Mắt của bạn màu gì? Bạn có biết rằng đôi mắt không chỉ là “cửa sổ tâm hồn” để giao tiếp với mọi người, là điểm nhấn trên khuôn mặt khi chúng ta nhìn nhau, mà mắt còn nói lên nhiều điều về sức khỏe? Hãy cùng khám phá xem màu mắt có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tật như thế nào nhé!

Màu mắt không chỉ đơn thuần mang tính thẩm mỹ mà còn ẩn chứa nhiều bí mật kỳ thú. Ví dụ như có nhiều gene khác nhau trong cơ thể cùng tham gia vào quá trình tạo nên màu mắt, do đó những người trong cùng gia đình tuy có màu mắt “giống nhau” nhưng thực ra vẫn có khác biệt, theo bác sĩ Rachel Bishop tại Viện Mắt Quốc gia của Mỹ.

Mắt của bạn màu gì? (Ảnh: Internet).
Mắt của bạn màu gì? (Ảnh: Internet).

Và cũng giống như đối với màu da, những người thuộc cùng chủng tộc hoặc cùng huyết thống sẽ có màu mắt tương đối giống nhau đặc trưng cho riêng họ, chẳng hạn như mắt sẫm màu phổ biến ở người châu Phi hơn là người Bắc Âu.

Hơn nữa, dù là màu nâu, màu đen, xanh lá cây, xanh lam, màu xám hay pha trộn giữa các màu đó thì đôi mắt cũng có thể nói lên nhiều điều về bản thân hơn là những gì bạn thường nghĩ. Không chỉ là “cửa sổ tâm hồn” để giao tiếp và làm đẹp, màu mắt có thể ảnh hưởng tới nguy cơ mắc một số bệnh thường gặp. Hãy cùng xem đó là gì.

Mắt màu sẫm có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn

Mắt màu nâu (Ảnh: Internet).
Mắt màu nâu (Ảnh: Internet).

Những vết mờ xuất hiện trên đồng tử của mắt là dấu hiệu phổ biến của bệnh đục thủy tinh thể, một bệnh làm suy giảm thị lực thường gặp khi lão hóa. Những người có mắt sẫm màu có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn: một nghiên cứu năm 2000 được đăng trên Tạp chí Nhãn khoa Mỹ cho thấy những người mắt sẫm có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn 1,5 đến 2,5 lần.

Bảo vệ mắt khỏi tia cực tím là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn ngừa đục thủy tinh thể đối với tất cả mọi người, nhưng các nhà nghiên cứu khuyến cáo những người có màu mắt sẫm nên đặc biệt thận trọng khi tắm nắng. Hãy mặc áo chống nắng và đội mũ rộng vành để bảo vệ cơ thể tối đa.

Bệnh bạch biến ít phổ biến hơn ở những người mắt xanh lam

Bạch biến là một bệnh làm cho các mảng da trên khắp cơ thể bị mất màu và trở nên trắng bệch do các tế bào da không tạo ra sắc tố như bình thường. Một bản đánh giá năm 2012 tổng hợp các nghiên cứu về bệnh bạch biến được đăng trên tạp chí Nature cho thấy bệnh này ít gặp hơn ở những người có mắt xanh lam.

Bạch biến có biểu hiện là các mảng da màu trắng không có sắc tố (Ảnh: Internet).
Bạch biến có biểu hiện là các mảng da màu trắng không có sắc tố (Ảnh: Internet).

Trong số gần 3.000 bệnh nhân bạch biến tham gia vào nghiên cứu trên (tất cả đều là người da trắng) thì có 27% người mắt xanh lam, 30% mắt màu xanh lục hoặc màu hạt dẻ, và 43% có mắt nâu. Trong khi đó tỷ lệ màu mắt trong dân số chung của người da trắng là 52% xanh lam, 22% xanh lục hoặc hạt dẻ, và 27% nâu.

Tác giả của nghiên cứu là bác sĩ Richard A. Spritz tại Đại học Y khoa Colorado (Mỹ) cho biết các biến thể của 2 gene là TYR và OCA2 vốn có vai trò tạo ra màu mắt xanh cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch biến.

Ung thư hắc tố (melanoma) phổ biến hơn ở những người mắt xanh

Theo bác sĩ Spritz thì “melanoma và bạch biến trông như đối lập nhau” xét trên khía cạnh di truyền học. “Chính những biến thể gene mà chúng tôi thấy giúp bảo vệ khỏi bệnh bạch biến thì lại làm tăng nguy cơ ung thư hắc tố.”

Mắt màu xanh lam (Ảnh: Internet).
Mắt màu xanh lam (Ảnh: Internet).

Một giả thuyết để lý giải hiện tượng này là: bệnh bạch biến là một bệnh tự miễn dịch, tức phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể tấn công các tế bào của bản thân. Phản ứng miễn dịch quá mạnh đó cũng có thể chính là phương thuốc tự nhiên chống lại khối u ác tính, bác sĩ Spritz nói. Mối liên hệ chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng các gene bảo vệ chống lại bệnh bạch biến, gene bảo vệ chống lại melanoma và những gene quyết định số lượng và loại sắc tố của cơ thể dường như có liên quan với nhau.

