Đái tháo đường có 2 loại là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Để chẩn đoán đái tháo đường, các bác sĩ dựa vào xét nghiệm đo hàm lượng đường trong máu chứ không dựa vào lượng đường trong nước tiểu. Vậy các biến chứng của bệnh đái tháo đường là gì? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
- Đái tháo đường type 1: Bệnh khởi phát rầm rộ, thường gặp ở người trẻ với thể trạng gầy.
- Đái tháo đường type 2: Bệnh khởi phát chậm, triệu chứng không rõ ràng, thường gặp ở người trưởng thành có thể trạng béo.
Các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường
Biến chứng tim mạch
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.
Biến chứng ở thận
Tăng đường huyết và tăng huyết áp làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến suy thận.
Biến chứng thần kinh
Tăng đường huyết và tăng huyết áp làm tổn thương các dây thần kinh với các biểu hiện như tê bì, mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ,…
Biến chứng ở mắt
Tăng đường huyết và tăng huyết áp làm tổn thương các mạch máu ở mắt gây ra bệnh võng mạc đái tháo đường. Bệnh này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực trên thế giới.
Nguy cơ nhiễm trùng
Tăng đường huyết vừa là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, vừa làm suy yếu hệ miễn dịch. Chính vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường rất dễ bị nhiễm trùng. Các bệnh nhiễm trùng phổ biến thường gặp là nhiễm trùng da như mụn nhọt, viêm loét bàn chân; viêm nướu; viêm nhiễm đường hô hấp và tiết niệu,…
Các biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường
Hạ đường huyết
Tùy theo mức độ hạ đường huyết mà gây ra các triệu chứng khác nhau như:
- Mức độ nhẹ: Đói cồn cào, bủn rủn tay chân, hồi hộp, vã mồ hôi. Các triệu chứng này có thể mất đi sau 10-15 phút uống 10-15g glucid hấp thụ nhanh.
- Mức độ trung bình: Đau đầu, thay đổi hành vi, dễ bị kích thích, giảm khả năng chú ý, ngủ gà. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ chuyển sang mức độ nặng.
- Mức độ nặng: Co giật, hôn mê.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết là gì?
- Do sử dụng insulin: Tiêm insulin quá liều, tiêm quá sâu vào bắp thịt làm cho insulin hấp thu vào máu nhanh hơn,…
- Do chế độ ăn: Bỏ ăn, ăn ít hoặc ăn trễ so với giờ tiêm insulin.
- Do luyện tập: Tập luyện thời gian dài và mức độ nặng mà không bổ sung thêm glucid hoặc không giảm liều insulin.
- Do uống rượu bia lúc đói.
Hôn mê do nhiễm toan ceton
Hôn mê do nhiễm toan ceton xảy ra do tình trạng thiếu insulin trầm trọng, làm đường huyết tăng cao. Bệnh nhân đái tháo đường thường gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, mất nước, đau bụng, khó thở, hơi thở có mùi ceton (mùi táo thối). Lúc này xét nghiệm sẽ thấy đường huyết tăng cao, có ceton trong máu và nước tiểu.
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu xảy ra do đường huyết tăng cao, thường khởi phát sau đợt nhiễm trùng cấp, stress, hoặc sau khi sử dụng thuốc làm tăng đường huyết như thuốc lợi tiểu, corticoid. Các triệu chứng giống như hôn mê do nhiễm toan ceton nhưng thường mất nước nặng hơn, trong máu và nước tiểu không có ceton.
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác:
- 6 món ăn nhẹ giúp người bệnh đái tháo đường cải thiện sức khỏe
- Biện pháp quản lý đái tháo đường thai kỳ giúp bảo vệ mẹ và bé khỏe mạnh
- Làm thế nào để bảo vệ đôi mắt khỏi biến chứng của bệnh đái tháo đường?
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe nha!
Rất bổ ích
Bài viết này rất hữu ích