Bệnh đái tháo đường xảy ra phổ biến ở người thừa cân, béo phì, ít vận động hoặc thường xuyên bị áp lực (stress) trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Vậy cần ăn uống như thế nào để kiểm soát đường huyết một cách tốt nhất, cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!

Bệnh đái tháo đường type 2 là gì?

Ở người khỏe mạnh, tuyến tụy là cơ quan giúp duy trì lượng đường trong máu (hay còn gọi là đường huyết) ở mức bình thường. Ở người bệnh đái tháo đường type 2, cơ thể người bệnh kháng lại tác dụng của insulin, làm cho đường huyết tăng trên mức bình thường.

Một người được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường type 2 là khi xét nghiệm máu có đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dl (7,0mmol/l) hay xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên ≥ 200mg/dl (11,1mmol/l) hoặc khi tiến hành làm test dung nạp glucose thì giá trị đường huyết sau 2 giờ ≥ 200mg/dl hay HbA1c > 6,5%.

Biến chứng của đái tháo đường type 2 (Nguồn: Internet)
Biến chứng của đái tháo đường type 2 (Nguồn: Internet)

Người bệnh nếu không kiểm soát tốt được đường huyết, lâu ngày bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, mù mắt,… hoặc đợt tăng hay hạ đường huyết, hôn mê hoặc tử vong. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường type 2 vẫn có được sức khỏe bình thường cũng như không bị biến chứng nếu được kiểm soát tốt đường huyết.

Để có thể kiểm soát tốt được đường huyết thì cần có sự phối hợp của chế độ dinh dưỡng (chế độ ăn) đúng cách, tập luyện thể chất đều đặn và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Vì sao phải có chế độ dinh dưỡng đúng trong bệnh đái tháo đường type 2?

Ngay từ khi có chẩn đoán bệnh, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn đúng cách vì giúp:

  • Đạt được cân nặng cơ thể hợp lý (không béo phì, không suy dinh dưỡng)
  • Đạt được và duy trì đường huyết ở trong mức bình thường.
  • Giữ cho các chỉ số mỡ trong máu (cholesterol, HDL-C, LDL-C, triglyceride) ở trong mức bình thường.
  • Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các biến chứng do bệnh đái tháo đường type 2 gây ra.

Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đúng cách cho người bệnh

Nguyên tắc chung:

  • Ăn đủ năng lượng cần thiết trong ngày cho người không thừa cân, béo phì hoặc không bị suy dinh dưỡng. Thông thường 25kcal/kg/ngày cho người lao động nhẹ (như không hoặc rất ít vận động, ngồi nhiều,…); 30kcal/kg/ngày cho người lao động mức độ trung bình (công việc đi lại/đứng nhiều, làm nông,…), 35-40kcal/kg/ngày cho người lao động mức độ nặng hoặc rất nặng (khuân vác, thợ hồ, vận động viên chuyên nghiệp,…).
    • Ví dụ: Một người có cân nặng 50kg, lao động nhẹ thì năng lượng trong ngày là 1250kcal
  • Ăn giảm năng lượng để giảm cân ở những người thừa cân béo phì hoặc ăn tăng năng lượng để tăng cân ở những người bị suy dinh dưỡng:
    • Thừa cân/béo phì: Thừa cân là khi BMI (chỉ số khối cơ thể – Body mass Index) từ 23,0 đến dưới 25,0; béo phì là khi BMI ≥ 25,0. BMI = Cân nặng (kg) : (Chiều cao × Chiều cao) (m). Nên giảm trung bình 500kcal/ngày trong khẩu phần ăn hoặc giảm > 500kcal/ngày đối với người béo phì nặng (BMI>30) dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
    • Suy dinh dưỡng: Khi BMI < 18,5 hoặc người có sụt cân ≥ 5% cân nặng khi vừa mới xuất viện về. Tỉ lệ % sụt cân = (số kg cơ thể mất : số kg cơ thể trước khi bị sụt cân) × 100.
  • Tăng thêm trong khẩu phần ăn trung bình 300kcal/ngày như có thêm 1 bữa phụ
Bữa phụ với yến mạch và sữa chua (Nguồn: Internet)
Bữa phụ với yến mạch và sữa chua (Nguồn: Internet)
  • Ăn 3 bữa và có thể có 1 bữa phụ (như ở bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc ở những người có nghề nghiệp đặc biệt như công việc phải làm khuya,…). Tránh bỏ bữa vì dễ có nguy cơ hạ đường huyết.
  • Lượng thức ăn giàu chất bột đường trung bình nên từ 45-60% tổng năng lượng hoặc có thể thấp hơn nếu mức đường huyết kiểm soát bằng thuốc và dinh dưỡng không hiệu quả. Khi đó, chế độ ăn nên được điều chỉnh theo từng cá thể của bệnh nhân bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
  • Tăng lượng đạm cung cấp: Trung bình 15 – 20% tổng năng lượng, trừ khi có bệnh thận mạn thì cần giảm lượng đạm nạp vào theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Cung cấp đủ chất béo: Từ 25 – 30% tổng năng lượng trong ngày. Trong đó, phần trăm chất béo no < 7%, chất béo không no một nối đôi MUFA 10 – 15% và chất béo không no nhiều nối đôi PUFA ≤ 10%; hàm lượng cholesterol cung cấp tối đa 200mg/ngày.
  • Chất xơ 20 – 30g/ngày, ưu tiên sử dụng chất xơ hòa tan
  • Ăn dưới 5g muối/ ngày (1 muỗng sữa chua muối gạt ngang = 1g muối)
  • Hạn chế thức uống có cồn. Lượng rượu bia một ngày có thể dùng tối đa cho nam là 1 lon bia # 330 ml hoặc 150ml rượu vang hay 45ml rượu mạnh (whiskey). Đối với nữ, lượng rượu bia bằng một nửa của nam.
Nói không với thức uống có cồn (Nguồn: Internet)
Nói không với thức uống có cồn (Nguồn: Internet)

Uống đủ lượng nước trong ngày nhằm tránh táo bón, đặc biệt ở người lớn tuổi, trung bình 2 lít/ngày.

Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:

Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.

Tài liệu tham khảo:

Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường

Xem thêm

10 loại gia vị thông dụng có nguồn gốc từ lá tốt cho sức khỏe, bạn đã biết chưa?

Gia vị là thành phần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ẩm thực. Ngoài công dụng giúp tăng thêm mùi vị món ăn, gia vị còn có thể bảo quản thực phẩm và khiến món ăn trở nên bắt mắt hơn. Trong bài viết này hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về một số loại gia vị thông ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
User 1d19f3fa

Hay quá điii