Trong thần thoại của các nền văn hóa trên thế giới xuất hiện rất nhiều những vị thần khác nhau. Một số nổi tiếng như Zeus hay Thor, một số khác lại ít người biết và đảm nhiệm những chức trách không ai ngờ tới. Cùng BlogAnChoi điểm qua 10 vị thần kì quái nhất trên thế giới nhé.
- 1. Cardea – Nữ thần bản lề cửa La Mã
- 2. Saehrimnir – Thần thịt lợn của Bắc Âu
- 3. Matshishkapeu – Thần rắm
- 4. Xochipilli – Thần mại dâm đồng tính nam của Aztec
- 5. Thần của phân
- 6. Sapona – Thần bệnh đậu mùa của người Yoruban
- 7. Terminus – Thần ranh giới của La Mã
- 8. Tlazolteotl – Nữ thần ăn đồ phân hủy của người Aztec
- 9. Kalfu – Thần giao lộ của Haiti
- 10. Thần vô danh – Thần của những thứ linh tinh không gọi tên được
1. Cardea – Nữ thần bản lề cửa La Mã
Nữ thần Cardea cai trị mọi thứ có bản lề và cửa ra vào là một phần quan trọng của tôn giáo La Mã. Nàng không phải là một vị thần nhỏ mà là một phần của các vị thần La Mã chính thống với cốt truyện thần thoại riêng.
Giống như hầu hết các câu chuyện La Mã, câu chuyện của nàng bắt đầu với việc thần Janus đòi quan hệ với Cardea. Nàng không muốn nên đã nói với Janus rằng sẽ gặp ngài trong một hang động, sau đó nàng sử dụng sức mạnh ma thuật để cố gắng chạy trốn. Nhưng rồi Janus vẫn tìm thấy nàng và khi đã “xong việc”, Janus tuyên bố sẽ để nàng kiểm soát các bản lề như một sự đổi chác. Sau đó, ngài đưa cho nàng một cành táo gai thần kỳ có tác dụng xua đuổi tà ác và tuyên bố rằng mọi người phải ăn đậu và thịt lợn để tôn vinh nàng vào ngày 1 tháng 6 hàng năm.
2. Saehrimnir – Thần thịt lợn của Bắc Âu
Saehrimnir là con lợn có vị ngon nhất trong vũ trụ và cũng có cuộc sống tồi tệ nhất. Mỗi đêm, các vị thần Bắc Âu luộc Saehrimnir lên và ăn thịt ông. Chú lợn tội nghiệp bị đánh thức mỗi đêm bởi sự trở lại của một nhóm người Viking say rượu, họ ném chú vào thùng nước sôi và tổ chức một bữa tiệc lớn. Saehrimnir phải chịu đựng việc toàn bộ các vị thần Bắc Âu xé toạc các bộ phận cơ thể của mình ra rồi vào buổi sáng hôm sau, chú sống lại chỉ để lại bị giết một lần nữa vào đêm.
3. Matshishkapeu – Thần rắm
Theo tín ngưỡng truyền thống của người Innu bản địa châu Mỹ, linh hồn có thể nói chuyện với người sống qua nhiều cách như trống hoặc các giấc mơ. Một trong số họ, Matshishkapeu, nói chuyện với con người bằng tiếng rắm.
Innu cho biết Matshishkapeu nói chuyện với họ “với tần suất rất cao” – đặc biệt khi đàn ông ở một mình không có phụ nữ xung quanh. Họ tin rằng mỗi tiếng xì hơi là Matshishkapeu đang gửi cho họ một thông điệp.
Khi một người đột ngột đánh rắm thì trưởng lão của bộ lạc sẽ phải chạy tới để cho mọi người biết tiếng xì hơi đó có nghĩ như thế nào. Những lời nói của Matshishkapeu thường khó hiểu và phải tập trung cao độ để hiểu được thông điệp đó.
4. Xochipilli – Thần mại dâm đồng tính nam của Aztec
Rất nhiều tôn giáo có các vị thần đồng tính luyến ái, nhưng người Aztec thì cụ thể hơn một chút. Với họ thì một vị thần đồng tính nam thôi là chưa đủ, họ cần một vị thần dành cho những người đồng tính nam quan hệ tình dục vì tiền nữa. Và thế là Xochipilli ra đời.
Xochipilli là vị thần rất đa năng. Ông còn được gọi là hoàng tử của các loài hoa, tuy nhiên, không phải là hoa hồng hay hoa cúc mà là những bông hoa có thể khiến bạn “phê pha” cơ. Những bức tượng của ông được bao phủ bởi hoa và nấm có tác dụng lên hệ thần kinh, chúng cũng chạm khắc ông với biểu cảm “lâng lâng” trên khuôn mặt.
Điều này có nghĩa là ông không chỉ là thần mại dâm đồng tính nam mà còn là thần của ảo giác.
5. Thần của phân
Những vị thần phân xuất hiện trong nhiều tôn giáo và thần thoại.
Nhật Bản có lẽ đã đi xa nhất khi tạo ra cả một đền thờ các vị thần và linh hồn đến từ phân.
Người Trung Quốc cũng có Tử Cô – nữ thần phân. Phụ nữ có thể để lại hình ảnh của Tử Cô cạnh nhà vệ sinh, và để đáp lại sự tận tâm của họ, bà sẽ trả lời các câu hỏi của họ.
Người Babylon có Shed Bet ha-Kise, một vị thần nhà vệ sinh đầy thù hận, chuyên nguyền rủa bất cứ ai quan hệ tình dục gần nhà vệ sinh bằng cách khiến họ mắc chứng động kinh.
Người La Mã có tới hai vị thần như vậy: Sterquilinus – thần phân bón và Cloacina – nữ thần của hệ thống cống rãnh.
6. Sapona – Thần bệnh đậu mùa của người Yoruban
Người Yoruba ở Tây Phi tin vào Sapona, vị thần đậu mùa. Đến cuối thế kỷ 19, Sapona có cả một giáo phái tôn thờ ông.
Giáo phái Sapona tống tiền mọi người bằng cách đe dọa nguyền rủa họ. Nếu ai không trả tiền, các thành viên giáo phái sẽ đến nhà người đó và cạo vảy đậu mùa trên người xuống, tán thành bột và chà xát chúng khắp cửa sổ nhà của người đó.
Khi các bác sĩ tiêm chủng cho mọi người để chống lại căn bệnh này, giáo phái Sapona coi việc ngừng tiêm chủng là nghĩa vụ thiêng liêng của họ. Họ đe dọa người dân và thực hiện các chiến dịch tích cực để giữ cho bệnh đậu mùa tồn tại và đã gây ra rất nhiều đại dịch trong cộng đồng.
7. Terminus – Thần ranh giới của La Mã
Terminus là một trong những vị thần đầu tiên được người La Mã tạo ra. Ông là vị thần của những cột mốc và những viên đá được người La Mã đặt trên các ranh giới – và ông không được phép vượt qua.
Những viên đá của ông được gọi là termini, nếu bạn di chuyển một viên thì sẽ gặp rắc rối ngay. Khoảnh khắc bạn đẩy một viên đá ra khỏi vị trí vốn có của nó thì mọi người ở Rome đều có quyền săn lùng và giết bạn một cách hợp pháp.
8. Tlazolteotl – Nữ thần ăn đồ phân hủy của người Aztec
Trong tác phẩm nghệ thuật, Tlazolteotl thường được miêu tả với màu nâu xung quanh miệng. Người Aztec tin rằng Tlazolteotl là vị thần ăn hết các chất thải, bao gồm thi thể đang phân hủy của người chết, trái cây, rau quả, phân. Bà là nữ thần của sự phân hủy, tuy có hơi kỳ lạ khi người Aztec tôn thờ một nữ thần chỉ dành thời gian để ăn phân.
Chức trách thứ hai của bà dễ chịu hơn một chút: nữ thần tắm hơi.
9. Kalfu – Thần giao lộ của Haiti
Kalfu là một vị thần đáng sợ. Ông là Haiti Vodou (hay còn gọi là Voodoo) – tương đương với Satan – cai trị các giao lộ.
Kalfu là một con quái vật màu đỏ, uống rượu rum pha thuốc súng để giết thời gian. Ông điều khiển các thế lực tà ác của thế giới linh hồn và những linh hồn độc ác của màn đêm, một sinh vật ma quỷ chiếm hữu con người và điều khiển việc di chuyển các linh hồn vào thế giới thực.
Khi người Haiti tìm kiếm những vị thần quyền năng nhất của mình, họ không nhìn vào Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất hay biển cả mà nhìn vào các giao lộ.
10. Thần vô danh – Thần của những thứ linh tinh không gọi tên được
Để đảm bảo rằng mình không bỏ sót điều gì, người Hy Lạp đã nghĩ ra thêm một vị thần: thần vô danh hay vị thần của mọi thứ mà họ quên đề cập đến. Đây là một vị thần giữ chỗ được sử dụng cho mọi thứ mà họ chưa nghĩ ra.
Họ bắt đầu tôn thờ vị thần vô danh sau khi Athens bị bệnh dịch tấn công. Cho dù có hiến tế bao nhiêu con vật theo nghi thức thì bệnh dịch hạch vẫn không biến mất. Vì vậy người Hy Lạp đã thử một cách khác: thả một đàn cừu vào đồng, lập bàn thờ cho tất cả các vị thần không xác định và giết cừu, hy vọng rằng hành động này sẽ xoa dịu bất kỳ vị thần nào mà họ không biết.
Bạn có thể đọc thêm:
- 10 sự thật về thiên thần mà tất cả chúng ta đều đang hiểu sai
- 10 sự thật kinh hoàng đằng sau những cuộc đi săn người sói tại châu Âu thời trung cổ
- 10 địa điểm có thể là Vườn Địa Đàng Eden – khu vườn huyền thoại trong Kinh Thánh
Nếu bạn cảm thấy bài viết này có ích, hãy để lại một lời đánh giá tích cực và động viên mình tiếp tục chia sẻ những kiến thức hữu ích hơn nữa.