“Hút thuốc lá gây ung thư phổi” là lời cảnh báo có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, thuốc lá đã thực sự tác động đến sức khỏe chúng ta như thế nào thì không nhiều người hiểu rõ. Hãy đọc bài viết sau của BlogAnChoi để tìm được lời giải đáp nhé!

Theo thống kê, những người đàn ông hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 23 lần so với những người không hút thuốc, và phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 13 lần so với những người không hút thuốc. Nhìn chung, nguyên nhân gây ra ung thư phổi ở Mỹ 80 – 90% được chẩn đoán là do hút thuốc lá.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn nghe những lời bình luận như “bác tôi hút thuốc trong 60 năm mà không bị ung thư phổi” hay “cô của tôi chưa bao giờ hút thuốc nhưng bị ung thư phổi”. Vậy thực chất hút thuốc lá đã gây ung thư phổi bằng cách nào?

thuốc lá gây ung thư phổi
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi (Nguồn: Internet).

Chất gây ung thư trong khói thuốc lá là gì?

Trong số hàng nghìn hóa chất có trong khói thuốc lá, có khoảng 70 chất gây ung thư phổi. Một số trong đó bao gồm:

  • Asen (Được tìm thấy trong chất độc chuột)
  • Nicotin
  • Benzen (Một thành phần của dầu thô thường được sử dụng để tạo ra các hóa chất khác)
  • Cadmium (Có trong pin)
  • Crôm
  • Niken
  • Vinyl clorua (Có trong nhựa và bộ lọc thuốc lá)
  • Các amin thơm
  • Formaldehyde (Chất trong dung dịch dùng để ướp xác)
  • Acetaldehyde
  • Acrylonitrile
  • Polonium-210 (Kim loại nặng phóng xạ)

Trong số các hóa chất trên, Nicotin có lẽ là chất đáng lưu ý nhất và cũng là chất được nhắc tới nhiều nhất khi nói về tác hại của thuốc lá. Thế nhưng nghiên cứu đã chứng minh, Nicotin không thực sự gây ung thư phổi mà nó đóng vai trò như một chất kích thích – làm cho các nhân tố ung thư phổi tiền căn phát triển nhanh và mạnh hơn.

khói thuốc lá
Trong khói thuốc lá có ít nhất 70 chất gây ung thư phổi (Nguồn: Internet).

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng hoặc giảm tác hại của thuốc lá. Thành phần trong mỗi loại thuốc lá đều khác nhau. Ngoài ra, một chất riêng biệt có thể không phải yếu tố quá mạnh để gây ung thư phổi, tuy nhiên khi kết hợp với nhau lại vô cùng nguy hiểm.

Hút thuốc lá gây ung thư phổi như thế nào?

Để một tế bào bình thường biến thành một tế bào ung thư, nó phải trải qua một quá trình gọi là đột biến gen. Các chất độc trong thuốc lá có thể gây nên sự đột biến này bằng nhiều cơ chế khác nhau.

1. Tổn thương trực tiếp DNA

Chất gây ung thư trong khói thuốc lá trực tiếp tác động lên DNA của tế bào phổi dẫn đến thay đổi cấu trúc và gây đột biến. Ngoài ra, một số hóa chất, chẳng hạn như Crôm sẽ làm các chất gây ung thư khác dính chặt vào DNA của tế bào nhu mô phổi, lấp đầy các khoảng kẽ, giảm thông khí, tăng xơ hóa và tăng nguy cơ tổn thương.

Thuốc lá gây đột biến gen
Chất độc trong thuốc lá có thể là nguyên nhân biến đổi cấu trúc nhiều gen (Nguồn: Internet).

2. Ảnh hưởng chức năng sửa chữa DNA

Ngay cả khi DNA trong tế bào của chúng ta bị hư hại do một nguyên nhân nào đó, thì cơ thể cũng sẽ có một hệ thống các gen làm nhiệm vụ sửa chữa DNA bị hư hỏng. Các gen này được gọi là gen ức chế khối u. Tuy nhiên, Asen và Niken trong khói thuốc lại xen vào quá trình thực hiện hoạt động sửa chữa DNA hỏng của các gen này.

3. Viêm

Khói thuốc lá có thể gây tổn thương nhu mô phổi gây nên hiện tượng viêm. Khi đó các tế bào phải phân chia thường xuyên hơn để bổ sung các tế bào bị hư hại hoặc các tế bào chết. Trong quá trình phân chia xác xuất xảy ra sai sót là không thể tránh khỏi và cũng chính những sai sót này làm tăng nguy cơ hình thành ung thư phổi.
ung thư phổi
Phổi có thể bị tổn thương nặng nề do khói thuốc (Nguồn: Internet).

4. Giảm chức năng lọc độc tố của hệ thống lông mao

Lông mao là những phần phụ giống như tóc nhỏ ở đường dẫn khí. Hệ thống lông mao trải dài sẽ lọc độc tố ở khí vào, đẩy chúng lên và ra khỏi đường hô hấp. Độc tố trong khói thuốc lá, chẳng hạn như Formaldehyde, sẽ làm tổn thương hệ thống này. Ngoài ra, lượng hóa chất ở khói thuốc quá nhiều có thể vượt quá khả năng lọc của cơ thể, chúng sẽ ở lại lâu hơn trong đường hô hấp và gây thương tổn.

5. Ảnh hưởng chức năng miễn dịch

Hệ thống miễn dịch của cơ thể có chức năng thải trừ độc tố, loại bỏ các yếu tố gây viêm, diệt tế bào ung thư giai đoạn đầu. Tuy nhiên, những chất độc nêu trên trong khói thuốc lá có thể gây suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch, chính vì thế hệ thống này không đảm bảo được mức hoạt động tối ưu.

tránh hít khói thuốc
Hãy chủ động bảo vệ bản thân trước tác hại của thuốc lá (Nguồn: Internet).

Thuốc lá không chỉ gây tổn hại tới người hút, mà còn tác động tiêu cực hơn đối với mọi người xung quanh. Khói thuốc thụ động là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Nó là hung thủ gây ra khoảng 7300 ca tử vong do ung thư phổi và 34000 ca tử vong do bệnh tim mạch mỗi năm. Người không hút thuốc sống chung với người hút thuốc có khả năng mắc bệnh ung thư phổi cao hơn 20-30%.

Vì thế, khi đi đến nơi công cộng không thể tránh được khói thuốc thụ động, bạn hãy chú ý đeo khẩu trang có màng lọc chất lượng để ngăn ngừa ung thư nhé. Bạn có thể tìm mua khẩu trang cao cấp tại đây.

Một số bài viết liên quan về bệnh ung thư hay gặp bạn có thể tham khảo:

Như đã nói ở trên, rõ ràng là hút thuốc lá gây ung thư phổi, thậm chí cả những người đã bỏ thuốc hay hít khói thuốc thụ động đều có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá và cải thiện lối sống theo một cách khác tốt hơn. Hãy tránh xa thuốc lá vì sức khỏe của chính bạn và những người xung quanh.

Đừng quên tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích nhé!

Xem thêm

Tác hại của stress gây ảnh hưởng tới cơ thể chúng ta như thế nào?

Stress là một vấn đề phổ biến mà tất cả mọi người đều gặp phải. Tác hại của stress gây ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống của cơ thể bao gồm hệ cơ xương khớp, hô hấp, tim mạch, nội tiết, tiêu hóa, thần kinh và sinh sản. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu chi tiết trong bài ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận