Nỗi buồn chiến tranh là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của giai đoạn văn học sau năm 1975. Đến với Nỗi buồn chiến tranh là đến với một thế giới giữa lòng cuộc chiến tàn khốc đầy khủng khiếp mà chân thực đến trần trụi. Nhưng hơn cả việc miêu tả chiến tranh, cuốn tiểu thuyết còn là thế giới của những ám ảnh day dứt, những cảm xúc người mà không phải tác phẩm nào cũng có được. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm, hãy cùng đọc review dưới đây của BlogAnChoi nhé!
- Nỗi buồn chiến tranh – cuốn hút, mê hoặc, hỗn loạn và miên man
- Thông tin về tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
- Vài nét về tác giả Bảo Ninh
- Nội dung chính tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
- Cảm nhận của độc giả sau khi đọc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
- Những điều tâm đắc sau khi đọc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
- Mua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh ở đâu? Giá bao nhiêu?
Nỗi buồn chiến tranh – cuốn hút, mê hoặc, hỗn loạn và miên man
Nỗi buồn chiến tranh, ban đầu có tên “Thân phận của tình yêu”, là tác phẩm tiêu biểu cho lối viết giã từ nền văn học minh họa mà hướng tới việc nói lên sự thật, là một cột mốc sáng chói trong thời kì đổi mới. Khác với những cuốn historical fiction thông thường hay những tác phẩm ca ngợi Đảng và Cách mạng mà ta thường học trong sách giáo khoa, Nỗi buồn chiến tranh cho ta biết được rằng chiến tranh không phải là một điều đáng để ca ngợi hay tự hào, và dù là thắng hay bại, chiến tranh đã là một tội ác. Sự trần trụi, tàn bạo của cuộc chiến và câu chuyện tình yêu, con người trong tác phẩm chắc chắn sẽ đem đến cho các bạn một trải nghiệm đọc đầy cảm xúc và đáng nhớ.
Thông tin về tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
- Tác giả: Bảo Ninh
- Nhà xuất bản: NXB Trẻ
- Năm xuất bản: 2017 (phiên bản bìa mới)
- Trọng lượng: 400 gam
- Kích thước: 13 x 20 cm
- Số trang: 348 trang
- Loại bìa: Bìa mềm
- Giá bìa: 115.000 VNĐ
- Đánh giá trên goodreads: 4,04/5 (7505 nhận xét)
Vài nét về tác giả Bảo Ninh
- Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, ông sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ông là con trai của Giáo sư Hoàng Tuệ, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.
- Ông thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành sau năm 1975. Ông từng tham gia mặt trận Tây Nguyên nên Nỗi buồn chiến tranh kết tinh từ những trải nghiệm của chính ông trong cuộc chiến.
- Một số tác phẩm nổi bật: Trại bảy chú lùn (1987), Khắc dấu mạn thuyền, Nỗi buồn chiến tranh (1991)… Bản dịch tiếng Anh của Nỗi buồn chiến tranh được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình có chuyên môn đánh giá đây là một trong những tiểu thuyết gây cảm động nhất về chiến tranh của thế kỉ 20.
Nội dung chính tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
“Nỗi buồn chiến tranh”, nhiều hơn cái tên của nó, không chỉ là những miêu tả về nỗi buồn trong cuộc chiến mà một số tác phẩm thường nói, nó còn là nỗi buồn trước, trong và sau cuộc chiến, thậm chí là sau rất lâu, tận khi hòa bình như đã là một thứ cố định nhưng lòng người hậu chiến vẫn lay chuyển bởi những ám ảnh quá khứ. Tác phẩm tái hiện lại dòng ký ức của nhân vật Kiên, bao gồm những mảnh ký ức rối bời như những mảnh ghép đan xen, bấn loạn. Tất cả chúng cứ ùa về ứ đầy, đông cứng và nghẹn tắc lại trong thế giới nội tâm của nhân vật. Kiên dường như không tồn tại trong thời gian thực mà cuộc sống của anh như bị dồn vào quá khứ, rồi bị quá khứ chiến tranh níu giữ, bào mòn, gặm nhấm bên trong từng giấc mơ, trang viết, và trong cả sự bấn loạn của trực giác.
Nhặt nhạnh và lắp ghép lại những mảng thời gian chấp nối, ta có thể hiểu theo trình tự thời gian như sau: Nhân vật chính của tiểu thuyết là Kiên, anh có một mối tình thời niên thiếu với Phương. Họ mang một tình yêu nồng nàn, trong sáng của tuổi 17 nhưng lại bị tạm chia cắt do chiến tranh và Kiên phải lên đường phục vụ Tổ quốc. Ngày chia tay, Phương tiễn Kiên đi một đoạn đường rất dài nhưng không may cô lại bị cưỡng bức ngay trên chuyến tàu ra tiền tuyến. Sau 10 năm, Kiên may mắn sống sót sau cuộc chiến, những tưởng hòa bình lập lại, anh sẽ được sống trong sự yên bình, nhưng đó lại không phải may mắn với anh khi Kiên phải sống trong những ám ảnh kinh hoàng về cuộc chiến. Những ám ảnh đeo bám anh từng phút giây, tái hiện lại những mảnh vỡ kí ức về Kiên và đồng đội trong cuộc chiến, đó là những hiện thực kinh hoàng, tàn khốc mà chiến tranh mang đến, là sự ra đi của đồng đội, ta và địch, nạn đào ngũ, những câu chuyện tâm linh giữa rừng già sâu thẳm,…
Sau cuộc chiến, tình yêu của Kiên và Phương cũng không còn như xưa nữa. Phương sống với một thái độ khinh nhờn và thờ ơ sau chấn thương cả thân thể lẫn tâm lý năm ấy; còn Kiên trở thành một nhà văn cấp phường khó tính, kỳ quặc, anh như mắc phải hội chứng PTSD – một hội chứng trầm cảm sau chấn thương, phổ biến với những người đã từng tham gia cuộc chiến, bởi họ đã phải chứng kiến quá nhiều cảnh chém giết dã man, chết chóc. Họ xa nhau không phải vì họ không còn yêu nhau nữa mà là vì chủ thể cũ của tình yêu ấy đã chết rồi, sau cuộc chiến, họ đã trở thành hai con người hoàn toàn khác. Quá ám ảnh và chán chường trước cuộc sống thực tại, Kiên đã tự tay đốt cuốn tiểu thuyết của mình thành tro và anh ra đi, không ai biết được. Thứ còn sót lại là mớ bản thảo rối bời, chấp nối không liền mạch được người đàn bà câm gom góp, cất giữ.
Cảm nhận của độc giả sau khi đọc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
Nhận xét của những trang báo, tạp chí lớn trên thế giới
Nhận xét của bạn đọc đánh giá
Những điều tâm đắc sau khi đọc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
Điểm mình thích trước hết chính là ở cảm hứng của câu chuyện. Cuốn tiểu thuyết được viết theo kết cấu dòng ý thức, nó đã khắc họa hết những suy tư, tâm tưởng của một người lính sau nhiều năm dài chiến đấu, trở về và sống trong thời đại hòa bình, nhưng ở đó cũng làm nổi bật lên những nỗi đau, những vết thương lòng không bao giờ dứt. Từ đời tư của nhân vật Kiên, tác giả Bảo Ninh đã khắc họa nên tâm lý của cả một thời đại.
Thời gian trong truyện là thời gian tuyến tính và thời gian đồng hiện, phù hợp với mạch cảm xúc của nhân vật. Kết cấu tiểu thuyết truyện lồng trong truyện thể hiện cái tài của tác giả. Một điểm nổi bật của Nỗi buồn chiến tranh mà mình thích nữa là trong tiểu thuyết có hiện tượng phân rã, tức là một bức tranh lắp ghép phân mảnh các sự kiện không theo trật tự thời gian, không gian nào cả. Từng mảnh đời của các nhân vật như được cắt ra, phân tán và những mảnh ký ức chắp nối, rời rạc của các nhân vật bị tung ra, lật nhào toàn bộ thứ tự vị trí ban đầu của nó giống như kỹ thuật lắp ghép cắt sáng của điện ảnh.
Ngôn ngữ tiểu thuyết cùng kỹ năng viết văn quá đỗi tuyệt vời, bạn đọc có thể highlight rất nhiều trong từng trang văn, trong đó có hàng tá những trường đoạn lấy đi nước mắt bạn đọc.
Tác phẩm đã tạo ra vô số thông điệp về con người và cuộc sống, thành công trong việc xoáy sâu vào người đọc nỗi đau về thân phận con người trong chiến tranh và lớn hơn thế nữa là bức thông điệp đối với toàn nhân loại về chiến tranh. Không thi vị hóa và trần trụi đến đau lòng, nó gợi nên một nỗi buồn sâu thẳm, một nỗi buồn man mác của một thế hệ sinh ra trong thời bình. Nó chạm đến những góc tối, những nỗi đau không bao giờ nguôi nổi và nhắc nhở chúng ta về một thời mất mát đã qua mà nay vẫn còn âm ỉ không bao giờ dứt.
Mua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh ở đâu? Giá bao nhiêu?
Bạn có thể dễ dàng tìm mua cuốn sách ở các nhà sách lớn hoặc các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee,… Có thể tham khảo các đường link dưới đây:
- Mua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh với giá khoảng 84.000đ/cuốn trên Shopee tại đây
- Mua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh với giá khoảng 115.000đ/cuốn trên Tiki tại đây
Nỗi buồn chiến tranh là một kiệt tác đầy tính nhân văn người đọc không nên xem xét nó trong một giới hạn cụ thể mà nhà văn đã tham dự mà nên nhìn một cách khái quát hơn. Đó là số phận con người ở đó có người hiện lên đầy đủ với những con vật cảm xúc suy tư trăn trở, niềm đau, nỗi tuyệt vọng vĩ đại. Đó là con người mà muôn đời văn học khám phá.
Nỗi buồn chiến tranh không phải là một cuốn sách dễ đọc, nhưng nếu bạn thử trải nghiệm nó, mình tin chắc rằng nó sẽ trở thành một trong những trải nghiệm đọc tuyệt vời nhất. Và nếu thấy thú vị, hãy chia sẻ với chúng mình nhé!
Đọc thêm những review sách khác tại đây:
- Review sách Tôi không thích ồn ào – Hành trình tìm kiếm sự bình yên nội tại
- Review sách Thất Lạc Cõi Người: Nỗi đau của một kẻ xa lạ
- Review sách Sống mòn (Nam Cao): Trình độ không quan trọng bằng thái độ
- [Review sách] Người đua diều – Cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ với những trang viết rất đời
- Review sách “Ngàn mặt trời rực rỡ” – Người đọc hóa đá trước số phận phụ nữ Afghanistan