Tôi nghĩ sẽ không có giáo trình nào có thể “dạy dỗ” chúng ta tốt hơn là những hành động thực tế. Chúng ta sẽ phải “học” lẫn nhau, và “dạy” lẫn nhau. Dù ở thế hệ nào, thời đại nào vẫn sẽ có những người mang trong mình trái tim đầy yêu thương, sẻ chia. Họ sẽ là những người giữ lửa và truyền lửa để giữ cho những đốm lửa sáng không bao giờ lụi tắt trong cuộc sống này.
Phim là đời, đời cũng là phim
Tranh thủ thời gian nghỉ dịch ở nhà, tôi tranh thủ xem lại 5 phần của God’s Quiz – Trò đùa của thượng đế. Phần cũng vì khá lâu rồi Ryu Deok Hwan không đóng phim mới. Tôi có thói quen, sẽ xem lại những bộ phim yêu thích, sau một thời gian dài. Để những dư vị cũ qua đi, đủ lâu, đủ nhạt trong tâm trí, khi xem lại, tôi sẽ có thể “thấm” được những hương vị mới, mà rất có thể ở lần đầu tiên xem tôi đã bỏ qua.
Là một bộ phim hình sự, lại về đề tài pháp y, nội dung chính tất nhiên sẽ là những vụ án, những thi thể, cảnh khám nghiệm. Khi xem lần đầu tiên, tôi cũng chỉ hoàn toàn bị hút theo những tình tiết đó. Nhưng khi xem lần thứ 2, khi mà lời giải cho những câu đố trong các vụ án vẫn nằm trong trí nhớ, là lúc tôi dùng trái tim để cảm nhận những ý nghĩa khác mà bộ phim đem lại.
Có rất nhiều căn bệnh hiếm gặp xuất hiện trong 5 phần phim. Sau những tình tiết phá án, sau những kiến thức y khoa, cuối mỗi tập phim, nhân vật Han Jin Woo do Ryu Deok Hwan đóng, sẽ luôn ngồi lại để nói chuyện với người thầy của mình. Một trong những đoạn hội thoại ấn tượng nhất với tôi là ở cuối tập 4 phần 2, có tên “Tương Tư”.
Ở gần cuối tập phim, Han Jin Woo kết luận nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân là vì tương tư. Tất nhiên, đi kèm theo đó là những vấn đề về bệnh lý tim mạch hiếm gặp. Nạn nhân vì yêu đơn phương một người phụ nữ mình không thể với tới, yêu đến mức không ăn, không ngủ, buồn rầu, khổ sở, uống thuốc trầm cảm. Tình yêu ngày càng nhiều lên, rồi cuối cùng qua đời vì bệnh tim.
Và trong cuộc trò chuyện với người thầy của mình ở cuối tập phim, khi nghe Jin Woo tâm sự lý do cậu giấu không công bố nguyên nhân của cái chết là do cậu muốn bảo vệ tình cảm của nạn nhân, thứ quý giá nhất của anh ta. Thầy của Jin Woo đã nói, điều ông lo sợ trong tương lai không phải là 1 loại virus bí ẩn sẽ tấn công con người, mà là cảm xúc yêu đương bỗng chốc trở thành căn bệnh tâm thần, hay chính xác hơn là một căn bệnh hiếm gặp. Và nếu điều đó xảy ra, ông ấy mong tương lai đừng bao giờ đến.
Cảm xúc tương tư, chắc chắn ai trong chúng ta cũng sẽ trải qua, ít nhất là 1 lần trong đời. Và những cái chết vì mang cái “tâm bệnh” tương tư này cũng chẳng phải là chưa từng xảy ra, mà như Jin Woo nói, là do khoa học đã hợp lý hóa nó nên con người chúng ta đơn giản là không chấp nhận được thôi. Nhưng điều đáng suy ngẫm nhất là ở câu nói của người thầy: “Cảm xúc yêu đương sẽ bỗng chốc trở thành một căn bệnh tâm thần, một căn bệnh hiếm gặp.”
Nếu một ngày, “yêu” là một căn bệnh tâm thần, một căn bệnh hiếm gặp đến y học cũng bó tay, thì con người sẽ thế nào nhỉ? Nói rộng ra, “yêu thương” mà là một căn bệnh tâm thần, khi đó xã hội sẽ ra sao?
Viết đến đây, tôi chợt nhận ra, rất nhiều bộ phim lấy chủ đề hậu tận thế, cuộc sống trong tương lai… đều lấy chất liệu “xã hội nơi con người sống không có tình thương, sống vô cảm” làm cảm hứng. Phải chăng, nỗi sợ cái “tương lai đừng bao giờ đến” đấy đã âm thầm nhen nhóm trong con người chúng ta từ lâu?
Cảm xúc của trái tim có phải là thứ bao đồng nhất?
Năm tôi học cấp 2, cậu bạn cùng lớp tôi đột ngột mất bố. Lý do là vì bố cậu ấy can một đám người đang đánh nhau nên bị dao đâm trúng. Hồi đó, nghe tin thì cũng chỉ biết vậy. Dần lớn lên, mới biết những chuyện đó chẳng phải là hiếm ở xã hội này. Can người đánh nhau thì bị đánh chết, nhảy xuống sông cứu người thì bị đuối nước, bị lũ cuốn trôi, báo án thì bị trả thù… Ngay từ nhỏ, nhiều người trong chúng ta đều được căn dặn rằng: “Thấy đánh nhau, thấy xô xát thì phải tránh thật xa”. Còn ở xã hội hiện tại, thấy đánh nhau, thấy tai nạn… người ta lấy điện thoại ra để chụp ảnh, để quay clip trước khi nghĩ đến việc gọi cảnh sát, cứu thương.
Cảm xúc là thứ bộc phát theo bản năng, không theo lý trí. Phải chăng, vì thế trong những bộ phim giả tưởng về tương lai, con người sẽ phải sống lý trí hơn, lạnh lùng hơn để kìm hãm thứ bản năng kia? Và khi ấy, “yêu đương” hay rộng hơn là “yêu thương” gần như sẽ không tồn tại, sẽ trở nên xa lạ với con người, sẽ là thứ bệnh hiếm gặp mà ai ai cũng lo sợ, không hiểu rõ về nó.
Điều gì ta không biết, không hiểu, ta sẽ cho nó là kì quặc, sẽ sợ hãi, sợ xa lánh.
Nếu tương lai là như vậy, thì tương lai đừng đến.
Vậy phải làm sao để con người và xã hội hiện tại không “tiến hóa đi lên” theo con đường đó? Tôi nghĩ sẽ không có giáo trình nào có thể “dạy dỗ” chúng ta tốt hơn là những hành động thực tế. Chúng ta sẽ phải “học” lẫn nhau, và “dạy” lẫn nhau. Có thể rằng, không phải ai cũng sẽ “tiếp thu bài học” một cách trọn vẹn, nhưng như những thầy cô giáo tâm huyết, không nản lòng trước những “học sinh cá biệt”, kiên trì, nhẫn nại, dành cả tâm sức để cảm hóa, truyền đạt. Tôi tin, tình yêu thương sẽ không mất đi.
Dù ở thế hệ nào, thời đại nào vẫn sẽ có những người mang trong mình một trái tim đầy yêu thương, sẻ chia. Họ sẽ là những người giữ lửa và truyền lửa để giữ cho những đốm lửa sáng không bao giờ lụi tắt trong cuộc sống này.
Và chỉ cần là còn một vài đốm lửa yêu thương thôi, căn bệnh hiếm gặp mà tương lai lo sợ, sẽ được cứu chữa kịp thời.
Vậy nên, hãy luôn giữ cho trái tim mình khỏe mạnh, bạn nhé!