Hầu hết điện thoại hiện nay đều chứa các ứng dụng có tính năng theo dõi, mặc dù chúng thường hoạt động hợp lệ nhưng có thể bị kẻ xấu lợi dụng để thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng. Vậy đâu là dấu hiện nghi ngờ điện thoại của bạn đang bị theo dõi và làm cách nào để bảo vệ bản thân trong những trường hợp như vậy? Hãy cùng khám phá nhé!

Điện thoại của bạn có thể bị theo dõi như thế nào?

Hoạt động theo dõi từ xa có thể thu thập dữ liệu của bạn từ các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, hoạt động lướt web trên trình duyệt, hình ảnh, video, ứng dụng, v.v. Quá trình theo dõi thường được thực hiện thông qua các phần mềm gián điệp – một dạng phần mềm độc hại được thiết kế chuyên dụng để theo dõi hoạt động của thiết bị.

Nhiều ứng dụng có khả năng theo dõi hoạt động của người dùng trên điện thoại (Ảnh: Internet)
Nhiều ứng dụng có khả năng theo dõi hoạt động của người dùng trên điện thoại (Ảnh: Internet)

Nhưng điều đó không có nghĩa là kẻ tấn công có thể lấy được tất cả thông tin của bạn cùng một lúc, ví dụ chúng chỉ biết được những trang web mà bạn đã truy cập và những người thường xuyên liên lạc với bạn nhưng không xem được nội dung tin nhắn của bạn. Mức độ theo dõi nhiều hay ít phụ thuộc vào phần mềm theo dõi cụ thể.

Nhưng bên cạnh đó cũng có các ứng dụng giám sát thực hiện theo dõi để đảm bảo an toàn và cho phép cha mẹ kiểm soát con của mình, với các tính năng như chia sẻ vị trí, điều khiển điện thoại từ xa, v.v.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu điện thoại của bạn đang bị theo dõi bởi kẻ xấu? Trên thực tế người khác hầu như không thể theo dõi điện thoại của bạn từ xa mà không tiếp cận trực tiếp với điện thoại, trừ khi bạn thực hiện một trong những điều sau đây:

  • Vô tình cài đặt ứng dụng độc hại từ các cửa hàng ứng dụng không uy tín
  • Chia sẻ thông tin xác thực của bạn trên các trang web hoặc ứng dụng lừa đảo
  • Sử dụng phần mềm thiết bị lỗi thời trong thời gian dài (như 1 năm hoặc hơn)

Dấu hiệu nghi ngờ điện thoại của bạn đang bị theo dõi

1. Ứng dụng lạ được cài trong điện thoại

Kiểm tra các ứng dụng lạ trong điện thoại (Ảnh: Internet)
Kiểm tra các ứng dụng lạ trong điện thoại (Ảnh: Internet)

Khi sử dụng điện thoại, bạn nên chú ý phát hiện những ứng dụng lạ mà bạn không chủ động cài đặt. Các ứng dụng độc hại thường có khả năng tự động tải và cài đặt nhiều công cụ bổ sung để thực hiện việc theo dõi thiết bị và lấy thông tin của người dùng. Vì vậy nếu bạn phát hiện ứng dụng lạ trong điện thoại thì hãy coi đó là dấu hiệu nghi ngờ.

Hãy tìm hiểu thông tin về ứng dụng lạ để kiểm tra xem nó có bị những người dùng khác báo cáo là độc hại hay không, và nếu bạn cảm thấy không an toàn thì hãy xóa nó ngay lập tức. Các nhà sản xuất điện thoại luôn thông báo cho người dùng về các ứng dụng mới sắp được cài đặt trên điện thoại cùng với các bản cập nhật phần mềm, vì vậy bạn có thể biết được ứng dụng lạ có an toàn hay không.

2. Sử dụng dữ liệu mạng quá nhiều ở chế độ chạy ngầm

Bạn nên thường xuyên theo dõi mức sử dụng dữ liệu mạng ở chế độ chạy ngầm của điện thoại, nếu mức dữ liệu này đột ngột tăng cao hơn đáng kể so với mức mà bạn sử dụng thường xuyên thì hãy nghi ngờ và kiểm tra xem đâu là nguyên nhân gây ra điều đó.

Kiểm tra mức sử dụng dữ liệu mạng của các ứng dụng (Ảnh: Internet)
Kiểm tra mức sử dụng dữ liệu mạng của các ứng dụng (Ảnh: Internet)

Ngoài ra bạn cũng nên kiểm tra chức năng phát sóng mạng của điện thoại có được bật hay không, nếu có thì hãy kiểm tra xem có thiết bị lạ nào kết nối trái phép hay không.

3. Lịch sử trình duyệt web không phù hợp

Bạn phát hiện có nội dung lạ trong lịch sử trình duyệt của điện thoại không khớp với những nội dung mà bạn đã truy cập? Đó là dấu hiệu đáng ngờ có thể cho thấy điện thoại của bạn đã bị nhiễm phần mềm gián điệp. Một số loại mã độc có thể tự động truy cập các trang web lừa đảo để tự động tải và cài đặt phần mềm gián điệp, hoặc thực hiện các hành vi bất hợp pháp khác trên thiết bị của bạn.

4. Điện thoại nhanh hết pin

Nếu bạn nhận thấy điện thoại bị hao pin bất thường thì hãy kiểm tra các ứng dụng chạy ngầm và nội dung tải xuống để xem có vấn đề đáng nghi hay không, bởi vì các phần mềm gián điệp thường chạy ngầm trong điện thoại làm hao pin nhanh chóng. Một số dòng điện thoại có chức năng thống kê mức sử dụng pin, ví dụ iPhone hiển thị mức sử dụng pin của từng ứng dụng cụ thể cho phép người dùng kiểm tra dễ dàng.

Kiểm tra mức sử dụng dữ liệu pin của các ứng dụng (Ảnh: Internet)
Kiểm tra mức sử dụng dữ liệu pin của các ứng dụng (Ảnh: Internet)

5. Các hiện tượng lạ xảy ra với điện thoại

Điện thoại tự khởi động lại một cách bất thường có thể là do trục trặc phần cứng, nhưng tốt nhất là bạn nên nhờ những người có kinh nghiệm kiểm tra để tìm hiểu lý do chính xác. Nếu điện thoại không bị lỗi phần cứng thì nguyên nhân gây ra các hiện tượng lạ có thể là phần mềm độc hại.

Các dấu hiệu khác cho thấy điện thoại của bạn đang bị theo dõi là tự động sáng màn hình hoặc bị treo máy thường xuyên. Cũng như trên, nguyên nhân có thể là do sự cố phần cứng nhưng nếu bạn khởi động lại mà vẫn không giải quyết được thì hãy kiểm tra xem có phần mềm gián điệp hay không.

6. Điện thoại đã root hoặc jailbreak

Bạn cũng nên kiểm tra xem điện thoại của mình đã được root (Android) hoặc bẻ khóa jailbreak (iOS) hay không. Nếu điện thoại đã được thực hiện những thủ thuật này nhưng không đảm bảo an toàn thì có thể gây ra lỗ hổng bảo mật và ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bạn.

Lý do là vì bẻ khóa và root có thể vô hiệu hóa các tính năng bảo mật và quyền riêng tư quan trọng trên điện thoại cũng như ảnh hưởng đến các bản cập nhật bảo mật. Điều này có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu truy cập vào dữ liệu được mã hóa và khả năng điện thoại bị hack dễ dàng hơn.

7. Điện thoại thường xuyên bị nóng

Điện thoại bị nóng bất thường (Ảnh: Internet)
Điện thoại bị nóng bất thường (Ảnh: Internet)

Có rất nhiều nguyên nhân khiến điện thoại bị nóng, và hoạt động theo dõi là một trong số đó. Nếu điện thoại của bạn thường xuyên bị nóng bất thường và bạn đã loại trừ các nguyên nhân khác thì có thể là do phần mềm độc hại đang thực hiện theo dõi trên điện thoại. Tính năng theo dõi chạy ngầm liên tục tạo ra nhiều nhiệt, đó cũng là lý do khiến pin của điện thoại có thể bị cạn nhanh hơn.

8. Yêu cầu cấp phép đáng ngờ

Nếu điện thoại của bạn xuất hiện yêu cầu cấp quyền truy cập dữ liệu một cách bất thường thì có thể nguyên nhân là do ai đó đang cố gắng tiếp cận dữ liệu của bạn. Đừng bao giờ cấp quyền theo yêu cầu trên điện thoại trừ khi bạn biết rõ ứng dụng nào đưa ra yêu cầu đó và bạn hoàn toàn tin tưởng vào nó. Ví dụ nếu một ứng dụng hoặc dịch vụ yêu cầu cấp quyền truy cập camera hoặc micrô của điện thoại thì hãy đặt câu hỏi tại sao.

9. AirTag và các thiết bị theo dõi Bluetooth

Sử dụng thiết bị theo dõi như AirTag là cách tuyệt vời để theo dõi đồ dùng của bạn, nhưng kẻ xấu có thể lợi dụng chúng để theo dõi người khác. Bạn có thể kiểm tra xem mình có đang bị AirTag theo dõi hay không bằng cách xem thông báo trên iPhone và lời nhắc bằng giọng nói. Lưu ý rằng AirTag cũng có thể theo dõi các thiết bị Android.

Tìm thiết bị theo dõi bằng điện thoại (Ảnh: Internet)
Tìm thiết bị theo dõi bằng điện thoại (Ảnh: Internet)

Ngoài ra AirTag không phải là thiết bị theo dõi Bluetooth duy nhất trên thị trường hiện nay. Năm 2024, Apple và Google đã hợp nhất các tính năng cảnh báo theo dõi Bluetooth của họ để giúp mọi người dễ dàng kiểm tra xem thiết bị của mình có đang bị theo dõi hay không.

Làm cách nào để không bị theo dõi trên điện thoại và tự bảo vệ mình?

Nếu bạn nghi ngờ hoặc chắc chắn điện thoại của mình đang bị theo dõi thì dưới đây là những việc bạn có thể làm để ngăn chặn hành vi của kẻ xấu:

  • Gỡ cài đặt các ứng dụng lạ
  • Đưa các ứng dụng vào danh sách đen
  • Chỉ cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (hoặc các trang tải file APK an toàn như F-Droid)
  • Khôi phục cài đặt gốc cho điện thoại
  • Nếu điện thoại của con bạn bị theo dõi thì hãy bật ứng dụng hoặc tính năng kiểm soát dành cho cha mẹ
  • Không mở file đính kèm hay nhấp vào link trong email được gửi từ người lạ
  • Cài ứng dụng chống virus cho điện thoại
  • Reset cài đặt của trình duyệt web trên điện thoại
  • Sử dụng VPN hoặc các biện pháp bảo vệ khác khi truy cập mạng Wi-Fi công cộng

Thông thường, cách hành động tốt nhất để chặn theo dõi trên điện thoại là thực hiện khôi phục cài đặt gốc. Cách này đảm bảo loại bỏ mọi ứng dụng, dịch vụ và file chứa mã độc khỏi điện thoại mà không mất nhiều thời gian để kiểm tra.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Malware, Trojan, virus và worm là gì? Những khái niệm thường gặp mà không phải ai cũng hiểu rõ!

Virus máy tính không xa lạ gì với chúng ta, nhưng còn malware, Trojan hay worm thì sao? Bạn đã hiểu rõ về những mối đe dọa trên không gian mạng này chưa? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận