Các công cụ AI tạo hình ảnh ngày càng giống thật, nhiều hình ảnh do AI tạo ra trông thật đến mức khó tin, nhưng nếu nhìn kỹ có thể nhận thấy những sai sót rất tinh tế. Trong khi đó ảnh thật và tranh vẽ thủ công có chiều sâu và tính thực tế mà AI không thể sánh bằng. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn phát hiện hình ảnh do AI tạo ra, hãy cùng khám phá nhé!

Đôi mắt không giống người thật

Nếu bạn thấy một bức chân dung không đẹp thì nguyên nhân thường là do đôi mắt. AI có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, nhưng nó gặp khó khăn trong việc nắm bắt cảm xúc của con người và các chi tiết tinh tế của đôi mắt, dẫn đến ánh mắt nhìn chằm chằm có vẻ trống rỗng, không cân xứng hoặc đơn giản là gây cảm giác khó chịu cho người xem.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Đồng tử có thể không thẳng hàng, một bên mống mắt có thể to hơn bên kia hoặc ánh mắt thiếu chiều sâu tự nhiên khiến khuôn mặt con người trở nên thiếu sức sống. Hình ảnh do AI tạo ra thường có biểu cảm vô hồn, sự mất kết nối về cảm xúc rất tinh tế nhưng lại vô cùng khó chịu, thường khiến người xem có cảm giác nghi ngờ ngay lập tức mà không biết lý do tại sao.

Các logo và thương hiệu bị biến dạng

Các biển báo và thương hiệu hiếm khi chính xác trong hình ảnh do AI tạo ra, ví dụ như logo bị biến dạng hoặc hợp nhất với các thành phần từ một thương hiệu khác, hoặc các ký hiệu vô nghĩa giống logo nhưng không tồn tại ngoài đời thực.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Những sự biến dạng như vậy cho thấy AI thiếu hiểu biết về ngữ cảnh thực tế và càng dễ nhận ra nếu bạn đã quen nhìn các thương hiệu ngoài đời thực. Các chi tiết nhỏ – ví dụ như độ đậm nhạt của phông chữ, khoảng cách hay hình dạng của một chi tiết cụ thể – thường là nơi xuất hiện sự biến dạng nhiều nhất. Điều này đặc biệt rõ ràng khi AI cố gắng kết hợp nhiều logo khác nhau thành một.

Điều thú vị mà nhiều người phát hiện trong quá trình sử dụng AI là hầu hết mọi công cụ tạo hình ảnh AI đều có xu hướng đưa logo Coca Cola (hoặc một phiên bản biến thể của nó) vào bất kỳ khung cảnh nào, và thường là logo khá chính xác. Nguyên nhân có thể là do nhiều người dùng yêu cầu AI tạo logo của thương hiệu này khiến các mô hình AI được huấn luyện để tạo ra logo này thường xuyên hơn các thương hiệu khác.

Hình ảnh phản chiếu trong gương

Gương, mặt nước và kính có thể phơi bày những điểm yếu của AI khi hình ảnh phản chiếu bị thiếu hoàn toàn các chi tiết hoặc chứa các thành phần không khớp hoặc bị biến dạng, mâu thuẫn với hình ảnh gốc.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Trong một số trường hợp, bạn sẽ thấy hình phản chiếu có chứa các bộ phận hoặc vật thể dư thừa vốn không có trong hình gốc. Thậm chí có những trường hợp hình phản chiếu bước ra khỏi gương và trở thành một phần của bối cảnh thực. Những hình ảnh do AI tạo ra này có thể trông giống như các bộ phim kinh dị thời đầu những năm 2000.

Trong khi thế giới thực tuân theo các định luật vật lý và quang học thì hình ảnh AI thường không như vậy. Càng có nhiều bề mặt phản chiếu thì khả năng xuất hiện những điểm bất thường này càng cao.

Các công trình kiến trúc kỳ lạ

AI có thể bắt chước được phong cách kiến trúc, nhưng lại gặp khó khăn với cấu trúc vật lý. Khi nhìn kỹ các tòa nhà trong hình ảnh do AI tạo ra, bạn thường sẽ thấy các yếu tố thiết kế không có ý nghĩa thực tế hoặc trái với quy tắc vật lý.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Ví dụ như cầu thang có thể dẫn thẳng vào tường, cánh cửa lơ lửng trên mặt đất mà không có cách nào để đi tới, cửa sổ có thể bị ép lại với nhau hoặc cách xa nhau đến mức kỳ lạ như thể được copy và paste ngẫu nhiên từ các tòa nhà khác. Mái nhà có thể giao nhau với góc độ vô lý và các cột chống có thể biến mất hoặc đâm xuyên qua sàn nhà một cách phi logic.

AI không thực sự hiểu về kỹ thuật và trọng lực, nó chỉ suy đoán dựa trên các hình mẫu trực quan mà chúng được huấn luyện. Kết quả là AI thường tạo ra các cấu trúc trông giống thật khi nhìn thoáng qua nhưng lại bất thường khi xem xét kỹ lưỡng.

Bối cảnh không khớp nhau

Thoạt nhìn tiền cảnh của hình ảnh có vẻ giống thật nhưng nhìn kỹ có thể phát hiện hậu cảnh bất thường. Ví dụ như cây mọc trên mái nhà, người lơ lửng trên cao so với mặt đất, Tháp Eiffel nằm trong bãi đậu xe. Các hình ảnh có thể xuất hiện như hòa lẫn vào các vật thể, các tòa nhà xung quanh, xe cộ hay hàng rào.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Đôi khi tỷ lệ hình ảnh cũng không đúng, ví dụ như một con mèo có kích thước bằng hộp thư hoặc một ngọn đèn đường chỉ cao ngang tầm mắt. Cũng có thể xuất hiện các đốm hoặc kết cấu không xác định thay thế cho các vật thể thực – những thứ vốn không tồn tại trong thế giới tự nhiên.

AI có thể làm giả các chi tiết, nhưng thường không thể đặt những chi tiết đó vào đúng vị trí hợp lý như ngoài đời thực. Một số công cụ AI có khả năng tạo ra hình ảnh chân thực, nhưng ngay cả những AI mạnh nhất cũng khó tạo ra được bối cảnh rõ ràng và hợp lý.

Phông nền bị mờ hoặc méo mó

Tương tự như điều trên, những chi tiết ở hậu cảnh thường bị AI bỏ qua khi tạo hình ảnh nên thường xuất hiện một cách mờ nhạt, không đầy đủ hoặc bị biến dạng đến mức vô lý. Những hình người biến dạng có thể mang các đặc điểm trên khuôn mặt bị bóp méo hoặc không rõ ràng, tư thế mất phương hướng. Tay chân có thể bị chồng lên nhau theo cách kỳ lạ hoặc đầu có thể lơ lửng cao hơn cổ một chút.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Đối với những hình ảnh đông người có thể xuất hiện những khuôn mặt được tạo ra giống nhau, kiểu tóc đối xứng hoặc nhiều người có cùng một tư thế, mặc quần áo giống nhau.

Đối với AI, các chi tiết ở hậu cảnh có thể tiết lộ bản chất nhân tạo của hình ảnh. Bất kể tiền cảnh có sắc nét đến đâu, những chi tiết bất thường ở hậu cảnh là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hình ảnh đó không phải là tự nhiên.

Các dấu hiệu sau đây chỉ áp dụng cho các công cu AI tạo hình ảnh kiểu cũ, vì các mô hình AI hiện đại đã có tiến bộ đáng kể và có thể tránh được những vấn đề này.

Da mịn quá mức và giống như nhựa

Hình người do AI tạo ra thường có làn da được chỉnh sửa đến mức giả tạo. Điều này bắt nguồn từ cách AI xử lý các đặc điểm và kết cấu khuôn mặt – thường ưu tiên sự mịn màng hơn là tính chân thực.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Lỗ chân lông trên da biến mất. Nếp nhăn, tàn nhang và sẹo bị xóa. Kết quả là làn da bóng nhờn, quá bóng, không có kết cấu bề mặt như da thật. Thông thường hiệu ứng làm mịn này không chỉ xuất hiện ở khuôn mặt mà còn ảnh hưởng đến cổ, tay và thậm chí cả quần áo, tạo ra vẻ ngoài kỳ lạ.

Có rất nhiều công cụ AI có khả năng tạo hình ảnh từ văn bản, nhưng hầu hết đều gặp phải vấn đề này. Chỉ những mô hình hiện đại như GPT-4o mới có thể tạo ra hình ảnh cực kỳ chân thực, tránh hiện tượng da giả.

Bàn tay bất thường về mặt giải phẫu

Đây vẫn là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất. AI từ lâu đã gặp khó khăn trong việc tạo ra hình ảnh bàn tay một cách chính xác, và mặc dù hiện tại đã có nhiều cải tiến nhưng các ngón tay bị biến dạng vẫn là một dấu hiệu rõ ràng để phát hiện AI.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Có thể thấy số lượng ngón tay thừa, các khớp bị dính nhau, độ cong không tự nhiên hoặc ngón tay nhô ra khỏi lòng bàn tay. Vì AI không thực sự “hiểu” giải phẫu học của con người nên nó thường tạo ra hình ảnh bất thường.

Ngón tay cái đặc biệt dễ bị biến dạng, nếu phóng to hình ảnh và xem xét kỹ có thể sẽ thấy điều gì đó kỳ lạ. Đôi khi toàn bộ bàn tay được đặt ở tư thế kỳ lạ hoặc kích thước quá nhỏ hoặc quá lớn so với cơ thể.

Chữ viết bị biến dạng và vô nghĩa

Hình ảnh do AI tạo ra luôn gặp trục trặc về văn bản. Hãy thử yêu cầu AI tạo ra hình ảnh biển báo đường phố hoặc nhãn sản phẩm, kết quả thường là các ký tự lộn xộn không thể đọc được.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Các công cụ tạo hình ảnh AI được huấn luyện dựa trên dữ liệu hình ảnh trực quan mà không có khả năng hiểu ngôn ngữ. Do đó chúng thường tạo ra các hình ảnh giống chữ cái bắt chước văn bản nhưng không tạo thành các từ ngữ thực sự có ý nghĩa. Kể cả khi một từ có vẻ quen thuộc khi nhìn thoáng qua nhưng nếu xem xét kỹ hơn có thể thấy các nét thừa, phông chữ không nhất quán hoặc khoảng cách giữa các chữ cái không hợp lý.

Điều quan trọng cần lưu ý là một số mô hình AI hiện đại có khả năng tạo văn bản có nghĩa, mặc dù đôi khi vẫn có thể phát hiện ra những điểm bất thường nhỏ. Trên thực tế có những công cụ giúp sửa văn bản vô nghĩa trong hình ảnh do AI tạo ra, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Ánh sáng không nhất quán

Lỗi ánh sáng cũng là một dấu hiệu thường gặp do AI tạo ra, ví dụ như bóng đổ hướng theo các hướng khác nhau hoặc một vật được chiếu sáng từ bên trái nhưng lại đổ bóng theo cùng hướng đó. Ngoài ra bóng có thể xuất hiện quá mềm, quá sắc nét hoặc hoàn toàn không có.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Kể cả khi bạn không phải là chuyên gia về ánh sáng nhưng tất cả chúng ta đều có trực giác về hiệu ứng ánh sáng ngoài đời thực. Khi AI không tuân theo các quy tắc ánh sáng thông thường, người xem có thể phát hiện cho dù chỉ là vô thức.

Trang sức trái với vật lý

Hoa tai không đồng bộ lơ lửng giữa không trung, vòng cổ gắn chặt vào da, kính lơ lửng trên tai, v.v. Các mô hình AI thường xử lý sai về tương tác vật lý giữa các phụ kiện với cơ thể con người.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Khi phóng to những vật thể này, có thể thấy những chi tiết không bình thường. Ví dụ như hình ảnh trên cho thấy những chiếc vòng cổ dài treo thấp trên ngực người phụ nữ, nhưng chúng lại không xuất hiện ở quanh vùng cổ và vai của cô ấy. Bóng của những vật thể này cũng có thể không xuất hiện hoặc mâu thuẫn với nguồn ánh sáng trong hình ảnh.

Tóm lại

Mỗi khi bạn nhìn thấy một hình ảnh cực kỳ giống thật trên mạng, hãy dành chút thời gian kiểm tra kỹ trước khi chia sẻ. Phóng to, đếm số ngón tay, đọc biển báo trên đường phố, kiểm tra bóng đổ, v.v. Tất cả những chi tiết đó đều có thể giúp phát hiện hình ảnh do AI tạo ra.

Kể cả khi AI nhận diện đúng từng chi tiết thì vẫn thường mắc lỗi ở những chi tiết khác. Càng kiểm tra kỹ, bạn sẽ càng phát hiện thấy nhiều điểm không bình thường. AI đang cải thiện nhanh chóng nhưng vẫn không thể sao chép thực tế một cách chính xác hoàn toàn.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Khách hàng Samsung Galaxy Note 7 có thể đổi máy tại Thế Giới Di Động

Đó là thông tin mới nhất vừa được Thế Giới Di Động công bố trong sáng nay 3/9 cho sự cố với người mua Samsung Galaxy Note 7.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận