Meta Quest 3 là chiếc kính thực tế ảo mới nhất của Meta, mặc dù các tính năng vẫn chưa hoàn thiện như hứa hẹn của nhà sản xuất nhưng thiết bị này đã đem đến trải nghiệm VR hoàn toàn mới, đặc biệt là trải nghiệm thực tế hỗn hợp – mixed reality cực kỳ thú vị.
Cũng giống như những sản phẩm kính VR trước đây, Meta Quest 3 được cải tiến về mọi mặt so với thế hệ trước như màn hình, bộ điều khiển, ống kính, sự thoải mái và âm thanh tốt hơn. Nhưng điều làm cho nó trở nên khác biệt là khả năng tạo ra thực tế hỗn hợp – mixed reality đem đến trải nghiệm kỳ diệu cho người dùng.
Trong điều kiện ánh sáng tốt, trải nghiệm thực tế hỗn hợp của Meta Quest 3 thật đáng kinh ngạc. Các camera tái hiện màu sắc chân thực khiến bạn không có cảm giác như đang dùng kính VR thông thường, và các tính năng quét không gian xung quanh tạo ra trải nghiệm tương tác trực tiếp với đồ vật của thế giới thực.
Không chỉ có thực tế hỗn hợp, Meta Quest 3 cũng được đánh giá là thiết bị VR độc lập tốt nhất từ trước đến nay, tạo cảm giác đắm chìm và độ phân giải đủ tốt để phục vụ cho nhu cầu làm việc trong cuộc sống.
Thông số kỹ thuật
- Thương hiệu: Meta
- Độ phân giải (mỗi bên): 2064 x 2208
- Loại màn hình: LCD
- Tốc độ làm mới màn hình: lên đến 90Hz
- RAM: 6GB
- Bộ nhớ lưu trữ: 128/512GB
- Kết nối: Wi-Fi 6, Bluetooth, USB-C
- Thời lượng pin: 1,5-2,5 giờ
- Công nghệ theo dõi chuyển động: camera
- Âm thanh nổi tích hợp
- Trọng lượng: 515g
- Bộ xử lý: Snapdragon XR2 thế hệ 2
Ưu điểm
- Công nghệ thực tế hỗn hợp (MR) với góc quan sát rộng
- Kết hợp cả MR và VR chất lượng cao trong một thiết bị độc lập
- Có thể chơi game VR trên PC thông qua cáp hoặc tính năng Virtual Desktop
Nhược điểm
- Thời lượng pin quá ngắn
- Dây đeo loại cơ bản không thoải mái
- Không phải game nào cũng có chế độ thực tế hỗn hợp và chưa có game nào tận dụng tối đa tính năng quét không gian phòng
Mixed reality: Công nghệ hỗn hợp kỳ diệu
Nhiều người vẫn còn nghi ngờ về các thiết bị thực tế ảo VR hay thực tế hỗn hợp MR được quảng cáo rầm rộ, ví dụ như kính HoloLens của Microsoft. Thiết bị này được chế tạo gọn nhẹ dành riêng cho VR nhưng góc quan sát hẹp đến mức không thể tạo cảm giác đắm chìm như mong đợi, màn hình chỉ giới hạn ở giữa và các vật thể ảo biến mất khi ra khỏi phạm vi đó.
Người dùng muốn có một chiếc kính VR với tầm nhìn rộng có thể tạo ra thế giới ảo hoàn toàn thuyết phục và mang đến cảm giác đắm chìm thực sự. Cho đến nay chỉ có Vision Pro của Apple mang đến trải nghiệm thực tế hỗn hợp ở mức độ hài lòng, bằng cách kết hợp kính VR kích thước lớn với camera đầy đủ màu sắc. Nhưng kính Quest 3 của Meta lại có một bước đột phá so với Vision Pro, đó là mức giá phải chăng phù hợp với đa số người dùng bình thường. Bạn có thể mua được 6 chiếc kính Quest 3 với số tiền của một chiếc Vision Pro.
Vậy các tính năng thực tế hỗn hợp của Quest 3 tốt đến mức nào?
Khi mới đeo kính, bạn sẽ nhìn thấy thế giới thực hiện lên rõ ràng đến mức đáng kinh ngạc trong khi bị ngăn cách bởi một lớp kính bảo hộ lớn. Ở chế độ VR cơ bản, khi đang đeo kính bạn có thể nhấn đúp vào nó để tạm dừng và chuyển sang chế độ xem thế giới thực qua camera đầy đủ màu sắc.
Thế hệ Quest 2 cũng có tính năng tương tự nhưng chỉ có màu trắng đen và hình ảnh bị biến dạng. Một cách kiểm tra đơn giản là thử đọc nội dung trên điện thoại của bạn khi đang đeo kính: Quest 2 không thể làm được nhưng Quest 3 cho phép đọc thoải mái. Chỉ cần nhấn đúp vào bên cạnh kính để đọc thông báo trên điện thoại hoặc nói chuyện với mọi người xung quanh, sau đó quay lại chế độ VR dễ dàng.
Đây là một tính năng cực kỳ hữu ích, nhưng chưa đến mức đột phá. Hiện tượng biến dạng hình ảnh vẫn còn tồn tại nhưng đã giảm đi đáng kể và hầu như chỉ xảy ra khi đưa đồ vật đến gần mặt.
Hình ảnh từ 2 camera màu phía trước của Quest 3 có độ phân giải 18 pixel mỗi độ, tức là nhiều hơn gấp 10 lần so với Quest 2 và gấp 3 lần so với Quest Pro. Tuy vậy chất lượng hình ảnh của thực tế hỗn hợp phụ thuộc nhiều vào điều kiện ánh sáng. Giống như các cảm biến camera kích thước nhỏ thông thường, ánh sáng càng yếu thì hình ảnh càng bị nhiều hạt. Thực tế hỗn hợp chỉ hoạt động tốt nhất trong môi trường đủ ánh sáng.
Ngoài chế độ nhìn nhanh thế giới thực khi đang dùng VR, một số game còn có chế độ nhìn xuyên đầy đủ bằng cách thay thế phông nền ảo trước mắt bạn bằng hình ảnh thế giới thực nhưng các đối tượng trong game vẫn được giữ nguyên.
Ví dụ như Demoo là một game phiêu lưu nhập vai góc nhìn từ trên xuống, môi trường của game nằm trong mặt phẳng ảo mà bạn có thể đặt ở bất kỳ đâu trong thế giới thực của mình giống như các trò board game thông thường. Bạn có thể đi trong đó, tung xúc xắc ảo và kéo hình đại diện của mình di chuyển.
Trong game Puzzling Places, bạn sẽ tạo ra một bức tranh ghép hình 3D dựa trên các vật thể và địa điểm trong thế giới thực. Trông hơi lộn xộn với những mảnh ghép rải rác xung quanh bạn, nhưng trải nghiệm chơi ghép hình mà vẫn có thể trò chuyện với mọi người xung quanh thực sự rất thú vị.
SpaceFolk City là game xây dựng thành phố với phong cách dễ thương và thư giãn, trong đó bạn phải thu thập tài nguyên cho thành phố nhỏ bé của mình trong vũ trụ bằng cách tóm lấy các tiểu hành tinh thỉnh thoảng lao qua trước mặt bạn. Hình dưới đây cho thấy hình ảnh bị nhiễu hạt đáng kể trong điều kiện ánh sáng yếu, hình ảnh rõ ràng trên bức tường phía sau là của máy chiếu. Dù vậy game này vẫn chơi được khá tốt.
Không phải game nào cũng có chế độ thực tế hỗn hợp, vì không phải lúc nào cũng cần thiết. Nhìn chung các game tập trung vào khu vực giữa màn hình và sử dụng phông nền thế giới thực sẽ phù hợp với MR.
Tuy nhiên sự kỳ diệu của thực tế hỗn hợp không chỉ dừng lại ở chế độ nhìn xuyên thế giới thực một cách đơn giản, mà các cảm biến độ sâu có thể cung cấp thông tin về không gian. Kính Quest 3 có thể cảm nhận chính xác các bức tường xung quanh bạn và biến chúng thành những vật thể phù hợp với môi trường trong game. Nhưng hiện tại người dùng phải thực hiện một số thao tác thủ công để hỗ trợ tính năng này.
Đáng tiếc là chưa có nhiều game tận dụng tính năng này ngoài một bản demo ngắn cho thấy những sinh vật ảo ngoài hành tinh nhỏ bé xuất hiện trong phòng bạn và các bức tường xung quanh sẽ sụp xuống khi bạn bắn chúng, để lộ ra khung cảnh ảo phía sau.
Ở mức độ cao hơn, hãy tưởng tượng các game bắn súng sơn hay game FPS trong bối cảnh nhà kho với các chướng ngại vật của thế giới thực được dùng làm chỗ ẩn nấp. Đó sẽ là trải nghiệm cực kỳ thú vị.
Tóm lại kính Meta Quest 3 đã mang đến nhiều trải nghiệm thực sự hấp dẫn. Không gì có thể sánh được cảm giác đắm chìm trong những thế giới ảo đa dạng mà VR mang lại. Nhưng người dùng kỳ vọng các tính năng thực tế hỗn hợp có thể được ứng dụng rộng rãi hơn để tăng thêm trải nghiệm cho tất cả các game trong thế giới thực.
Cầm nắm trực tiếp với Direct Touch
Không có cách tương tác nào tự nhiên và quen thuộc hơn bàn tay của chúng ta. Khả năng theo dõi chuyển động bàn tay của VR không phải là mới, nhưng giờ đây nó được hỗ trợ bởi thực tế hỗn hợp cho phép người dùng tương tác với các yếu tố trong thế giới ảo một cách hiệu quả hơn.
Với tính năng Direct Touch của Meta Quest 3, bạn có thể tương tác trực tiếp với không gian thực tế hỗn hợp bằng cách chạm và kéo thanh cuộn hoặc di chuyển các cửa sổ giống như máy tính bảng trong thế giới thực.
Nhưng hiện tại người dùng vẫn chưa thể kéo thả các vật thể tương tác liên tục xung quanh mình giống như các bản demo đã hứa hẹn. Thay vào đó bạn phải nhấc và kéo màn hình chính khi di chuyển, nhưng đây vẫn là một tính năng hữu ích dù chỉ mới ở giai đoạn sơ khai. Bộ điều khiển vẫn đem lại cảm giác tuyệt vời ở mọi mặt, thoải mái và nhẹ nhàng, đặc biệt là không cần đeo các vòng theo dõi chuyển động như trước đây.
Âm thanh
Âm thanh chưa bao giờ là điểm mạnh của kính Quest, cảm giác luôn mờ nhạt và bị rè. Nhưng Quest 3 đã thay đổi điều đó, mặc dù âm thanh vẫn chưa hoàn hảo nhưng đã tốt hơn rất nhiều và có thể chấp nhận được đối với đa số người dùng. Nếu bạn đã thấy hài lòng với âm thanh của Quest 2 thì chắc chắn sẽ không thất vọng với Quest 3.
Cảm giác thoải mái
Có một chút thay đổi ở dây đeo cơ bản của Quest 3. Dây được làm bằng vải đàn hồi có thể thắt chặt ở sau gáy và trên đỉnh đầu. Mỗi người có cảm nhận khác nhau về dây đeo này, nhưng nếu bạn không tìm được dây khác tốt hơn thì vẫn tạm chấp nhận được.
Phía trước mặt là một lớp vải mềm mại và thoáng khí, chỉ để lọt một chút ánh sáng quanh mũi. Nếu bạn muốn tập thể dục hay chơi thể thao với VR thì có lẽ nên thay bằng chất liệu silicone phù hợp hơn.
Kính Quest 3 có khả năng điều chỉnh khoảng cách đồng tử và 4 mức độ giảm đau mắt, cho phép bạn có thể đẩy màn hình ra khỏi mắt nếu cần, ví dụ như khi đeo kính cận. Nhưng lưu ý rằng điều này sẽ làm giảm tầm nhìn VR của bạn.
Thật khó để đánh giá sự thoải mái của kính VR nói chung vì mỗi người có hình dạng khuôn mặt khác nhau. Nhìn chung thiết kế mặt trước của Quest 3 không có gì đổi mới đáng kể và nhiều người cho biết không gặp vấn đề khó chịu gì sau khi sử dụng kéo dài khoảng 2 giờ.
Chất lượng màn hình
Màn hình LCD kép có độ phân giải tới 2064 x 2208 mỗi bên, gấp đôi so với HD. Nhưng trên thực tế bạn rất ít khi được trải nghiệm độ phân giải đó. Khi sử dụng thiết bị độc lập, giao diện người dùng và hầu hết các game đều đạt độ phân giải 1680 x 1760, tức là 1x trên thang độ phân giải tiêu chuẩn.
Trên thực tế các nhà phát triển có thể tăng độ phân giải cao hơn như 1,1x hoặc 1,2x, nhưng với điều kiện thiết bị phải được tối ưu hóa để xử lý độ phân giải cao với chất lượng tốt. Người dùng bình thường không thể tự điều chỉnh cài đặt của thiết bị để tăng độ phân giải cao hơn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là số pixel của kính Quest 3 bị lãng phí, vì các nội dung độ phân giải thấp được hiển thị trên màn hình có độ phân giải cao vẫn đem đến trải nghiệm tốt hơn.
Lưu ý rằng đây không phải là màn hình OLED, vì vậy không thể có màu đen sâu chân thực cũng như chất lượng HDR giống như PSVR2, nhưng nhìn chung vẫn khá tốt.
Màn hình không phải là yếu tố duy nhất quyết định hình ảnh, mà còn phụ thuộc vào ống kính. Quest 3 được trang bị thấu kính pancake dạng phẳng giống truyền thống hơn thay vì thấu kính Fresnel có các vòng tròn đồng tâm đặc trưng. Loại thấu kính này có điểm tâọ trung hình ảnh lớn hơn, tầm nhìn rõ hơn và ít hiệu ứng “tia chói” hơn – đó là các vệt trắng lớn xuất hiện khi có vật sáng trên nền tối.
Tóm lại chất lượng hình ảnh của Meta Quest 3 chưa đến mức hoàn hảo và cũng không phải là tốt nhất so với các thiết bị VR khác, nhưng vẫn khá tốt và được cải thiện hơn nhiều so với Quest 2.
Thời lượng pin
Đáng tiếc khi đây là điểm trừ của Quest 3 so với thế hệ trước, mặc dù công suất pin lên tới 19,44Wh lớn hơn so với 14,33Wh của Quest 2.
Trải nghiệm thực tế cho thấy sau lần sạc đầy đầu tiên và tải thư viện game, Quest 3 đã hết pin chỉ sau khoảng 1 giờ. Nếu không tải xuống nhiều dữ liệu, pin có thể kéo dài hơn từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Chế độ thực tế hỗn hợp làm hết pin nhanh hơn, có thể là do tính năng nhìn xuyên thế giới thực.
Meta có bán loại dây đeo Elite kèm pin bổ sung giúp tăng gấp đôi thời gian chơi game của kính Quest 3, nhưng giá đắt 130 USD và dường như hay bị lỗi, vì vậy có lẽ chưa phải lúc thích hợp để mua nó.
Kết nối Quest Link
Nếu bạn có một chiếc máy tính PC đủ mạnh để chạy VR thì nên mua kính VR có dây nối với máy hay thiết bị độc lập như Meta Quest? Thực ra bạn không cần phải chọn vì tính năng Quest Link có thể kết nối kính Quest 3 với máy tính thông qua cáp USB-C hoặc kết nối không dây bằng Wi-Fi 6.
Đây là ưu điểm có thể thuyết phục người dùng mua Quest 3 thay vì các loại kính VR khác. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dường như tính năng này của Quest 3 không có sự cải thiện đáng kể so với thế hệ Quest 2. Vì vậy nếu bạn chỉ dùng kính VR kết nối với máy tính thì không cần thiết phải mua Quest 3.
Ứng dụng Remote Desktop – máy tính từ xa
Bên cạnh tính năng Quest Link khai thác sức mạnh của máy tính PC để chạy VR, ứng dụng Remote Desktop cho phép đưa môi trường máy tính cơ bản vào VR/AR và di chuyển trong thế giới ảo giống như một cửa sổ bình thường trên màn hình máy tính. Ví dụ bạn có thể xem màn hình máy tính như bình thường và có thêm chế độ xem trình duyệt ảo bổ sung ở hai bên.
Đây là tính năng rất thú vị nhưng có lẽ không quá cần thiết với đa số người dùng. Phần mềm Remote Desktop tương thích cho cả Windows và Mac OS. Tuy nhiên bạn hầu như không thể tương tác với máy tính ở chế độ ảo này, vì vậy đây chỉ là trải nghiệm xem thụ động chứ không phải điều khiển máy tính từ xa thực sự. Bạn vẫn phải dùng chuột và bàn phím ở gần máy tính để thao tác như bình thường.
Một giải pháp có thể thay thế cho cả tính năng Quest Link và Remote Desktop là ứng dụng Virtual Desktop có trả phí từ bên thứ ba. Trải nghiệm thực tế cho thấy nó đáng tin cậy hơn và bạn có thể tương tác với máy tính qua kết nối Wi-Fi tốc độ cao, cũng như chơi bất kỳ game PCVR nào từ Steam hay Oculus.
Tóm lại: Có nên mua Meta Quest 3 không?
Công nghệ thực tế hỗn hợp của Meta Quest 3 thực sự tốt và có thể làm hài lòng những game thủ VR khó tính cũng như những người còn nghi ngờ về thực tế ảo. Vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết ở tính năng quét không gian phòng mới được bổ sung, và chưa có game nào tận dụng được môi trường xung quanh một cách tối ưu. Nhưng chất lượng tổng thể của chiếc kính này vẫn được đánh giá cao.
Mọi khía cạnh của Quest 3 đều được cải thiện đáng kể so với Quest 2 ngoại trừ thời lượng pin, có lẽ do nhiều tính năng mới được tăng cường làm tốn pin nhiều hơn. Với mức giá 500 USD cho mẫu cơ bản có bộ nhớ 128GB và 650 USD cho phiên bản 512GB, đây không hẳn là lựa chọn hợp túi tiền giống như Quest 2 có giá từ 300 USD, mà có lẽ dành cho những người đam mê VR hoặc muốn nâng cấp trải nghiệm lên tầm cao mới. Tuy nhiên có rất nhiều sự bổ sung hấp dẫn được hứa hẹn trong tương lai gần, ví dụ như các game mới được thông báo trên trang web bán hàng nhưng chưa được phát hành chính thức trong vài tháng nữa. Hiện tại đây là chiếc kính VR độc lập tốt nhất và sẽ tốt hơn nữa khi có thêm các tính năng mới.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- Những điều cần nhớ khi mua headset VR để chọn thiết bị tốt với giá phải chăng
- Headset Vision Pro của Apple sẽ mở ra kỷ nguyên mới thay thế iPhone?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Hãy giúp mình đánh giá bài viết này bằng cách để lại nhận xét của các bạn ở phần bình luận nhé.