Tại sao có những người bị chảy máu không thể cầm được? Bệnh máu khó đông có nguy hiểm tính mạng hay không? Người bệnh có thể sinh hoạt và vận động như người bình thường? Và còn những điều hiểu lầm thường gặp về bệnh này? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Bệnh máu khó đông là gì?

Quá trình đông máu của cơ thể cần nhiều loại protein tham gia được gọi là yếu tố đông máu kết hợp cùng với tiểu cầu để tạo thành cục máu đông giúp cầm máu tại vết thương. Những người mắc bệnh máu khó đông (hemophilia) bị thiếu yếu tố đông máu số VIII hoặc IX, do đó họ thường bị chảy máu kéo dài sau khi bị thương, đặc biệt có thể chảy máu ở sâu bên trong cơ thể gây nguy hiểm.

Người bệnh rất khó cầm máu (Ảnh: Internet).
Người bệnh rất khó cầm máu (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân gây bệnh máu khó đông là gì?

Hầu hết trường hợp do rối loạn di truyền, tức là khi sinh ra đã có. Nguyên nhân là do đột biến ở một trong các gene quy định yếu tố đông máu, thường là gene lặn nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X, do đó bệnh máu khó đông xuất hiện nhiều ở nam giới (XY) vì chỉ cần 1 gene bệnh là có thể biểu hiện, còn ở nữ (XX) phải có 2 gene bệnh mới biểu hiện.

Gene gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X (Ảnh: Internet).
Gene gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X (Ảnh: Internet).

Đôi khi bệnh máu khó đông cũng do đột biến gene tự phát, không phải do di truyền từ cha mẹ. Ngoài ra cũng có thể bị bệnh nếu cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại các yếu tố đông máu, ngăn cản quá trình hình thành cục máu đông bình thường.

Bệnh von Willebrand là gì?

Bệnh von Willebrand (vWD) cũng là một rối loạn chảy máu di truyền, người mắc bệnh dễ bị chảy máu thường xuyên như chảy máu cam, chảy máu nướu răng và chảy máu kinh quá nhiều. Điểm khác biệt so với bệnh hemophilia là bệnh vWD xuất hiện ở nam và nữ tương đương nhau.

Bệnh máu khó đông có những loại nào?

Có hai dạng chính là hemophilia A và hemophilia B:

  • Hemophilia A là khi cơ thể thiếu yếu tố đông máu số VIII, dạng này chiếm khoảng 80% tổng số các trường hợp bệnh máu khó đông, trong đó khoảng 70% những người mắc dạng này ở mức độ nặng.
  • Hemophilia B còn được gọi là bệnh Christmas, cơ thể bị thiếu yếu tố đông máu số IX.
Bệnh hemophilia làm cơ thể khó cầm máu (Ảnh: Internet).
Bệnh hemophilia làm cơ thể khó cầm máu (Ảnh: Internet).

Mức độ bệnh nhẹ, trung bình hay nặng tùy thuộc vào lượng yếu tố đông máu cơ thể người bệnh sản xuất ra so với người bình thường, tính theo %: từ 5-40% được coi là nhẹ, 1-5% là trung bình và dưới 1% là nặng.

Bệnh máu khó đông có triệu chứng gì?

Người mắc bệnh hemophilia mức độ nặng hầu như không có yếu tố đông máu và thường biểu hiện triệu chứng từ lúc nhỏ, chẳng hạn như dễ bị chảy máu và bầm tím trên người. Chảy máu ở bên trong cơ hoặc khớp thường khó nhìn thấy. Người mắc bệnh từ nhẹ đến trung bình có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ phát hiện khi bị chảy máu nhiều như chấn thương nặng hoặc phẫu thuật.

Người bệnh thường xuất hiện vết bầm tím dù chỉ va chạm nhẹ (Ảnh: Internet).
Người bệnh thường xuất hiện vết bầm tím dù chỉ va chạm nhẹ (Ảnh: Internet).

Triệu chứng dễ thấy là người bệnh dễ bị bầm tím dưới da và chảy máu kéo dài không cầm được. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng tùy theo lượng yếu tố đông máu được tạo ra, chảy máu có thể xảy ra bên ngoài hoặc bên trong cơ thể.

  • Chảy máu bên ngoài xảy ra ở những vết thương, vết cắt trên da hay trong răng miệng. Có thể bị chảy máu kéo dài hoặc chảy lại sau khi đã cầm máu trước đó. Chảy máu cam tự phát là hiện tượng rất thường gặp.
  • Chảy máu bên trong khó nhìn thấy trực tiếp nhưng có các dấu hiệu để phát hiện như: có máu trong nước tiểu hoặc phân, các vết bầm tím lớn và sâu ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là các khớp như đầu gối và khuỷu tay làm cho khớp bị sưng, khi chạm vào thấy nóng và gây đau khi cử động.
Chảy máu ở khớp rất thường gặp trong bệnh hemophilia (Ảnh: Internet).
Chảy máu ở khớp rất thường gặp trong bệnh hemophilia (Ảnh: Internet).

Người bệnh có thể bị chảy máu trong não sau khi bị va đập vào đầu. Triệu chứng của chảy máu não có thể là đau đầu, nôn ói, hôn mê, thay đổi hành vi, các vấn đề về thị lực, liệt cơ và co giật.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng làm tổn thương cơ, khớp và các bộ phận khác.

Bệnh máu khó đông được chẩn đoán như thế nào?

Các triệu chứng theo lời kể của người bệnh và xét nghiệm máu là yếu tố quan trọng để chẩn đoán bệnh máu khó đông. Nếu một người có vấn đề về chảy máu hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình, có thể giúp xác định nguyên nhân.

Xét nghiệm máu có thể đánh giá thời gian máu đông, hàm lượng các yếu tố đông máu và yếu tố nào bị thiếu (nếu có), từ đó xác định dạng bệnh và mức độ nghiêm trọng đến đâu.

Xét nghiệm máu có thể biết chính xác bệnh hemophilia (Ảnh: Internet).
Xét nghiệm máu có thể biết chính xác bệnh hemophilia (Ảnh: Internet).

Đối với phụ nữ mang thai đã biết mắc bệnh máu khó đông, bác sĩ có thể kiểm tra gene để xem thai nhi có bị di truyền bệnh này hay không từ sau tuần thứ 10 của thai kỳ.

Bệnh máu khó đông được điều trị như thế nào?

Phương pháp điều trị bệnh này là cung cấp các yếu tố đông máu bị thiếu trong cơ thể người bệnh hoặc dùng các chất có tác dụng thay thế qua đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Các chất này có thể được lấy từ máu của người hiến hoặc sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm, khi đó được gọi là yếu tố đông máu tái tổ hợp, được coi là lựa chọn hàng đầu hiện nay vì tránh nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu.

Một số bệnh nhân cần phải điều trị thường xuyên để phòng ngừa chảy máu, thường là bệnh hemophilia A mức độ nặng. Còn những người mắc bệnh nhẹ chỉ cần điều trị khi bị chảy máu không tự cầm được.

Người bệnh có thể được truyền các chế phẩm máu chứa yếu tố đông máu (Ảnh: Internet).
Người bệnh có thể được truyền các chế phẩm máu chứa yếu tố đông máu (Ảnh: Internet).

Trong quá trình điều trị có thể xảy ra một số biến chứng như nhiễm mầm bệnh từ máu của người khác hoặc cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại yếu tố đông máu được truyền vào.

Đối với hemophilia A mức độ trung bình có thể dùng một số phương pháp khác như hormone nhân tạo làm tăng hàm lượng yếu tố VIII trong máu, hoặc các loại thuốc có tác dụng ngăn cục máu đông bị phân giải.

Ngoài ra còn có các liệu pháp gene đang được nghiên cứu và rất hứa hẹn tiềm năng trong tương lai.

Sống chung với bệnh máu khó đông như thế nào?

Cần làm gì để tránh bị chảy máu? (Ảnh: Internet).
Cần làm gì để tránh bị chảy máu? (Ảnh: Internet).

Hiện nay chưa có cách nào để chữa khỏi hoàn toàn bệnh máu khó đông, nhưng có các biện pháp để giảm nguy cơ chảy máu quá nhiều và bảo vệ các khớp, bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tránh dùng một số loại thuốc như aspirin, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và heparin, đó là những chất làm máu càng khó đông hơn
  • Vệ sinh răng miệng tốt

Bệnh nhân có thể được dự phòng chảy máu bằng cách tiêm yếu tố đông máu định kỳ: yếu tố VIII dành cho hemophilia A hoặc yếu tố IX cho hemophilia B.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến cáo người bệnh nên thường xuyên xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV và viêm gan, đồng thời tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan A và B.

Để tránh chấn thương có thể gây chảy máu, người bệnh có thể dùng đệm lót khi tập thể dục và hết sức cẩn thận khi tham gia các hoạt động mạnh.

Một số quan niệm sai lầm thường gặp về bệnh máu khó đông

1. Bệnh máu khó đông chỉ xuất hiện ở nam giới?

Nữ giới có thể bị bệnh không? (Ảnh: Internet)
Nữ giới có thể bị bệnh không? (Ảnh: Internet)

Sự thật là: Mặc dù hemophilia chủ yếu xuất hiện ở nam nhưng cũng có rất nhiều nữ giới mang gene bệnh và nếu có cả 2 gene đều bị đột biến thì sẽ biểu hiện triệu chứng. Ngoài ra đối với các rối loạn chảy máu khác như bệnh von Willebrand thì tỷ lệ nam và nữ là tương đương nhau.

2. Những người bị bệnh máu khó đông luôn có người thân trong gia đình bị bệnh tương tự?

Đúng là nhiều người mắc rối loạn chảy máu có người thân trong gia đình bị giống mình, nhưng thực ra có đến 1/3 số người mắc bệnh hemophilia không có người thân bị bệnh. Thậm chí nếu bệnh ở mức độ nhẹ thì các thành viên trong gia đình có thể không biết mình mắc bệnh, đặc biệt nếu họ chưa từng bị chảy máu nhiều.

3. Những người mắc bệnh hemophilia có liên quan với hoàng tộc?

Quan niệm này bắt nguồn từ thực tế: Nữ hoàng Victoria của Anh được biết đến là người mang gene bệnh hemophilia và đã truyền cho nhiều gia đình hoàng tộc trên khắp châu Âu thông qua những cuộc hôn nhân hoàng gia vào khoảng nửa sau thế kỷ 19.

Nhưng thực ra bệnh hemophilia đã được y học biết đến từ lâu, khoảng 2.000 năm trước. Hầu hết những người mắc bệnh này không có họ hàng liên quan đến hoàng tộc.

4. Những người bị bệnh sẽ chảy máu đến chết nếu đứt tay, vì vậy tuyệt đối không được dùng dao kéo?

Sự thật là: Những người bị rối loạn chảy máu sẽ không chảy máu đến chết nếu đứt tay. Thiếu hụt các yếu tố đông máu không làm cho máu chảy nhanh hơn, mà chỉ là kéo dài hơn. Nếu được sơ cứu đúng cách, người bệnh vẫn có thể cầm máu ở những vết thương nhỏ và không cần dùng thêm thuốc đặc biệt. Họ vẫn có thể sử dụng dao kéo hoặc các vật sắc nhọn khác trong cuộc sống hằng ngày.

5. Người mắc bệnh hemophilia không thể chơi thể thao hoặc có cuộc sống “bình thường”?

Sự thật là: Những người mắc rối loạn chảy máu được khuyên nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như bình thường. Vận động thể chất rất quan trọng để tăng sức mạnh cơ bắp, giúp xương khớp chắc khỏe và giữ cân nặng hợp lý – những điều này cần thiết cho tất cả mọi người, kể cả những người bị bệnh máu khó đông.

Để lựa chọn hoạt động phù hợp cho bản thân, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Với các liệu pháp giúp điều trị và phòng ngừa chảy máu, người mắc bệnh máu khó đông hoàn toàn có thể sống vui khỏe như bình thường.

Người bệnh vẫn có thể vận động phù hợp với khả năng của mình (Ảnh: Internet).
Người bệnh vẫn có thể vận động phù hợp với khả năng của mình (Ảnh: Internet).

Trên đây là những điều cần biết về bệnh máu khó đông và những quan niệm sai lầm thường gặp. Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích bạn nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Xem thêm

8 quan niệm sai lầm về xét nghiệm COVID-19: Bạn có đang lầm tưởng như vậy không?

Có phải chỉ cần làm xét nghiệm COVID-19 khi thấy triệu chứng ho, sốt, khó thở? “Chọc mũi” có khó chịu lắm không? Hay kết quả test âm tính thì có thể thoải mái bỏ khẩu trang? Hãy cùng khám phá sự thật về những điều lầm tưởng này nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận