Thời tiết nắng nóng mà có bát chè mát mát, ngon ngon thì còn gì bằng. Hãy cùng BlogAnChoi thử ngay 10 món chè giải nhiệt mùa hè vừa ngon, bổ lại vừa độc, lạ dưới đây để phần nào xua đi nắng nóng oi ả của mùa hè bạn nhé!
- 10. Chè mít đác
- Giá trị dinh dưỡng của chè mít đác
- Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè mít đác
- Cách nấu chè mít đác
- Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè mít đác
- Lưu ý khi làm chè mít đác
- 9. Chè bưởi
- Giá trị dinh dưỡng của chè bưởi
- Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè bưởi
- Cách nấu chè bưởi
- Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè bưởi
- Lưu ý khi làm chè bưởi
- 8. Chè đậu xanh nha đam
- Giá trị dinh dưỡng của chè đậu xanh nha đam
- Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè đậu xanh nha đam
- Cách nấu chè đậu xanh nha đam
- Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè đậu xanh nha đam
- Lưu ý khi làm chè đậu xanh nha đam
- 7. Sâm bổ lượng
- Giá trị dinh dưỡng của chè sâm bổ lượng
- Nguyên liệu và các dụng cụ cần dùng để nấu chè sâm bổ lượng
- Cách nấu chè sâm bổ lượng
- Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè sâm bổ lượng
- Lưu ý khi làm chè sâm bổ lượng
- 6. Chè Thái
- 5. Chè khoai dẻo
- Giá trị dinh dưỡng của chè khoai dẻo
- Nguyên liệu và các dụng cụ cần dùng để nấu chè khoai dẻo
- Cách nấu chè khoai dẻo
- Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè khoai dẻo
- Lưu ý khi nấu chè khoai dẻo
- 4. Chè dưỡng nhan
- Giá trị dinh dưỡng của chè dưỡng nhan
- Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để nấu chè dưỡng nhan
- Cách nấu chè dưỡng nhan
- Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè dưỡng nhan
- Lưu ý khi nấu chè dưỡng nhan
- 3. Chè Bo Bo Cha Cha
- Giá trị dinh dưỡng của chè Bo Bo Cha Cha
- Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè Bo Bo Cha Cha
- Cách nấu chè Bo Bo Cha Cha
- Lưu ý khi làm chè Bo Bo Cha Cha
- 2. Chè khúc bạch
- Giá trị dinh dưỡng của chè khúc bạch
- Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè khúc bạch
- Cách nấu chè khúc bạch
- Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè khúc bạch
- Lưu ý khi làm chè khúc bạch
- 1. Chè thảo mộc phô mai (nước thảo mộc + topping)
10. Chè mít đác
Chè mít đác nghe tên lạ lạ, hay hay nhưng lại là một món ngon khó cưỡng ngày hè đến từ Phú Yên. Đúng như tên gọi, chè mít đác gồm 2 thành phần chín là mít và hạt đác, vị thanh thanh, ngọt ngọt, nhắc đến thôi là đã thấy thèm rồi.
Giá trị dinh dưỡng của chè mít đác
Chè mít đác là sự kết hợp hoàn hảo những giá trị dinh dưỡng của mít và hạt đác: Mít giúp bổ sung vitamin A, C cho cơ thể còn trong hạt đác có nhiều canxi và chất xơ, giúp da săn chắc và không bị nổi mụn. Do đó, chè mít đác là một lựa chọn hoàn hảo cho ngày hè vì vừa lành mạnh lại vừa giải nhiệt, thanh lọc cho cơ thể.
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè mít đác
- 200 gam mít (lột bỏ hạt)
- 200 gam hạt đác (loại đã tách vỏ)
- 200 ml sữa tươi
- 300 gam đường phèn
- 100 gam cùi dừa
- 100 gam bột năng
- Thạch dừa (số lượng tùy ý)
- Dụng cụ: Nồi, dao nạo dừa, ly/chén,…
Cách nấu chè mít đác
- Mít đã lột bỏ hạt, thái nhỏ thành miếng dạng sợi vừa ăn
- Trộn bột năng với nước nóng, thêm vào một ít muối, nhào đều tay cho đến khi bột thành một khối dai, mịn.
- Cùi dừa bào nhuyễn hoặc xắt thành ô vuông hình hạt lựu rồi bọc bột năng bên ngoài vo thành viên nhỏ như hạt trân châu.
- Cho các hạt này vào nước đã đun sôi, nấu đến khi các hạt nổi lên thì vớt ra cho vào nước lạnh.
- Trộn sữa và nước cốt dừa cho vào ngăn mát tủ lạnh 8 – 10 tiếng
- Thạch dừa cắt thành miếng nhỏ vừa ăn
- Giờ thì chỉ cần cho mít, hạt đác, trân châu, dừa nạo, đá bào vào bát và rưới hỗn hợp sữa tươi, nước cốt dừa lên là đã có ngay món chè mít đác mát lạnh mùa hè rồi.
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè mít đác
Chè mít đác nêm nếm vừa ăn, đảm bảo vị ngọt thanh, không quá nhạt hoặc quá ngọt. Muốn cho món chè mít đác thêm phần bắt mắt, bạn có thể trang trí thêm một vài chiếc lá dứa – nhìn là thấy xanh mát muốn làm ngay một bát rồi.
Lưu ý khi làm chè mít đác
- Người xưa có câu “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”, chính vì vậy để món chè mít đác ngọt ngọt, thanh thanh đúng điệu thì nhất thiết phải dùng đường phèn thay vì đường cát.
- Một lưu ý nhỏ nữa là mít sử dụng nên là mít thái hoặc mít dai để đảm bảo sự dai, dòn cho món ăn bạn nhé!
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè mít đác tại đây:
9. Chè bưởi
Giá trị dinh dưỡng của chè bưởi
Cùi bưởi (phần dùng nấu chè bưởi) có chứa khoảng 2% pectin – một loại chất xơ, tan trong nước, làm tăng độ nhớt của máu. Đậu xanh lại có nhiều chất chống oxi hóa, chất xơ và nhiều vitamin C, E, B,…
Chính vì vậy, chè bưởi là sự kết hợp hoàn hảo giúp kích thích hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ, đồng thời, bổ sung các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể.
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè bưởi
- Cùi bưởi (2 trái)
- 400 gam đường phèn
- 200 gam bột năng
- 400 gam đậu xanh không vỏ
- 200 ml nước cốt dừa
- 50 gam dừa sấy
- Dụng cụ: dao, nồi, tô, ly,…
Cách nấu chè bưởi
- Cùi bưởi gọt bỏ phần xanh, phần trắng cắt ô vuông hình hạt lựu rồi đem ngâm nước muối loãng. Ngâm 3-4 lần: lần đầu nên ngâm khoảng 90 phút, vớt ra vắt sạch nước rồi lại ngâm tiếp trong 45 phút/lần.
- Đun nước sôi rồi cho cùi bưởi vào luộc cho đến khi cùi bưởi nổi lên thì vớt ra, vắt khô.
- Trộn cùi bưởi với đường ủ khoảng 30 phút rồi bắc lên chảo sên cho đến khi cùi bưởi chuyển sang trong suốt thì cho bột năng vào trộn đều.
- Đậu xanh ngâm qua đêm, vớt ra để ráo nước.
- Đun sôi nước luộc cùi bưởi, cho đậu xanh vào nấu đến khi chín đến vừa ăn thì cho hỗn hợp cùi bưởi đã sên vào nồi, đun 5-7 phút là bạn đã có một nồi chè bưởi ngon đúng điệu.
- Cách làm nước cốt dừa: cho 200 ml nước cốt dừa cùng 7 gam bột năng vào đun sôi, khuấy đều đến khi sệt lại thì cho vani vào. Công thức làm nước cốt dừa này có thể áp dụng với các loại chè cần nước dừa nhé các bạn!
- Cho đá bào, chè bưởi, nước cốt dừa và dừa sấy vào là đã có ngay một ly chè bưởi thơm ngon, bổ dưỡng ngày hè rồi.
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè bưởi
Việc khử đắng cùi bưởi là điều kiện tiên quyết làm nên thành công của món chè bưởi. Cùi bưởi vừa dai vừa dòn cùng với đậu xanh bùi bùi, nước chè sền sệt thì món chè bưởi của bạn đã “chuẩn không cần chỉnh” rồi đó
Chè bưởi chỉ cần cho vào ly, rưới nước dừa, sau đó cho dừa khô lên là đủ bắt mắt và muốn ăn ngay rồi phải không nào?
Lưu ý khi làm chè bưởi
- Phải ngâm cùi bưởi (đã cắt hạt lựu) trong nước muối loãng ít nhất 2 lần để làm mất vị đắng của cùi bưởi
- Đậu xanh cần được nấu chín rồi mới cho cùi bưởi vào
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè bưởi tại đây:
8. Chè đậu xanh nha đam
Giá trị dinh dưỡng của chè đậu xanh nha đam
Cả đậu xanh và nha đam đều có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc và làm đẹp da. Chính vì vậy, chè đậu xanh nha đam vừa dễ làm vừa ngon, bổ sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho ngày hè oi bức đấy bạn!
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè đậu xanh nha đam
- 400 gam đậu xanh
- 450 gam đường phèn
- 01 ống vani
- Nước cốt chanh (1/2 trái)
- 600 gam nha đam
- 20 gam phổ tai
- 1 muỗng cà phê muối
- Dụng cụ: nồi, dao, thớt, chén,…
Cách nấu chè đậu xanh nha đam
- Nha đam bỏ vỏ, lấy phần thịt ngâm với muối và nước chanh khoảng 2 tiếng cho bớt đắng, nhớt. Sau đó vớt ra ngâm với 50 gam đường phèn trong 30 phút
- Phổ tai ngâm cho nở, vớt ra cho ráo nước.
- Đậu xanh ngâm qua đêm, vớt ra để ráo rồi đổ vào 3 lít nước, đun cho đến khi đậu chín mềm vừa ăn
- Khi đậu chín thì cho đường, nha đam, phổ tai vào đun sôi. Nhớ vớt bọt trong quá trình nấu bạn nhé. Khi chè đã chín thì cho 01 ống vani vào để thêm hương vị cho món chè.
- Bạn có thể ăn chè nóng hoặc để nguội rồi cho đá bào vào ăn kèm đều ngon bạn nhé!
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè đậu xanh nha đam
Chè đậu xanh nha đam đòi hỏi phải khử đắng nha đam nhé các bạn! Một yêu cầu nữa là nham đam và phổ tai không được quá chín để khi cho một muỗng chè vào miệng thì vừa có vị mềm tan của đậu xanh, vừa dòn dòn của nha đam và phổ tai.
Lưu ý khi làm chè đậu xanh nha đam
- Đậu xanh cần ngâm tối thiểu 10 tiếng bằng nước lạnh hoặc 8 tiếng bằng nước ấm để không bị sượng
- Để món chè ngon hơn thì nên dùng đường phèn thay vì đường cát bạn nhé!
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè đậu xanh nha đam tại đây:
7. Sâm bổ lượng
Giá trị dinh dưỡng của chè sâm bổ lượng
Chè sâm bổ lượng ngoài giúp cơ thể thanh nhiệt thì những gia vị có trong các bài thuốc đông y (táo tàu, nhãn nhục,…) sẽ giúp bồi bổ sức khỏe, ngủ ngon và tăng độ minh mẫn cho team “não cá vàng” nhé!
Nguyên liệu và các dụng cụ cần dùng để nấu chè sâm bổ lượng
- 150 gam táo đỏ
- 200 gam phổ tai
- 150 gam rong biển
- 150 gam hạt bo bo (hạt ý dĩ)
- 250 gam hạt sen tươi
- 1 củ sen tươi (hoặc củ năng)
- 150 gam nhãn nhục
- Dầu chuối
- Đá bào
- Dụng cụ: nồi, tô, chén, ly, …
Cách nấu chè sâm bổ lượng
- Phổ tai ngâm nở, thái sợi
- Táo đỏ, rong biển, hạt ý dĩ, nhãn nhục ngâm riêng từng loại vào nước nóng. Sau đó vớt ra rửa sạch lại bằng nước lạnh
- Ninh hạt ý dĩ đến khi mềm rồi vớt ra để ráo
- Cho hạt sen tươi rửa sạch vào nồi đun đến khi chín mềm vừa ăn thì cho 150 gam đường phèn vào, đun thêm 1 lúc rồi tắt bếp.
- Củ sen bỏ vỏ, thái miếng vừa ăn (ngâm nước chanh muối), sau đó vớt ra để ráo. Cho vào 350 ml nước và 70 gam đường phèn vào ninh cho đến khi thấm và làm củ sen có vị ngọt.
- Đun 1,2 lít nước cho đến khi sôi rồi cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào nấu, có thể cho thêm chút dầu chuối rồi tắt bếp để nguội là bạn đã có một nồi chè sâm bổ lượng cực kì chất lượng rồi.
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè sâm bổ lượng
- Hạt sen chín mềm, táo đỏ còn nguyên trái
- Củ sen còn giữ được màu trắng, không bị xỉn màu
- Bạn có thể cho chè sâm bổ lượng vào chén hay ly tùy thích. Theo mình thì các nguyên liệu trong món chè này đã đủ màu sắc rồi, bạn chỉ cần cho đá bào và chè vào ly là có ngay món chè vừa đẹp mắt vừa ngon miệng rồi.
Lưu ý khi làm chè sâm bổ lượng
- Nên dùng đường phèn thay vì đường cát
- Khi cho chè vào bát chỉ nên lấy lớp nước phía trên, tránh khuấy đều làm cặn dưới nổi lên
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè sâm bổ lượng tại đây:
6. Chè Thái
Giá trị dinh dưỡng của chè Thái
Với sự kết hợp của nhiều loại trái cây, chè thái là món giúp bổ sung nguồn vitamin, chất xơ quan trọng. Hơn nữa, vị béo ngậy của sầu riêng và nước cốt dừa ngọt thanh thanh của mít, vải, xoài chắc chắn sẽ khiến bạn không thể nào cưỡng lại phải không nào?
Nguyên liệu và các dụng cụ cần dùng để nấu chè Thái
- 200 gam mít (đã bỏ vỏ)
- 200 gam vải đã lột vỏ bỏ hạt
- 1 quả xoài chín
- 1 múi sầu riêng
- 50 gam bột rau câu
- 500 gam thạch dừa
- 300 gam đường phèn
- 100 ml nước cốt dừa
- 180 ml sữa tươi
- Nước cốt lá dứa
- Dừa nạo
- Đá bào
- Dụng cụ: nồi, dao nạo dừa, ly, tô,…
Cách nấu chè Thái
- Mít thái sợi nhỏ vừa ăn, xoài chín gọt vỏ, cắt phần thịt thành ô vuông
- Trộn bột rau câu với 50 gam đường phèn, nước cốt lá dứa khuấy đều trong nước nguội rồi đun sôi. Nhớ vớt bọt ra các bạn nhé! Sau khi sôi 5 phút thì đổ ra khuôn để nguội, thái ô vuông cho vừa ăn.
- Sầu riêng xay nhuyễn, để vào ngăn mát tủ lạnh (đây là linh hồn của món chè thái nhưng nếu bạn không ăn được thì có thể bỏ qua bước này nhé)
- Về phần nước cốt dừa, bạn làm tương tự như đối với chè bưởi nhé
- Cho mít, xoài, vải, thạch rau câu, sầu riêng và đá bào vào cốc. Rưới nước cốt dừa lên trên là bạn có ngay ly chè Thái ngon mát lành ngày hè rồi.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè Thái tại đây:
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè Thái
Chè ngon ngọt, vừa ăn. Tùy theo sở thích mà bạn có thể cho các thành phần nhiều hay ít. Là một món ăn đơn giản nên các bạn chỉ cần cho tất cả vào ly kèm thêm đá bào, rải một ít dừa nạo lên trên là có ngay ly chè “chuẩn Thái” rồi bạn nhé!
