo rằng: “Xét nghiệm đã xác định được biến thể Delta trong 90% mẫu bệnh phẩm từ 133 bệnh nhân”.
Đây là nghiên cứu lớn đầu tiên cho kết quả trái ngược với những bằng chứng trước đây rằng những người được tiêm chủng gần như hoàn toàn tránh được tình trạng bệnh nặng, kể cả do Delta và các biến thể khác.
Điều này cũng đã được ghi nhận trong một bài phát biểu của CDC trong tuần trước: “Vaccine ngăn ngừa hơn 90% bệnh nặng, nhưng có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh hoặc lây truyền”, do đó có nhiều ca nhiễm sau khi tiêm vaccine hơn và lây lan trong cộng đồng nhiều hơn mặc dù đã tiêm ngừa.
Trên trang web của CDC có viết rằng: Bằng chứng hiện có cho thấy các vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA được cấp phép hiện nay (của Pfizer-BioNTech và Moderna) có hiệu quả cao trong việc chống nhập viện và tử vong đối với nhiều biến thể, bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.
CDC cũng cho biết: Dữ liệu hiện nay gợi ý rằng hiệu quả của vaccine chống lại tình trạng nhiễm virus và bệnh có triệu chứng do các biến thể Beta, Gamma và Delta thấp hơn so với chủng virus gốc và biến thể Alpha. Cần liên tục theo dõi hiệu quả của vaccine chống lại các biến thể.
Trong khi đó các thử nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng phản ứng miễn dịch do vaccine tạo được, về lý thuyết, lẽ ra phải đủ mạnh và đủ rộng để bao phủ cả Delta.
Đối với các ca nhiễm sau khi tiêm vaccine, Delta có thể lây lan mạnh hơn so với các biến thể trước đây
Mặc dù ban đầu CDC nói rằng những người đã tiêm vaccine ít có khả năng lây nhiễm cho người khác hơn, nhưng bác sĩ Rochelle Walensky, tổng giám đốc của CDC, trong tuần trước đã nói rằng biến thể Delta có thể sẽ khác.
Nghiên cứu ở Provincetown nói trên đã cho thấy điều đó. Các nhà nghiên cứu viết rằng: “Những người mắc COVID-19 cho biết đã tham dự các sự kiện trong nhà và ngoài trời với mật độ dày đặc tại các địa điểm bao gồm quán bar, nhà hàng, nhà khách và nhà cho thuê”.
Các thử nghiệm trên những người bị nhiễm cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ có lượng virus trong cơ thể tương đương những người không được tiêm ngừa.
Bác sĩ Walensky nói rằng: “Tải lượng virus cao cho thấy nguy cơ lây truyền cao hơn và làm dấy lên lo ngại rằng, không giống như các biến thể khác, những người đã tiêm ngừa bị nhiễm Delta có thể lây truyền virus”. Phát hiện này rất đáng lo ngại và là lý do chủ yếu dẫn đến khuyến cáo đeo khẩu trang mới đây của CDC.
Kết hợp với các bằng chứng khác, CDC hiện cho biết ngay cả những người đã được tiêm chủng cũng nên đeo khẩu trang ở những khu vực có mức lây nhiễm cao hoặc ổn định. Đó là vì những người đã tiêm chủng có thể bị phơi nhiễm và sau đó virus có thể phát triển trong cơ thể họ đủ để lây nhiễm cho người khác, ngay cả khi bản thân họ không có triệu chứng.
Các phát hiện từ cuộc điều tra này cho thấy rằng ngay cả những nơi không có mức lây cao cũng có thể xem xét tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả việc đeo khẩu trang ở những khu vực công cộng trong nhà bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào, do nguy cơ lây lan tiềm ẩn khi tham gia các buổi tụ tập đông người.
Rất nhiều thông tin của chúng ta hiện nay đến từ một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trung Quốc. Họ nhận thấy lượng virus ở những người bị nhiễm biến thể Delta cao gấp 1.000 lần so với những người bị nhiễm vào thời điểm đầu của đại dịch. Nhà nghiên cứu Jing Lu thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật tỉnh Quảng Đông cùng các cộng sự cũng cho biết virus hiện nay lây truyền nhanh hơn: trong vòng 4 ngày, so với 6 ngày khi bắt đầu đại dịch.
Những người vội vàng đưa ra các tuyên bố về Delta thường dẫn nguồn từ nghiên cứu đơn lẻ này. Ví dụ như bác sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học New York, đã gây chấn động khi nói rằng mọi người có thể bị nhiễm biến thể Delta chỉ trong một giây tiếp xúc, so với 15 phút ở thời điểm bắt đầu đại dịch.
