Giá trị dinh dưỡng của Nấm nấu lạc. Nguồn: Nguyễn Sen
Nguyên liệu
100gr lạc (đậu phộng)
50gr nấm mèo khô
50gr nấm đông cô khô
100gr bắp non
100gr cà rốt
100gr củ sắn (còn gọi là củ đậu)
50gr táo đỏ
10gr kỷ tử
1 bìa đậu hũ chiên
Nước dừa tươi (bạn dùng nước của một quả dừa là được)
Giá đỗ (nếu bạn ăn kèm với bún)
Nguyên liệu dùng để chế biến cho 4 đến 5 người ăn. Bạn có thể thay thế các loại nấm và rau củ quả khác mà bạn thích vẫn được nhé!
Các nguyên liệu cần thiết. Nguồn: Nguyễn Sen
Sơ chế nguyên liệu
Nấm đông cô bạn ngâm nước khoản 6 đến 8 tiếng sau đó đem đi rửa sạch một lần với muối và xả lại với nước sạch 3 đến 4 lần.
Nấm mèo bạn cũng ngâm nước 6 đến 8 tiếng sau đó cắt bỏ phần gốc, rửa qua một lần với muối và xả lại 3 đến 4 lần với nước sạch rồi cắt miếng vừa ăn.
Lạc bạn rửa sạch rồi cho vào nồi, thêm vào khoản 500ml nước và một xíu muối nấu đến khi đậu chín mềm.
Bắp non cắt bỏ phần cuống và râu bắp (nếu có), rửa sạch, cắt khúc vừa ăn.
Cà rốt và củ sắn gọt vỏ, rửa sạch, tỉa hoa tùy thích
Đậu hủ cắt thành các khối vuông vừa ăn.
Táo đỏ, kỷ tử rửa qua với nước sạch 2 lần.
Cách làm
Bước 1: Xào nấm với gia vị cho ngấm.
Bắt nồi lên bếp thêm vào 2 muỗng canh dầu ăn. Đợi cho dầu nóng bạn thêm tỏi vào phi thơm (nếu không dùng ngũ vị tân bạn có thể bỏ qua bước này nhé) thì cho nấm mèo và nấm đông cô đã sơ chế vào, đảo đều tay rồi nêm vào 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường thêm một muỗng cà phê hạt nêm chay và 2 muỗng canh nước lọc. Bạn xào hỗn hợp này khoản 3 phút cho nấm ngấm gia vị.
Xào cho nấm ngấm gia vị. Nguồn: Nguyễn Sen
Bước 2: Thêm nước hầm canh
Sau 3 phút bạn cho 500ml dừa tươi vào (nếu nước dừa không đủ bạn dùng thêm nước lọc nhé) đồng thời cũng cho lạc đã luộc và củ sắn vào luôn.
Thêm nước, củ sắn và lạc vào nấu. Nguồn: Nguyễn Sen
Bước 3: Thêm táo đỏ và kỷ tử
Bạn bật lửa lớn nấu cho nước sôi lên thì hạ lửa vừa nấu thêm 7 đến 10 phút. Tiếp theo bạn cho táo đỏ và kỷ tử vào nấu 2 phút.
Thêm táo đỏ và kỷ tử. Nguồn: Nguyễn Sen
Bước 4: Thêm các nguyên liệu còn lại vào
Sau cùng bạn cho hết các nguyên liệu còn lại bao gồm bắp non, đậu hũ, cà rổt vào nấu sôi thêm 5 đến 7 phút nữa rồi nêm nếm lại lần cuối cùng cho hợp với khẩu vị gia đình. Vậy là món Nấm nấu lạc đã hoàn thành rồi đấy.
Thêm các nguyên liệu còn lại. Nguồn: Nguyễn Sen
Thành phẩm và thưởng thức
Nấm nấu lạc hoàn thành có nhiều màu sắc đẹp mắt từ rau củ quả. Nước dùng ngọt dịu, thanh mát nhờ nước dừa tươi và rau củ quả. Nấm đông cô thì dai mềm ngấm nước dùng thanh ngọt. Nấm mèo và các loại rau củ quả vừa chín tới nên vẫn giữ được độ giòn ngọt và hương vị đặc trưng của từng loại. Đây hứa hẹn là một món ăn thanh đạm nhưng rất hấp dẫn và bổ dưỡng cho thực đơn những ngày chay.
Nấm nấu lạc có thể dùng với bún hoặc mì kèm một ít giá và rau mùi cho thơm. Hay bạn cũng có thể bày ra tô thêm một ít tiêu xay và ngò gai cắt nhỏ dùng kèm với cơm như một món canh đều được.
Thành phẩm món ăn. Nguồn: Nguyễn Sen
Lưu ý khi chế biến
Bạn có thể thay thế nấm đông cô và nấm mèo bằng các loại nấm khác mà bạn thích như nấm rơm, nấm bào ngư, nấm đùi gà,…. Ngoài ra các loại rau củ quả cũng có thể thay thế bằng các nguyên liệu khác như hoa bí, măng tây, su hào,…
Nếu bạn dùng kèm với bún thì nên thêm nước nhiều hơn.
Nên chọn lạc có vỏ mỏng, màu vỏ đỏ trắng thay vì màu đỏ sẫm. Như vậy đậu khi nấu sẽ dẻo bùi và ngon hơn.
Nếu bạn không thích mùi của nấm đông cô thì BlogAnChoi xin chia sẻ thêm cho bạn một mẹo nhỏ để khử mùi nấm đó là sau khi rửa qua với nước muối bạn dùng một ít rượu cho vào nấm rồi vắt xả nấm 1 đến 2 phút sau đó mới dùng nước sạch xả lại 3 đến 4 lần. Làm như vậy sẽ giúp khử đi mùi đặc trưng của nấm đông cô mà nhiều bạn không thích.
Như vậy là BlogAnChoi vừa chia sẻ xong với bạn món Nấm nấu lạc rất dễ làm mà lại đầy đủ dinh dưỡng nhưng cũng không kém phần ngon miệng. Hi vọng với món ăn này, BlogAnChoi có thể giúp bạn có thêm một sự lựa chọn nữa góp phần làm phong phú thêm thực đơn chay cho gia đình bạn.