Lưu ý khi nấu chè Thái
- Muốn rau câu ngon hơn, ngọt hơn bạn có thể nấu chung với nước dừa nhé
- Đối với vải, sau khi lột vỏ, bạn nên ngâm trong nước đá lạnh để tránh bị thâm
- Nên chọn loại xoài ít bị xơ để món chè thêm phần hoàn hảo
5. Chè khoai dẻo
Giá trị dinh dưỡng của chè khoai dẻo
Khoai lang là một nguồn tinh bột lành tính, giúp săn chắc cơ kết hợp với tính mát của sương sáo, thêm chút ngầy ngậy của nước cốt dừa thì đúng là sự kết hợp hoàn hảo ngày hè mà không lo bị mập nha các bạn!
Nguyên liệu và các dụng cụ cần dùng để nấu chè khoai dẻo
- 300 gam khoai lang ruột tím
- 300 gam khoai lang ruột vàng
- 400 gam bột năng
- 200 gam đường
- 180 ml nước cốt dừa
- 20 gam sương sáo
- Vừng rang
- Dụng cụ: nồi, chén, tô, dao, nồi hấp,…
Cách nấu chè khoai dẻo
- Khoai lang cắt bỏ vỏ, rửa sạch, cắt khúc rồi hấp chín (nên hấp thay vì luộc để khoai khô hơn)
- Khoai đã hấp chín đem nghiền nhỏ rồi trộn với bột năng (nhớ để riêng từng loại khoai bạn nhé), trộn đều hỗn hợp rồi vo thành từng viên nhỏ vừa ăn
- Cho khoai đã vo viên vào nước đã đun sôi, nấu đến khi các hạt nổi lên thì vớt ra để ráo (nhớ cho lượng vừa phải nếu không các hạt sẽ dính vào nhau đấy)
- Cho nước cốt dừa cùng 1 lít nước vào nổi, cho tiếp khoảng 20 gam bột năng vào đun sôi. Khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp hơi đặc sánh thì tắt bếp.
- Bây giờ chỉ cần cho khoai, nước cốt dừa, sương sáo, đá dầm vào ly là bạn đã có ngay một ly chè khoai dẻo mát lạnh cho ngày nắng nóng rồi.
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè khoai dẻo
Đúng như tên gọi thì chè khoai dẻo đòi hỏi khoai phải dẻo, nước chè béo, sệt, các thành phần hài hòa thì tin mình đi, chè khoai dẻo sẽ khiến bạn “ăn một lần nhớ cả đời” đấy!
Lưu ý khi nấu chè khoai dẻo
- Nghiền khoai càng nhuyễn càng tốt
- Cho từng loại khoai vào nồi luộc với lượng vừa phải nếu không khoai sẽ dính thành cục trông rất xấu xí
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè khoai dẻo tại đây:
4. Chè dưỡng nhan
Giá trị dinh dưỡng của chè dưỡng nhan
Đúng như tên gọi, chè dưỡng nhan giúp dưỡng da, làm đẹp và thanh lọc cơ thể. Với nhiều nguyên liệu xuất phát từ các vị thuốc bắc, chè dưỡng nhan còn giúp dễ ngủ, ổn định huyết áp và chữa trị tiểu đường.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chè dưỡng nhan tuyệt đối không nên dùng cho phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 1 tuổi và những ai đang gặp vấn đề về tiêu hóa.
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để nấu chè dưỡng nhan
- 20g nhựa đào
- 20g tuyết yến
- 20g hạt bồ mễ (sen tuyết)
- 40g táo đỏ
- 20g quả long nhãn (nhãn nhục)
- Đường phèn
- Nước lọc
- Dụng cụ: nồi, tô, chén,…
Cách nấu chè dưỡng nhan
- Cho nhựa đào, tuyết yến, hạt bồ mễ vào từng chậu riêng rồi ngâm trong 10-12 tiếng, sau đó vớt ra rửa sạch, để ráo
- Ngâm táo đỏ, nhãn nhục vào nước cho mềm rồi vớt ra, để ráo
- Cho đường phèn vào 800-1000 ml nước đun sôi, cho lần lượt táo đỏ, nhãn nhục rồi nhựa đào, tuyết yến, hạt bồ mễ vào đun sôi là có ngay một nồi chè dưỡng nhan ngon đúng điệu rồi.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè dưỡng nhan tại đây:
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè dưỡng nhan
Chè phải đạt độ sệt nhất định, táo đỏ còn nguyên trái, nhựa đào, tuyết yến, hạt bồ mễ chín vừa phải thì món chè dưỡng nhan mới vừa ngon vừa bổ được bạn nhé!
Lưu ý khi nấu chè dưỡng nhan
- Nên mua nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan tại các tiệm thuốc bắc
- Nếu thời tiết quá nóng thì chè dưỡng nhan sẽ rất dễ bị hỏng, do đó, tốt hơn hết là bạn nên bảo quản chè trong ngăn mát tủ lạnh nhé!
3. Chè Bo Bo Cha Cha
Giá trị dinh dưỡng của chè Bo Bo Cha Cha
Là một món chè nổi tiếng đến từ Malaysia, chè Bo Bo Cha Cha không chỉ mang đến một hương vị mới mẻ mà còn cung cấp nhiều chất xơ, các vitamin thiết yếu cho cơ thể đến từ khoai lang, chuối và các thành phần khác trong món ăn.
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè Bo Bo Cha Cha
- 3 củ khoai sọ, 2 củ khoai lang, 1 củ khoai tím
- 2 quả chuối chín
- 50 gam bột năng
- 250 ml nước cốt dừa
- Lá dứa
- Đường thốt nốt
Cách nấu chè Bo Bo Cha Cha
- Khoai gọt bỏ vỏ, rửa sạch, cắt hạt lựu rồi cho vào nồi hấp chín; chuối bỏ vỏ, cắt thành khoanh vừa ăn
- Làm trân châu: Cho một lượng nước nóng vừa phải vào bột năng và trộn đều cho đến khi thành một khối dẻo: có thể vo viên hoặc cắt thành hạt lựu tùy thích. Cho các hạt vào nồi nước sôi đun đến khi các hạt nổi lên thì vớt ra để ráo
- Đun nước cốt dừa, lá dứa với lượng vừa phải đường thốt nốt rồi đun sôi, cho tiếp khoai, chuối, trân châu vào đun thêm 2 – 3 phút rồi tắt bếp
Lưu ý khi làm chè Bo Bo Cha Cha
- Khoai cần hấp riêng từng loại
- Trân châu cần luộc cho đến khi các hạt nổi lên rồi vớt ra, nhớ cho các hạt vào từ từ kẻo bị vón cục đấy nhé!
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè Bo Bo Cha Cha tại đây:
2. Chè khúc bạch
Giá trị dinh dưỡng của chè khúc bạch
Chè khúc bạch giúp giải nhiệt cho cơ thể với thành phần khúc bạch ngầy ngậy, hạnh nhân dòn rụm và vải thơm thơm chắc chắn sẽ làm nhiều tín đồ “hảo ngọt” ngất ngây. Nhưng nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên ăn quá nhiều loại chè này vì sẽ dung nạp vào cơ thể một lượng bột đông gelatin quá mức cho phép.
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè khúc bạch
- 200 ml sữa tươi
- 200 ml kem sữa tươi
- 15 gam bột gelatin (bột đông)
- 100g đường phèn
- 2g bột trà xanh
- 20g hạnh nhân lát
- Vải lột vỏ bỏ hạt
- 6 Lá dứa (lá nếp)
Cách nấu chè khúc bạch
- Làm thạch kem sữa: (tối thiểu trước 4 tiếng)
- Hòa tan 100 ml sữa tươi với 5 gam bột gelatin cho bột nở ra. Sau đó cho sữa tươi và kem sữa vào khuấy đều. Thêm khoảng 50 gam đường vào khuấy đều.
- Chia hỗn hợp vừa trộn thành nhiều phần: trộn với màu tự nhiên hoặc màu thực phẩm để tạo ra các hạt thạch nhiều màu sắc.
- Đem các hỗn hợp hấp cách thủy (để riêng theo màu), cho thêm bột gelatin vào khuấy tan.
- Dùng rây đổ hỗn hợp vừa hấp cách thủy ra khuôn, chờ nguội rồi đem bỏ ngăn mát tủ lạnh 3-4 tiếng.
- Nấu nước chè khúc bạch
- Đun 1 lít nước với 90 gam đường phèn, nước sôi thì cho lá dứa vào rồi tắt bếp
- Cắt thạch thành miếng vừa ăn, hạnh nhân rang vàng chín tới
- Cho hỗn hợp thạch, vải, nước đường, đá bào và thưởng thức ngay bát chè khúc bạch thanh mát thôi!
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè khúc bạch tại đây:
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè khúc bạch
Để chè khúc bạch vừa ngon vừa đẹp mắt thì thạch cần được cắt thành miếng vừa ăn và đều nhau. Hạnh nhân rang vừa chín tới và vải không bị thâm. Có như vậy thì khi cho các thành phần vào bát là có ngay ly chè ngon, bổ, mát rồi nhé!
Lưu ý khi làm chè khúc bạch
- Dùng đường phèn thay vì đường cát để nước ngọt thanh mát
- Cho lượng bột gelatin vừa đủ để thạch vừa ăn và không gây độc cho cơ thể
1. Chè thảo mộc phô mai (nước thảo mộc + topping)
Giá trị dinh dưỡng của chè thảo mộc phô mai
Thảo mộc chứa nhiều công dụng trong việc giảm mỡ máu, giảm béo, điều hòa huyết áp, chống oxy hóa, lão hóa và thanh lọc cơ thể. Chính vì vậy, chè thảo mộc phô mai nghe tên là thấy vừa lành mạnh với cơ thể, vừa có chút béo ngậy của thạch phô mai rồi.
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè thảo mộc phô mai
- 1 trái bí đao (để vỏ bỏ ruột)
- 1 trái la hán
- 100 gam đường phèn
- 3-4 lát thục địa
- 1 củ khoai lang, 1 củ khoai tím, 2 củ khoai sọ
- 100 gam bột năng
- 100 gam sương sáo
- 100 ml nước cốt dừa
- 100 gam thạch phô mai (làm sẵn)
- Dụng cụ: nồi, tô dao, thớt, chén…
Cách nấu chè thảo mộc phô mai
- Nấu nước thảo mộc: Cho hỗn hợp bí đao, la hán, thục địa vào nấu nhừ với lửa nhỏ trong 2 tiếng. Sau đó lọc phần cái, lấy phần nước để nguội
- Đối với khoai và bột năng thì làm thạch tương tự như thạch khoai dẻo
- Cho hỗn hợp thạch khoai dẻo, thạch phô mai sương sáo, nước thảo mộc, đá bào vào bát, cho nước thảo mộc, nước cốt dừa vào là ngon sánh mịn rồi
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè thảo mộc phô mai
Nước thảo mộc thanh mat, bát chè có màu sắc hài hòa, các thạch khoai không bị vón cục là món chè thảo mộc phô mai của bạn đã thành công rồi đấy!
Lưu ý khi làm chè thảo mộc phô mai
- Tương tự như đối với chè khoai dẻo, khi tiến hành làm thạch khoai, bạn nên cho từ từ các loại khoai vào nồi luộc nếu không muốn thạch bị vón cục một cách xấu xí
- Khi nấu nước thảo mộc cần dùng rây loại bỏ hết phần bã để nước được trong hơn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè thảo mộc phô mai tại đây:
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo công thức của nhiều món ngon khác trên BlogAnChoi như:
- Cách làm chè mít dầm mát lạnh cho ngày hè oi bức
- 5 món ăn tốt cho mắt dễ nấu ngay tại nhà
- Món ngon cuối tuần: Bổ dưỡng với món bò hầm cực đơn giản
Hãy thường xuyên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những bài viết mới nhất về các món ngon bạn nhé!
ngon quá