Truyền hình thực tế là một trong những chương trình truyền hình thu hút được lượng khán giả đông đảo, bởi kịch bản không được sắp đặt trước và tính chân thật cũng như sự hài hước trong cách ứng biến tự nhiên của người chơi là điểm ấn tượng nhất. Hàn Quốc là cái nôi của truyền hình thực tế có sự tham gia của những người nổi tiếng. Kịch bản mới lạ, tạo nhiều tiếng cười, hài hước và bất ngờ là tất cả những điều khiến cho các show truyền hình ở Hàn lại ăn khách đến thế.
1. Running Man
Lên sóng tập đầu tiên vào tháng 7 /2010 cho đến thời điểm hiện tại Running Man đã thực hiện được tổng cộng hơn 300 tập phát sóng và có lượng fan đông đảo trải dài khắp các châu lục, “Đừng đi, hãy chạy” là câu slogan của chương trình. Ở mỗi tập, 7 người chơi chính và khách mời sẽ được chia đội ngẫu nhiên và có nhiệm vụ vượt qua những thử thách của chương trình để giành chiến thắng cuối cùng. Tình huống hài hước, yếu tố sáng tạo trong từng thử thách là điều khiến khán giả Việt mê say. Nếu được Việt hóa, điều khó khăn nhất là cơ sở vật chất và các host nổi tiếng và hoạt ngôn đúng với format gốc.
2. We Got Married
Lên sóng vào năm 2008 và đã được thực hiện đến mùa thứ 4, We Got Married là chương trình có nội dung nói về cuộc sống hôn nhân giả tưởng của sao Hàn. Những nghệ sĩ tham gia được nhà sản xuất ghép cặp với nhau trên những điều tra tính cách trước đó về mẫu người lý tưởng của cả hai. Các cặp đôi sẽ cùng nhau trải qua khoảng thời gian hẹn hò và chung sống như một cặp vợ chồng thật sự. Rất nhiều cặp đôi thần tượng đã tham gia chương trình và được fan Việt mong muốn trở thành “show giả tình thật”. Format gốc không quá khó để thực hiện khiến fan Việt mong muốn đây là chương trình Việt hóa sớm nhất.
3. Infinity Challenge
Là chương trình xứng đáng đại diện cho nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, Infinity Challenge khiến fan Việt “sốt xình xịch” bởi tài dẫn dắt của MC quốc dân Yoo Jae Suk cùng sự tham gia của các nghệ sĩ lão làng khác như: ParK Myung Soo, Haha, Jung Jun Ha. Đúng như tên gọi các nghệ sĩ phải vượt qua thử thách “trời ơi đất hỡi” mà nhà sản xuất đặt ra. Từ nấu ăn dã chiến, đấu vật, người mẫu, ghi âm,… Giống như Running Man, yếu tố con người là bài toán đặt ra khi đưa bản quyền về Việt Nam.
4. The Return Of Superman
Nội dung của chương trình này nói về các ông bố nổi tiếng phải tự mình chăm con mà không có sự giúp đỡ của bất kỳ ai trong 2 ngày. Độ tuổi trung bình của các bé nằm ở khoảng 2 tuổi đến 6 tuổi. Trong quá trình tham gia chương trình, bố sẽ hoàn thành những nhiệm vụ do mẹ giao hoặc khám phá các hoạt động thú vị như tập bơi, múa ballet,… Sự ngây ngô của các con và sự hậu đậu của các bố đã tạo nên tính hài hước của chương trình. Ở Việt Nam đã có phiên bản tương tự chương trình này là “Bố ơi, mình đi đâu thế” nên fan Việt sẽ thêm hy vọng đem chương trình này về với khán giả càng sớm càng tốt.