Ai chẳng muốn có một cơ thể khỏe mạnh, sạch sẽ và thơm tho, và cách đơn giản nhất để có được điều đó là vệ sinh thân thể thường xuyên mỗi ngày. Nhưng khi bạn quá “nhiệt tình” chăm sóc cơ thể mà lại không biết cách làm cho đúng thì kết quả lại cực kỳ tai hại. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá 5 thói quen tưởng là vệ sinh mà hóa ra mất vệ sinh không tưởng trong bài viết này nhé!

1. Tắm nhiều lần trong ngày

Có nhiều người rất "nghiện" tắm, ngày nào cũng phải tắm vài lần mới chịu được (Ảnh: Internet).
Có nhiều người rất “nghiện” tắm, ngày nào cũng phải tắm vài lần mới chịu được (Ảnh: Internet).

Nghe hơi sai sai phải không nhỉ? Thường thì chỉ những người ở bẩn “kém tắm” mới hay bị chê bai chọc ghẹo, chứ tắm nhiều thì sạch, có gì mà không nên? Nhưng thực ra cái gì quá cũng không tốt cả, tắm nhiều lần trong ngày có thể gây hại cho làn da và thậm chí mang bệnh vào người đấy nhé.

Lý do cho điều này là vì da của chúng ta có các cơ chế bảo vệ tự nhiên tuyệt vời, đầu tiên là lớp chất nhờn do các tuyến bã nằm dưới da cạnh lỗ chân lông tiết ra. Các tuyến này tiết ra chất nhờn với lượng nhiều ít khác nhau tùy cơ địa mỗi người, ở những người da nhờn có thể xảy ra hiện tượng ứ đọng và gây mụn trứng cá, còn ở người da khô lại thiếu chất nhờn khiến da dễ bị nứt nẻ, bong tróc.

Tuyến bã nằm ngay cạnh lỗ chân lông và tiết nhờn ra bề mặt da (Ảnh: Internet).
Tuyến bã nằm ngay cạnh lỗ chân lông và tiết nhờn ra bề mặt da (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên tác dụng chung của chất nhờn ở tất cả mọi người là giữ độ ẩm cho da và ức chế các vi khuẩn có hại sinh sôi trên bề mặt cơ thể. Giống như khi bạn đổ một lớp dầu lên mặt nước thì nước sẽ khó bay hơi do bị dầu ngăn tiếp xúc với không khí. Ngược lại, nếu bạn tắm quá nhiều làm cho lớp chất nhờn bị rửa trôi thì da sẽ dễ bị mất nước, trở nên khô và nứt nẻ, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể.

Hãy tắm vừa đủ để tẩy sạch mùi hôi nhưng không làm hại da bạn nhé! (Ảnh: Internet).
Hãy tắm vừa đủ để tẩy sạch mùi hôi nhưng không làm hại da bạn nhé! (Ảnh: Internet).

Yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng đối với làn da là các vi khuẩn có lợi cộng sinh trên da. Không chỉ chung sống hòa bình với con người, chúng còn có khả năng ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn có hại, giữ trạng thái cân bằng của hệ vi sinh trên cơ thể. Các nhà khoa học thậm chí còn cho rằng các vi khuẩn này có thể giúp ích cho hoạt động miễn dịch của con người nữa.

Do đó bạn không nên tắm nhiều lần trong ngày nếu cơ thể vẫn còn sạch sẽ. Việc tắm thực ra không giúp cơ thể sạch hơn, mà chỉ đơn giản là loại bỏ bớt mùi hôi do các chất bã nhờn bị phân hủy tạo ra. Các nhà nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) cho biết chúng ta có thể “nhịn” tắm 1-2 ngày cũng chẳng sao cả, và không nên tắm quá 1 lần mỗi ngày, đặc biệt những người da khô càng nên cẩn thận hơn nữa.

2. Không rửa tay trước khi đi vệ sinh

Bạn có bao giờ rửa tay trước khi đi vệ sinh không, hay chỉ rửa sau khi đi xong? (Ảnh: Internet).
Bạn có bao giờ rửa tay trước khi đi vệ sinh không, hay chỉ rửa sau khi đi xong? (Ảnh: Internet).

Hầu hết chúng ta đều đã nghe khẩu hiệu “Rửa tay trước khi ăn và sau đi khi vệ sinh” rất nhiều lần, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội và vấn đề vệ sinh tay để tránh lây nhiễm được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên nếu chỉ rửa tay sau khi “giải quyết nỗi buồn” xong thì bạn vẫn chưa thực sự đảm bảo an toàn cho cơ thể mình, bởi nguy cơ nhiễm khuẩn vẫn tồn tại ngay từ thời điểm bạn bước chân vào toilet chứ không chỉ lúc bước ra khỏi đó đâu.