Những người có mắt sẫm màu có thể nhạy cảm hơn với rượu

Theo một nghiên cứu năm 2001 đăng trên tạp chí Personality and Individual Differences, nếu mắt bạn có màu đen hoặc nâu thì có thể bạn sẽ uống rượu ít hơn so với những người mắt xanh lam hoặc xanh lá cây. Cụ thể, những phụ nữ có màu mắt sáng nói rằng họ uống rượu nhiều hơn, và một nhóm tù nhân có màu mắt sáng cũng cho biết họ nghiện rượu nhiều hơn.

Màu mắt cũng có thể cho biết "tửu lượng" của người đó? (Ảnh: Internet).
Màu mắt cũng có thể cho biết “tửu lượng” của người đó? (Ảnh: Internet).

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những người mắt sẫm màu có thể nhạy cảm hơn với rượu và các loại chất kích thích khác nói chung, do đó họ chỉ cần uống ít hơn là đủ cảm thấy thỏa mãn.

Phụ nữ có màu mắt sáng có thể chịu đau tốt hơn

Trong một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên năm 2014 của Hiệp hội Đau Hoa Kỳ, giáo sư tiến sĩ chuyên ngành gây mê Inna Belfer đã trình bày những phát hiện cho thấy phụ nữ có màu mắt sáng có thể chịu đựng được cảm giác đau đớn và khó chịu nhiều hơn.

Một nhóm nhỏ phụ nữ đã được khảo sát trước và sau khi sinh con, kết quả là những người mắt sẫm màu có biểu hiện lo lắng và rối loạn giấc ngủ nhiều hơn khi bị đau do quá trình sinh đẻ. Những phụ nữ có mắt sẫm màu cũng giảm đau nhiều hơn sau khi được gây tê ngoài màng cứng, chứng tỏ họ nhạy cảm hơn với đau đớn, theo trang MedPage Today.

Màu mắt cũng liên quan với khả năng chịu đau? (Ảnh: Internet).
Màu mắt cũng liên quan với khả năng chịu đau? (Ảnh: Internet).

Những phát hiện này còn rất sơ bộ, nhưng trong tương lai có thể giúp các bác sĩ xác định nguyên nhân di truyền ảnh hưởng tới mức độ đau của mỗi người.

Những người có màu mắt nhạt có nguy cơ dễ bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực sau 50 tuổi là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hay AMD. Đó là tình trạng tổn thương một khu vực nhỏ của mắt gần trung tâm võng mạc làm giảm thị lực, ban đầu có thể là nhìn mờ và nặng dần đến mức xuất hiện các điểm hoàn toàn không nhìn thấy gì.

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng: ngoài hút thuốc lá và tiền sử gia đình có người mắc bệnh này thì màu mắt sáng cũng làm tăng nguy cơ mắc AMD, có thể là gấp đôi. Tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu này đều ở quy mô nhỏ và mối liên hệ chưa rõ ràng, chẳng hạn như AMD phổ biến hơn ở những người da trắng, và tỷ lệ mắt màu nhạt ở họ cũng cao hơn, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy có mối liên hệ nguyên nhân – kết quả giữa hai hiện tượng đó.

Thay đổi màu mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe

Nếu bạn phát hiện lòng trắng của mắt mình bị đỏ lên thì có thể là dấu hiệu của dị ứng. Nếu lòng trắng chuyển sang màu vàng có thể là dấu hiệu mắc các bệnh về gan.

Vàng da vàng mắt là dấu hiệu phổ biến của bệnh gan (Ảnh: Internet).
Vàng da vàng mắt là dấu hiệu phổ biến của bệnh gan (Ảnh: Internet).

Theo các chuyên gia, nếu chỉ một bên mắt bị thay đổi màu sắc mới gần đây thì có thể là dấu hiệu của các bệnh di truyền như u sợi thần kinh – tức là khối u ở mô thần kinh, hoặc hội chứng Waardenburg – thường biểu hiện tai bị điếc và da nhợt nhạt, hoặc thậm chí có thể là dấu hiệu của u ác tính ở mống mắt (phần lòng đen bao quanh lỗ đồng tử).

Một số người có hai màu mắt khác nhau từ khi sinh ra thì thường không có gì đáng lo ngại, vì mức độ sắc tố có thể khác nhau đôi chút giữa hai mắt trong quá trình phát triển. Nhưng nếu bạn phát hiện có sự thay đổi bất thường gần đây thì hãy đi khám để tìm nguyên nhân chính xác.

Như vậy là màu mắt của chúng ta cũng có thể nói lên nhiều điều về nguy cơ sức khỏe. Hãy chăm sóc bản thân mỗi ngày để phát hiện những dấu hiệu bất thường từ sớm nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Ung thư tuyến tiền liệt: Những dấu hiệu nhận biết sớm để điều trị kịp thời

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh khá phổ biến ở nam giới, tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao. Đây được cho là căn bệnh nguy hiểm cần được điều trị sớm và đúng cách, nếu không sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng cho sức khoẻ. Vậy dấu hiệu nào để nhận biết sớm ung thư tuyến ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận