Thiên nhiên luôn là đối tượng kỳ bí nhất và cũng thú vị nhất làm khó các nhà khoa học trên thế giới. Hãy cùng Bloganchoi khám phá xem những hiện tượng thiên nhiên “cao tay” nào lại có thể khiến các nhà khoa học đại tài của chúng ta phải “điên đầu” nhé!
Trăng xanh
“Trăng xanh” (Blue moon) là cái tên người phương Tây đặt ra để gọi hiện tượng trăng tròn 2 lần trong 1 tháng dương lịch, theo chu kỳ khoảng 2-3 năm một lần. Thật ra, mặt trăng không có màu xanh như tên gọi, đó chỉ là một tên gọi được đặt ra có ý nghĩa là “trăng đến sớm” để người phương Tây có thể đánh dấu tính đúng thời gian cho mùa trăng sau.
Rừng đá Bazan
Rừng đá bazan này được hình thành do dung nham được làm lạnh đột ngột khiến chúng bị nứt ra, tạo thành những cột đá có kích thước và hình dáng khá đồng đều. Kích thước của những cột đá này được quyết định bởi tốc độ lạnh nhanh hay chậm, và hình dáng thì đa phần là hình đa giác rất độc đáo. Trên thế giới có nhiều rừng đá bazan nổi tiếng như ở Ireland, Hàn Quốc hay ngay ở Việt Nam cũng có Ghềnh Đá Đĩa lừng danh tọa lạc tại Phú Yên.
Hòn đá biết đi
Thung lũng Chết (Death Valley) tọa lạc ở khu vực phía Đông sa mạc Mojave, California (Mỹ) nổi tiếng vào năm 1940 bởi những hòn đá nặng 320 kg “biết đi” để lại những đường di chuyển trên nền đất nứt nẻ đã tạo nên một bài toán khó cho các nhà khoa học thời bấy giờ.
Cho đến năm 2011, bí ẩn này đã được nhóm nghiên cứu từ Đại học San Diego giải đáp. Mực nước ở hồ Racetrack đã tạo thành một lớp băng mỏng đủ sức đẩy những hòn đá đi, và sau khi băng tan những hòn đá này sẽ di chuyển theo tạo nên hiện tượng thú vị này.
Dòng sông dưới mặt nước
Con sông bí ẩn này mang tên Cenote Angelita nằm sâu dưới mực nước 30 m của hố sụt ở bán đảo Yucatan (Mexico). Theo các nhà khoa học, hiện tượng này được tạo ra bởi một lớp đệm dày của khí hydro sulfate (H2S). Khí này là sản phẩm từ sự phân hủy của các chất hữu cơ do vi khuẩn ở đáy biển tạo nên.
“Donut” tuyết
Những chiếc bánh donut trắng xóa này là kết quả của sự kết hợp tuyệt vời của tốc độ gió, địa hình và nhiệt độ thiên nhiên. Lớp tuyết mỏng ở trên bị gió cuốn xuống theo đường dốc và tạo thành một vòng bánh quanh lớp băng nhẵn hoặc lớp tuyết cứng. Độ to của vòng bánh này phụ thuộc vào sức gió, gió càng mạnh vòng càng lớn, nhưng bánh rất mỏng có thể vỡ dù chỉ va chạm nhẹ.