Làm việc ban ngày thật sảng khoái và tràn đầy ý tưởng, nhưng cứ đến khoảng trưa chiều thì năng lượng của bạn lại biến mất đâu thế nhỉ? Đọc tiếp bài viết để tìm hiểu xem nguyên nhân bạn thường uể oải, buồn ngủ buổi chiều và làm thế nào khắc phục tình trạng này nhé.
Afternoon slump là gì?
Từ khoảng 1 đến 4 giờ chiều, bạn thường xuyên thấy mình lờ đờ chậm chạp, dễ mất tập trung và sẵn sàng ngủ ngay lập tức nếu có thể? Chà, hiện tượng này xảy ra ở hầu hết tất cả mọi người dù bạn có là “early bird” (chim dậy sớm) hay “night owl” (cú đêm) và nó được gọi là “afternoon slump” – giấc ngủ trì trệ. Hiểu được cơ chế của afternoon slump, bạn sẽ xử lí dứt điểm cơn buồn ngủ ban ngày khiến năng suất công việc bị giảm sút.
Tại sao bạn hay buồn ngủ vào buổi chiều?
Về mặt sinh học, hiện tượng afternoon slump gắn liền với nhịp điệu sinh học bên trong cơ thể. Nhịp điệu này hoạt động như một chiếc đồng hồ giúp kiểm soát thân nhiệt, huyết áp, các hormone trong đó có melatonin – hormone gây buồn ngủ – và còn nhiều chức năng khác.
Nhịp điệu sinh học quyết định mức độ tỉnh táo của chúng ta suốt 24 giờ. Ví dụ như vào ban đêm, cơ thể giải phóng melatonin và bạn bắt đầu buồn ngủ. Ngược lại, vào buổi sáng melatonin bị ức chế, cơ thể tiết ra cortisol (hormone giúp kích thích sự tỉnh táo) khi bạn thức giấc để bắt đầu hoạt động.
Khả năng nhận thức cơ thể không duy trì liên tục mọi lúc, tùy cơ địa từng người mà chúng ta thường nhanh nhạy và có nhiều năng lượng hơn vào những quãng thời gian khác nhau trong một ngày. Tuy nhiên nhìn chung, đa số mọi người đều tuân theo chu kỳ như sau:
- Buổi sáng từ 9-12 giờ là lúc cơ thể tập trung cao độ nhất nhờ sự kết hợp giữa năng lượng và cortisol được tiết ra.
- Sau đó cơ thể thường rơi vào trạng thái “afternoon slump” kéo dài từ 13:00 – 16:00, là khi bạn trở nên mất tập trung và động lực, vì thế dễ mắc lỗi và hiệu quả công việc kém hơn.
- Tiếp theo là một giai đoạn tăng nhẹ sự tỉnh táo vào lúc chiều muộn, khoảng 17:00 – 20:00.
- Cuối cùng, từ 21:00 trở đi là lúc cơ thể giảm năng lượng và khả năng tập trung, cộng với lượng melatonin được sản sinh báo hiệu “đã đến giờ đi ngủ” khiến bạn bắt đầu lờ đờ, buồn ngủ.
Làm cách nào để không buồn ngủ và mệt mỏi vào buổi chiều?
Bạn hoàn toàn có thể cải thiện vấn đề muôn thuở “afternoon slump” chỉ nhờ điều chỉnh một vài thói quen. Dưới đây là một số gợi ý đơn giản mà bạn có thể bắt đầu thực hiện ngay để tối ưu hóa năng suất và hiệu quả công việc.
- Ngủ đủ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của “afternoon slump”: Nếu thời gian ngủ bị rút ngắn thì chắc chắn tinh thần không thể tỉnh táo, vì thế cần ngủ đúng thời gian cần thiết: ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày đối với người lớn, không làm xáo trộn thời gian ngủ và duy trì thói quen đi ngủ lành mạnh, phù hợp với cơ thể của bạn.
- Không dùng caffeine sau 2-3 giờ chiều: Khả năng kích thích thần kinh của caffeine kéo dài ít nhất 6 tiếng, do đó để bảo vệ giấc ngủ tối ưu từ 9-10 giờ tối, bạn nhớ lưu ý điều này.
- Không ăn nhiều: Ai đã từng ăn trưa “kĩ quá” cũng hiểu cảm giác lờ đờ, không buồn di chuyển sau đó. Một bữa ăn quá no khiến dạ dày phải “cật lực” làm việc để tiêu hóa, lấy đi một phần năng lượng đáng kể mà lẽ ra nên dành cho công việc. Buổi ăn trưa nên gồm cả chất đạm, chất xơ, chất béo thay vì nhiều carb (đặc biệt là carb đơn giản như đường). Carb đơn giản sẽ cho bạn nguồn năng lượng dồi dào ngay sau khi ăn xong, nhưng khi lượng đường giảm, cơ thể cũng “sập nguồn” theo.
- Ngủ trưa 10-20 phút: Nhiều nghiên cứu cho thấy 15 phút ngủ trưa giúp bạn tỉnh táo làm việc thêm 2-3 tiếng sau đó. Lưu ý chỉ cho phép bộ não thư giãn sâu chứ không được chìm vào giấc ngủ. Đó là vì ngủ sâu quá 20-30 phút dẫn đến hiện tượng “sleep inertia” (quán tính khi ngủ). Bạn biết cảm giác chệnh choạng, chậm chạp, mất phương hướng mỗi buổi sáng khi thức dậy mà đúng không? Sleep inertia là như thế đấy, vậy nên đừng để ngủ rồi còn mệt mỏi và buồn ngủ hơn cả lúc chưa ngủ, bạn nhé!
- Làm những việc dễ hơn: “Dán mắt” liên tục vào công việc chính quá lâu dễ dẫn đến kiệt quệ tinh thần. Những lúc thế này, bạn nên đổi sang làm những việc mang tính “tự động” hơn, tức những việc bạn đã thành thục đến mức trở thành bản năng luôn rồi nên không cần suy nghĩ nhiều khi làm nó nữa.
- Tách rời khỏi công việc: Bạn có thể suy nghĩ về những chuyện thú vị (không nhất thiết phải liên quan đến công việc), vận động một chút bằng cách giãn cơ, đi bộ ngoài trời (tiếp xúc với ánh nắng giúp bạn tỉnh táo hơn) hoặc ít nhất là đứng dậy đi lại vài phút sau mỗi 1-2 tiếng làm việc, trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp, gia đình một cách trực tiếp hoặc qua điện thoại cũng là cách hiệu quả để “mượn” thêm năng lượng.
- Làm việc cộng tác: Khi quay lại công việc, hãy ưu tiên sắp xếp lịch trình làm việc cùng nhiều người. Dẫu là introvert hay extrovert, cách này đều giúp cho năng lượng được tăng cường tối đa.
- Dùng hương thơm thảo dược: Sử dụng các loại dầu thảo mộc như bạc hà, hoắc hương, hương thảo xoa ở tay, cổ, thái dương cho thấy có hiệu quả trong việc thư giãn, tăng năng suất và độ chính xác. Thử sắm một lọ dầu bạc hà hay dầu hương thảo hoặc kem dưỡng da tay có chứa 2 loại hương này để kết hợp vào ngày làm việc của mình xem sao nhé.
Hướng dẫn cách sử dụng tinh dầu để duy trì sự tập trung và sáng suốt:
Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:
- Cần có kỹ năng gì để làm việc nhóm hiệu quả?
- 5 nguyên nhân buồn ngủ ban ngày không thể coi thường
- 5 lưu ý bạn cần nhớ để có giấc ngủ trưa ngon lành và tốt cho sức khỏe!
Hy vọng qua bài viết trên, BlogAnChoi đã đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích về nguyên nhân khiến bạn buồn ngủ vào buổi chiều và cách giảm tác động của hiện tượng afternoon slump. Đừng quên theo dõi chuyên mục sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!