Cúm là bệnh do virus truyền nhiễm tấn công vào hệ thống hô hấp. Virus cúm lây nhiễm ở người được phân thành 3 nhóm chính là cúm A, B và C. Trong đó cúm A thường nghiêm trọng hơn và có thể gây ra các đợt bùng phát dịch trên diện rộng.
Các triệu chứng thông thường của nhiễm cúm A dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Trong một số trường hợp bệnh nhẹ có thể tự khỏi mà không xuất hiện nhiều triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp cúm A chuyển biến nặng, nguy hiểm đến tính mạng con người.
Các triệu chứng của cúm A
Không giống như cảm lạnh thông thường, bệnh cúm thường xảy ra với các triệu chứng khởi phát đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của cúm A bao gồm:
- Ho khan
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Hắt xì
- Viêm họng
- Sốt
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Ớn lạnh
- Nhức mỏi cơ thể
Đôi khi các triệu chứng cúm có thể tự hết, tuy nhiên nếu kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được khám và chữa trị kịp thời. Đặc biệt với những người trên 65 tuổi, có bệnh nền, hệ thống miễn dịch suy yếu cần có sự thăm khám của bác sĩ càng sớm càng tốt.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm A nếu không được điều trị kịp thời bao gồm:
- Nhiễm trùng tai
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Chóng mặt
- Đau bụng
- Tức ngực
- Hen suyễn
- Viêm phổi
- Viêm phế quản
- Các vấn đề về tim mạch
So sánh cúm A và cúm B
Cúm A và B đều là những dạng phổ biến và nguy hiểm của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bùng phát thành từng đợt theo mùa. Cúm C ít nguy hiểm hơn, thường chỉ gây nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ.
Mặc dù cúm B cũng có thể chuyển biến nghiêm trọng như cúm A, nhưng với tần suất thấp hơn.
Con người là vật chủ tự nhiên của cúm B. Sự đột biến của virus cúm B chậm hơn nhiều so với cúm A và được phân loại theo chủng. Các chủng virus cúm B thường mất nhiều thời gian hơn để thay đổi cấu trúc gene so với cúm A. Điều này làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra đại dịch do virus cúm B.
Ngược lại, cúm A khá nguy hiểm và có thể bùng phát mạnh trên diện rộng. Cúm A đột biến nhanh hơn cúm B và liên tục thay đổi, tạo ra các chủng mới từ năm này sang năm khác. Việc tiêm phòng cúm mùa trước sẽ không ngăn ngừa được sự lây nhiễm của một chủng virus cúm mới.
Vật chủ lây nhiễm cúm A là các loài chim hoang dã, vì vậy còn có tên gọi khác là cúm gia cầm. Loại virus cúm này có khả năng lây nhiễm từ động vật sang con người. Kết hợp với khả năng đột biến gene, cúm A lây lan nhanh và nguy hiểm hơn cúm B rất nhiều.
Làm thế nào để chẩn đoán cúm A?
Trước khi kết luận và tiến hành điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch mũi hoặc họng để xét nghiệm RNA nhằm xác định chính xác chủng loại cúm. Mặc dù vậy, kết quả xét nghiệm không phải lúc nào cũng chính xác. Các bác sĩ vẫn cần dựa vào những triệu chứng của người bệnh để chẩn đoán và tiến hành điều trị.
Cách chăm sóc sức khỏe khi được chẩn đoán mắc cúm A
Trong một số trường hợp, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi chỉ cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Với các ca bệnh nặng hơn, bạn sẽ cần uống thuốc kháng virus để chống nhiễm trùng do bác sĩ kê đơn.
Các đơn thuốc kháng virus phổ biến bao gồm:
- Zanamivir (Relenza)
- Oseltamivir (Tamiflu)
- Peramivir (Rapivab)
Những loại thuốc này được gọi chung là chất ức chế neuraminidase, có tác dụng làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm.
Cách phòng ngừa cúm A như thế nào?
Nếu bạn bị cúm, sự lây lan virus sẽ bắt đầu từ ít nhất một ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và kéo dài khoảng 5 ngày sau đó.
Trong những trường hợp bệnh nặng, sự lây nhiễm có thể diễn ra lâu hơn. Những người có hệ miễn dịch yếu (đặc biệt là trẻ em và người già) dễ bị nhiễm cúm A hơn.
Để phòng ngừa nhiễm cúm, cách tốt nhất là tiêm chủng hàng năm. Mỗi liều tiêm phòng cúm nói chung đều có tác dụng bảo vệ bạn khỏi nhiều loại cúm mùa khác nhau.
Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động ngăn chặn sự lây lan của cúm A bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên
- Tránh tụ tập đám đông, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch cúm
- Đeo khẩu trang, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Tự cách li nếu bạn bị sốt và ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt
Cùng phân biệt bệnh cảm và cúm A theo hướng dẫn từ video dưới đây nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Bệnh cúm cà chua là gì? Triệu chứng, đường lây truyền và cách phòng tránh
- 5 triệu chứng cảm cúm và phương pháp điều trị tại nhà
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!