Nhưng thực ra điều này không dựa trên các quan sát khoa học. Bác sĩ Gounder đã giải thích trên Twitter rằng cô chỉ ngoại suy từ nghiên cứu của Jing Lu mà thôi.
Biến thể Delta mang một số đột biến đặc trưng
Mỗi biến thể mang một nhóm các đột biến khác nhau. Khi những đột biến này làm cho một chủng virus nào đó hoạt động khác đi hoặc có những tác động khác nhau thì nó sẽ được gọi là biến thể đáng quan tâm hoặc đáng lo ngại.
Delta sở hữu một loạt các đột biến làm cho nó trở nên khác biệt so với các biến thể còn lại, trong đó có ít nhất 3 đột biến trên một cấu trúc được gọi là vùng liên kết thụ thể – bộ phận của virus trực tiếp xâm nhập vào tế bào người mà nó lây nhiễm. Vùng này có thể giúp virus thoát khỏi sự phát hiện của hệ thống miễn dịch và gắn chặt hơn vào tế bào chủ.
Theo Hội Vi sinh vật học Mỹ, có một đột biến khác nằm trên protein gai đặc trưng cũng có thể giúp virus lây nhiễm cho tế bào chủ dễ dàng hơn, tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra rằng nó phải xảy ra trên nền các đột biến khác của protein gai thì mới có tác dụng.
Tuy nhiên Delta lại không mang một số đột biến giúp các biến thể khác dễ lây truyền hơn, chẳng hạn như một đột biến tên là N501Y đặc trưng cho biến thể Alpha, Beta và Gamma, hay đột biến E484K được tìm thấy ở Beta và Gamma.
Delta có khả năng lây nhiễm rất mạnh, nhưng vaccine vẫn là lối thoát cho chúng ta
Các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang mở ra một giai đoạn mới đáng lo ngại trong đại dịch, nhưng các chuyên gia cho biết vaccine vẫn có thể đánh bại mối đe dọa luôn biến đổi không ngừng này.
Andy Pekosz, giáo sư vi sinh tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: “Nó đang gây ra hầu hết mọi thứ mà chúng ta lo ngại. Nó lây lan trong dân số hiệu quả hơn, có vẻ như đang gây bệnh nhiều hơn ở một số nhóm tuổi và dường như nó đang thoát khỏi một số khả năng miễn dịch mà vaccine của chúng ta có thể tạo ra để chống lại virus. Nó thực sự là một loại virus dường như được tối ưu hóa để lây nhiễm cho con người”.
Giáo sư Pekosz cho biết những người chưa được tiêm chủng trong cộng đồng cũng tạo cơ hội cho virus lây lan và đột biến cao hơn, do đó làm tăng nguy cơ tạo ra các biến thể mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn cho con người. Khi virus nhân lên trong cơ thể những người chưa được tiêm chủng, nó sẽ có cơ hội tạo ra thêm các biến thể mới.
Khi có rất nhiều người bị nhiễm và tạo ra lượng lớn virus thì càng có nhiều khả năng xuất hiện đột biến. Thỉnh thoảng, những đột biến ngẫu nhiên này mang lại cho virus cái gọi là “ưu thế thích nghi”, nghĩa là cho phép nó có một đặc điểm nào đó vượt trội hơn một chút, dẫn đến khả năng lây lan cao hơn. Đó là những gì chúng ta đã thấy với Delta.
Mặc dù giáo sư Pekosz nói rằng vaccine có thể kém hiệu quả hơn một chút đối với những biến thể mới này, nhưng tiêm chủng vẫn là công cụ số một mà chúng ta đang có để chống lại virus, dù nó biến đổi dưới hình thức nào đi nữa. “Chúng ta biết cần phải làm gì để có vaccine hoạt động chống lại COVID-19. Ngay cả khi virus biến đổi thì chúng ta có thể thích ứng với điều đó rất nhanh và giữ cho vaccine luôn bắt kịp với các chủng đang lưu hành”.
Theo giáo sư Pekosz, chúng ta thực sự vẫn có lối thoát và vẫn có ánh sáng phía cuối đường hầm. Điều quan trọng là phải sử dụng tốt hơn và hiệu quả hơn các công cụ đang có để ngăn chặn loại virus này.
Hiện nay các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đều đồng ý rằng giải pháp để ngăn chặn sự lây lan và đột biến dẫn tới xuất hiện các biến thể nguy hiểm là phải tiêm chủng nhiều hơn. Như bác sĩ Walensky đã phát biểu: “Nếu chúng ta có càng nhiều người được tiêm chủng, chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc đua này”.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Vaccine COVID-19 của Moderna có thể bảo vệ chống lại biến thể Delta
- Tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19: Khi nào là bình thường và khi nào cần cảnh giác?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!