Có phải cholesterol lúc nào cũng là xấu? Hay chỉ những người thừa cân và lớn tuổi mới bị mỡ máu cao? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá những sự thật không phải ai cũng biết về tăng cholesterol máu nhé!
- 1. Bạn có thể tự nhận biết khi mình bị tăng cholesterol?
- 2. Tất cả các loại cholesterol đều là có hại?
- 3. Mục tiêu kiểm soát cholesterol máu cho tất cả mọi người là như nhau?
- 4. Tăng cholesterol máu chỉ gặp ở nam giới, còn phụ nữ không cần lo lắng về vấn đề này?
- 5. Mức cholesterol hoàn toàn phụ thuộc vào việc tập thể dục và chế độ ăn?
- 6. Khi đã dùng thuốc điều trị mỡ máu thì có thể ăn uống thoải mái?
- 7. Cholesterol trong chế độ ăn là yếu tố quan trọng nhất cần chú ý?
- 8. Những người có thể trạng tốt và trẻ tuổi không cần kiểm tra cholesterol máu?
- Tổng kết
Tăng cholesterol máu – hay còn gọi là mỡ máu cao – là vấn đề sức khỏe rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Theo thống kê ở Mỹ, chứng rối loạn này ảnh hưởng đến khoảng 93 triệu người trưởng thành trên 20 tuổi của nước này.
Phổ biến là vậy nhưng hiện nay rất nhiều người vẫn quan niệm sai lầm về tình trạng tăng cholesterol máu, từ các yếu tố nguy cơ cho đến hậu quả liên quan đến bệnh tim mạch. Hãy cùng tìm hiểu sự thật về những điều lầm tưởng dưới đây để có cái nhìn sâu sắc và đúng đắn hơn về tăng cholesterol máu nhé!
1. Bạn có thể tự nhận biết khi mình bị tăng cholesterol?
Sự thật là: Hầu hết những người bị tăng cholesterol máu đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Ở một số người có thể xuất hiện các mảng cholesterol tích tụ trên da có màu vàng được gọi là xanthoma, nhưng dấu hiệu này thường chỉ xảy ra khi mức cholesterol trong máu tăng rất cao mà thôi.
Trong khi đó nhiều người chỉ phát hiện thấy bất thường khi đã bị biến chứng như xơ vữa động mạch, tức động mạch bị hẹp lại và xơ cứng do tích tụ cholesterol qua thời gian dài.
Ở những người bị xơ vữa động mạch, mảng bám trên thành mạch được tạo nên từ cholesterol, chất béo và các thành phần khác tích tụ lại. Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra trên các mảng bám này.
Khi các động mạch bị hẹp do mảng bám, lưu lượng máu đến tim, não và các bộ phận khác của cơ thể sẽ giảm đi. Điều này có thể gây ra các biến chứng như:
- Đau thắt ngực (do thiếu máu nuôi cơ tim)
- Hoại thư (các mô và tế bào bị chết do thiếu oxy)
- Đau tim, đột quỵ
- Rối loạn chức năng thận
- Đau chân khi đi bộ (còn gọi là cơn đau cách hồi)
Bạn nên sớm kiểm tra xem mình có bị cholesterol cao hay không để giảm nguy cơ mắc các biến chứng này, bằng cách kiểm tra mức cholesterol thông qua xét nghiệm máu đơn giản.
2. Tất cả các loại cholesterol đều là có hại?
Cholesterol là nhóm chất quan trọng giúp cơ thể hoạt động bình thường. Gan là cơ quan sản xuất ra cholesterol để cấu tạo nên màng tế bào, vitamin D và các hormone quan trọng của cơ thể.
Cholesterol được vận chuyển trong cơ thể nhờ lipoprotein (phức hợp gồm lipid và protein vận chuyển), từ đó được phân thành hai loại chính:
- LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) là loại cholesterol xấu, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Lượng LDL tăng cao có thể tích tụ trong thành động mạch, tạo ra mảng bám và hạn chế lưu lượng máu tới các cơ quan.
- HDL (lipoprotein tỷ trọng cao) là loại cholesterol tốt, giúp vận chuyển chất béo từ các tế bào trở lại gan để loại bỏ ra khỏi cơ thể. Mức HDL cao có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Khi bạn thực hiện xét nghiệm máu để đo cholesterol, kết quả trả về sẽ cho biết các thông số:
- Tổng lượng chất béo (lipid) trong máu
- LDL
- HDL
- VLDL (lipoprotein tỷ trọng rất thấp)
- Chất béo trung tính (triglyceride)
Khi nói đến nguy cơ bệnh tim mạch, bác sĩ sẽ quan tâm nhất là LDL và VLDL, sau đó đến chất béo trung tính và cuối cùng là HDL.
3. Mục tiêu kiểm soát cholesterol máu cho tất cả mọi người là như nhau?
Sự thật là: Không có mục tiêu chung cho tất cả mọi người. Bác sĩ sẽ đánh giá mức cholesterol của từng người kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác có liên quan với nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhìn chung, mức cholesterol sẽ được coi là bất thường nếu:
- Tổng lượng cholesterol từ 200 mg/dL trở lên, hoặc
- Cholesterol LDL từ 100 mg/dL trở lên
Con số mục tiêu cụ thể sẽ thay đổi nếu một người có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn do tiền sử gia đình, đã từng bị đau tim hoặc đột quỵ trước đây, hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
Các bác sĩ có thể điều trị không giống nhau cho hai người có cùng mức cholesterol. Kế hoạch điều trị sẽ được cá nhân hóa bằng cách xem xét kết hợp các yếu tố khác như huyết áp, cân nặng, lượng đường trong máu, tiền sử xơ vữa động mạch, đau tim hoặc đột quỵ.
4. Tăng cholesterol máu chỉ gặp ở nam giới, còn phụ nữ không cần lo lắng về vấn đề này?
Tăng cholesterol máu là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim, và bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong số một ở phụ nữ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC). Chứng rối loạn này ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới với tỷ lệ ngang nhau.
Một số tình trạng đặc biệt có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol của phụ nữ, chẳng hạn như thai kỳ và cho con bú, thay đổi nội tiết tố, mãn kinh. Bên cạnh đó một số yếu tố nguy cơ nhất định – như mức HDL thấp – có ảnh hưởng đối với phụ nữ nặng nề hơn so với nam giới.
5. Mức cholesterol hoàn toàn phụ thuộc vào việc tập thể dục và chế độ ăn?
Sự thật là: Tập thể dục và chế độ ăn là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức cholesterol, nhưng còn nhiều yếu tố khác cũng góp phần như:
- Hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động
- Béo phì, thừa cân
- Sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn
- Các yếu tố di truyền dẫn đến cholesterol cao
6. Khi đã dùng thuốc điều trị mỡ máu thì có thể ăn uống thoải mái?
Có 2 nguồn ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu của bạn: thức ăn nạp vào và hoạt động sản xuất của gan. Các loại thuốc giảm cholesterol thông thường (như statin) chỉ làm giảm lượng cholesterol mà gan tạo ra, do đó nếu bạn không duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh thì cholesterol trong máu vẫn có thể tăng mất kiểm soát.
Cholesterol chỉ là một trong số nhiều yếu tố để đánh giá sức khỏe tim mạch, và thuốc statin có thể mang lại cảm giác “an toàn giả”.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2014 trên hơn 27.800 người đã phát hiện ra rằng lượng calo và chất béo nạp vào cơ thể đã tăng lên ở những người sử dụng statin, trong khi vẫn ổn định ở những người không dùng các thuốc này. Cùng với đó là chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng tăng ở những người uống thuốc statin.
7. Cholesterol trong chế độ ăn là yếu tố quan trọng nhất cần chú ý?
Các nhà nghiên cứu hiện nay đã biết rằng: ăn thực phẩm giàu cholesterol không nhất thiết dẫn đến mức cholesterol trong máu tăng cao, mà một “thủ phạm” quan trọng hơn có thể là chất béo bão hòa. Thực phẩm nhiều cholesterol cũng thường chứa nhiều chất béo bão hòa.
Tuy nhiên cholesterol trong chế độ ăn vẫn có ảnh hưởng quan trọng. Một đánh giá tổng quan năm 2019 cho thấy việc tăng thêm ít nhất 300 miligam cholesterol mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong cao hơn.
Để cải thiện sức khỏe tim mạch, Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo các bác sĩ nên tập trung vào việc giúp bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn uống tổng thể, chẳng hạn như
- Ăn nhiều trái cây và rau tươi, các loại ngũ cốc, đậu, các loại hạt, thịt nạc
- Giảm các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, thịt nhiều mỡ, sữa nguyên kem
8. Những người có thể trạng tốt và trẻ tuổi không cần kiểm tra cholesterol máu?
Sự thật là: Tăng cholesterol máu ảnh hưởng đến mọi người ở mọi thể trạng và lứa tuổi. Ngay cả những người có thân hình cân đối và dưới 40 tuổi vẫn nên đi kiểm tra thường xuyên.
Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo nên kiểm tra mức cholesterol ngay cả khi bạn có nguy cơ mắc bệnh tim thấp. Theo đó, những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ khác nên xét nghiệm kiểm tra cholesterol máu theo lịch trình như sau:
- Một lần từ 9 đến 11 tuổi
- Một lần từ 17 đến 21 tuổi
- Một lần kiểm tra sau mỗi 4 đến 6 năm cho những người trên 20 tuổi, nếu nguy cơ vẫn ở mức thấp
Trong khi đó CDC và Cơ quan Y tế và Dịch vụ Nhân sinh của Mỹ khuyến cáo những đối tượng sau đây cần kiểm tra cholesterol máu thường xuyên hơn:
- Người bị bệnh tim
- Có tiền sử gia đình bị tăng cholesterol hoặc đau tim xuất hiện sớm hoặc đột quỵ
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Người hút thuốc lá
Tổng kết
Cholesterol cao trong máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng như đột quỵ và đau tim. Các bác sĩ sẽ kết hợp chỉ số cholesterol với nhiều yếu tố khác để lập ra kế hoạch quản lý điều trị và đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch của từng bệnh nhân. Khám sức khỏe thường xuyên, sử dụng thuốc hợp lý và lối sống lành mạnh có thể giúp bạn kiểm soát cholesterol của mình trong mức tối ưu.
Trên đây là những lưu ý bạn cần nhớ về tăng cholesterol máu, vấn đề ngày càng phổ biến và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được hiểu đúng và khắc phục kịp thời. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để cuộc sống luôn khỏe mạnh và tươi vui nhé!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- 11 quan niệm sai lầm về ung thư vú – căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời!
- 10 sự thật về bệnh Alzheimer – Bạn đã hiểu đúng về căn bệnh quái ác này chưa?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!