Sự thật là các vi sinh vật gây bệnh luôn tồn tại khắp nơi trong môi trường xung quanh chúng ta. Từ đất, nước, thực phẩm hằng ngày cho đến bàn ghế, quần áo, nhà cửa, thậm chí trong không khí nhìn tưởng sạch sẽ nhưng vẫn có vô số các vi khuẩn và virus lơ lửng ngay lúc bạn đang đọc những dòng chữ này. Từng phút từng giây chúng ta đều tiếp xúc với chúng, đặc biệt bàn tay là nơi chạm vào đủ loại vật dụng nên càng trở thành ổ chứa nhung nhúc vi khuẩn và tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm.

Bàn tay nhìn tưởng là sạch nhưng chứa đựng rất nhiều vi khuẩn (Ảnh: Internet).
Bàn tay nhìn tưởng là sạch nhưng chứa đựng rất nhiều vi khuẩn (Ảnh: Internet).

Khi đi vệ sinh, bàn tay lại dễ tiếp xúc với những vùng “nhạy cảm” của cơ thể, và trùng hợp là những bộ phận này rất dễ nhiễm khuẩn do lớp da mỏng và lại có đường thông vào bên trong các cơ quan khác. Do đó nếu không rửa tay trước khi đi vệ sinh thì rất có thể bạn đã “cấy” vi khuẩn từ bên ngoài vào cơ thể mình lúc nào không hay.

Một nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) phát hiện rằng nút bấm thang máy có lượng vi khuẩn nhiều gấp 40 lần bề mặt bồn cầu trong nhà xí công cộng! Như vậy rửa tay trước khi đi vệ sinh có thể còn quan trọng hơn sau khi đi xong ấy chứ.

Vậy lần tới mỗi khi đi “xả nước cứu thân” hãy luôn tự nhắc mình rửa tay bằng xà phòng cả trước và sau khi làm xong nhé! Bạn có thể tìm mua các loại nước rửa tay hiệu quả diệt khuẩn cao tại đây. Hãy ôn lại cách rửa tay chuẩn 6 bước qua video vui nhộn này nào:

3. Bấm nút xả nước bồn cầu bằng đầu ngón tay

Nút bấm nhỏ xinh vô cùng tiện lợi của bồn cầu thực ra lại là nguồn dễ lây mầm bệnh (Ảnh: Internet).
Nút bấm nhỏ xinh vô cùng tiện lợi của bồn cầu thực ra lại là nguồn dễ lây mầm bệnh (Ảnh: Internet).

Lại là một lưu ý nữa liên quan đến “căn phòng” quan trọng nhất trong ngôi nhà của chúng ta, và điều này nghe còn lạ lùng khó tin hơn nữa. Đã bao giờ bạn thử dừng lại một giây và suy nghĩ về hành động đơn giản là bấm nút xả nước sau khi đi vệ sinh hay chưa? Chắc chẳng có ai thèm quan tâm đến việc nhỏ nhặt như vậy, nhưng đó lại là nguyên nhân làm mầm bệnh dễ lây lan hơn đấy.

Các bề mặt trong nhà vệ sinh là nơi lưu giữ đủ loại vi khuẩn từ nhiều nguồn khác nhau (Ảnh: Internet).
Các bề mặt trong nhà vệ sinh là nơi lưu giữ đủ loại vi khuẩn từ nhiều nguồn khác nhau (Ảnh: Internet).

Cũng giống như nút bấm thang máy đã nói ở trên, nút bấm xả nước của bồn cầu là nơi “qua tay” rất nhiều người, đặc biệt đối với nhà vệ sinh công cộng. Không chỉ vi khuẩn từ bên ngoài mà cả các vi khuẩn có sẵn trong nhà vệ sinh cũng có thể lưu lại trên nút bấm bởi nghiên cứu đã cho thấy sau khi giật nước 90 phút vẫn có rất nhiều giọt nước chứa mầm bệnh bị phát tán rải rác trong căn phòng.

Do đó cách tốt nhất để “xả lũ” sau khi đi vệ sinh xong là hãy gập đốt ngón tay lại và nhấn nút bằng mặt sau ngón tay, hoặc bạn cũng có thể dùng giấy vệ sinh lót tay rồi mới bấm. Tương tự như việc che miệng khi hắt hơi bằng khuỷu tay hoặc khăn, cách này tuy không loại bỏ được 100% vi khuẩn nhưng ít nhất cũng hạn chế khả năng lây lan bệnh tật cho chính bạn và những người xung quanh đấy.

Hình bên phải mới là cách bấm nút xả nước đúng sau khi đi vệ sinh nhé! (Ảnh: Internet).
Hình bên phải mới là cách bấm nút xả nước đúng sau khi đi vệ sinh nhé! (Ảnh: Internet).

4. Rửa mặt bằng xà phòng

Rửa mặt giúp loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn, nhưng phải đúng cách mới đem lại hiệu quả (Ảnh: Internet).
Rửa mặt giúp loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn, nhưng phải đúng cách mới đem lại hiệu quả (Ảnh: Internet).

Các bạn gái (và cả một số bạn trai nữa) thường có thói quen rửa mặt bằng bất kỳ loại xà phòng nào mình có, đặc biệt những người phải khổ sở với làn da nhờn dễ mụn lại càng “tích cực” rửa hơn vì cho rằng xà phòng sẽ cuốn trôi chất bã và cùng với đó là đám mụn đáng ghét. Tất nhiên về cơ chế thì đúng là như vậy, nhưng kết quả lại trái ngược hoàn toàn: rửa mặt bằng xà phòng khiến da dễ bị tổn thương và mọc mụn nhiều hơn!

Các loại xà phòng tắm thông thường không thích hợp để rửa mặt đâu nhé (Ảnh: Internet).
Các loại xà phòng tắm thông thường không thích hợp để rửa mặt đâu nhé (Ảnh: Internet).

Ngoài việc rửa trôi lớp chất nhờn giữ ẩm và các vi khuẩn có lợi như đã nói ở phần trước, xà phòng còn có thể gây bít tắc lỗ chân lông và làm nặng thêm tình trạng ứ đọng chất bã nhờn. Vi khuẩn có hại sẽ dễ dàng trú lại trên chất bã và gây mụn trứng cá, thậm chí làm nhiễm trùng da.

Ngoài ra xà phòng có tính kiềm, trong khi da lại có tính axit nhẹ do các chất nhờn có bản chất là lipid bị vi khuẩn phân giải thành axit béo. Khi dùng không đúng loại xà phòng là bạn đang thay đổi độ pH tự nhiên của da, làm rối loạn môi trường sống của các vi khuẩn có lợi cũng như ảnh hưởng tới hoạt động của các tế bào da khỏe mạnh.

Hãy chọn đúng loại chất tẩy rửa để chăm sóc làn da mặt của bạn! (Ảnh: Internet).
Hãy chọn đúng loại chất tẩy rửa để chăm sóc làn da mặt của bạn! (Ảnh: Internet).

Vậy giải pháp cho những người thích rửa mặt để tránh mụn là gì? Hãy rửa bằng nước sạch hoặc các loại sữa rửa mặt chuyên dụng phù hợp với loại da của mình, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và đừng rửa quá nhiều lần trong ngày nhé! Bạn có thể tham khảo các loại sữa rửa mặt với nhiều tác dụng tuyệt vời cho làn da tại đây.

Một điểm quan trọng nữa là luôn rửa mặt đúng cách như video hướng dẫn say đây nhé:

5. Ngoáy mũi thường xuyên

Nhiều người thích ngoáy mũi vì tạo cảm giác "sướng", nhưng thực ra đó lại là thói quen có hại (Ảnh: Internet).
Nhiều người thích ngoáy mũi vì tạo cảm giác “sướng”, nhưng thực ra đó lại là thói quen có hại (Ảnh: Internet).

Đây là hành động mà chắc chắn tất cả chúng ta đều đã từng làm, nhất là hồi nhỏ xíu chưa biết gì đúng không! Nhưng đến khi lớn lên và “hiểu biết” hơn một chút vẫn có rất nhiều người thực hiện nó, thậm chí quen tay thành tật và cứ mỗi lần cảm thấy hơi “khó ở” một chút là bắt đầu đưa tay lên mũi ngoáy ngoáy.

Nếu bị bắt gặp lúc đang "tí toáy" thì đúng là muốn đào lỗ mà chui cho đỡ thẹn! (Ảnh: Internet).
Nếu bị bắt gặp lúc đang “tí toáy” thì đúng là muốn đào lỗ mà chui cho đỡ thẹn! (Ảnh: Internet).

Không chỉ gây mất thẩm mỹ đến kinh khủng, ngoáy mũi còn là con đường cực kỳ thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Thứ nhất là vì hành động này thực chất đang phá hủy lớp hàng rào bảo vệ của mũi. Các cục “ấy” mà chúng ta ngoáy ra chính là chất nhầy của mũi có tác dụng bắt giữ các mầm bệnh và bụi bặm lơ lửng trong không khí hít vào. Bình thường chất nhầy này được niêm mạc mũi tiết ra liên tục và khi khô đi sẽ đọng lại bên trong mũi. Chất bẩn trong không khí càng nhiều thì những cục này càng to ra nhanh và nhiều hơn.

Niêm mạc mũi tiết ra chất nhầy rất quan trọng đối với vấn đề vệ sinh của cơ thể (Ảnh: Internet).
Niêm mạc mũi tiết ra chất nhầy rất quan trọng đối với vấn đề vệ sinh của cơ thể (Ảnh: Internet).

Bên cạnh đó mũi còn có các lông nhỏ giúp lọc sạch không khí trước khi đến phổi. Ngoáy mũi thường xuyên sẽ làm các lông này rụng và thưa đi, đồng thời móng tay có thể cào rách niêm mạc mũi tạo ra các kẽ hở để vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong gây các bệnh viêm nang lông, viêm xoang, thậm chí có thể nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi hay nhiễm trùng não. Vùng đầu mặt là nơi tập trung nhiều cơ quan cực kỳ quan trọng quyết định sự sống còn của cả cơ thể, do đó nếu chẳng may mắc phải các bệnh này thì thật là hiểm họa kinh hoàng!

Các xoang của vùng mặt đều thông với mũi nên dễ bị viêm xoang do vi khuẩn từ mũi xâm nhập vào (Ảnh: Internet).
Các xoang của vùng mặt đều thông với mũi nên dễ bị viêm xoang do vi khuẩn từ mũi xâm nhập vào (Ảnh: Internet).

Vậy tóm lại nên chăm sóc mũi như thế nào mới đúng cách, nhất là trong thời buổi không khí ô nhiễm như hiện nay? Nếu lượng bụi quá nhiều làm chất nhờn trong mũi bị đọng lại gây khó chịu thì bạn vẫn có thể lấy chúng ra, nhưng hãy chú ý thật nhẹ tay để không làm tổn thương niêm mạc mũi. Tốt nhất là nên dùng tăm bông sạch để ngoáy, nếu dùng tay hãy rửa sạch bằng xà phòng trước khi “hành sự”.

Ngoài ra để làm sạch khoang mũi bạn có thể nhỏ nước muối mỗi 2 ngày 1 lần, nhưng cũng không cần phải quá thường xuyên. Hoặc bạn có thể tìm mua các loại dung dịch nhỏ mũi thảo dược với nhiều hương thơm đa dạng tại đây.

Các dung dịch vệ sinh giúp làm sạch và thông thoáng khoang mũi của bạn một cách an toàn (Ảnh: Internet).
Các dung dịch vệ sinh giúp làm sạch và thông thoáng khoang mũi của bạn một cách an toàn (Ảnh: Internet).

Và một cách nữa cực kỳ đơn giản mà hiệu quả để bảo vệ không chỉ mũi mà cả cơ thể của chúng ta, đó là dùng khẩu trang. Hãy sắm cho mình vài chiếc khẩu trang y tế để che chắn mỗi khi ra đường hoặc đến nơi đông người, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy bảo vệ mình ngay từ khi còn khỏe!

Và nhớ đeo khẩu trang đúng cách như hướng dẫn sau đây nhé:

Đừng quên theo dõi những bài viết bổ ích về sức khỏe của BlogAnChoi bạn nhé:

Xem thêm

Làm cách nào để bảo vệ thính giác khi sử dụng tai nghe?

Theo báo cáo mới nhất của WHO, khoảng 1,1 triệu người trẻ tuổi có nguy cơ bị mất thính giác do sử dụng tai nghe không đúng cách. Vậy làm sao để không bị điếc vì tai nghe và bảo vệ an toàn cho thính giác? Nào, cùng tìm hiểu ngay!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
7 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Phạm Long Thuyên

nhất định phải bỏ mấy thói quen xấu này đi mới được :

mt1803

Bài viết hữu ích quá ??

Moon's Heart

bài viết hay quá ạ

User 0bd5952a

giờ mới biết 🙁

User 29af554a

bài này hay nek

Phạm Long Thuyên

phải bỏ mấy thói quen xấu này mới được

Phan Thanh Hoàng Yến

Cái gì nhiều quá cũng ko tốt, tắm cx thế :))))