Bạn có bao giờ bị nghiến răng trong lúc ngủ? Đó là hiện tượng phổ biến với mọi người nhưng nếu xảy ra thường xuyên và quá mức có thể gây hậu quả như làm vỡ răng, đau hàm và đau đầu khi thức dậy, ngoài ra cũng ảnh hưởng tới những người xung quanh. Vậy nguyên nhân gây nghiến răng là gì? Đó có phải là bệnh hay không và làm sao để khắc phục? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Sponsor

Nghiến răng là gì?

Hãy tưởng tượng một lực lớn hơn gấp 3 đến 10 lần lực cần dùng để làm vỡ quả óc chó, và lực đó tác dụng lên hàm răng của bạn – đó chính là nghiến răng. Hiện tượng này đã được ghi nhận từ thời xa xưa và ngày nay các chuyên gia cho rằng chứng nghiến răng có nhiều dạng phức tạp, có thể chỉ là hành vi bình thường nhưng cũng có người cho rằng đó là một chứng rối loạn, mặc dù không đi kèm với bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác.

Nghiến răng có thể gây đau khi thức dậy (Ảnh: Internet)
Nghiến răng có thể gây đau khi thức dậy (Ảnh: Internet)

Nghiến răng là hoạt động của cơ hàm lặp đi lặp lại khiến răng cọ xát vào nhau với lực mạnh. Có 2 dạng chủ yếu là nghiến răng khi tỉnh (ban ngày) và nghiến răng khi ngủ (ban đêm), có liên quan với nhau nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Một số người mắc cả hai dạng kết hợp.

Nghiên cứu cho thấy nghiến răng đã tăng kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, có thể là do mọi người bị căng thẳng nhiều hơn. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người đang mắc phải hiện tượng này mà không hề hay biết cho tới khi đi khám.

Những người nào có nguy cơ bị nghiến răng?

Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Y tế của Đại học Isfahan năm 2019, nhiều người bị nghiến răng từ trước tuổi trưởng thành và tiếp tục duy trì về sau, trong khi những người khác mắc phải chứng này ở độ tuổi lớn hơn. Bất cứ ai cũng có thể bị nghiến răng, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn:

  • Những người trải qua stress lớn như chuyển nơi ở, thay đổi công việc mới, kết hôn, sắp có con, v.v. Nghiên cứu cho thấy mức độ căng thẳng tinh thần có liên quan chặt chẽ với mức độ nghiến răng, mặc dù nhiều người không biết mình đang mắc phải.
Stress có thể làm chúng ta dễ bị nghiến răng hơn (Ảnh: Internet)
Stress có thể làm chúng ta dễ bị nghiến răng hơn (Ảnh: Internet)
  • Những người có vấn đề về giấc ngủ: Đối với những người bị nghiến răng khi ngủ, các bác sĩ thường hỏi xem giấc ngủ của họ có tốt hay không và có vấn đề gì bất thường. Ví dụ: tình trạng khớp cắn lệch (hai hàm răng không khớp nhau) và các vấn đề về hô hấp như hen suyễn về đêm và ngưng thở khi ngủ đôi khi có thể góp phần gây nghiến răng ban đêm. Trên thực tế, chứng nghiến răng khi ngủ thường được coi là một rối loạn giấc ngủ và cần phải theo dõi tình trạng giấc ngủ để phân tích rõ hơn.
  • Sử dụng cà phê hoặc rượu: uống nhiều cà phê hoặc rượu có thể làm tăng nghiến răng, nguyên nhân được cho là bởi các chất này làm cơ thể bị kích thích quá mức và mất nước. Thuốc lá và các loại thuốc kích thích khác cũng có thể gây nghiến răng nhiều hơn.
  • Di truyền: Nghiên cứu cho rằng nghiến răng có liên quan với di truyền và những người bị nghiến răng thường có chung một số đặc điểm khác như chứng lo âu. Đôi khi tình trạng răng mọc lệch do di truyền cũng dẫn đến nghiến răng, và khi khắc phục vấn đề này thì nghiến răng cũng giảm bớt.
  • Dùng thuốc chống trầm cảm: Nghiến răng là một trong những tác dụng phụ hiếm gặp của một số thuốc chống trầm cảm thuộc loại SSRI, là một trong những loại thuốc được kê đơn nhiều nhất ở Mỹ.
Một số thuốc chống trầm cảm có thể gây tác dụng phụ nghiến răng (Ảnh: Internet)
Một số thuốc chống trầm cảm có thể gây tác dụng phụ nghiến răng (Ảnh: Internet)
  • Người mắc bệnh nền: Những người mắc bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, rối loạn trào ngược dạ dày thực quản (GERD), động kinh, hoảng loạn về đêm hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có nguy cơ mắc chứng nghiến răng cao hơn người bình thường, theo Mayo Clinic. Ngoài ra những người đang mắc các vấn đề về tinh thần cũng cần chú ý nhiều hơn.

Dấu hiệu nào để phát hiện chứng nghiến răng?

Khi một người có triệu chứng đau đầu, đau răng hoặc ngủ không sâu giấc, các bác sĩ sẽ tìm kiếm một số đặc điểm gợi ý chứng nghiến răng như:

  • Răng và các dụng cụ nha khoa trong miệng bị hư: ví dụ như có dấu hiệu mài mòn, bong tróc, nứt, mảnh vụn là bằng chứng rõ ràng cho thấy có nghiến răng. Ở những trường hợp nặng, răng bị hư nhiều đến mức lộ rõ các cấu trúc bên trong. Các răng hàm thường bị mòn ở phần đỉnh hoặc ngả sang màu hơi vàng hoặc hơi nâu do bị mất lớp men răng.
Răng có thể bị hư hại đến mức dễ nhìn thấy (Ảnh: Internet)
Răng có thể bị hư hại đến mức dễ nhìn thấy (Ảnh: Internet)
  • Nghiến răng quá mạnh và thường xuyên cũng có thể khiến răng bị lung lay do tách rời với các bộ phận xung quanh, răng dễ bị rụng.
  • Tiếng ồn khi ngủ: Đây là lý do khiến nhiều người đi khám vì làm phiền tới những người xung quanh trong lúc ngủ. Tiếng ồn là do khớp thái dương hàm (khớp giữa hàm trên và hàm dưới) có thể tạo ra âm thanh khi cử động mạnh. Đối với những trường hợp này có thể sử dụng các thiết bị hoặc ứng dụng ghi âm để theo dõi xem có hiện tượng nghiến răng khi ngủ hay không.
  • Răng nhạy cảm: Nghiến răng nhiều có thể tạo ra những vết gãy nhỏ khiến răng trở nên đặc biệt nhạy cảm với đau, lạnh, nóng hoặc các kích thích khác. Thậm chí vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua những vết thương này và tấn công vào bên trong, dẫn đến phải điều trị tủy răng.
Răng nhạy cảm là dấu hiệu bị tổn thương khá nặng (Ảnh: Internet)
Răng nhạy cảm là dấu hiệu bị tổn thương khá nặng (Ảnh: Internet)
  • Đau cơ, đau hàm và cổ: Các cơ hàm có thể bị căng cứng, phát triển quá mức, hoặc bị đau khi chạm vào. Có thể bị cứng hàm, khó cử động và cổ bị đau mỏi. Một số người nghiến răng còn bị loét ở mặt trong má do răng làm tổn thương.
  • Đau đầu: Đau bắt nguồn từ các cơ liên quan đến hoạt động nhai, có thể lan sang các phần khác của đầu và mặt. Người bị nghiến răng có thể đau hoặc có cảm giác căng ở gần tai, hoặc bị đau đầu, nhất là khi mới ngủ dậy. Nếu cơn đau xảy ra vào buổi chiều tối cho thấy nghiến răng diễn ra vào ban ngày.
  • Ngủ không sâu: Theo Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ, chứng nghiến răng có thể làm gián đoạn giấc ngủ khiến cơ thể khi thức dậy cảm thấy mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Chóng mặt và đau tai: Nghiến răng ảnh hưởng tới các cơ, xương và khớp ở vùng đầu mặt, có thể dẫn đến chóng mặt và đau tai.

Các phương pháp điều trị chứng nghiến răng ban ngày

Nhiều người có hành vi nghiến răng ban ngày – thường là vô thức – do xúc động mạnh, lo lắng và tập trung quá mức. Có 2 phương pháp chính để khắc phục vấn đề này.

Tự nhắc nhở mình không được nghiến răng

Điều quan trọng là bản thân phải ý thức rằng mình có thể đang mắc phải tình trạng này và phải theo dõi để phát hiện. Một số cách được các chuyên gia gợi ý như sau:

  • Đặt chuông báo mỗi 20 phút một lần để nhắc nhở bản thân tự kiểm tra.
  • Dùng các app trên điện thoại để tự động nhắc nhở và ghi lại những trải nghiệm trong ngày.
  • Mang theo một cuốn sổ hoặc điện thoại để ghi lại những sự việc có thể kích thích nghiến răng.
  • Luôn giữ hai hàm răng tách rời nhau trong miệng, mặc dù một số người cảm thấy khó chịu và không thoải mái nhưng cách này sẽ giúp tránh nghiến răng do vô thức.
  • Thực hiện các hoạt động thay thế: Nếu bạn phát hiện mình sắp nghiến răng thì hãy chống lại cảm giác đó bằng các hoạt động khác để đánh lạc hướng, ví dụ như phát âm chữ cái “n” khiến cho hai hàm răng phải tách rời nhau.

Phương pháp điều trị cho nghiến răng ban đêm

Nghiến răng ban đêm phổ biến hơn (Ảnh: Internet)
Nghiến răng ban đêm phổ biến hơn (Ảnh: Internet)

Nghiến răng ban ngày và ban đêm có liên quan với nhau, nhưng thường diễn ra vào ban đêm nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng nghiến răng ban đêm có thể là phản xạ của cơ thể giúp giảm căng thẳng. Rất khó để ngăn nghiến răng mà vẫn không ảnh hưởng tới giấc ngủ, vì vậy thường áp dụng những cách gián tiếp như sau.

Tạo giấc ngủ thoải mái nhất

Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với người bị nghiến răng. Nên chuẩn bị phòng ngủ mát mẻ, tối, yên tĩnh và không có thiết bị điện tử, đồng thời thực hiện các biện pháp thư giãn nhẹ nhàng trước khi ngủ như nghe nhạc, ngâm chân nước ấm.

Giảm căng thẳng

Tập yoga, tập hít thở, xoa bóp là những biện pháp có thể làm giảm stress rất tốt.

Các dụng cụ bảo vệ răng

Các dụng cụ được chế tạo để ngăn nghiến răng (Ảnh: Internet)
Các dụng cụ được chế tạo để ngăn nghiến răng (Ảnh: Internet)
Sponsor

Ví dụ như nẹp cao su được thiết kế vừa khít với hàm răng và được đeo thường xuyên trong miệng để tránh hai hàm răng tiếp xúc với nhau. Các dụng cụ này giúp bảo vệ răng khỏi bị hư hại và có thể giảm tiếng ồn do nghiến răng, nhưng bản thân chúng không ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ.

Tùy theo mức độ nghiến răng của mỗi người mà chọn dụng cụ phù hợp. Những trường hợp nhẹ chỉ cần mua nẹp cao su có bán tại các tiệm thuốc thông thường, trong khi những người bị nặng cần dùng những thanh nẹp có độ bền cao và được chế tạo riêng phù hợp với hàm răng của người đó, chúng có giá cao hơn và có thể bảo vệ răng trong nhiều năm.

Theo các chuyên gia, nếu dụng cụ bảo vệ không phù hợp với hàm răng có thể góp phần làm hư răng nhiều hơn, do đó phải chọn những dụng cụ vừa vặn để bảo vệ răng tốt nhất.

Bạn có thể mua nẹp chống nghiến răng tại đây

Xem xét các loại thuốc đang dùng

Như đã nói, thuốc chống trầm cảm có thể gây tác dụng phụ là nghiến răng, đặc biệt là các loại thuốc như fluoxetine (Prozac), sertraline (Zoloft) và venlafaxine (Effexor). Mặc dù đây không phải là tác dụng phụ phổ biến nhưng nếu bạn bị nghiến răng sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ để đổi thuốc khác.

Tiêm Botox

Botox là một loại thuốc gây tê cục bộ được dùng phổ biến trong các thủ thuật thẩm mỹ và điều trị chứng đau nửa đầu, cũng có thể được sử dụng để thư giãn các cơ hàm hoạt động quá mức trong tình trạng nghiến răng. Tuy nhiên đây là một chất độc thần kinh nên phải hết sức thận trọng, chỉ được sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ.

Sponsor

Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS)

Đây là phương pháp đã được sử dụng từ lâu trong vật lý trị liệu để giảm đau bằng cách ngăn chặn truyền tín hiệu đau đến não, do đó cũng có thể được dùng để điều trị chứng nghiến răng, giúp giảm đau và thư giãn cơ hàm. TENS cũng được cho là có tác dụng làm tăng giải phóng endorphin, tạo cảm giác vui vẻ thoải mái cho cơ thể.

Vật lý trị liệu

Các chuyên gia vật lý trị liệu cho rằng các bài tập xoa bóp, làm nóng và kéo giãn có thể giúp thả lỏng các cơ hàm bị căng cứng do nghiến răng. Có một số bằng chứng cho thấy phương pháp này có hiệu quả trong thực tế.

Dùng thuốc

Đối với những trường hợp nghiến răng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ sử dụng trong thời gian ngắn, nhưng thuốc cũng có tác dụng phụ và có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Tổng kết

Nghiến răng là một tình trạng rất phổ biến, thường gặp là nghiến răng ban đêm khi ngủ, nhưng nhiều người lại không hề biết mình đang mắc phải vấn đề này. Các nhà nghiên cứu chưa xác định được chính xác nguyên nhân cụ thể gây nghiến răng cũng như chưa tìm ra phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên nếu áp dụng các biện pháp hỗ trợ như trên một cách kiên trì có thể giúp cải thiện tốt về lâu dài.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Sponsor
Xem thêm

Làm cách nào để bảo vệ thính giác khi sử dụng tai nghe?

Theo báo cáo mới nhất của WHO, khoảng 1,1 triệu người trẻ tuổi có nguy cơ bị mất thính giác do sử dụng tai nghe không đúng cách. Vậy làm sao để không bị điếc vì tai nghe và bảo vệ an toàn cho thính giác? Nào, cùng tìm hiểu ngay!
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Đánh giá bài viết
Bạn có hài lòng với nội dung bài này?
Có 228 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(